ANTT ở khu vực BV Phạm Ngọc Thạch (TP HCM): Cất vó “hung thần”

Chủ Nhật, 26/08/2012, 11:35

Dù có giàu óc tưởng tượng cũng chẳng ai nghĩ ra rằng, ở một bệnh viện lớn nằm giữa trung tâm TP HCM nhưng đã 3 năm qua hơn 50 người lao động nghèo mưu sinh quanh bệnh viện, hàng ngàn lượt thân nhân của người bệnh, nhiều cán bộ - công nhân viên và bảo vệ của bệnh viện… lại bị sự khống chế, đánh đập, trấn lột của một băng nhóm giang hồ mà chẳng dám hé môi. Đến nay, toàn bộ 11 đối tượng trong băng nhóm đã bị Đội 2, PC45 Công an TP HCM bắt giữ, tạo được niềm vui cho các nạn nhân cũng như sự tin tưởng của người dân vào lực lượng Công an.

Chân dung 3 "hung thần"

Sau hơn 5 năm chơi "hàng đá" (một loại ma túy tổng hợp), Nguyễn Kim Của giờ như cái xác không hồn. Trước đây vì chơi "hàng đá" mà Của hung bạo khác thường, giờ Của trở nên lầm lì, sợ hãi và luôn chối tội dù hành vi của y đã quá rõ ràng. Của sinh năm 1967 trong một gia đình nghèo ở quận 8, TP HCM. Sau ngày giải phóng, gia đình Của đến vùng kinh tế mới thuộc tỉnh Sông Bé cũ để lập nghiệp. Nhưng vốn bản chất lười lao động lại thích sống đua đòi, năm 1978, Của một mình trở lại TP HCM và sống lang thang quanh các bến xe, chợ búa làm "nghề" trộm vặt để kiếm tiền tiêu xài.

Năm 1986, trong một lần trộm tài sản Của bị bắt giữ, sau đó bị tòa án phạt tù giam. Ra tù, y sống dựa dẫm vào những người thân quen, bà con họ hàng. Thấy y bơ vơ, một người bà con xa mai mối cho y làm quen với Huỳnh Thị Loan (42 tuổi). Không bao lâu sau thì họ lấy nhau, được gia đình bên vợ cất cho căn nhà nhỏ ở quận Bình Tân để làm tổ ấm. Thời còn con gái, Loan làm nghề cho vay nặng lãi nên khi lấy chồng là một kẻ giang hồ thì thuận cả đôi đường. Loan không cần phải thuê người bảo kê, thuê người đi đòi nợ mà giao hết công việc đó cho chồng. "Đồng vợ đồng chồng", kinh tế gia đình Của ngày một sung túc, vợ chồng y cất nhà lầu và sinh liên tiếp ba đứa con.

Năm 2006, trong một lần đi đòi nợ, vì con nợ không có tiền trả nên Của bắt người này đem về nhà đánh đập buộc làm cam kết trả nợ đúng hẹn. Sự việc bại lộ, Của bị truy tố về hành vi "bắt giữ người trái pháp luật" và "cho vay nặng lãi", bị phạt 15 tháng tù không giam giữ. 

Sau lần này, Của thấy rằng, nếu tiếp tục hoạt động ở địa phương thì sớm muộn gì cũng vào "nhà đá" nên y nảy ra ý định đi "làm ăn xa". Mà muốn vào "rừng lạ" thì ít nhất phải có năm bảy đàn em "liều mình như chẳng có" may ra mới có đất sống. Sàng đi lọc lại những người thân quen quanh mình, Của nhận thấy Bé Đen (Huỳnh Như, 21 tuổi) là đứa có khả năng giúp mình "khởi nghiệp". Vì Bé Đen tuy là con gái nhưng thị rất dữ dằn, miệng nói tay đấm, lại là cháu ruột của vợ nên mức độ tin tưởng càng cao. Trên hết là Bé Đen đã có nhiều năm sống trong giới giang hồ, có thừa sự tàn bạo và sống bất cần đời. Năm 15 tuổi, Bé Đen lấy chồng là một tay giang hồ có số má. Một năm sau Bé Đen sắp sinh con thì bị chồng ruồng bỏ. Buồn tình, sinh con xong, Bé Đen xăm mình khắp cơ thể rồi lao vào thế giới giang hồ, sống bằng nghề đòi nợ thuê, trấn lột.

