Anh: Bùng nổ dịch vụ vệ sĩ tư nhân

Thứ Tư, 27/04/2011, 22:55

"Có tiền đưa ra ngay!". Người đàn ông bặm trợn hét to nhưng dường như không hề gây sợ hãi cho nữ nạn nhân. Bình tĩnh, người phụ nữ tung ra một thế võ khống chế kẻ tấn công và tước nhanh khẩu súng. Đây không phải là vụ trấn lột bất thành mà thật ra là một kịch bản huấn luyện vệ sĩ.

Trước đây chỉ dành riêng cho giới quý tộc hay những nhân vật nổi tiếng, song trong thời gian gần đây, dịch vụ vệ sĩ tư nhân đang chuyển sang đáp ứng nhu cầu được bảo vệ của nhiều tầng lớp khác nhau trong xã hội hiện đại ở nước Anh. Những khách hàng siêu giàu, như các ông chủ nhà băng hay tổng giám đốc tập đoàn kinh tế, lo sợ trước mối đe dọa bản thân hay gia đình bị bắt cóc đã làm tăng mạnh nhu cầu thuê vệ sĩ bảo vệ sát sườn ở nước Anh hiện nay. Ngoài ra còn phải kể đến nguy cơ bị ám sát nếu đó là nhân vật quyền cao chức trọng trong xã hội.

Jamie - cựu lính thủy đánh bộ Anh, sĩ quan cận vệ dày dạn kinh nghiệm và huấn luyện viên trưởng của dịch vụ cận vệ Task International, tin rằng nhiều học viên còn chưa hiểu rõ nhiệm vụ bảo vệ nghiêm ngặt và sát sao là như thế nào. Jamie nói: "Những người tìm hiểu về khoá huấn luyện cận vệ tưởng rằng họ sẽ được mặc vào người bộ đồ đen, mang cặp kính đen và có nhiệm vụ xua đuổi những kẻ bất lương tránh xa ông chủ của họ. Trong thực tế, công việc đòi hỏi sĩ quan cận vệ phải được đào tạo với rất nhiều kỹ năng đặc biệt, từ khả năng phản ứng cho đến việc sử dụng thành thạo mọi thiết bị điện tử hiện đại.  Còn đối với súng ống, bất cứ sĩ quan cận vệ nào cũng phải tuân thủ luật pháp trên mảnh đất mà họ thực thi nhiệm vụ. Và ở Anh rõ ràng là không được mang súng theo bên người".

Ở Anh, cận vệ đòi hỏi phải trải qua chương trình huấn luyện theo quy định và được cấp phép hoạt động bởi Hiệp hội Công nghiệp an ninh (SIA). Jamie cho biết, nhu cầu hiện nay đòi hỏi nhiều loại hình dịch vụ bảo vệ. Đối với một số người nổi tiếng, họ cần được bảo vệ trước những đối tượng nguy hiểm; còn đối với một số khác cần được bảo vệ trước những người hâm mộ quá khích, paparazzi (kẻ săn ảnh) hay một kẻ quấy rối âm thầm. Người càng nổi tiếng thì nhiệm vụ bảo vệ càng nặng.

Theo chuyên gia an ninh Will Geddes, những công ty kinh doanh phát triển sang những thị trường mới đầy tiềm năng hay những vùng không ổn định trên thế giới rất cần đến dịch vụ bảo vệ nhân viên của họ. Để hoàn thành công việc, những nhân viên được cử đến những môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ cần được cung cấp dịch vụ bảo vệ chặt chẽ. Như trường hợp của Jamie, anh được gửi đến Ai Cập ngay giữa lúc tình hình bất ổn nhất với nhiệm vụ giúp sơ tán đội ngũ nhân viên của một công ty đa quốc gia. Jamie nói: "Khi thực hiện nhiệm vụ tại những nơi như Ai Cập, chúng ta sẽ phải đưa đội ngũ nhân viên đến nơi an toàn, cung cấp cho họ tiền mặt và thuốc men, và đưa họ rời khỏi nước này. Công việc có lẽ sẽ gay go nhưng tiền trả khá cao”.

Một trong những hợp đồng dài nhất của Jamie là bảo vệ một công nương Arập. Trách nhiệm đòi hỏi Jamie phải thành lập một đội 6 người trong đó có 2 nữ vệ sĩ. Ví dụ như, nếu công nương muốn đi mua sắm quần áo thì việc cắt cử một người đàn ông lực lưỡng đi kèm theo là không thích hợp. Do đó nhu cầu tuyển mộ nữ vệ sĩ là rất cao.

Sophie là một nữ vệ sĩ xuất thân từ quân đội nên rất thích hợp với công việc cận vệ cho nữ khách hàng. Sophie nói: "Sau thời gian vài năm phục vụ trong quân đội, tôi không nghĩ mình sẽ nhận một công việc làm theo giờ hành chính. Tôi muốn sử dụng khả năng người lính của mình vào nghề nghiệp mới và cũng muốn làm gương để khích lệ những phụ nữ khác tham gia nghề vệ sĩ này. Nhưng điều tệ hại nhất của công việc chính là giờ giấc. Phải làm việc từ rất sớm và kết thúc nhiệm vụ rất muộn. Đó là thực tế của nghề vệ sĩ".

Theo SIA, hiện thời chỉ có một số nhỏ phụ nữ được huấn luyện và cấp phép hành nghề vệ sĩ, nhưng con số này đang tăng nhanh. Một số cộng đồng văn hóa, ví dụ như những gia đình Hồi giáo, thường yêu cầu cung cấp nữ vệ sĩ để bảo vệ cho khách hàng nữ

An An (tổng hợp)
.
.