4 cơ quan siêu quyền lực bên trong IS

Thứ Bảy, 15/07/2017, 16:09
Trong những ngày hấp hối của cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo tự xưng" (IS) tại Iraq, Syria, qua những hồ sơ, tài liệu quân đội Iraq và liên quân do Mỹ dẫn đầu thu thập được cùng những lời khai của tù binh và những kẻ đào ngũ, thế giới đã có một cái nhìn sâu hơn về mạng lưới an ninh đầy quyền lực của tổ chức khủng bố IS, mạng lưới mà ngay cả những chiến binh IS cũng phải rùng mình kinh khiếp mỗi khi nhắc đến…

Năm 2003, sau khi người Mỹ đưa quân vào Iraq lật đổ Tổng thống Saddam Hussein thì một nhân vật cầm đầu nhánh al-Qaeda ở Iraq là Abu Musab al-Zarqawi, người Jordan, đã cho ra đời một tổ chức mang tên "ad-Dawlah al-Islamiyah fi Iraq wa-sh-Sham - Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông". Rất nhanh chóng, "nhà nước" này được sự hỗ trợ bởi một loạt các nhóm nổi dậy, gồm Hội đồng Mujahideen Shura, Jaysh al-Fatiheen, Jund al-Sahaba, Katbiyan Ansar Al-Tawhid wal Sunnah và Jeish al-Taiifa al-Mansoura…

Năm 2006, Abu Musab al-Zarqawi bị đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt, Abu Bakr al-Baghdadi lên thay rồi sau đó, "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" lần lượt chiếm được nhiều phần lãnh thổ của cả Iraq lẫn Syria. Đến giữa năm 2014, nó đã kiểm soát một vùng đất, chạy dài từ miền bắc Syria, qua các thị trấn, làng mạc dọc theo thung lũng sông Tigris và Euphrates đến ngoại ô Baghdad, Iraq với hàng triệu cư dân cùng các nguồn tài nguyên dầu mỏ quan trọng.

Al-Khal Abu Ismail, chỉ huy Tiểu đoàn tử vì đạo Ali Khazzaam.

Ngày 29-6-2014, Abu Bakr al-Baghdadi chính thức tuyên bố thành lập "Nhà nước Hồi giáo - Islam States - viết tắt là IS" tại thành phố Mosul rồi tự xưng làm thủ lĩnh (tháng 5 năm nay, phía Nga đưa tin đã tiêu diệt được Baghdadi). Cơ quan tối cao của IS là Hội đồng Shura gồm 9 thành viên, có quyền chỉ định người đứng đầu chính quyền, cơ quan an ninh, quân sự ở các tỉnh, thành, thuộc các vùng lãnh thổ do IS kiểm soát.

Theo những tay súng IS đào ngũ hoặc đầu hàng quân đội Iraq, 9 kẻ trong Hội đồng Shura thường xuyên tiến hành các chuyến đi đến các địa phương để xem nơi đó có thực thi nghiêm chỉnh "luật Sharia" hay không. Abu Khaled, một chiến binh IS đã ra hàng quân đội Iraq nói với trang tin Global Withness - Nhân chứng toàn cầu: "Có lần, thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi đi thị sát một khu vực ở sân bay Kweris, gần thành phố Aleppo, Syria. Một số người nhận ra ông ấy nhưng tôi thì không. Trong những chuyến đi như vậy, hầu hết các nhà lãnh đạo IS đều rất lặng lẽ vì sợ máy bay không người lái của Mỹ tiêu diệt…".

Người xây dựng mô hình tổ chức an ninh của IS - được gọi là "Ammiyat" theo tiếng Arab - chính là Samir Abd Muhammad al-Khlifawi nhưng thường được biết đến dưới bí danh Haji Bakr, cựu đại tá thuộc Cơ quan Tình báo Không quân Iraq dưới thời cố Tổng thống Saddam  Hussein (một số tay súng IS bị bắt nói rằng nhân vật này đã bị tiêu diệt trong một trận đánh với Quân đội Syria tự do nhưng chưa nguồn tin độc lập nào xác nhận).

Dưới quyền ông ta, Ammiyat được chia thành 4 cơ quan, mỗi cơ quan có những chức năng và quyền hạn riêng, gồm Amn al-Dakhili - tiếng Arab có nghĩa là Cơ quan An ninh nội địa, quân số khoảng 3.000 người (tính đến cuối năm 2016), chịu trách nhiệm duy trì an ninh trật tự ở những vùng IS chiếm đóng. Theo lời khai của Abu Khaled, tất cả những người từ những quốc gia khác đến Aleppo, Raqqa hoặc Mosul để tham gia "thánh chiến" thì đều phải qua sự kiểm tra của Amn al-Dakhili vì họ là dân nhập cư, là những người sống ở các vùng "không tôn giáo".

