Ám ảnh chuyện mua bán cô dâu ở Ấn Độ

Thứ Năm, 05/04/2018, 07:57
Tahmina, 13 tuổi, bị chị gái bán cho một người đàn ông gần 30 tuổi. Rất may, em đã được một tổ chức từ thiện chống buôn người cứu thoát. Tuy nhiên, Tahmina không phải là một trường hợp đơn lẻ. Tại Ấn Độ, có hàng trăm ngàn phụ nữ và bé gái bị buộc phải làm nô lệ tình dục hay bị bán để làm vợ người khác.


“Tôi bị bán với giá 50.000 ruppee”

Phóng viên Elena Del Estral của tờ The Guardian, Anh hồi cuối tháng 3 vừa qua đã cho ra đời loạt bài phóng sự về những cô dâu bị mua bán bất hợp pháp ở Ấn Độ. Với tiêu đề "Tôi bị bán với giá 50.000 ruppee: Những cô dâu bị mua bán ở Ấn Độ", bài báo đã kể lại hàng loạt cuộc đời đầy sóng gió của các cô gái mới lớn.

Tahmina và mẹ trong ngày đoàn tụ. Ảnh: The Guardian.

Bài báo bắt đầu từ việc cô Pul, mẹ của Tahmina vượt 2.000km từ nhà ở Assam, phía Đông Bắc Ấn Độ tới một bang khác, nơi Tahmina, con gái cô đang chờ đợi. Hai mẹ con ôm choàng lấy nhau và khóc vì cả hai những tưởng họ sẽ không bao giờ được gặp lại nhau. Theo lời kể của Pul, 6 tuần trước, Tahmina bỏ nhà đi cùng với chị gái và anh rể. Pul tưởng họ sẽ đến New Delhi để xin việc.

Nhưng thay vì thế, con gái út của cô lại bị đưa đến một ngôi làng xa xôi ở Haryana và bị bán để làm vợ một người đàn ông gần 30 tuổi. Tại một ngôi nhà an toàn do Empower People (một tổ chức từ thiện chống buôn người) điều hành, Tahmina đã vẽ lại những gì em đã trải qua.

Trên mảnh giấy màu hồng được phát, em phác họa những con số, chặng đường đi bằng xe buýt, tàu hỏa và ôtô; phía dưới em ghi một con số 50.000 ruppee ; cái giá mà người đàn ông gần 30 tuổi đã mua em để về làm vợ. Một tư vấn viên của tổ chức Empower People cho biết, trong 2 tuần đầu, Tahmina không nói năng gì mà chỉ ngồi thu lu một góc và khóc.

Mãi sau này khi mẹ em đến nơi, Tahmina mới kể lại câu chuyện của mình: "Chị gái tôi nói với tôi rằng chúng tôi sẽ đến New Delhi với chồng chị ý và các bạn của anh ấy. Nhưng họ lại đưa tôi đến Haryana và giữ tôi trong một căn phòng nhỏ. Những người đàn ông lạ mặt đã đến gặp tôi và tặng tiền. Chị gái tôi ở ngay phòng ngoài và chị ấy biết chuyện xảy ra với tôi".

Rất may, Tahmina đã trốn thoát nhưng ở vùng Tây Bắc Ấn Độ, hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái đã bị đưa ra khỏi gia đình và bị mắc kẹt trong cuộc đời làm nô lệ tình dục hoặc làm vợ của những kẻ đã mua mình.

Không may mắn như Tahmina, Sanjida đã "sống không ra sống" tại quận Mewat của Haryana trong 15 năm qua trong vai trò một người vợ. Cô bỏ nhà ở Assam khi mới 16 tuổi vì tin tưởng vào lời hứa hẹn làm người giữ trẻ ở Delhi. Nhưng thay vào đó, cô được đưa đến Mewat và được bán cho Mubin với giá 10.000 ruppee.

Sanjida và 2 đứa con. Ảnh: The Guardian.

