Âm mưu hạ uy tín đồng euro và giải tán Liên minh châu Âu

Chủ Nhật, 18/07/2010, 12:50
Không chỉ là hậu quả của quy luật bàn tay vô hình thị trường, cuộc khủng hoảng đồng euro hiện nay là “thành quả” của một chiến lược được Ủy ban Cố vấn kinh tế Nhà Trắng chuẩn bị kỹ lưỡng. Mục tiêu của chiến lược này là nhằm cứu lấy nền kinh tế Mỹ bằng cách buộc các nhà đầu tư châu Âu chạy sang Mỹ và rồi cuối cùng là đặt nền kinh tế của các nước khu vực đồng euro dưới sự kiểm soát của Mỹ thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Liên minh châu Âu (EU).

Trên đây là những tiết lộ của Jean-Claude Paye, nhà xã hội học nổi tiếng người Bỉ, tác giả của nhiều cuốn sách về kinh tế và chính trị được xuất bản tại nhiều nước châu Âu và Mỹ. Cuốn sách gần đây nhất của ông có tên Global War on Liberty, được xuất bản tại Mỹ năm 2007. Theo Jean-Claude Paye, hiện mới chỉ là những bước đầu trong chiến lược của Mỹ.

Cuộc khủng hoảng đồng euro là kết quả của một lựa chọn chính trị, đó là quyết định của lãnh đạo châu Âu trong việc đặt cược vào sự tồn tại của đồng tiền chung thay vì tái cấu trúc khoản nợ công của Hy Lạp. Một cuộc tái cấu trúc như thế, nói trắng ra là Hy Lạp tuyên bố khánh tận, có thể cứu được đồng euro nhưng sẽ khiến các ngân hàng bị mất trắng những khoản tiền cho Athens vay.

Trong khoản nợ của Hy Lạp hiện nay thì các tổ chức ngân hàng của Pháp có đến 50 tỉ USD, còn các ngân hàng Đức có 28 tỉ. Tuy nhiên, việc cứu lấy vài chục tỉ USD cho các tổ chức tín dụng không đáng để ra một quyết định mạo hiểm như vậy. Vấn đề chính nằm ở chỗ, khi gây áp lực lên đồng tiền chung, giới cầm quyền buộc những người làm công ăn lương phải trả giá cho cuộc khủng hoảng và thực hiện một sự chuyển đổi khổng lồ thu nhập từ những gia đình về phía các doanh nghiệp, chủ yếu là các tổ chức ngân hàng.

Quy mô của việc chuyển đổi này lớn tới mức thay vì nó có thể được điều khiển chỉ bởi các cơ quan tổ chức của châu Âu, thì nó lại bị lái đi theo quy luật thị trường và ẩn đằng sau đó là bàn tay lông lá của Mỹ. Cuộc khủng hoảng đồng euro chỉ bùng nổ sau những cuộc tấn công liên tiếp và có chủ ý của các công ty định mức tín nhiệm của Mỹ như Standard & Poor's, Moody's và Fitch đối với khoản nợ của Hy Lạp, Tây Ban Nhà và Bồ Đào Nha.

Việc hạ thấp mức độ tín nhiệm của 3 quốc gia này, nhất là với Hy Lạp, là kết quả của một hành động có chủ ý sâu xa. Nó được đưa ra sau hàng loạt quyết định được lặp đi lặp lại và rất đáng chê trách. Những cuộc tấn công này được dựa trên bộ máy Nhà nước Mỹ, nhất là những phát biểu thiếu cân nhắc của cố vấn kinh tế của Tổng thống Obama, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ, Paul Volker, khi nói đến khả năng tan rã của khu vực đồng euro.

Việc gây mất uy tín đồng euro trước hết là một hành động nhằm kéo nguồn vốn đầu tư nước ngoài tại châu Âu vào Mỹ, rất cần thiết để Washington trám vào khoản thâm hụt tài chính công. Tình trạng này xuất phát từ việc những nước như Trung Quốc bắt đầu cân bằng lại lượng dự trữ ngoại tệ bằng cách mua euro và giảm bớt USD.

Điều này đối với Mỹ đã tạo ra một tác động xấu: tới năm 2009, nguồn tài chính giúp Mỹ cân bằng thâm hụt ngân sách đến từ các nguồn đầu tư nước ngoài, nhưng từ đầu năm 2010 đến nay, lượng tiền từ bên ngoài đổ vào Mỹ tụt giảm khiến họ không thể cân bằng ngân sách. Tính đến ngày 19/4/2010, thâm hụt ngân sách của Mỹ đạt khoảng 398 tỉ USD. Việc làm giảm giá trị đồng euro sẽ khiến các nguồn tiền đầu tư chạy từ châu Âu sang Mỹ.

Từ trái qua: Dominique Strauss-Kahn (giám đốc IMF), Timothy Geithner (Bộ trưởng Tài chính Mỹ), Christine Lagarde (Bộ trưởng Kinh tế Pháp) và Elena Salgado (Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tài chính châu Âu), thảo luận về kế hoạch cải cách hệ thống tài chính quốc tế (cuộc họp được phối hợp giữa IMF, WB tại Washington ngày 25/4/2010).

Ngoài ra, chiến lược này của Mỹ còn có một mục đích khác, thâm hiểm và sâu xa, đó là giải tán Liên minh châu Âu để tiến tới thành lập một liên minh kinh tế xuyên Đại Tây Dương, gồm hai lục địa Âu - Mỹ. Chính trong mục đích thứ hai này, người ta có thể hiểu được thái độ của Đức, cả trên vấn đề chống gian lận thuế lẫn vấn đề tấn công đồng euro, đã cung cấp một điểm tựa lý tưởng cho chiến lược của Mỹ.

Châu Âu được xây dựng xung quanh nước Đức và được cơ cấu theo những lợi ích của quốc gia này. Là quốc gia mạnh nhất về kinh tế vào thời điểm thiết lập thị trường chung châu Âu, Đức được hưởng lợi mọi thứ từ thị trường này. Năm 2010, 3/4 lượng hàng xuất khẩu của Đức được tiêu thụ tại thị trường châu Âu. Nhưng thái độ của Đức đối với cuộc khủng hoảng nợ công của Hy Lạp đã khiến cho uy tín của đồng euro bị tụt giảm, làm lợi cho chiến lược của Mỹ

Giang Khuê (tổng hợp)
.
.