Anh: Đạo chích tấn công những loài hoa quý hiếm

Thứ Tư, 12/11/2014, 07:20

Nạn trộm cắp lan tràn những loài hoa quý hiếm có nguy cơ tuyệt giống ở Anh đã khiến cho các khu vườn bách thảo phải sử dụng một số biện pháp mạnh tay để bảo vệ chúng. Nhưng “vỏ quýt dày” luôn có “móng tay nhọn”.

Khung cảnh thơ mộng với những cây đu đưa nhẹ ngàng trong gió của khu vườn Sir Harold Hillier Gardens trông không giống một điểm nóng tội phạm một chút nào cả. Vài cặp vợ chồng trẻ thong thả đẩy xe nôi dạo mát còn những người lớn tuổi ngồi trầm tư uống trà và ăn bánh ngọt. Trong khi đó, mọi người không hề nhận thấy đội ngũ bảo vệ khu vường bách thảo luôn trong trạng thái cảnh giác cao độ.

Lãnh đạo khu vườn Fran Clifton giải thích: "Mỗi lần có vụ trộm cắp hoa quý xảy ra, chúng tôi đều cảm thấy sốc như lần đầu tiên. Hồi đầu năm nay, chúng tôi bố trí thêm 2 loài cây tiểu nghiệt quý hiếm cho khu vườn nhưng chỉ trong vòng 1 tuần, một cây đã biến mất một cách bí ẩn".

Những vụ trộm cắp cây hoa quý diễn ra thường xuyên ở Sir Harold Hillier Gardens, trong đó là hàng trăm cây hoa giọt tuyết mới trồng trị giá  mỗi cây đến 100 bảng Anh. Hiện nay, những cây hoa giọt tuyết được buộc dây cẩn thận đồng thời hạn chế trưng bày.

Nhà thực vật học Barry Clarke làm việc tại khu vườn cho biết: "Mỗi năm ở đây bị mất từ 10 đến 20 cây. Tôi cho rằng 50% số cây bị đánh cắp sẽ chết rất nhanh sau đó vì không phải kẻ trộm nào cũng biết chăm sóc những giống hoa đặc biệt".

Theo Barry Clarke, kẻ trộm ở đủ mọi độ tuổi từ già đến trẻ và thậm chí có cả sinh viên trường nông nghiệp. Điều gây lo ngại nhất là sự phát triển nhanh của thị trường đen tiêu thụ những loài hoa quý hiếm.

Khu vườn bách thảo hoàng gia Kew Gardens ở phía tây London trở thành tâm điểm chú ý của dư luận hồi tháng 1/2014 sau khi loài hoa súng châu Phi vô giá có tên gọi khoa học là Nymphaea thermarum bị nhổ trộm khỏi ao cạn. Cây hoa súng cực kỳ quý giá này (đã tuyệt giống ngoài tự nhiên) sau đó không tìm lại được và có lẽ nó đã chết.

Người ta tin rằng cây hoa súng bị trộm theo yêu cầu từ một nhà sưu tập nào đó. Nhiều người còn nhận định những vụ trộm cắp cây quý hiếm như thế liên quan đến tội phạm có tổ chức và bọn chúng coi như một mặt hàng có rất giá trị trên thị trường đen. Ví dụ, một loài hoa phong lan mới có xuất xứ từ châu Á hay Mỹ đôi khi có giá đến 300 bảng Anh một cây.

Bảng cảnh báo truy tố ra tòa án bất cứ ai có hành vi trộm cây quý tại một vườn bách thảo.

Để bảo vệ, những khu vườn bách thảo buộc phải chôn chặt cây quý xuống đất và dựng lồng thép bao bọc xung quanh, đồng thời cho lắp đặt thêm nhiều camera an ninh. Các nhà thực vật học cũng đang quan ngại về thị trường hoa quý hiếm ngày càng phát triển rộng trên Internet. Số cây quý được Công ước Quốc tế về buôn bán các loài động thực vật quý hiếm (CITES) bảo vệ nhiều hơn động vật gấp 5 lần - bao gồm cây mè, xương rồng và nhiều loài phong lan khác nhau.

Bất cứ hoạt động buôn bán cây quý mà không được phép của CITES đều được coi là bất hợp pháp. Nhưng khi tìm kiếm trên các trang web đấu giá những loài cây quý hiếm, người ta dễ dàng nhận ra chúng đều không được cấp phép. Thậm chí một số loài cây đã bị mất giống do thú đam mê sưu tập!

Năm 1999, loài mới Paphiopedilum vietnamense được giới khoa học khám phá ở Việt Nam nhưng chỉ sau 5 năm giống này đã biến mất trong tự nhiên.

Khu vườn bách thảo Sir Harold Hillier Gardens.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ những loài cây quý hiếm đều có mặt trong những khu vườn bách thảo ở Anh. Một số loài cây của Anh có thể tìm thấy trong tự nhiên - đôi khi nằm dọc theo bờ sông hay đường mòn - rất dễ bị trộm cắp. Nhóm chiến dịch bảo vệ thực vật Plantlife nhận định những vụ trộm cắp ngoài tự nhiên rất khó chứng minh được.

Lực lượng Biên giới có nhiệm vụ ngăn chặn buôn lậu vào và ra khỏi nước Anh cho biết hàng hóa đi qua các quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) trước khi vào đất Anh. Plantlife đã cho người theo dõi mọi con đường mòn để thu thập thông tin về những loài cây quý. Plantlife cũng muốn những nơi mọc cây quý được luật pháp bảo vệ tương tự như đối với những môi trường sống của động vật hiếm.

Cây hoa súng châu Phi có tên gọi Nymphaea thermarum đã bị nhổ trộm.

Đại học Kent hiện đang nghiên cứu những biện pháp hữu hiệu giúp phát hiện sớm hành vi tội phạm như là hệ thống báo động sử dụng cho cây mè. Đại học Kent cũng đề nghị tích hợp thiết bị cảm biến vào tấm thẻ giới thiệu cây quý để đội ngũ bảo vệ vườn bách thảo nhận được cảnh báo tức thì mỗi khi cây bị di chuyển hay xâm hại. Biện pháp này dự kiến sẽ được thử nghiệm ở Nam Phi vào năm 2015.

Các kỹ sư phần mềm cũng đang nỗ lực phát triển một hệ thống cập nhật những vụ buôn bán cây quý hiếm trên Internet và cảnh báo đến giới chức có trách nhiệm về những quảng cáo đáng ngờ. Giới chuyên gia thực vật học đánh giá hệ thống này rất quan trọng bởi vì nạn trộm cắp cây quý hiếm có thể gây ra những hậ quả to lớn cho môi trường.

Giáo sư Madeleine Groves ở Đại học Kent giải thích: "Mọi loài cây đều đóng một vai trò trong hệ sinh thái và môi trường". Một loài cây quý bị mất trộm có thể là loài mới nhất được khoa học biết đến và có chứa dược chất chữa những bệnh hiểm nghèo

An Di (tổng hợp)
.
.