Ai phải có trách nhiệm trong cuộc chiến Yemen?

Thứ Tư, 02/01/2019, 13:46
Cuộc chiến Yemen giờ đây được cho là một tai họa đối với lợi ích của phe chủ chiến bao gồm Mỹ, Saudi Arabia và trên tất cả là với mọi người dân Yemen. Cuộc xung đột đã gây ra thảm họa nhân đạo lớn nhất thế giới: Hàng chục nghìn dân thường đã thiệt mạng. 14 triệu người đối diện với nạn đói. Nó cũng được coi là sai lầm chiến lược, gây ra những hậu quả nặng nề đối với bên phát động chính là Saudi Arabia.

Ba năm trước…

Cuộc chiến ở Yemen có nguồn gốc sâu xa từ các yếu tố chính trị được đan cài bởi thái độ nghi kỵ lẫn nhau. Từ năm 2004 đến trước thời điểm bị lật đổ vào tháng 11-2011, Ali Abdullah Saleh, lúc bấy giờ là Tổng thống Yemen, người được Saudi Arabia hậu thuẫn, đã nhiều lần mở chiến dịch quân sự chống lại Ansar Allah, phong trào chính trị của cánh Houthi. Saleh cam kết sẽ sớm giành chiến thắng nhưng liên tục bị lỡ hẹn bởi sức chống cự mạnh mẽ đến kinh ngạc của Houthi, như là một điềm báo cho số phận hiện tại của Saudi Arabia trong cuộc chiến hiện tại.

Năm 2011, lực lượng Houthi tham gia các cuộc biểu tình phản đối Saleh, thuyết phục các nước thuộc Hội đồng Vùng Vịnh (GCC), vốn lo ngại với việc duy trì ổn định, rằng Saleh phải ra đi. GCC, với sự cổ vũ mạnh mẽ từ Mỹ, đã giúp cô lập Saleh theo hướng có lợi cho Hadi - người lúc đó là Phó Tổng thống, lên nắm quyền một chính phủ chuyển tiếp. Thể chế này sau cùng cũng được quốc tế công nhận nhưng không có quyền lực tuyệt đối, chính như những gì mà ông Hadi đang phải đối mặt ngày nay.

Liên Hiệp Quốc (LHQ), trong năm 2013 và 2014 đã tiến hành các hội nghị với sứ mệnh chấm dứt giai đoạn chuyển tiếp và đạt thỏa thuận về bầu cử, chia sẻ quyền lực. Houthi tham gia với tâm lý e ngại và kể từ đó phái đoàn Houthi hoặc là thất bại đàm phán với thiện chí tốt, hoặc là không bao giờ có được sự ủng hộ đối với vai trò lãnh đạo chính trị của mình. Tháng 9-2014, phái Houthi triệt để khai thác cơ hội từ phong trào biểu tình trong dân chúng phản đối giá nhiên liệu tăng cao để giành quyền lực bằng vũ lực.

Cuộc can thiệp của liên minh do Saudi Arabia đứng đầu vào Yemen đến giờ này có thể bị coi là thất bại.

Tháng 2-2015, quân Houthi kiểm soát toàn bộ thủ đô Sanaa. Saleh, đối thủ cũ của Houthi, được cho là lại có đóng góp quan trọng trong thành công này. Có lẽ do hứng chịu tình cảnh bị đẩy ra rìa trong năm 2011 để nhường chỗ cho ông Hadi, Saleh đã khiến Saudi Arabia tức giận khi tự ý để cá nhân và lực lượng trung thành với mình liên minh với phiến quân Houthi. Và bản thân Saleh cuối cùng cũng bị các tay súng Houthi sát hại vào tháng 12-2017 khi cố tìm cách đổi hướng với mong muốn nối lại sự ủng hộ của Riyadh.

