Âm mưu lớn phía sau một vụ đụng độ nhỏ

Thứ Ba, 04/12/2018, 15:57
Có động cơ chính trị nào trong vụ đụng độ gây căng thẳng giữa Nga và Ukraine tại Biển Đen hay không? Chưa rõ ý đồ của cả hai bên cùng sự “nhập cuộc” của các bên liên quan nhưng không thể xem nhẹ các nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí nhiều người e ngại, đây có thể là cái cớ của cuộc thế chiến mới...

Dấu hiệu của động cơ chính trị

Phát biểu tại một diễn đàn tài chính tại Moscow ngày 28-11, Tổng thống Putin chỉ trích vụ đụng độ tại Biển Đen “rõ ràng là một hành động khiêu khích” do Tổng thống Poroshenko “dàn dựng trước thềm cuộc tổng tuyển cử” nhằm tăng tỷ lệ ủng hộ trong nước. Theo ông, vụ việc tại Biển Đen là một “sự cố biên giới” và việc Kiev ban bố tình trạng chiến tranh là “một phản ứng thái quá”.

Tổng thống Nga cũng khẳng định Kiev là bên sai trong vụ đụng độ. Ông nêu rõ các tàu của Ukraine đã không tuân thủ luật khi đi qua eo biển Kerch để vào biển Azov thuộc lãnh hải Nga và không phản ứng trước liên lạc radio từ lực lượng biên giới Nga, đồng thời khẳng định các hành động của phía Nga trong vụ việc là chính đáng.

Động cơ chính trị đã “lộ” khi Đại sứ Ukraine tại Đức Andrij Melnyk kêu gọi Berlin và các quốc gia phương Tây khác trừng phạt bổ sung Nga. Tổng thống Ukraine Poroshenko cũng đề nghị các nước thành viên NATO điều tàu hải quân tới biển Azov nhằm hỗ trợ Kiev trong bối cảnh căng thẳng với Moscow gia tăng sau vụ đụng độ.

Trả lời nhật báo Bild của Đức ngày 28-11, Tổng thống Poroshenko đã bác bỏ cáo buộc của Nga cho rằng các tàu của Ukranie đi vào vùng biển Azov là "hành động khiêu khích". Ông Poroshenko hy vọng các nước trong NATO sẵn sàng bố trí các tàu hải quân tới biển Azov để hỗ trợ Ukraine và cung cấp hỗ trợ an ninh.

Tuy nhiên, không phải nước nào cũng đồng tình siết chặt trừng phạt đối với Nga. Ngoại trưởng Karin Kneissl của Áo, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên EU, cho rằng việc áp đặt trừng phạt bổ sung đối với Nga sẽ tùy thuộc vào thông tin chi tiết về vụ đụng độ ở eo biển Kerch cũng như cách hai bên hành xử.

Trong khi đó, tờ Die Welt của Đức dẫn lời các nhà ngoại giao Đức và Pháp cho rằng không cần thiết phải siết chặt trừng phạt Nga liên quan vụ đụng độ ở eo biển Kerch, thay vào đó cần phải “phát triển các biện pháp củng cố lòng tin”.

Phát biểu trên kênh truyền hình Channel One của Nga, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, bà Zakharova cho rằng "một số nước phương Tây đã biết hoặc thậm chí đã tham gia lên kế hoạch" vụ việc trên. Theo bà, các đánh giá mà Nga tập hợp được đã chứng minh điều này. 

Việc Tổng thống Petro Poroshenko ký sắc lệnh áp đặt thiết quân luật đang gây ra căng thẳng với Nga và miền Đông Ukraine. Ảnh: Irish Times.

Ngăn chặn nguy cơ một cuộc chiến

Nếu như động cơ chính trị của Ukraine đang lộ rõ bao nhiêu thì phía Nga tỏ ra bình tĩnh bấy nhiêu khi tuyên bố Nga sẵn sàng ngăn chặn xung đột quân sự. Ngày 28-11, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định Moscow sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn một cuộc xung đột quân sự với Ukraine.