Sajinda kể: "Có những công việc mà phụ nữ địa phương có thể từ chối làm, nhưng tôi thì không thể. Những người như tôi không có gia đình mình ở đây để đứng sau ủng hộ. Chúng tôi như những kẻ nô lệ. Trong khi đó, người chồng Mubin của Sajinda thì lý giải: "Những người đàn ông nghèo, không có đất đai như chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một người vợ ở đây. Tôi đã phải tiết kiệm tiền để mua một cô vợ thì cô ý phải có trách nhiệm đóng góp kinh tế cho gia đình".

Còn Samsuddil, 41 tuổi ở Mewat, đã trả 10.000 ruppee để mua Najida, một phụ nữ ở độ tuổi 20 đến từ Assam cho biết, người vợ đầu của anh không thể sinh con nên anh phải lấy vợ khác. Giờ anh và hai người vợ cùng sống trong một ngôi nhà. "Tôi đã mua Najida vì tôi không có con từ người vợ đầu tiên. Mà việc có con rất quan trọng", Samsuddil nói. "Bởi vì tôi đã có vợ nên không có gia đình nào sẵn sàng cho con gái mình làm vợ tôi nữa".

Trong một ngôi làng gần đó, Saeeda đã ôm con gái út của mình vừa thuật lại việc cô với chị gái cô đã bị đưa đến Haryana cách đây 20 năm như thế nào. "Tôi chỉ biết rằng tôi đã đến Haryana khi mới 11 tuổi. Tôi đã được đưa đến đây cùng với chị gái của tôi nhưng tôi đã không nhìn thấy chị ấy từ khi chúng tôi đến".

Saeeda bị bán cho Azim, một người chồng góa vợ có sáu người con. Saeeda kể cô đã bị chồng và gia đình đánh đập: "Họ muốn tôi tuân theo họ và nếu tôi phản đối, họ luôn dùng câu này nói với tôi: "Chúng tôi sở hữu cô vì chúng tôi đã mua cô"...

Saeeda đã được các nhà hoạt động của Empower People đến thăm và giải thích cho cô rõ về những quyền mà cô có được như một người vợ và một người mẹ. Giờ thì, Azim, chồng cô đã đồng ý cho cô đứng tên trong tài sản chung. Điều đó có nghĩa cô và các con mình sẽ được an toàn nếu Azim chết trước.

Saeeda cũng kể rằng, quanh nhà cô, có nhiều cô dâu đã bị ném ra khỏi gia đình khi họ góa bụa và chính cô đã cưu mang họ, giúp họ trở lại cộng đồng và không bị rơi vào tay những kẻ buôn cô dâu. "Bây giờ tôi có đủ can đảm để chiến đấu", Saeeda nói: "Và tôi cũng sẽ hỗ trợ hết mức để các cô dâu khác có hoàn cảnh như tôi không phải chịu sự tấm tức và cảnh bất công như thế nữa".

Riêng Sujana thì đã tự giải thoát được mình khi cô gọi được về cho gia đình ở Assam. Khi gia đình đưa cô từ Haryana trở về, Sujana đã bị cưỡng ép kết hôn và mang thai. Bố mẹ cô đã cưu mang và chăm sóc cô, giúp cô đối mặt với sự kỳ thị của cộng đồng: "Con tôi giờ đã 9 tháng tuổi. Tôi không quan tâm những người khác trong làng nghĩ hay nói gì về tôi. Tôi chỉ muốn nuôi dạy con tôi trở thành một người tốt". Tahmina thì khác. Em vẫn xấu hổ khi trở về Assam, nhất là khi cha em từ chối cho em ở cùng nhà. Nhờ có mẹ và anh trai, em được đưa tới sống cùng với bà ngoại nhưng cuộc hôn nhân ngắn ngủi vẫn là một bóng đen trong cuộc sống của thiếu nữ này.

Hai cuộc đời nô lệ

Phụ nữ và trẻ em gái bị buôn bán trong hôn nhân thường phải đối mặt với một cuộc sống khốn cùng về tình trạng nô lệ trong gia đình. Câu chuyện của Sahiba là một ví dụ. Cô bị bán khi mới 16 tuổi. Khi đó, một người họ hàng xa đến nhà và nói với gia đình cô ở Assam rằng, ông có thể đem đến cho cô một cuộc sống tốt.

