Anh: Bản án 50 năm tù dành cho “gia đình siêu trộm” Johnson

Thứ Sáu, 29/08/2008, 11:45
Một trong những gia đình tội phạm nổi tiếng nhất nước Anh đã phải vào tù, chấm dứt 20 năm làm mưa làm gió trong bóng tối. Tất cả 5 thành viên trong băng nhóm Johnson đã bị kết án tổng cộng 50 năm tù vì tội trộm cắp khối tài sản – bao gồm tác phẩm nghệ thuật và đồ cổ quý hiếm - trị giá hơn 30 triệu bảng Anh.

Băng nhóm Johnson đã đột nhập dinh thự lộng lẫy xây dựng từ thế kỷ XVII của ông trùm bất động sản Harry Hyams và thực hiện một trong những vụ trộm gây chấn động nhất nước Anh.

Các mục tiêu gây án khác của băng nhóm này bao gồm điện Warneford ở Wiltshire, tư gia rộng 1.000 hécta của trùm quảng cáo cuộc đua xe Thể thức 1 Paddy McNally, người tình cũ của nữ công tước xứ York.

Bọn chúng đã lấy đi những món đồ giá trị tổng cộng là 1 triệu bảng Anh. Gia đình Johnson đột nhập qua cửa vào hồ bơi ở phía sau tòa nhà vào ngày 24/10/2005 lúc 19h30’.

5 siêu trộm bị kết án là: Richard “Chad” Johnson 33 tuổi (11 năm tù), Daniel O’Loughlin 32 tuổi (11 năm tù), Michael Nicholls 29 tuổi (10 năm tù), Albi Johnson 25 tuổi (9 năm tù) và Ricky Johnson 54 tuổi (8 năm tù). Nhóm siêu trộm này đã thực hiện thành công nhiều vụ trộm tài sản giá trị cao từ ngày 8/4/2005 đến ngày 13/10/2006.

Ricky Johnson là cha của Chad và Albi, trong khi O’Loughlin là cháu, còn Nicholls là bạn trai của Faye, con gái ông ta. Băng nhóm Johnson đặt “căn cứ” ở Evesham, nơi chúng bàn bạc những kế hoạch trộm cắp táo bạo nhất nhắm vào cơ ngơi của những ông trùm siêu giàu.

Bọn chúng học hành chỉ đủ để biết đọc,  biết viết và phát âm được tên họ của mình. “Gia đình” là sản phẩm của cuộc hôn nhân trong thập niên 50 thế kỷ XX giữa Muriel “Millie” Slender ở Cheltenham và Albert Johnson. Hai vợ chồng có 8 người con. Sau khi Albert chết vào khoảng thập niên 70 của thế kỷ trước, Alan (còn gọi là Jimmy) cùng với em trai là Ricky cai quản gia đình.

Albi Johnson; Chad Johnson; Daniel O'Loughlin; Michael Nicholls; Ricky Johnson.

Băng nhóm Johnson đã thực hiện nhiều vụ trộm lớn trong hơn 20 năm, gây hoang mang cho miền Nam nước Anh và Jimmy “góp phần” không nhỏ các âm mưu phạm pháp. Ricky cũng bị buộc tội lừa gạt một bà già giàu có ở tuổi gần đất xa trời lấy con trai hắn. Cách đây 6 năm, Chad 33 tuổi, con trai của Ricky, cưới Tania Campell, một nữ thừa kế đã 71 tuổi mắc bệnh tâm thần phân liệt và sống gần như trọn đời trong bệnh viện tâm thần.

Tai tiếng của gia đình Johnson lan khắp nước Anh sau khi Hãng BBC thực hiện cuốn phim tài liệu về họ – “Mùa hè với gia đình Johnson” - và phát hình năm 2005. Cuốn phim nói về những thành tích lừa đảo và trộm cắp của Jimmy, nổi tiếng là “Vua của dân Gipsy”, Ricky và Chad.

Siêu trộm Ricky 54 tuổi từng mang 22 bản án vì 57 tội trạng từ năm 1965. Tháng 10/2005, Cảnh sát Gloucestershire, thung lũng Thames, Warwickdhire và West Mercia đã quyết định hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa gia đình tội phạm này ra pháp luật.

Cảnh sát Wiltshire đã phối hợp với lực lượng đặc nhiệm để tấn công gia đình Johnson sau khi chúng đột nhập trang viên Ramsbury ở hạt này vào ngày 1/2/2006, lúc 22h30’, và cuỗm đi khối tài sản trị giá hơn 23 triệu bảng Anh. Vụ này được coi là táo tợn nhất và lớn nhất của gia đình Johnson.

Trang viên được xây dựng từ thế kỷ XVII này là cơ ngơi của ông trùm bất động sản đang sống ẩn dật Harry Hyams, người đã xây dựng Trung tâm Point ở London và sở hữu tại gia bộ sưu tập mỹ thuật nổi tiếng thế giới, trong đó bao gồm các tác phẩm quý của các tên tuổi lớn như Titian, Rubens và Rembrandt.

Một tháng sau vụ trộm táo tợn này, cảnh sát nhận được một thông tin nặc danh dẫn dắt họ đến một “hang động của Aladdin” – đó là một boongke trong vùng quê Warwickshire, nơi gia đình Johnson cất giấu chiến lợi phẩm trộm cắp của chúng. Một phần ba của cải phi pháp này là của ông trùm Hyams và nhiều món trong đó đã bị vỡ.

Tổng cộng trong thời gian từ tháng 1/2005 đến tháng 8/2006, Cảnh sát Anh đã điều tra được 116 vụ trộm nhà dân ở miền quê, ăn cắp máy phát tiền và kim loại. Nghi ngờ các vụ này là do gia đình Johnson gây ra, nhưng cảnh sát không có đủ bằng chứng để buộc tội chúng.

Mặc dù đã phát hiện được “hang Aladdin” nhưng cảnh sát vẫn tin rằng nhiều món đồ trộm cắp có thể đã bị bán đấu giá hay tuồn ra nước ngoài. Ngoài ra, cảnh sát cũng nghi ngờ còn nhiều boongke khác của gia đình Johnson đang nằm lẩn khuất ở đâu đó trong nước Anh.

Theo tường thuật của cảnh sát, boongke bí mật của gia đình Johnson – nơi chứa hàng trộm cắp – nằm đằng sau một túp lều xiêu vẹo ở vùng ngoại ô Stratford-upon-Avon (Warwickshire). Cái hang có độ sâu hơn 3m, với những bức tường trát xi măng, và đường vào thông qua cái lỗ rộng chừng 1m2.

Các thám tử phát hiện một cái cửa được phủ lớp cỏ bên trên và nằm ẩn đằng sau lối vào. Bên trong là nhiều túi vải bạt màu đen nhét đầy rơm. Nhiều mảnh đồ sứ bị vỡ là tài sản của nhà Hyams – trị giá khoảng 12 triệu bảng Anh và 1/3 trong tổng cộng số hàng ăn trộm – bị ném vào trong số túi vải đó. Một số món đồ cổ vô giá đã bị hư hỏng. Cảnh sát thu hồi được phần tài sản còn lại của nhà Hyams, trị giá tổng cộng khoảng 23 triệu bảng Anh

Diên San (theo Guardian)
.
.