Đang trong lúc bơ vơ, túng thiếu nay nghe dượng (tức Của) rủ hợp tác làm ăn Bé Đen gật đầu ngay. Để thêm "sâu nặng nghĩa tình", Của nhận Bé Đen làm con nuôi rồi tập hợp thêm một số đối tượng khác cũng là bà con dòng họ của mình rồi bắt đầu hành trình phạm tội…

Năm 2009, sau khi lân la khắp các bệnh viện, bến xe, siêu thị… Của và đồng bọn  chọn bãi đáp là Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch nằm ở góc ngã tư Hùng Vương- Ngô Quyền thuộc địa bàn phường 12, quận 5. Lý do nơi đây là địa bàn khá màu mỡ nhưng chưa có băng trấn lột, bảo kê nào ngự trị. Rạng sáng một ngày tháng 4/2009, Của cùng đồng bọn lăm lăm hung khí kéo đến Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, lúc này đã có gần chục bác tài xe ôm đang đậu xếp hàng chờ khách trước cổng. Xung quanh bệnh viện cũng đã náo nhiệt với hàng chục người bán hàng rong từ khắp nơi đổ về.

Vừa bước xuống xe, Của chỉ tay về phía nhóm xe ôm rồi hất hàm hỏi: "Tụi bây đậu bến ở đây có hỏi tụi tao chưa?". Trong khi mọi người im thin thít, tái xanh mặt thì Vương Sỹ Hùng (42 tuổi, ngụ quận 8), một người chạy xe ôm có thâm niên nhất ở đây chẳng tỏ ra sợ sệt mà còn lớn tiếng: "Ở đây là đất của ông nội tụi mày hay sao mà biểu tụi tao phải xin phép?". Ra oai, Của dùng dùi cui định lao tới "nện" cho Hùng một trận nhưng chưa kịp thì bị Hùng cho đo ván. Cùng lúc đó những người bán hàng rong, bảo vệ bệnh viện ùa tới làm dữ, thấy yếu thế, Của hậm hực rút lui. 

Không bỏ cuộc, trưa cùng ngày, Của cùng đồng bọn tụ họp để bàn phương án và tất cả đều thống nhất rằng, muốn thâu tóm khu vực Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì bằng mọi cách phải mua chuộc cho bằng được Vương Sỹ Hùng. Và tất nhiên, nhiệm vụ này không ai trong nhóm có thể làm tốt hơn Bé Đen.

Ít ngày sau, Của chở Bé Đen đến gần Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch thì bỏ xuống, Bé Đen đi bộ và thuê Hùng chở đi. Bé Đen khéo léo rủ Hùng uống cà phê để “bàn công chuyện” và đặt thẳng vấn đề muốn cùng hợp tác với Hùng để "làm mưa làm gió" ở khu vực trước và trong khuôn viên của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Thấy mỗi ngày cực nhọc thức khuya dậy sớm chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng, nay chỉ cần ngồi chơi xơi nước đã có bạc triệu, Hùng gật đầu chẳng chút đắn đo.

Dùng vũ lực để… "tận thu"!

Trong những ngày đầu cát cứ, Của luôn có mặt ngày đêm để chỉ đạo đàn em  đánh dằn mặt những ai không chịu chung chi tiền bảo kê mà chúng quy định là từ 400-500 nghìn/ người/ tháng. Công việc thu tiền Của phân công cho Hùng đảm nhiệm vì tất cả những ai bán hàng rong, chạy xe ôm ở khu vực này Hùng đều biết mặt, biết tên. Từ đó Hùng trở thành một cánh tay đắc lực của Của. Còn Bé Đen, Của giao chỉ huy nhóm "đầu gấu" chuyên đánh đập, đe dọa nạn nhân để uy hiếp tinh thần và chúng đã gây ra hàng chục vụ khiến cho ai cũng phải khiếp sợ.