Ông ta đưa cô đi, hãm hiếp cô hai lần và cuối cùng bán cho một gia đình ở Palwal, Haryana cách thủ đô Delhi 60 km.

“Khi biết chồng là người bị bệnh tâm thần, máu của tôi bắt đầu sôi lên và tôi quyết định chạy trốn. Khi tôi từ chối ngủ với chồng mới, tôi đã bị đánh đập và tấn công bằng dao”, Sahiba nhớ lại.

Cuộc đời Farida cũng “bi đát” không kém. 20 năm trước, khi mới 11 tuổi, Farida bị bán cho người đàn ông 70 tuổi. Trải nghiệm hôn nhân đầu tiên của cô là bị hãm hiếp và bạo lực. Cô đã sinh 7 người con liền sau đó.

Jaikam (ở giữa), người chuyên cung cấp các cô dâu cho nam thanh niên vùng Haryana. Ảnh: The Guardian.

“Cuộc sống giống như địa ngục. Ngay sau ngày bị chồng bạo lực tình dục, tôi phải thức dậy sớm để nấu ăn cho hàng chục người vào sáng hôm sau. Nhưng có lẽ, đau đớn nhất là những đứa con được gia đình nhà chồng “dạy” cách căm ghét tôi”, Farida nói. Còn cô gái có tên Muklesha thì lần đầu bị cha bán cho một kẻ buôn người với danh nghĩa đi làm vợ ngay khi mới chỉ 12 tuổi. Bỏ tiền ra mua cô bé là một ông già 70 tuổi đã gần đất xa trời. Ba năm sau, người chồng già cả của cô qua đời, Muklesha lại tiếp tục bị nhà chồng bán cho một người khác.

Lần này, kẻ bỏ tiền ra mua cô là một kẻ bạo hành phụ nữ khét tiếng trong vùng. Muklesha tâm sự: "Ông ta không cho tôi ăn cơm, lôi tôi ra cánh đồng, nhét bùn vào miệng tôi và sau đó đánh đập tôi hằng ngày”...

Shafiq R Khan, người sáng lập và là Chủ tịch Empower People nhận định: “Những phụ nữ bị bán về cơ bản là sống hai cuộc đời nô lệ: Họ phải phục dịch từ 10-12 người đàn ông, lao động quần quật không ngơi nghỉ từ sáng đến tối mịt ngoài đồng ruộng. Tôi từng nghe một nạn nhân kể rằng, sau khi chồng cô ấy mất, một nhóm người đến và hứa sẽ đưa cô ấy đến ở cùng em chồng nhưng rồi khi đến nơi, họ đã bán cô ấy cho một người khác để làm vợ. Một cô gái khác tôi biết đã bị bán cho một người đàn ông trong làng đã có 12 đứa con với giá 123 USD, vậy mà chỉ sau 15 ngày, anh ta lại bán cô ta cho người khác với giá cao hơn”.

Cũng theo Shafiq R Khan, nguyên nhân của những tình trạng này là do tỉ lệ chênh lệch nam nữ ở đây cao tới mức đáng ngại. Không cưới nổi vợ, những người đàn ông mua phụ nữ từ những bang khác, có những phụ nữ bị lừa bán, nhưng không thiếu trường hợp bị ép buộc bằng vũ lực. Có người còn bị chính gia đình của mình bán đi với giá rẻ mạt.

Ngành dịch vụ tàn nhẫn phải xóa bỏ

Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ có số người bị bán làm nô lệ cao nhất Nam Á, trong số đó 75% là phụ nữ. Một khi rơi vào tay bọn buôn người, tương lai của những phụ nữ này là những ngày lao động phục dịch, thậm chí họ còn bị cưỡng ép làm gái mại dâm. Họ là những nô lệ của thế kỉ 21. Và trong nhiều thập kỷ qua, buôn bán cô dâu đã trở thành ngành dịch vụ phát triển ở các bang Haryana, Punjab và Rajasthan của Ấn Độ.