Ông Konstantin Kosachev đồng thời nhấn mạnh Liên minh châu Âu (EU) và NATO phải có trách nhiệm ngăn Ukraine phát động cuộc chiến. Ông cũng chỉ rõ, do lo ngại tàu quân sự bị cản trở khi đi qua biển Azov và khuyến khích Ukraine đẩy nhanh quyết tâm gia nhập NATO là những nguyên nhân chính khiến tổ chức quân sự này đi đầu phản đối Nga trong vụ va chạm với Ukraine tại eo biển Kerch

Phát biểu với hãng tin Sputnik, ông Kosachev nhận định trong tình hình đáng lo ngại hiện nay, EU và NATO phải quyết định liệu họ có xác nhận tuân thủ mục tiêu ban đầu là ngăn chặn các cuộc xung đột ở châu Âu hay không. Hai thể chế này cũng cần phải giải thích rõ ràng với Tổng thống Ukraine Poroshenko về việc không được phép phát động một cuộc chiến khác ở châu Âu. Ông nhấn mạnh, về phần mình, Nga sẽ “làm mọi việc có thể để ngăn chặn xung đột quân sự dưới mọi hình thức”.

Thủ tướng Nga Medvedev cũng phát biểu, nhấn mạnh: “Rõ ràng điều này sẽ tạo ra thêm nhiều sự phức tạp đối với những tiến trình đang diễn ra ở Ukraine. Tình trạng chiến tranh có thể đem lại những vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế Ukraine. Và tất nhiên, hành động này sẽ không giúp cải thiện quan hệ giữa Nga và Ukraine”.

Để công khai, minh bạch thông tin, Ủy ban Điều tra Nga cho biết cơ quan này đã mở các cuộc điều tra riêng biệt liên quan đến những vụ tấn công nhằm vào các phái bộ ngoại giao Nga ở Ukraine và ra tuyên bố cho biết các tàu Ukraine bị bắt giữ chở nhiều vũ khí, đạn dược, trong đó có các loại lựu đạn, súng phóng lựu và súng máy. Cơ quan an ninh Nga cho biết, nhà chức trách đã phát hiện trên tàu Nikopol một tài liệu, trong đó chứa mệnh lệnh yêu cầu bí mật di chuyển từ thành phố Odessa đến thành phố Berdyansk.

Nhìn vào vị trí đặc biệt quan trọng tại khu vực xảy ra đụng độ thấy rõ nguy cơ mà các chuyên gia cảnh báo về một ngòi nổ cho cuộc xung đột lớn hơn là không thể xem nhẹ. Eo biển Kerch - tuyến đường duy nhất đi vào vùng biển chung Azov - chia tách đại lục Nga với Bán đảo Crimea trên Biển Đen lâu nay là điểm nóng dễ bùng phát xung đột giữa Ukraine và Nga.

Câu hỏi là liệu có một cuộc chiến nổ ra ở Biển Đen hay không? Điều này là khó nhưng không phải là không thể. Và cho dù có thế nào, những gì đã xảy ra đang tiếp tục gây ra hậu quả nặng nền đối với quan hệ Nga - Ukraine.

Trước hết là trong lĩnh vực ngoại giao. Trong một phản ứng, phát biểu tại Quốc hội, Ngoại trưởng Ukraine Pavel Klimkin tuyên bố nước này không cần có quan hệ ngoại giao với Nga nhưng Kiev vẫn chưa sẵn sàng để cắt đứt mối quan hệ này vì lo ngại có thể ảnh hưởng bất lợi đến khoảng 2,5 triệu kiều dân Ukraine đang sinh sống tại Nga. Ngoài ra, căng thẳng giữa hai nước đang thổi bùng nguy cơ ở miền Đông Ukraine sau khi Tổng thống Petro Poroshenko ký sắc lệnh áp đặt thiết quân luật.

Chính các chuyên gia của Ukraine cũng nhận định, việc Quốc hội Ukraine chấp thuận tình trạng thiết quân luật sẽ “thật nguy hiểm khi để cuộc xung đột trở nên tồi tệ hơn”. Vậy ai có lợi trong vụ đụng độ trên biển giữa Nga và Ukraine? Không ai có lợi khi tiến trình đối thoại nhằm cải thiện quan hệ giữa Nga và Ukraine có thể đã tan vỡ dù hai bên chưa đi đến bước cuối cùng là cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Hoa Huyền
.
.