Một tay súng IS mặc áo bom do Cơ quan hành động quốc ngoại IS chế tạo.

Abu Khaled nói: "Họ phải đốt hộ chiếu của họ để chứng tỏ họ không còn liên quan gì đến quá khứ. Sau đó, người của Amn al-Dakhili đưa họ đến Tòa án Sharia để học "luật Sharia" trong 2 tuần". Chưa hết, Amn al-Dakhili cũng là nơi khai sinh ra những "Tiểu đoàn Sharia" chỉ gồm phụ nữ, nổi tiếng khắc nghiệt và tàn ác với những phụ nữ sống trong vùng IS kiểm soát, ra đường mà không mang khăn trùm mặt, hoặc có biểu hiện "lối sống trụy lạc phương Tây" như xức nước hoa, đeo kính mát, mặc váy ngắn, nghe nhạc rock….

Amn al-Dakhili cũng là nơi tổ chức những phiên tòa xét xử những vụ kiện tụng trong hàng ngũ IS hoặc giữa người dân ở những vùng lãnh thổ do IS chiếm đóng với các chiến binh IS. Trên trang web của một nhóm có khuynh hướng ủng hộ IS, đã kể câu chuyện rằng hồi giữa năm 2015, Abu Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh IS trong một chuyến đi thị sát tình hình ở quận Minbji, tỉnh Aleppo, Syria, tài xế lái chiếc xe chở ông ta do vô ý, đã đụng phải một người đi đường khiến người này bị thương. Do không biết mặt Baghdadi nên nạn nhân đã hét lớn "Tôi sẽ kiện ra tòa". Nghe vậy, Baghdadi nói: "Ông nên làm thế đi".

Khi tòa án Sharia ở Minbij mở phiên xét xử, Baghdadi có mặt. Viên chánh án biết rõ Baghdadi là ai nên khá lúng túng. Tuy nhiên, ông trùm khủng bố thừa nhận xe mình có lỗi nên cuối cùng, chủ tọa phiên tòa buộc Nhà nước IS phải bồi thường cho nạn nhân, đồng thời còn phải đóng tiền phạt theo đúng "luật Sharia"! Theo giới quan sát phương Tây, đây chỉ là thủ đoạn tuyên truyền của IS nhằm tạo ra niềm tin cho những người đang muốn tham gia "thánh chiến" về một "Nhà nước Hồi giáo liêm khiết và công bằng".

Cơ quan thứ hai là Amn al-Askari - tiếng Arab có nghĩa là Cơ quan An ninh quân đội, quân số khoảng 1.600 người, chia thành 4 tiểu đoàn. Một trong những tiểu đoàn được huấn luyện tốt nhất, trang bị mạnh nhất là tiểu đoàn Anwar al-Awlaki -đặt theo tên Arab của một tay súng thánh chiến người Mỹ, bị Mỹ tiêu diệt trong một trận không kích ở Yemen năm 2011.

Nhiệm vụ của Amn al-Askari bao gồm việc thu thập tin tức tình báo về phiên hiệu, quân số, vị trí đóng quân, trang bị vũ khí của cả quân đội Iraq lẫn Syria, đồng thời chiêu mộ binh lính Iraq, Syria làm gián điệp cho IS, hoặc kêu gọi họ đào ngũ sang phía IS. Bên cạnh đó, Amn al-Askari còn được biết đến với những hành động tàn ác, phi nhân tính như cung cấp nô lệ tình dục cho những tay súng IS lập được chiến công, ép buộc những phụ nữ bị IS bắt giữ phải lấy chiến binh IS làm chồng.

Các thành viên của Tiểu đoàn tử vì đạo Ali Khazzaam.

Với nội bộ, Amn al-Askari có trách nhiệm theo dõi tư tưởng của các chiến binh IS, kiểm tra xem họ có chấp hành nghiêm chỉnh "luật Sharia" hay không, bảo vệ các chỉ huy cao cấp của IS, khai thác tin tức tù binh. Đơn vị khét tiếng nhất của Amn al-Askari là "Tiểu đoàn tử vì đạo Ali Khazzaam" do al-Khal Abu Ismail chỉ huy. Đây là nơi chuyên hành quyết tù binh mà IS bắt được sau mỗi trận đánh.

Cơ quan thứ ba trong bộ máy an ninh IS là Amn al-Kharji - tức Cơ quan Hành động quốc ngoại, chỉ huy là Abu Abd Rahman al-Tunisi nhưng hiện vẫn chưa rõ nhân lực của nó gồm bao nhiêu người.

