Ai Cập: Trẻ em bị bắt giữ vô cớ

Thứ Năm, 14/03/2013, 17:45

Sau khi các cuộc xô sát khiến hàng chục người chết bị dập tắt, hàng trăm trẻ em đã bị Cảnh sát Ai Cập bắt giữ vô cớ. Nhiều em đã bị đánh đập, tra tấn và làm nhục thể xác bởi chính những người quản giáo. Hiện tại, tình trạng bắt giữ theo sau các cuộc bạo động đang diễn ra trên khắp lãnh thổ Ai Cập và ngày càng leo thang.

Mohamed, một cậu bé mới 13 tuổi cho biết, cậu bị bắt ở trung tâm Cairo trong lúc đang đi bán hàng rong. Mohamed đã gào khóc thảm thiết gọi mẹ, cầu xin các bạn tù khác đừng đánh mình. Cậu ta đã rất lo sợ rằng liệu các bạn tù có đánh đập hay lạm dụng tình dục cậu ấy hay không. Mohamed el-Maligi, một nhà hoạt động xã hội cũng bị bắt giữ cho biết họ đã phải trấn an cậu bé.

Theo Karim Ennarah, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Sáng kiến Ai Cập và các quyền cá nhân cho biết, tỉ lệ trẻ em bị bắt giữ trong những tháng vừa qua đã đạt đến mức kỷ lục. Trong khi con số chính xác về số lượng trẻ em bị bắt dường như không thể xác định được, một phần vì những thay đổi gần đây trong quá trình xét xử của tòa án càng khiến việc kiểm soát các vụ án trở nên khó khăn hơn.

Priyanka Motaparthy, một nhà nghiên cứu nhân quyền khác cho rằng chỉ tính riêng ở Cairo và Port Said, có tới hơn 170 trường hợp trẻ em bị bắt giữ vào tháng trước. Thêm vào đó, các nhà hoạt động khác cho biết, những thành phố như Alexandria, Suez và Tanta tình hình cũng tương tự như vậy. Mahmoud Bilal, một luật sư trong lĩnh vực này đã ước lượng rằng có khoảng 400 vụ bắt giữ trên khắp đất nước. Hiện tượng này đang trở thành một vấn nạn với quy mô toàn quốc nhưng đau đớn hơn, việc làm này lại do chính những người lãnh đạo đất nước, những người vốn có sứ mệnh là bảo vệ nhân dân tiến hành.

Rất nhiều trẻ em chạy loạn trong các cuộc bạo động đã bị bắt giữ trước khi có lệnh, thế nhưng chúng vẫn bị đưa vào các trại tị nạn như Gabal Ahmar, trụ sở của các cơ quan an ninh Ai Cập, nơi khét tiếng với các hoạt động bắt giữ và tra tấn đối với các nhà hoạt động chính trị dưới thời cựu Tổng thống Mubarak. Tại Gabal Ahmar, các tù nhân nhỏ tuổi bị đánh đập dã man hoặc bị tra tấn bằng các thiết bị súng điện kiểu Taser. Những vụ bắt giữ như thế là trái với luật pháp Ai Cập và đã từng có rất nhiều báo cáo liên tục về vấn đề các tù nhân nhỏ tuổi bị ngược đãi.

Các báo cáo này đã tố cáo việc cảnh sát bắt các tù nhân phải uống thứ gọi là súp nhưng chỉ gồm có muối và nước. Nhiều tù nhân trẻ em còn bị chính các quản giáo lạm dụng tình dục. Tại một cuộc họp báo của một tổ chức phi chính phủ vào tuần trước cho biết, một cậu bé 12 tuổi khi được hỏi thì đã miêu tả rằng sau khi bị bắt, cậu đã bị bắt phải cởi hết quần áo và thực hiện những động tác gợi dục trước mặt các quan chức cảnh sát.

Trẻ em cũng đi biểu tình cùng người lớn, phản đối chính quyền vào ngày 15/2/2013 tại thủ đô Cairo.