Chị H., bán xe đẩy trái cây trước cổng bệnh viện nhớ lại: "Khi Hùng đến thu tiền, tôi bảo bán trái cây quần quật cả ngày lời có vài chục ngàn, chung chi vậy thì lấy gì mà sống. Nó bỏ đi, chỉ ít phút sau thì Bé Đen quay lại đánh tôi xối xả, quăng trái cây xuống đường và dọa sẽ "xử đẹp" nếu tôi còn cứng đầu. Mình thân cô thế cô, vất vả lắm mới tìm được chỗ bán để nuôi con nên tôi đành chấp nhận".

Với kiểu uy hiếp đó, dần dà những người lao động nghèo quanh bệnh viện xem việc đóng "hụi chết" cho băng nhóm của Của như là một nghĩa vụ không thể lẩn tránh. Thấy tất cả đã đi vào "nề nếp", vợ Của là thị Loan bắt đầu nhập cuộc và "phát huy tối đa" sở trường của mình. Thị dùng chính số tiền mà chồng cưỡng đoạt được để bắt buộc khoảng hơn 50 người bán hàng rong, chạy xe ôm ở khu vực này phải vay "đứng" từ 1-1,5 triệu đồng với lãi suất không thể cao hơn 2,5%/ ngày, tức 75%/tháng. Vì vay "đứng" nghĩa là số tiền gốc "đứng yên một chỗ", con nợ phải trả lãi tháng này qua tháng nọ mà không có điểm dừng. Thế cho nên ai "được" vay nợ cũng méo mặt, khóc than, nhưng Loan thì vẫn dửng dưng: "Không vay là chết!". Vậy là hàng ngày mỗi người lại phải nai lưng ra mà đóng lãi từ 25.000-40.000 đồng.

Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch là bệnh viện chuyên khoa loại 1, chuyên trị các bệnh lao, phổi và có lượng bệnh nhân đến từ các tỉnh khá lớn. Do đặc thù của loại bệnh này nên phần lớn các bệnh nhân đều bị cách ly, không cho người nhà trực tiếp vào nuôi bệnh. Thế nhưng, nhiều người nhà bệnh nhân (nhất là đối với bệnh nhân nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS) muốn gần gũi người thân trong những ngày tháng cuối đời nên xin được vào chăm sóc nhưng tất cả đều bị từ chối. Nắm được tình hình này, Của chỉ đạo đàn em nhận dịch vụ thăm nuôi bệnh cho những người có nhu cầu với giá từ 400-500 nghìn đồng/ trường hợp rồi xâm nhập vào bệnh viện hành hung bác sĩ, điều dưỡng để buộc họ phải cho người nhà bệnh nhân vào.

Một điều dưỡng kể lại, có lần chị quyết không cho vào, Bé Đen hùng hổ nhào đến đánh chị rồi còn dọa sẽ gây hại cho con chị đang học ở trường… Nghe đến đây, biết chúng đã tìm hiểu trước và sợ chúng làm liều nên chị đành nhắm mắt làm ngơ. Một số điều dưỡng khác thì báo bảo vệ để ngăn chặn nhưng đều phải chào thua, thậm chí có bảo vệ còn bị bọn đàn em của Của dùng mã tấu chém vào đầu phải khâu gần chục mũi. Kể từ đó, không chỉ có người bán hàng rong, chạy xe ôm mà một bộ phận cán bộ - công nhân viên và bảo vệ Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch đều khiếp sợ băng nhóm này.