Không có dữ liệu chính thức của chính phủ về số người đã bị buôn bán, nhưng người ta tin rằng hàng ngàn phụ nữ và trẻ em gái, chủ yếu là từ Assam, Tây Bengal, Jharkhand hoặc Bihar đã được bán để trở thành người vợ trong gia đình những người đàn ông xa lạ. Kết quả một cuộc khảo sát do Đại học Queens (Ontario, Canada) tiến hành cho thấy, phụ nữ bị dụ dỗ hoặc ép buộc hôn nhân ở 1.300 ngôi làng thuộc bang Haryana và Rajasthan đã tăng 30% trong 3 năm qua.

Văn phòng Liên Hợp Quốc về ma túy và tội phạm (UNODC) đã xác định, cô dâu bị bán ngày càng tăng ở bang Haryana, Punjab và Uttar Pradesh - nơi tỷ lệ mất cân bằng giới tính cao nhất trong cả nước Ấn Độ. Một báo cáo của UNODC năm 2013 trích dẫn kết quả cuộc khảo sát ở 92 làng thuộc Haryana cho thấy, 9.000 phụ nữ trong 10.000 hộ dân được mua từ các làng nghèo ở tiểu bang khác.

Kinh doanh cô dâu được chứng minh là “nghề” mang lại thu nhập hấp dẫn. Nhiều người dân địa phương đã trở thành người môi giới, tìm nguồn “cung cấp” phụ nữ cho gia đình có nhu cầu. Còn theo báo cáo của Cục thống kê tội phạm quốc gia năm 2016, 33.855 phụ nữ, thiếu nữ và trẻ em gái đã bị bắt cóc hoặc bị bán vì mục đích kết hôn. Một nửa trong số đó dưới 18 tuổi.

Các nhà hoạt động tin rằng quy mô buôn bán cô dâu vẫn chưa được hiểu đúng. Cuộc điều tra của Empower People hồi năm 2014 đã giúp tìm thấy 1.352 nạn nhân bị buôn bán đang sống với người mua họ tại 85 làng mạc ở phía Bắc Ấn Độ. Shafiq R Khan, người sáng lập và là Chủ tịch Empower People, nói rằng hoạt động kinh doanh cô dâu được thực hiện ở 10 bang trên đất Ấn Độ.

Những cô dâu này khi bị bán cho nhà chồng còn bị bóc lột sức lao động, thậm chí còn bị chồng chia sẻ với những người đàn ông khác trong gia đình. Một tình nguyện viên của tổ chức Empower People là Ghaushia Khan (40 tuổi) cũng từng trải qua cuộc hôn nhân kiểu vậy.

Cô cho biết, năm 1992, cô đã bị bán và kể từ đó cô phải sống cuộc đời ô nhục cho đến khi trốn thoát và tham gia tổ chức Empower People. Ghaushia Khan đã nỗ lực rất nhiều để giúp đỡ các cô gái cùng hoàn cảnh. Mới đây, cô đã giúp Farida trốn thoát sau 20 năm bị bán làm vợ cho một ông già 70 tuổi. Khi đó, cô mới 11 tuổi.

Các báo cáo của UNODC năm 2013 cũng nhấn mạnh rằng, phụ nữ bị buôn bán vì hôn nhân cưỡng bức là "bị khai thác, bị từ chối các quyền cơ bản, trở thành người giúp việc trong gia đình và cuối cùng bị bỏ rơi". Nhiều người trong số những phụ nữ này lại bị bán tiếp theo ý thích của người mua.

Shafiq R Khan nói: "Nếu người chồng mua vợ vì thiếu nữ giới trong cộng đồng thì họ phải tôn trọng người phụ nữ đó. Nhưng họ đã không làm vậy. Những phụ nữ này được gọi là paro hoặc molki, có nghĩa là 'bị đánh cắp' hoặc 'mua', như một cách để làm nhục".

Châu Anh
.
.