Bà Motaparthy cho biết thêm, tổ chức của bà đã lưu lại một số trường hợp điển hình trong đó các tù nhân nhí bị các quan chức cảnh sát lột trần và cứ bị để khỏa thân trong trại giam. Cùng với các báo cáo về việc sử dụng tra tấn bạo lực một cách bất hợp pháp và có hệ thống đối với trẻ em, các lực lượng an ninh cũng đã có dấu hiệu phạm tội khi thực hiện các hành vi trái với nguyên tắc của những nhà thi hành pháp luật. Theo Motaparthy thì số lượng lớn các tù nhân trẻ em này đã bị kết tội là thành viên của Black Bloc, nhóm biểu tình phản đối chính phủ.

Pháp luật của Ai Cập đã quy định rất rõ ràng về việc bắt giữ trẻ em thế nhưng rất nhiều điều khoản trong đó đã bị phá vỡ chỉ trong vài tháng qua. Nhiều lời khai và bằng chứng cho thấy các quan chức nhà nước đã vi phạm pháp luật nặng nề khi bắt giữ trẻ em dưới 15 tuổi và đưa chúng vào các trại tị nạn, trại tạm giam trước khi xét xử.

Để làm rõ hơn sự vi phạm pháp luật của chính những lực lượng bảo đảm an ninh quốc gia này, Maligi cho biết, anh bị giam giữ cùng với một cậu bé 9 tuổi khác. Theo nhiều nguồn tin, Cảnh sát Ai Cập đang giam giữ rất nhiều trẻ em ở độ tuổi tiểu học (9-10 tuổi) cùng với người lớn trong khi luật pháp nước này quy định sẽ là vi phạm pháp luật nếu như giam giữ trẻ em dưới 12 tuổi cùng với các tù nhân lớn tuổi.

Các nhà hoạt động cho biết đây là một trường hợp điển hình để miêu tả chân thực những việc ít ỏi mà Tổng thống Mohamed Morsi có thể làm cho đến thời điểm này kể từ mùa hè năm ngoái, khi ông đắc cử chiếc ghế tổng thống Ai Cập.

Trong khi đó, khối lượng công việc ở Tòa án tối cao thì ngày một chồng chất bởi các tình tiết của các vụ việc ngày càng phức tạp và nhiều lên, nhất là sau khi Talaat Ibrahim Abdullah được bổ nhiệm làm Trưởng công tố hồi tháng 11.

Khi Tổng thống Morsi quyết định bổ nhiệm ông Abdullah vào vị trí này, ngay lập tức các nhà phê bình đã lên tiếng phản đối, buộc tội ông đã ngấm ngầm trợ cấp cho các thành phần đối lập của nghiệp đoàn Hồi giáo. Một số người cho rằng biện pháp mạnh tay, không khoan nhượng của Trưởng công tố mới có thể sẽ mở rộng phạm vi áp dụng với trẻ em. Trong khi đó trước khi những tù nhân nhí được giải phóng, trong những tháng qua, các công tố viên đã ban hành rất nhiều lệnh tạm giam để chờ điều tra, thường là nhiều hơn 2 tuần giam giữ.

Mọi việc đều có lý do, luật sư Bilal cho biết: "Khi Tổng thống Mohamed Morsi bổ nhiệm Trưởng công tố mới, ngài đã chọn Abdullah vì biết rõ rằng, ông sẽ không chống lại các luật lệ của Tổng thống đặt ra".

Thế nhưng có một điều mà ông Morsi cũng không nên quên đó là tình trạng tham nhũng, lộng quyền trong ngành cảnh sát đã châm ngòi cho cuộc nổi dậy, lật đổ Tổng thống Mubarak 2 năm trước. Vậy nên để giữ vững chiếc ghế của mình đương kim Tổng thống Morsi sẽ cần phải thật thận trọng trong mọi đường đi nước bước của mình dù là những chính sách đối với trẻ em - lứa tuổi tưởng như yếu ớt và không đủ sức chống đỡ các thế lực đen tối

H.C. (theo Dailybeast)
.
.