Được nước, Của lấn sân sang tranh giành chở xác nạn nhân về nhà với bệnh viện và thực tế chúng đã thao túng trong nhiều năm qua. Nhiều người nhà người chết tố cáo. Khi người thân họ qua đời tại bệnh viện, băng nhóm này lập tức xuất hiện, chúng tự tiện lau rửa qua loa xác chết rồi lấy tiền công từ 400-500 nghìn đồng. Sau đó, chúng đưa ôtô vào rồi cũng ngang nhiên mang xác lên xe đòi chở đi với cái giá "cắt cổ". Nếu người nhà bệnh nhân không đồng ý thì chúng khiêng xác trả lại và đòi tiền công 500 nghìn đồng. Ai không chịu trả thì lập tức bị đánh, bị cấm không cho mang xác ra khỏi bệnh viện. Tính ra mỗi tháng, băng nhóm này thu tiền "hụi chết" và các kiểu cưỡng đoạt khác với số tiền hàng chục triệu đồng.

Nguyễn Kim Của cùng đồng bọn.

Sa lưới

Đầu năm 2012, các trinh sát của Đội 2, PC45, Công an TP HCM nắm được thông tin có một băng nhóm giang hồ hung hãn chuyên bảo kê trấn lột ở trước và trong khuôn viên Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch. Cùng lúc đó, Công an TP HCM cũng nhận được khá nhiều đơn tố cáo của các nạn nhân về băng nhóm này. Nhận thấy đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, Ban giám đốc Công an TP HCM chỉ đạo Phòng PC45 lập chuyên án đấu tranh và giao nhiệm vụ cho Đội 2 khám phá chuyên án. Trực tiếp chỉ đạo chuyên án này là Thượng tá Lê Ngọc Phương (Phó trưởng phòng PC45) và Trung tá Nguyễn Thành Mỹ (Đội trưởng Đội 2) đã đưa ra rất nhiều phương án tác chiến với quyết tâm phải "hốt" trọn băng nhóm với đầy đủ chứng cứ phạm tội mà chúng đã gây ra. Vậy là hàng tháng trời, nhiều trinh sát của Đội 2 phải trắng đêm để theo chân các "hung thần" vì phần lớn thời gian hoạt động của chúng là nửa đêm về sáng.

Riêng đối tượng cầm đầu là Nguyễn Kim Của, vốn khá lọc lõi và tinh ranh nên y rất ít khi xuất hiện mà thường chỉ đạo đàn em qua điện thoại di động. Y thi thoảng xuất hiện vào tầm 2-3 giờ sáng để nắm bắt tình hình chứ rất ít khi trực tiếp ra tay đánh đập, trấn lột nạn nhân. Hàng ngày y cũng chẳng có ở nhà, bỏ mặc các con cho thị Loan lo liệu. Niềm vui duy nhất của y là thuê khách sạn để "đập đá" rồi tìm gái mua vui. Y tự tin rằng vì mình đã giao hết công việc cho Bé Đen và Hùng  nên lỡ chúng có bị công an "sờ gáy" thì y sẽ chối bay chối biến.  Song, quyết không để cho hắn thoát, Ban chuyên án vẫn kiên nhẫn cử trinh sát đeo bám ngày đêm hành tung của gã.

Rạng sáng ngày 13/8, do có một người phụ nữ bán hàng rong không chịu nộp "hụi chết", Của cùng Bé Đen lập tức đến nơi. Y dùng dao dí vào người phụ nữ này rồi cướp luôn sợi dây chuyền (bằng kim loại trắng) đang đeo trên cổ. Của đâu biết rằng mọi nhất cử nhất động của y đều nằm trong tầm ngắm của các trinh sát Đội 2. Từ đây, Ban chuyên án quyết định "cất lưới". Giờ G đã đến, rạng sáng ngày 15/8, hơn 30 trinh sát của Đội 2  chia làm 4 mũi đồng loạt ra quân bắt giữ toàn bộ 11 đối tượng trong băng nhóm này.

Từ khi tên Của và đồng bọn bị bắt giữ, mỗi ngày đều có vài nạn nhân đến Đội 2, PC45 để tố cáo thêm tội trạng của chúng. Nhìn họ lem luốc vì dầm mưa dãi nắng để kiếm cái ăn, ai cũng căm hận băng giang hồ máu lạnh và thương quá những người nghèo khó với đủ thứ nghề nhọc nhằn kiếm kế mưu sinh!

Mã Thanh Hải
.
.