Anh: Điều tra ngành công nghiệp tái chế rác thải

Thứ Ba, 06/11/2018, 20:33
Mới đây, Cơ quan môi trường Anh (EA) mở cuộc điều tra sâu rộng đối với ngành công nghiệp tái chế nhựa về hành vi gian lận và tham nhũng trong hệ thống xuất khẩu. Theo cuộc điều tra, chất thải nhựa không được tái chế nhưng lại để rò rỉ vào sông ngòi và đại dương.

Thậm chí, các lô hàng chất thải nhựa bất hợp pháp từ Anh được chuyển đến vùng Viễn Đông thông qua Hà Lan.

Theo dữ liệu từ EA, 6 nhà xuất khẩu chất thải nhựa của Anh đã bị đình chỉ hoặc hủy bỏ giấy phép trong 3 tháng qua do lo ngại nguy cơ ô nhiễm chất thải. Năm 2017, 2/3 lượng chất thải bao bì nhựa của Anh được xuất khẩu, trị giá 50 triệu bảng Anh. Dữ liệu điều tra cho thấy các công ty xuất khẩu của Anh thừa nhận đã vận chuyển ra nước ngoài 35.135 tấn nhựa nhiều hơn so với hồ sơ hàng phế liệu rời khỏi đất nước của Cục Hải quan Anh.

Cụ thể, ít nhất 100 container chất thải nhựa mỗi ngày được vận chuyển từ các cảng bao gồm Felixstowe và Southampton đến châu Âu và vùng Viễn Đông. Người trong cuộc cho biết, nhân viên EA chưa bao giờ trực tiếp đến điều tra tại bất kỳ quốc gia hoặc địa điểm nào mà nhựa phế thải của Anh được xuất tới để tái chế.

Jacob Hayler, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ môi trường (ESA), là một trong nhiều cá nhân từng nêu vấn đề về sự khác biệt về số liệu với EA. Ông cho biết: “Chúng tôi hết sức quan tâm đến thực tế này và EA nhận thức được điều đó. Dù sao, tôi cho rằng EA và những người có trách nhiệm khác đang xem xét cách cải thiện việc thực thi luật pháp. Thực tế cho thấy có hành vi tội phạm có tổ chức và các băng nhóm tội phạm khai thác hệ thống và điều đó vẫn đang tiếp diễn”.

Từ trái qua: Jacob Hayler, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Dịch vụ Môi trường; Phil Conran; Jakob Rindegren, chuyên gia tư vấn chính sách tái chế cho ESA.

Các số liệu do tờ Guardian của Anh cho thấy xuất khẩu của nước này sang Thổ Nhĩ Kỳ và Hà Lan tăng cao. Theo tờ Guardian, Anh dựa rất nhiều vào thị trường xuất khẩu do phải cố gắng hết sức để đáp ứng mục tiêu tái xử lý hơn một nửa số lượng chất thải nhựa của nước này vào năm 2020.

Phil Conran, người điều hành trang web 360 Environmental và là Chủ tịch Ủy ban Cố vấn của Chính phủ Anh cho biết, trong tình hình hiện nay, các thị trường nhập khẩu rác thải nhựa tái chế ngày càng không chấp nhận những loại vật liệu kém chất lượng và chỉ nhận tiêu thụ vật liệu chất lượng tốt hơn. Hơn nữa, các thị trường mới đang tỏ ra lo ngại về nạn gian lận rác thải tái chế trong hệ thống xuất khẩu từ nước Anh.

Tháng 8-2018, 1.000 tấn rác thải gắn nhãn nhựa tái chế nhập lậu vào Ba Lan từ Anh bị gửi trả lại làm dấy lên lo ngại về cách xử lý rác ở Anh. Trong vụ việc này, 3 công ty liên quan đang phải đối mặt với cuộc điều tra. Ba Lan, điểm đến lớn thứ hai tại châu Âu của rác thải nhựa Anh, muốn ngừng nhập khẩu rác thải do lo ngại về “mafia bãi rác”.

Cơ quan thương mại chất thải và tái chế thuộc ESA cũng cảnh báo chính quyền Anh cần nhanh chóng điều tra người chịu trách nhiệm việc xuất khẩu trái phép số chất thải khổng lồ này.

Jakob Rindegren, chuyên gia tư vấn chính sách tái chế cho ESA, phát biểu với Unearthed - cơ quan phát ngôn của Tổ chức Hòa bình Xanh: “Nếu cáo buộc trên báo về một đường dây có tổ chức là đúng thì điều đó rất nghiêm trọng và chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp cần hết sức thận trọng, đảm bảo nắm rõ trách nhiệm của mình”.

Cơ quan Kiểm toán Quốc gia Anh (NAO) cho biết, vật liệu đóng gói “tái chế” được gửi ra nước ngoài thực sự có thể bị bán phá giá hoặc gửi đến bãi rác do biện pháp kiểm soát lỏng lẻo và quản lý yếu kém. Trước đây, Chủ tịch EA James Bevan từng cảnh báo nạn xuất khẩu trái phép chất thải là “tội phạm ma túy mới”, gây thất thoát ngân sách hơn 1 tỷ USD mỗi năm nhưng chính quyền Anh vẫn chưa đánh giá đúng quy mô của vấn đề.

Theo khai báo xuất khẩu rác thải từ các công ty, Anh xuất khẩu 27.034 tấn nhựa phế thải sang Thổ Nhĩ Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2018 so với 12.022 tấn trong cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, xuất khẩu rác thải sang Hà Lan tăng gần 10.000 tấn trong 6 tháng đầu năm 2018, so với cùng kỳ năm 2016. EA cáo buộc các công ty xuất khẩu đang thông qua Hà Lan để từ đó vận chuyển bất hợp pháp sang các nước khác ở vùng Viễn Đông.

Rác sinh hoạt nhập khẩu từ Anh nhưng được dán nhãn giả là “chất thải nhựa có thể tái chế” ở thành phố Santos (Brazil).

Về phần mình, chuyên gia Addie van der Spapen của công ty tái chế Hà Lan cho biết, nước này chắc chắn không có khả năng tái xử lý lượng rác thải nhựa gia tăng từ Anh. Van der Spapen phát biểu với báo chí: “Tất cả rác thải nhựa sẽ không được tái chế. Châu Âu đang bị tràn ngập bởi các loại rác thải nhựa từ nước Anh”.

Đầu năm 2018, một cuộc điều tra của NAO đã chỉ trích sự thiếu nghiêm khắc của EA và Chính phủ Anh. Theo đó, các công ty xuất khẩu rác thải gian lận gây nguy hiểm nghiêm trọng cho môi trường. Do vậy, có một rủi ro là một số rác thải nhựa không được tái chế theo các tiêu chuẩn tương đương với Anh mà thay vào đó được chuyển thẳng đến các bãi chôn lấp góp phần gây ô nhiễm.

Marie Fallon, quan chức thuộc Cơ quan Môi trường Anh, cho biết một nhóm điều tra nằm dưới sự lãnh đạo của một số nghị sĩ nước này đã được chính thức thành lập nhằm giải quyết nạn tham nhũng và gian lận trong hệ thống xuất khẩu rác thải.

Duy Ân (tổng hợp)
.
.