Sau đó, mục đích của chiến dịch quân sự do Saudi Arabia dẫn đầu khởi động vào tháng 3-2015 với ý đồ khôi phục chính quyền của ông Hadi được quốc tế công nhận, đang phải sống lưu vong. Riyadh cùng với Washington đã thúc đẩy ra Nghị quyết 2216 của LHQ, tạo vỏ bọc để Saudi Arabia hành động thông qua Hội đồng Bảo an (Nga bỏ phiếu trắng). Nó yêu cầu phiến quân Houthi “ngay lập tức và vô điều kiện” rút lực lượng khỏi tất cả các khu vực đang chiếm giữ, giải giáp vũ trang và “ngừng tất cả các hành động nằm trong thẩm quyền độc quyền của chính phủ hợp pháp Yemen”.

Điều khó hiểu là ở chỗ, nghị quyết đưa ra yêu sách này gần như là đẩy một phong trào đã chứng tỏ được sức mạnh kháng cự quân sự vào thế đầu hàng vô điều kiện. Và thay vì tạo ra một thể thức về một giải pháp đàm phán chấm dứt xung đột, nó trở thành một liều thuốc thử giới hạn không hữu ích mà Saudi Arabia và UAE có trong tay: Nếu đặc phái viên LHQ không đảm bảo các điều khoản của nghị quyết chỉ để có thỏa hiệp, Saudi Arabia và UAE sẽ công kích người đứng về phía Houthi. Ngược lại, nếu như quá chú trọng vào các điều khoản của nghị quyết, Houthi sẽ nghi ngờ và đẩy lực lượng này tới chỗ tẩy chay các cuộc gặp với LHQ. Theo hướng nào thì cũng sẽ dọn đường cho các cuộc tấn công của Saudi Arabia và liên quân nhằm vào Houthi.

Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi.

...và hiện tại

Theo nhận định của các nhà phân tích, phiến quân Houthi giờ đã nổi lên là lực lượng có sức mạnh quân sự đáng kể, thiện chiến hơn, có khả năng mở các cuộc tấn công vượt khỏi biên giới tốt hơn so với thời điểm bắt đầu nổ ra chiến sự.

Sau ba năm rưỡi, Saudi Arabia vẫn cương quyết giữ quan điểm, rằng một chiến thắng quân sự là hiển nhiên, bất chấp niềm tin đang bị xói mòn. Và cũng trong thời gian dài, Mỹ và đồng minh cơ bản đã làm ngơ trước những hệ quả do sự can thiệp của Riyadh gây ra tại Yemen. Nhưng vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi vừa qua đã khiến cả thế giới phải chú tâm vào lối hành xử thô bạo của vương triều này, trong đó có cuộc chiến tàn khốc mà họ gây ra tại Yemen.

Dù có chậm, song hồi tháng 10 vừa qua, cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lẫn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (người vừa mới từ chức) đều lên tiếng kêu gọi chấm dứt cuộc chiến, công khai bày tỏ ủng hộ đối với tiến trình đàm phán hòa bình do LHQ đề xuất. Theo dự báo, sẽ mất rất nhiều thời gian để đưa một cuộc chiến phức tạp như ở Yemen tới một lệnh ngừng bắn nếu chỉ qua đàm phán.

Chỉ có một cách nhanh chóng để Saudi Arabia chấm dứt cuộc chiến phản tác dụng này, đó chính là Riyadh đơn phương ngừng chiến dịch quân sự và “thách thức” phiến quân Houthi làm điều tương tự. Cách làm này sẽ không dừng hoàn toàn xung đột bên trong Yemen nhưng nó sẽ tạo ra những điều kiện cần thiết thúc đẩy đàm phán hòa bình có kết quả.

Martin Griffiths, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc về vấn đề Yemen mong muốn hòa bình cho người dân.

Đi tìm một thỏa thuận

Nhận trọng trách khó khăn về tạo lập đàm phán hòa bình, đặc phái viên LHQ về Yemen Martin Griffiths ngay từ thời điểm được bổ nhiệm (tháng 3-2018) đã lập tức dồn nỗ lực trên một số mặt trận. Ông Griffiths tìm cách duy trì hành lang nhân đạo thông tới cảng Hodeidah ở Biển Đỏ, nơi đón nhận 70% hàng nhập khẩu của Yemen.

