Ấn Độ: Nỗi đau từ làng mại dâm “truyền thống”

Thứ Tư, 06/02/2013, 16:05

Tàn dư cai trị thâm độc mà thực dân Anh để lại cho đến nay vẫn làm nhức nhối lịch sử, xã hội Ấn Độ. Đạo luật Tội phạm Hình sự bộ lạc mà thực dân Anh ban hành khi còn cai trị khiến cho nhiều bộ lạc Ấn Độ rơi xuống đáy xã hội đầy đau khổ, đặc biệt là phụ nữ, buộc họ phải nuôi thân, gia đình bằng cái nghề nhơ nhuốc: mại dâm.

Tàn dư của bóng đêm thực dân Anh

Nat Purwa, một ngôi làng nhỏ xa xôi hẻo lánh, ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ. Như hầu hết những ngôi làng xung quanh, Nat Purwa nghèo xơ xác. Nhưng một yếu tố khiến ngôi làng này nổi bật hơn những ngôi làng khác trong khu vực đó là: Ở đây, mại dâm là nghề “mẹ truyền con nối”, các thế hệ phụ nữ cứ nối tiếp  "nghề truyền thống" đó.

Bà Chandralekha, một "cựu binh" trong nghề mại dâm kể lại, khi bà mới bước sang tuổi mù u (ngày nay gọi theo ngôn ngữ hiện đại gọi là teen, tuổi từ 10-19), đã hành nghề giống như bao thiếu nữ còn lại trong làng. "Bà tôi bảo: "Có gì khác đâu nếu cháu trở thành một gái bán hoa? Bà tôi là một trong những người "rủ" tôi vào nghề" - Chandralekha nhớ về quá khứ.

Chandralekha giờ đã hoàn lương, không còn làm nghề mại dâm nữa, do không thể chịu đựng nổi sự lạm dụng, hành hạ. "Tôi nhận ra chẳng có sự tôn trọng nào. Một con điếm chỉ là một con điếm mà thôi".  Bà nói trong đau xót và ân hận.

"Nguồn gốc" dẫn đến "sự sa đọa" của những người phụ nữ Nat được cho là: vào năm 1871, thực dân Anh thông qua Đạo luật Hình sự Bộ lạc, để phân biệt rõ các bộ lạc khi dính dáng đến "các hoạt động phạm tội hình sự". Cộng đồng người Nat là một những bộ lạc rơi vào tầm ngắm của đạo luật này.

Madhu Kiswar, biên tập viên tờ Manushi, một tạp chí và diễn đàn quyền phụ nữ, đã giải thích: "Họ (người Nat và các bộ lạc phạm tội hình sự khác) đã từng là những vũ công, diễn viên nhào lộn, tung hứng và ảo thuật". "Trong suốt thời kỳ thực dân, nước Anh đặt họ ra khỏi vòng pháp luật. Họ bị đánh đập, bắt bớ, giam cầm và không ngừng bị bạo hành. Những hành động này đã làm cạn kiệt nguồn sinh kế truyền thống của họ và những người phụ nữ không còn lựa chọn nào khác. Cuối cùng, họ buộc phải làm nghề mại dâm. Họ còn biết làm gì khác nữa?

Kiswar cho biết, đã hơn 60 năm trôi qua, sau khi độc lập, khung pháp lý ở Ấn Độ vẫn "đặt" một số cộng đồng  trong đó có người Nat nằm ngoài lề xã hội vì ảnh hưởng  "lăng kính thực dân".

Không chỉ Nat Purwa có nghề mại dâm "truyền thống"

Nat Purwa không phải là làng "buôn phấn, bán hương" duy nhất, tiến sĩ Anuja Agrawal, người nghiên cứu về đề tài này cho biết, rất khó xác định chính xác số lượng "làng nghề mại dâm" như  Nat Purwa ở  Ấn Độ. Bà Agrawal cũng tiết lộ "bí mật" rằng, toàn bộ những cộng đồng này đều có sự gắn kết với nhau. "Họ sẻ chia với nhau một quá khứ rõ rệt. Họ đều là những bộ lạc du mục sống quần cư với nhau ở nhiều ngôi làng nhỏ". Bà Agrawal còn cho biết, không ít trường hợp cả gia đình cùng tham gia "hành nghề", trong đó đàn ông cũng tham gia bán dâm, khiến cho nghề này trở thành "cần câu cơm" chính của gia đình.