Nhiệm vụ của nó là cử điệp viên xâm nhập vào lãnh thổ đối phương để thu thập tin tức tình báo, vạch kế hoạch và đưa những kẻ đánh bom tự sát đến các thành phố của các quốc gia thù địch (bao gồm Mỹ và các nước châu Âu, Iraq, Syria, Liban, Arab Saudi, Jordan, Ai Cập…) để tiến hành các vụ khủng bố. Chính cơ quan này là nơi tổ chức các vụ đánh bom, đâm chém, lao xe vào đám đông, xảy ra ở Anh, Pháp, Đức trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, Amn al-Kharji còn có trách nhiệm chế tạo "áo bom" cho những kẻ tự sát, hướng dẫn những chiến binh IS sống ở nước ngoài cách thức chế tạo bom từ những vật liệu dễ tìm.

Cơ quan cuối cùng của bộ máy an ninh IS là Amn al-Dawla - tiếng Arab nghĩa là Cơ quan An ninh điều tra, quân số khoảng 1.900 người. Đây là nơi có quyền lực lớn nhất vì nó có thể bắt giữ, hỏi cung, tra tấn tất cả mọi người - kể cả các chỉ huy IS - ngoại trừ thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi và 9 thành viên trong Hội đồng Shoura cùng một số nhân vật lãnh đạo cao cấp khác.

Đứng đầu cơ quan này là một người Palestin đến từ dải Gaza. Theo lời khai của hàng binh Omar Rezaq, khi anh ta vừa mới đến Mosul để gia nhập IS, các điều tra viên của Amn al-Dawla đã liên tục truy vấn anh ta trong nhiều ngày về lý do, mục đích và động cơ tham gia "thánh chiến.

Omar Rezaq nói: "Phải hơn  2 tháng sau đó, tôi mới được công nhận là "công dân" của Nhà nước Hồi giáo IS (Dar al-Islam) sau khi đã học thuộc lòng "luật Sharia" và tham gia 4 trận đánh để chứng tỏ lòng trung thành…". Một hàng binh khác là Abu Shariff, người Arab Saudi cho biết sau quá trình điều tra, xác minh nhân thân lí lịch, những người biết ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, Checnya, Slovakia, Ukraina…, đều được Amn al-Dawla đặc biệt trọng dụng. Abu Shariff nói: "Khoảng thời gian từ giữa năm 2014 đến cuối năm 2015, ngày nào cũng có hàng trăm người gia nhập IS.

Họ đến từ Anh, Mỹ, Pháp, Đức, các nước trong khối Arab và một số quốc gia Đông Âu. Tôi biết tiếng Anh nên được Amn al-Dawla phân công phiên dịch cho họ. Cũng có lúc, tôi dịch những bức thư của người nhà họ gửi cho họ, hoặc dịch những bản tin, những tuyên bố từ tiếng Anh ra tiếng Arab để Amn al-Dawla phát đi trên mạng Internet".

Theo nguyên tắc, tất cả mọi thành viên của 4 cơ quan nêu trên khi làm việc cũng như khi ra đường, đều phải bịt kín mặt. Họ không được phép tiết lộ công việc của họ với bất kỳ ai, kể cả người thân. Khi quân đội Chính phủ Syria mở cuộc phản công tái chiếm Alepo, Raqqa, quân đội Iraq tấn công tái chiếm Fallujah, Mosul, do bị thiệt hại nặng nên phần lớn thành viên của 4 cơ quan an ninh kể trên phải cầm súng ra trận, và rất nhiều kẻ không bao giờ còn có dịp quay về.

Một số đơn vị thiện chiến nhất như tiểu đoàn Al-Battar, trực thuộc Cơ quan An ninh quân đội, gồm 750 tay súng đến từ Libya thì bị giải thể rồi xé nhỏ ra, chuyển đến nhiều tiểu đoàn khác bởi những lãnh đạo cao cấp IS nhận thấy rằng những tay súng này chỉ trung thành và tuân lệnh cấp chỉ huy trực tiếp của họ hơn là với Cơ quan An ninh quân đội.

Cho đến hết tháng 3-2017, con số những người tình nguyện gia nhập IS chỉ còn chưa đầy 5 người/ngày. Điều này đã khiến Amn al-Kharji - tức Cơ quan Hành động quốc ngoại phải tính toán lại chiến lược của mình.

Theo một số nguồn tin từ những kẻ rời bỏ hàng ngũ IS khai với quân đội Iraq, kế hoạch của Amn al-Kharji trong tương lai có thể sẽ là "huy động và sử dụng "công dân IS" ở bên ngoài lãnh thổ (tức những vùng đất do IS chiếm đóng) một cách hiệu quả nhất cho "sự nghiệp của Nhà nước IS" bằng cách ra lệnh cho những nhóm hoặc những cá nhân đã có tư cách cư trú hợp pháp ở những quốc gia phương Tây "ăn no ngủ kỹ" rồi khi gặp thời cơ thuận lợi, những nhóm, cá nhân ấy được quyền tiến hành các vụ khủng bố bằng tất cả mọi phương tiện mà không cần phải xin lệnh từ Cơ quan Hành động quốc ngoại.

Cao Trí (theo Global Witness)
.
.