Cùng lúc, ông tìm cách thuyết phục liên minh do Saudi Arabia đứng đầu kiềm chế các cuộc không kích để đổi lấy việc các tay súng Houthi không manh động tiến hành các cuộc tấn công tên lửa, rocket xuyên biên giới. Ông cũng phối hợp để gây dựng lòng tin đối với cả hai phía thông qua các bước đi như trao đổi tù binh và chủ trì các cuộc đàm phán chính trị nhằm xử lý các thỏa thuận chuyển tiếp cũng như mối đe dọa ly khai của khu vực miền Nam Yemen.

Cách tiếp cận của Griffiths được cho là hợp lý. Ông Griffiths cũng rất tinh ý khi khởi động đàm phán chính trị mà không cần đợi tới ngưỡng chấm dứt thù địch hoặc trả lời rốt ráo câu hỏi “ai là người đi trước?”. Hơn thế, vị đặc phái viên LHQ còn định ra chương trình nghị sự của riêng mình về vấn đề Yemen tại chính thời điểm Mỹ dễ dàng đồng thuận nhất.

Ông dường như đã nhận được sự ủng hộ từ các quan chức trong chính quyền Tổng thống Donald Trump tại các cuộc tham vấn với Washington, nhận được sự ủng hộ đối với cuộc đàm phán hòa bình tại Đối thoại Manama - một diễn đàn an ninh thường niên có uy tín tại Bahrain, được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (ISIS) bảo trợ.

Nhưng theo phân tích của một vài chiến lược gia, tiến trình đàm phán từng bước của Griffiths có điểm hạn chế là mất rất nhiều thời gian. Cuộc chiến kéo dài đồng nghĩa với hơn một nửa dân số Yemen đối mặt với nạn đói tiềm ẩn. Đây không phải là thời điểm cho những tranh cãi tỉ mẩn như vậy nữa. Lý do là bởi bất kỳ bên tham chiến nào cũng đều có thể đưa ra những yêu sách bất hợp lý để lấy đàm phán làm con tin, còn các nỗ lực đối thoại về một lệnh ngừng bắn có thể gặp trở ngại với câu hỏi về người lãnh đạo chuyển tiếp.

Việc thay thế Tổng thống Yemen Abd-Rabbu Mansour Hadi được xem là sẽ khiến tình hình thêm phức tạp. Tướng Ali Mohsen, Phó Tổng thống, là người mà phái Houthi căm ghét vì có dính líu tới cuộc chiến đẫm máu giữa Chính phủ Yemen với nhóm phiến quân này trong giai đoạn 2004-2009 thì lại không nhận được sự tin tưởng từ UAE.

Và nếu không có một ứng cử viên rõ ràng cho vai trò lãnh đạo chuyển tiếp, một người có thể nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các giai tầng xã hội ở Yemen lẫn những nhà bảo trợ bên ngoài, thì một lệnh ngừng bắn gắn với điều kiện về một thỏa thuận chuyển giao quyền lực sẽ chỉ khiến xung đột kéo dài thêm.

Liên minh do Saudi Arabia đứng đầu nã pháo vào lực lượng Houthi.

Con đường hòa bình chạy qua Riyadh

Rõ ràng, đơn phương chấm dứt chiến dịch quân sự sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Riyadh và tất cả các bên. Không chỉ giúp chấm dứt cuộc tắm máu tàn khốc ở Yemen, bước đi này còn có thể giúp ngăn chặn đà suy giảm uy tín toàn cầu của chính Saudi Arabia. Nếu Riyadh chờ chấm dứt xung đột qua đàm phán dai dẳng, tình trạng thù địch kéo dài sẽ chỉ khiến họ chịu thiệt hại nhiều hơn. Đến lúc ấy, chính Houthi mới là bên chiếm ưu thế trong đàm phán, biến đàm phán thành con tin qua việc đưa ra những yêu sách không phù hợp nhằm vào Saudi Arabia.

