Anh: Lương tâm của kẻ trộm sách quý Thư viện Lambeth

Thứ Tư, 08/05/2013, 11:45

Cung điện Lambeth ở London, dinh thự chính thức của Tổng giám mục Giáo hội Anh, có bộ sưu tập sách lịch sử lớn nhất thế giới. Một bức thư gắn xi được gửi đến Lambeth Palace - một trong những thư viện lịch sử nổi tiếng nhất nước Anh - vào tháng 2/2011 đã khiến cho toàn bộ nhân viên nơi này kinh ngạc đến bất ngờ. Bức thư của một cựu nhân viên Thư viện Cung điện Lambeth - cũng là kẻ cắp - được viết trước khi chết, trong đó tiết lộ nơi cất giấu những cuốn sách quý giá của thư viện.

Dclan Kelly, Giám đốc Các thư viện và văn khố của Giáo hội Anh, cho biết: "Chúng tôi rất bàng hoàng. Vài đồng nghiệp của tôi trèo lên tầng gác mái, nơi chứa những hộp đựng sách chất cao đến nóc nhà. Tôi đã liệt kê có khoảng 60 - 90 cuốn sách bị mất, nhưng ngày càng có thêm nhiều chiếc hộp nữa được phát hiện không tìm thấy sách". Những chiếc hộp chứa khoảng 1.000 cuốn sách, bao gồm nhiều cuốn trong các bộ sưu tập sách của 3 tổng giám mục ở Canterbury - John Whitgift, Richard Bancroft và George Abbot - vào thế kỷ XVII.

Số sách bị mất bao gồm một ấn bản đầu tiên của Henry IV, một số bản thảo của văn hào Anh Shakespeare, những cuốn sách được minh họa tinh tế - như “Theodore de Bry's America” có nội dung về những cuộc thám hiểm đầu tiên Tân thế giới - và các sách y khoa như cuốn “The French Chirugerye”.

Robert Harding, chủ hiệu buôn sách hiếm Maggs Bros ở London, nhận định: "Mức độ của vụ đánh cắp đặc biệt khác thường. Đó là một trong những vụ trộm cắp lớn nhất trong những thập niên gần đây". Theo Harding, nếu không bị tổn hại thì bản sao của cuốn sách “Bry's American” có giá đến 150.000 bảng Anh, còn các bản thảo của Shakespeare có thể vào khoảng 50.000 bảng Anh.

Harding thẩm định những cuốn sách bị mất khác cũng có giá đến 5 con số. Một trong những câu hỏi đặt ra là làm sao mà những cuốn sách có giá trị cao và thường cồng kềnh lại có thể dễ dàng bị lấy cắp khỏi thư viện.

Trong Chiến tranh thế giới lần 2, Đại sảnh của Cung điện Lambeth - nơi là nhà của nhiều bộ sưu tập sách ban đầu của thư viện - bị trúng bom lửa và người ta ước tính có khoảng 10.000 cuốn sách bị thiêu hủy hoặc tổn hại nặng. Nhiều năm sau, nếu một cuốn sách được phát hiện bị mất thì nhân viên thư viện thường cho rằng nó đã bị hủy hoại trong chiến tranh!

Nhưng vào đầu năm 1975, quản thủ thư viện Lambeth lúc đó nhận thấy những cuốn sách quan trọng nhất không bị hủy hoại trong chiến tranh mà thật ra chúng đã bị đánh cắp. Kẻ cắp cũng lấy đi các phiếu mục lục sách khiến nhân viên thư viện khó mà liệt kê chính xác có bao nhiêu sách bị mất.

Declan Kelly nói: "Cảnh sát đã tiến hành điều tra và thẩm vấn toàn bộ nhân viên thư viện song không phát hiện được điều gì và cũng không có cuốn sách nào của thư viện bị đem bán ngoài thị trường sách".

Thư viện Lambeth ngày nay.

James Carley, giáo sư người Canada từng nghiên cứu lịch sử trong thư viện Lambeth, cho biết: "Vào thập niên 70, người ta không có những thiết bị dò tìm và cũng không có thứ gì ngăn cản một người rời khỏi thư viện cùng với một cuốn sách quý".

Tim Bryars, người buôn bán sách cổ ở London, giải thích: "Thời trước người ta chỉ cần có chìa khóa là dễ dàng lấy đi một lượng lớn sách quý. Ngoài ra, cũng có vấn đề lộn xộn sau khi Chiến tranh thế giới lần 2 kết thúc. Rất có thể vụ mất cắp đã xảy ra khi những cuốn sách được cất giữ trong hầm mộ".

Cuối cùng, vụ một lượng lớn sách quý biến mất chỉ được phát hiện sau hơn 35 năm khi bức thư của một cựu nhân viên "kẻ cắp" xuất hiện. 

Vụ việc được phát hiện cách đây hơn 2 năm, song cho đến tận bây giờ nó mới được công bố! Declan Kelly nói: "Chúng tôi trì hoãn việc công bố vụ việc bởi vì muốn tìm hiểu xem chúng tôi có thể bắt đầu từ đâu để thu hồi những cuốn sách quý". Động cơ lấy cắp sách cũng đi theo kẻ cắp xuống mồ. Kẻ cắp đã cố tẩy xóa những dấu hiệu của người sở hữu sách bằng hóa chất, cắt bỏ huy hiệu của các tổng giám mục khỏi bìa sách và một số sách bị xé mất bìa.

Harding nhận định: "Những cuốn sách bị tẩy xóa như thế cho thấy kẻ cắp có ý định bán chúng. Nhưng, có lẽ hắn đã bị tra vấn về những cuốn sách nên cuối cùng từ bỏ ý định bán chúng”. Hiện nay, một số sách bị mất vẫn chưa thu hồi được. Kẻ cắp đã lấy đi những phiếu mục lục sách và chúng được tìm thấy tại nhà của hắn.

Robert Harding giải thích: "Một cuốn sách không có huy hiệu bị mất đến 90% giá trị của nó. Do đó, vụ đánh cắp có thể được coi là tội phá hoại di sản văn hóa". Nhưng, theo giáo sư James Carley, có lẽ kẻ cắp cũng có sự quan tâm đến giá trị của những cuốn sách cho nên nhờ đó mà nhiều cuốn được an toàn.

Hiện nay, những cuốn sách được thu hồi đã được sửa chữa và 40% trong số đó được đưa vào catalogue trực tuyến của Thư viện Lambeth. Declan Kelly không muốn nói đến danh tính của kẻ cắp: "Hắn là một cựu nhân viên của thư viện. Chúng tôi không muốn gây đau buồn cho những người còn sống và có liên quan đến kẻ cắp

Duy Minh (theo BBC)
.
.