Ấn Độ: Đớn đau phận nữ

Thứ Tư, 22/08/2012, 06:15

Zabeen Ahmed, nữ quản thư đã 50 tuổi làm việc tại Đại học Cotton College, Guwahati, cho biết phụ nữ Ấn Độ bị quấy rối mỗi ngày. Maini Mahanta tâm sự bà hay đem theo bột ớt trong túi xách mỗi khi phải sử dụng phương tiện giao thông công cộng để ném vào mặt những gã đàn ông có hành vi quấy rối.

Deep Patar, nữ phóng viên 24 tuổi của tờ Seven Sisters ở bang Assam, cho biết trên những tuyến xe buýt lưu thông trong thành phố thường hay có những tên chuyên sờ soạng phụ nữ để tìm cảm giác. Một nữ blogger 35 tuổi giấu tên tiết lộ chị thường xuyên là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục mỗi khi đi tàu điện ngầm.

Giữa tháng 7 vừa qua, một phụ nữ trẻ (khoảng 20 - 21 tuổi) sau khi rời quán bar đã bị một nhóm ít nhất 18 người đàn ông tấn công và thậm chí còn quay phim cảnh tượng bỉ ổi! Sự việc xảy ra vào khoảng 21h30 ngay trên con đường đông người qua lại nhất ở thành phố Guwahati, bang Assam. Nạn nhân bị tấn công và quấy rối tình dục đến 45 phút mới thấy cảnh sát xuất hiện. Nhanh chóng sau đó những đoạn clip về vụ tấn công quấy rối xuất hiện trên kênh truyền hình NewsLive của bang Assam.

Clip cho thấy một phụ nữ trẻ bị một nhóm đàn ông tấn công quấy rối ở Guwahati, bang Assam. Sự việc đã gây nên làn sóng phẫn nộ ở Ấn Độ.

Theo số liệu thống kê năm 2010 của Trung tâm Quốc tế Nghiên cứu phụ nữ (ICRW), 45% thiếu nữ Ấn Độ bị ép buộc lấy chồng khi chưa đến 18 tuổi. Một nghiên cứu của Lancet tiến hành năm 2011 cho thấy, tình trạng chuộng con trai và nỗi lo sợ khoản tiền hồi môn đã khiến 12 triệu thiếu nữ phải phá thai trong vòng 3 thập niên qua. Số liệu thống kê của Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UN Population Fund) năm 2010 tiết lộ có 56.000 sản phụ bị chết. Còn nghiên cứu năm 2012 của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho thấy 52% thiếu nữ (và 57% thanh niên) cho rằng đàn ông đánh vợ là chính đáng!

Ngoài ra, giới truyền thông Ấn Độ cho biết những vụ cưỡng bức, xâm hại tình dục và bắt cóc phụ nữ xảy ra gần như hàng ngày ở nước này. Có trường hợp xảy ra cách đây không lâu, một phụ nữ bị dân làng gần thành phố Udaipur, tây bắc Ấn Độ, lột hết quần áo rồi cạo trọc đầu để trừng phạt tội ngoại tình! Khi dân làng bắt đầu ném đá vào người phụ nữ thì cảnh sát xuất hiện và giải cứu kịp thời.

Tại bang Uttar Pradesh, một phụ nữ bị cưỡng bức trong một đồn cảnh sát - nạn nhân tuyên bố mình bị cảnh sát tấn công tình dục sau khi bị bọn xấu dụ dỗ đến nhà ga Kushinagar với hứa hẹn tìm việc làm. Mới đây, một gã đàn ông ở thành phố Indore bị bắt giữ vì tội bạo hành vợ dã man. Trước đó người ta phát hiện một thai nhi nữ bị vứt trong một thùng rác gần Bhopal, thủ phủ bang Madhya Pradesh.

Tháng 6/2012, một người cha đã ra tay sát hại cô con gái 20 tuổi của mình tại ngôi làng ở Rajasthan, phía tây Ấn Độ, để cảnh báo những phụ nữ trẻ dám yêu đương con trai thuộc đẳng cấp thấp hơn. Tháng 7  vừa qua, câu chuyện gây phẫn nộ nhất cho tuyệt đại đa số phụ nữ ở Ấn Độ là cuộc phỏng vấn của tờ Indian Express với bà Mamta Sharma, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về phụ nữ (NCW) - một tổ chức chuyên trách bảo vệ và quảng bá những quyền lợi của phụ nữ Ấn Độ.

Khi trả lời câu hỏi của phóng viên liệu có nên đặt ra các quy định về trang phục cho phụ nữ nhằm để "bảo đảm sự an toàn cho họ" hay không, bà Mamta Sharma phát biểu chống đối việc phụ nữ Ấn Độ ăn mặc theo phương Tây vì như thế là bắt chước mù quáng và ảnh hưởng xấu đến văn hóa nước nhà.

Phụ nữ Ấn Độ - như 3 người trong ảnh ở Bawana, vùng ngoại ô Delhi - thường xuyên bị ép phá bỏ thai nhi nữ.

Bà Mamta Sharma cũng nhấn mạnh vị trí giới hạn của phụ nữ trong xã hội Ấn Độ. Quan điểm của bà Mamta Sharma đã gây nên một trận bão dư luận và gặp phải sự phản ứng gay gắt của phụ nữ Ấn Độ trên trang báo điện tử First Post.

Maini Mahanta, nữ biên tập tạp chí phụ nữ Nandini ở bang Assam tin rằng nhận xét của bà Chủ tịch NCW là dấu hiệu của tư tưởng có thể gọi là "Taliban" đang âm thầm xâm nhập xã hội Ấn Độ. Maini Mahanta lập luận xã hội Ấn Độ còn tệ hại hơn cả Taliban, bởi vì Taliban dám công khai bọn chúng thích hay không thích những gì, trong khi Ấn Độ tôn thờ những nữ thần mà không thể bảo vệ phụ nữ khỏi sự tấn công của tội phạm.

Mahanta giải thích, xã hội Ấn Độ truyền thống coi phụ nữ là những nạn nhân cần sự giúp đỡ của kẻ khác hơn là những cá nhân độc lập về tư tưởng kiểm soát được số phận của chính mình. Điển hình là anh em trai vẫn còn buộc "Raksha bandhan" hay "sợi dây an toàn" quanh cổ tay của chị em gái như là dấu hiệu tượng trưng cho thấy phụ nữ cần được bảo vệ. Điều đó cũng có nghĩa là từ nhỏ đến già, phụ nữ luôn sống dưới sự kiểm soát của phái nam trong gia đình.

Phụ nữ Ấn Độ cũng bị ràng buộc bởi những quy định ngầm như là đi đứng nhẹ nhàng và không được cười nói lớn tiếng. Thậm chí ở Mumbai, thành phố được coi là hiện đại nhất ở Ấn Độ, phụ nữ sẽ bị bắt giữ và buộc tội là gái mại dâm nếu họ dám uống rượu trong các quán bar.

Sheetal Sharma và Bitopi Dutta, hai nhà nữ quyền của nhóm North East Network, cho biết phụ nữ Ấn Độ hiện đại được phân thành hai loại "tốt" và "xấu" tùy theo cách ăn mặc, xuất hiện tại nơi nào khi trời tối, có ra ngoài đường khi trời tối hoặc có uống rượu hay không!

An An (tổng hợp)
.
.