Nhưng có vẻ như Riyadh vẫn đang phớt lờ điều này bằng các cuộc không kích gia tăng. Một trong những hành động cụ thể của Washington là ngưng giúp hoạt động tiếp liệu trên không đối với các máy bay chiến đấu trong liên minh do Saudi Arabia đứng đầu không thay đổi được tình hình. Washington rõ ràng là phải cần một công cụ khác để “thuyết phục” Riyadh. Bruce Riedel, chuyên gia cấp cao tại Viện Brooking, cho rằng việc dừng cung cấp phụ tùng, thiết bị đời mới khiến không quân Saudi Arabia bị ảnh hưởng có thể sẽ đem lại hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nói thì vậy, nhưng việc Saudi Arabia đơn phương ngừng giao chiến cũng chứa đựng nguy cơ nhất định. Các tay súng Houthi, những người khởi động cuộc chiến thông qua đảo chính quân sự năm 2014, đương nhiên sẽ lợi dụng điều này để phô trương “chiến thắng” của mình. Nghịch lý rằng chính Saudi Arabia và UAE đã phóng đại tầm ảnh hưởng của Iran đối với Houthi ở giai đoạn đầu của cuộc chiến, xem đây như là lý do để giải thích cho chiến dịch can thiệp quân sự của mình thì bây giờ thực tế là ảnh hưởng của Iran đã gia tăng nhanh chóng tại đây.

Hiển nhiên, ngừng bắn từ phía Saudi Arabia không phải là liều thuốc thần. Không có gì bảo đảm phiến quân Houthi sẽ có cách đáp trả tương xứng bằng việc chấp thuận chia sẻ quyền lực với giới lãnh đạo Yemen do Riyadh hậu thuẫn hoặc ngưng hành động ly khai. Xung đột ở cấp độ thấp hơn nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp diễn ngay cả khi chiến sự chính chấm dứt. Nhưng Riyadh sẽ là bên được hưởng lợi ngay cả khi Houthi đáp trả bằng cách tiếp tục tấn công tên lửa xuyên biên giới. Dư luận luôn đứng về phe những người buộc phải tự vệ chính đáng.

Muộn còn hơn không

Và cuối cùng, sau hơn ba năm trời, các mục tiêu mà liên minh do Saudi Arabia đứng đầu đề ra vẫn xa vời, trong khi tình cảnh trên thực địa thì cứ ngày một xấu đi. Các cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày một tồi tệ. Dịch bệnh bùng phát trên khắp đất nước Yemen. Các tay súng Houthi thì quyết tâm hơn bao giờ hết. Hơn ai hết, người dân Yemen đang rất cần các cuộc đàm phán thực tâm về các điều khoản cho các thỏa thuận chính trị và an ninh.

Và sự ủng hộ của Mỹ đối với các đàm phán chính trị do LHQ bảo trợ, trong tình huống này, là một diễn biến đáng khích lệ. Và nếu Saudi Arabia quyết định ngừng các chiến dịch quân sự, Hội đồng Bảo an sẽ thông qua một nghị quyết mới theo hướng ủng hộ hành động này, tạo điều kiện để Griffiths và nhóm công tác của LHQ có thực quyền lớn hơn trong các cuộc đàm phán.

Một lệnh ngừng bắn đơn phương do Saudi Arabia khởi xướng sẽ cứu nhiều mạng sống và có thể thay đổi chiều hướng của cuộc chiến để tập trung vào các mối đe dọa đang xảy ra ở trên. Nhưng, như nhiều phân tích, Saudi Arabia sẽ chỉ làm như vậy nếu Mỹ chứng tỏ một cách cương quyết rằng chiến sự tiếp diễn sẽ khiến quan hệ Saudi Arabia - Mỹ phải trả giá.

Thao Nguyễn (tổng hợp)
.
.