Trong thời kỳ tiền thực dân Anh cai trị, người Devadasis là những vũ công đền thờ (tương tự như đồng cốt "hầu đồng" và "tán vong" ở Việt Nam), những vũ công Davadasis thường "kết hôn" với các vị thần đền. Dưới ách đô hộ của thực dân Anh, việc nhảy múa, ca xướng ở đền đài bị xem là hành động phạm tội hình sự, những vũ công nữ đã bị ép đến đường cùng, chính sự cai trị tàn độc của thực dân Anh đã buộc họ phải "rời ánh đèn sân khấu", rơi vào bóng đêm đau khổ, họ phải  bán cả thân xác để nuôi sống chính mình và gia đình.

Trong những năm qua, nhiều phụ nữ thuộc các cộng đồng này đã dắt díu nhau chuyển đến các trung tâm đô thị lớn như: New Dehli, Mumbai, Kolkata và thậm chí, còn ra cả nước ngoài hành nghề, chẳng hạn ở Dubai.

Một nghiên cứu gần đây ước tính có khoảng 1% trong tổng dân số nữ trưởng thành ở Ấn Độ có khả năng đã tham gia vào đường dây thương mại tình dục. Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để phục hồi nhân phẩm cho những phụ nữ từng hành nghề mại dâm và bảo vệ trẻ em khỏi các nguy cơ có thể dẫn đến con đường nhơ nhuốc này. Tháng 10/2012, chính quyền Dehli đưa ra đề xuất  tập trung toàn bộ  biện pháp như vậy theo một chương trình chung dành cho những người hành nghề mại dâm.

Sự kỳ thị và giấc mơ đổi đời xa ngái

Ram Babu, một người nghiên cứu đề tài "mại dâm làng truyền thống" đang làm việc cho một tổ chức phi chính phủ địa phương có tên gọi ASHA Trust, đã đau xót kể lại ông phải đối mặt ra sao với sự kỳ thị khi ông muốn được học lên cao hơn. "Họ hỏi chúng tôi (ý ông Babu chỉ ông và những người không được mang họ cha, không biết cha mình là ai vì mẹ làm nghề mại dâm): "Anh là con trai ai nhỉ? Con trai của một gái điếm à? Tôi tin ai cũng cảm thấy bị tổn thương". Ông Ram Babu bùi ngùi nói.

Ông Ram Babu cho biết, cách duy nhất để xóa bỏ quá khứ đau khổ của những người dân trong làng là phải làm việc hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn. "Ít nhất 30% phụ nữ trong làng vẫn làm gái bán dâm. Nếu bạn muốn thấy sự tiến bộ, bạn phải có khả năng cung cấp một công việc thay thế để họ kiếm kế sinh nhai”.

Trường học ở Nat Purwa cũng ảm đạm, rách rưới như những phận đời nghèo, đầy buồn tủi ở đây, ngôi trường thiếu thốn cơ sở vật chất trầm trọng, nó nằm lọt thỏm trong khu vưc hoang vắng cách biệt với xã hội, trường chỉ có một phòng học, dăm chiếc ghế băng và một chiếc bảng đen. Rukmini (tên nhân vật đã được thay đổi), một nữ sinh 12 tuổi bẽn lẽn, rụt rè nói: "Cháu chẳng biết cháu sẽ trở thành gì nữa. Cháu sẽ trở thành bất cứ điều gì mà cháu có thể trở thành. Cháu có thể làm việc văn phòng hay việc gì đó".

Cô bé không có vẻ tràn đầy khát vọng thay đổi số phận. Nhưng môi trường sống quạnh vắng, tiêu điều ở Nat Purwa cùng cái đói, cái nghèo và cả sự lạc hậu vẫn đang kìm hãm số phận của những người phụ nữ, khiến cho mại dâm như là nghề "định mệnh" được rỉ ra từ "mạch nguồn truyền thống" và giấc mơ đổi đời  của họ hãy còn xa ngái

Phạm Anh Trúc (tổng hợp)
.
.