Anh: Kẽ hở luật pháp giúp do thám người dùng trên mạng xã hội

Thứ Năm, 10/07/2014, 06:50

Một số tổ chức đấu tranh vì quyền tự do công dân ở Anh đang kiện Cơ quan Tình báo tín hiệu GCHQ của Anh tội vi phạm các quy định của luật pháp nước này do các hoạt động do thám nhắm vào người dùng Internet ở Anh. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Chính phủ Anh đã lợi dụng kẽ hở luật pháp để biện minh cho hành động do thám của GCHQ.

Trong một tuyên bố "làm chứng" dài 48 trang A4 được đưa ra hôm 18/6 vừa qua, Charles Farr, Tổng giám đốc Văn phòng An ninh và chống khủng bố Anh khẳng định, hoạt động do thám, theo dõi người dùng trên các trang mạng xã hội là không vi phạm luật pháp của nước Anh. Charles Farr phải đưa ra tuyên bố trên theo yêu cầu của tòa án đang thụ lý vụ kiện của các tổ chức quốc tế bảo vệ quyền tự do công dân, gồm Privacy International, Liberty, Amnesty International.

Tháng 5/2014, các tổ chức này đã cùng nhau nộp hồ sơ kiện GCHQ lên Tòa án Quyền lực điều tra (Investigatory Powers Tribunal) - tòa án giám sát việc tuân thủ luật gián điệp ở Anh.

Trong tuyên bố, Charles Farr lập luận rằng, các quy định trong luật gián điệp của Anh cho phép GCHQ thường xuyên can thiệp (đọc trộm) các giao tiếp trên mạng Internet của người Anh nếu họ sử dụng các diễn đàn phổ biến trên mạng như Facebook, Twitter, YouTube và Google.

Ông Farr cho rằng, luật gián điệp của Anh xem những thông tin giao dịch trên Facebook, Twitter, YouTube và Google là thông tin xuất xứ bên ngoài nước Anh, vì máy chủ của các trang web này đặt tại Mỹ chứ không đặt tại Anh. Đây là một kẽ hở của luật pháp nước Anh trong việc xác định đối tượng, loại thông tin giao tiếp các cơ quan tình báo được phép hay không được phép do thám.

Theo phân tích của ông Farr, trước đây, hoạt động do thám các giao tiếp trên Internet trong nước Anh được quy định tại Khoản 8(1) của Luật Quy định các quyền hạn điều tra (RIPA), theo đó GCHQ phải xin phép và được tòa án đồng ý bằng văn bản khi muốn do thám, theo dõi đối tượng có hoạt động khả nghi phi pháp. Tuy nhiên, bằng cách xác định các nhà cung cấp dịch vụ Facebook, Twitter, YouTube và Google là "các giao tiếp truyền thông nước ngoài", cho nên các giao tiếp đó được áp dụng theo Khoản 8(4) của RIPA.

Điều này có nghĩa là một loạt các hoạt động giao dịch từ email cho đến các tin nhắn trên Facebook và các thông tin tìm kiếm trên trang tìm kiếm Google đều có thể bị can thiệp, do thám cho dù GCHQ (hay bất kỳ cơ quan an ninh nào khác) không có cơ sở khả nghi nào để tiến hành do thám. Farr cho rằng, do đường đi lòng vòng của các giao dịch trên đường truyền Internet toàn cầu nên các dữ liệu trên Internet bị đánh đồng với nhau và đều bị do thám như nhau.

"Cách duy nhất để Chính phủ Anh bảo đảm ít nhất thu thập được một phần dữ liệu mình quan tâm là can thiệp do thám khối lượng lớn dữ liệu" - Farr nói.

Cho dù GCHQ có bảo đảm rằng những thông tin đó không được phổ biến hay tán phát ra ngoài thì quyền riêng tư và tự do của các cá nhân cũng đã bị xâm phạm một cách bất hợp pháp. Eric King, Phó Giám đốc Tổ chức Privacy International phản bác lập luận của ông Farr, cho rằng ông Farr không chỉ xúc phạm nguyên tắc cơ bản của quyền con người mà còn thể hiện một cách cư xử "hạ đẳng" khi xâm phạm quyền tự do, riêng tư của người dân Anh.

Ông Tim Berners-Lee, nhà sáng lập tổ chức WWWF và bà Anne Jellema, Giám đốc WWWF, tổ chức đứng đơn kiện GCHQ ra Tòa án Quyền lực Điều tra.

Vấn đề các cơ quan tình báo Anh và Mỹ do thám người dùng trên mạng Internet đã trở thành đề tài được dư luận quan tâm vì nó đụng chạm đến quyền riêng tư của công dân không chỉ ở Anh, Mỹ mà còn ở các nước trên thế giới. Hoạt động đó đã khiến cho môi trường Internet trở nên mất an ninh hơn, và người sử dụng Internet ngày càng cảm thấy bất an hơn.

Mặc dù Anh, Mỹ đều có luật quy định về hoạt động tình báo trên mạng Internet, về hoạt động do thám công dân nước mình, nhưng trên thực tế các cơ quan tình báo NSA của Mỹ và GCHQ của Anh đều tìm đủ mọi cách để lách luật nhằm thực hiện mục tiêu do thám của mình, lấy lý do an ninh quốc gia, chống khủng bố. Hoạt động của các cơ quan tình báo này đã đặt người dùng Internet hợp pháp, những công dân chân chính vào chung hàng ngũ với bọn khủng bố cần theo dõi. 

Xuất phát từ những hoạt động do thám đó, đầu năm 2014, Tim Berners-Lee, nhà sáng lập mạng Internet toàn cầu, đã kêu gọi chính phủ các nước ban hành luật bảo vệ quyền lợi người sử dụng Internet trước các hoạt động do thám của các cơ quan an ninh và tình báo.

Trước đó, Tim Berners-Lee đã thành lập Tổ chức mạng Internet toàn cầu (WWWF) nhằm bảo vệ người dùng Internet. Các tổ chức bảo vệ quyền tự do công dân khác cũng tham gia vào chiến dịch kêu gọi Chính phủ Anh, Mỹ kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các cơ quan tình báo.

Bà Anne Jellema nhận xét: "Các cơ quan tình báo cần có quyền hạn để bảo vệ an toàn cho người dân, nhưng các quyền hạn đó phải được kiểm soát chặt chẽ và bảo đảm cân bằng, kẻo chúng có thể làm xói mòn nền tảng cơ bản của dân chủ".

Bà Jellema nhận định thêm, luật pháp quy định hoạt động do thám và bảo vệ quyền tự do công dân phải rõ ràng và cụ thể. Hệ thống luật mập mờ, không minh bạch, cụ thể, thiếu công cụ chế tài hiệu quả là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động do thám quá trớn, bừa bãi, không phân biệt giữa công dân chân chính với các phần tử khả nghi khủng bố

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.