Vì sao hoàng tử và công chúa Arab Saudi có nguy cơ bị ngồi tù?

Thứ Sáu, 07/10/2016, 10:45
Đây là những cáo buộc mới nhất về việc những người giàu có ở các quốc gia vùng Vịnh bạo hành người làm ngoại quốc, mà thường không bị truy tố, vì được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Cậu ấm cô chiêu… bạt mạng

Một công chúa Arab Saudi vừa bị cáo buộc đã ra lệnh cho cận vệ giết một họa sĩ Pháp, sau khi trói và ép anh hôn chân mình suốt 4 giờ đồng hồ tại căn hộ riêng.

Mới đây, họa sĩ người Pháp tới một căn hộ trên Đại lộ Foch, con đường chạy qua Khải Hoàn Môn, quận 16, để trang trí. Tuy nhiên công chúa Arab Saudi, không được nêu tên, lúc đó không vui, theo Le Point đưa tin ngày 30-9.

Theo tố cáo, khi nhìn thấy tay họa sĩ lấy điện thoại ra chụp ảnh, cô cáo buộc anh ta chuẩn bị bán ảnh cho giới truyền thông và ra lệnh cho vệ sĩ đấm vào mặt anh ta, trói lại, bắt phải hôn chân mình. Sau đó, cô nói với vệ sĩ: "Anh phải giết chết con chó này, hắn không đáng sống". Nạn nhân nói rằng, vụ tra tấn kéo dài gần 4 giờ, sau khi một người khác tới can thiệp, đuổi anh ta khỏi căn hộ và yêu cầu "vĩnh viễn không được" quay lại.

Hoàng tử Arab Majed Abdulaziz Al-Saud.

Mặc dù bị đuổi đánh, họa sĩ vẫn đòi tiền thanh toán trang trí căn hộ, trị giá 20.000 euro (22.500 USD), cũng như thu hồi dụng cụ hành nghề. Cuối cùng, anh tới trình báo cảnh sát. Cảnh sát Pháp cho biết khi lấy lời khai, khuôn mặt người này vẫn đầy vết bầm tím. Viện Công tố Paris vẫn chưa lên tiếng sẽ xử lý đơn kiện như thế nào.

Trước đó, lộ trình bay của Hoàng tử Majed Abdulaziz Al-Saud, Vương quốc Arab Saudi đã bị chặn lại khi đang chuẩn bị đến Arab Saudi bằng máy bay riêng từ sân bay quốc tế Rafic Hariri, Beirut,  Lebanon vì  buôn lậu ma túy. Lực lượng chức năng Lebanon đã tiến hành thẩm vấn Hoàng tử sau khi họ tịch thu 2 tấn ma túy trên chuyên cơ riêng của ông. 

Được biết, số ma túy bị phát hiện được đóng gói trong 32 thùng giấy và 8 vali. Hoàng tử và đoàn tùy tùng gồm 4 người bị cáo buộc âm mưu buôn lậu captagon, một loại amphetamine dưới dạng viên nén. Đây là loại ma túy được rất nhiều chiến binh Trung Đông sử dụng. Nếu bị kết tội, ông  có nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm.

Mới đây, một vị hoàng tử 28 tuổi người Arab Saudi khác bị cáo buộc ép một người giúp việc khẩu dâm và đã phải nộp 300.000 USD để tại ngoại khỏi Cảnh sát Los Angeles. Vị hoàng tử này phải hầu tòa thời gian tới.

Vị hoàng tử bệnh hoạn trên bị cảnh sát Los Angeles (Mỹ) bắt giữ với cáo buộc tấn công tình dục người giúp việc sau khi hàng xóm tố cáo đã nhìn thấy một phụ nữ người đầy máu me kêu cứu và cố gắng trèo ra khỏi nhà riêng của ông này ở khu dân cư hạng sang Beverly Hills. Tờ Los Angeles Times dẫn lời cảnh sát địa phương cho hay, Hoàng tử Arab Majed Abdulaziz Al-Saud, bị bắt với cáo buộc ép một người giúp việc phải làm tình bằng miệng với ông ta.

Ông Drake Madison, cán bộ thuộc Sở Cảnh sát Lost Angeles cho biết, nhiều nhân viên cũng xác nhận họ từng là nạn nhân của những cuộc tấn công tình dục từ vị hoàng tử 28 tuổi. Trước đó, cảnh sát Mỹ nhận được tin báo từ tòa nhà 2600 đường Wallingford Drive, khu Beverly Glen. Một người giúp việc đã gọi điện báo tin về vụ gây rối tình dục trong ngôi nhà này.

Số ma túy của Hoàng tử Majed Abdulaziz Al-Saud bị bắt giữ.

Sau khi thẩm vấn 20 người liên quan tại căn biệt thự triệu đô, cảnh sát đã bắt giữ một thanh niên 28 tuổi và sau đó, xác định là Hoàng tử Arab Saudi Majed Abdulaziz Al-Saud. Ngay chiều hôm sau, Hoàng tử đã nộp 300.000 USD tiền bảo lãnh để được tại ngoại. Tuy nhiên, theo hồ sơ phía tòa án cho thấy, Hoàng tử Al-Saud sẽ vẫn phải ra hầu tòa thời gian tới. Nếu bị kết tội, người đàn ông này phải đối mặt với 8 năm tù giam.

Đại úy cảnh sát Mỹ Tina Nieto cho biết, vị hoàng tử không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.

Hiện Lãnh sự quán Arab Saudi tại Los Angeles và Bộ Ngoại giao Mỹ không bình luận gì về vụ việc trên. Phóng viên đã tìm cách liên hệ với hoàng tử nhưng đều thất bại, trong khi Đại sứ quán Saudi Arabia tại Mỹ cũng không bắt máy trả lời câu hỏi của báo chí.

Một người sống cạnh tòa nhà của vị hoàng tử Arab tên là Tennyson Collins cho biết, những người sống xung quanh đó đều chứng kiến một phụ nữ máu me đầy người, la hét cầu cứu, trong lúc cố gắng leo qua bờ tường cao hơn 2m của tòa nhà. Trang web bất động sản Zillow định giá tòa biệt thự rộng 6.000m² này có giá thị trường 37 triệu USD (gần 850 tỷ đồng).

Cảnh sát Mỹ cho biết, căn biệt thự này được vị hoàng tử Arab thuê lại. Từ lâu ngôi biệt thự này đã trở thành địa điểm tụ tập của giới siêu giàu Trung Đông. Nhiều thanh niên trẻ từ Arab Saudi, Qatar, Kuwait và một số quốc gia Trung Đông khác đi siêu xe Ferraris, Bugattis hay Aventadors đã ồ ạt đổ về đây nhưng ngoại trừ một vài bữa tiệc ồn ào, chưa có vụ việc nào nghiêm trọng như vụ bê bối mới đây.

Du khách quốc tế chiếm khoảng 63% tổng chi tiêu tại khu vực Tam giác vàng (Beverly Hills) ở Los Angeles, trong đó có một người Arab Saudi giàu có đã mua một căn biệt thự trị giá 27 triệu USD. Trên nóc tòa nhà có điểm đỗ cho máy bay trực thăng song ông ta thậm chí chưa bước chân vào tòa nhà lần nào. Đây không phải là lần đầu tiên họ gặp rắc rối pháp luật.

Trước đó một tuần, Sheikh Khalid bin Hamad al Thani, một thành viên của hoàng tộc cầm quyền Qatar, cũng bị cảnh sát Beverly Hills thẩm vấn sau khi video quay cảnh một chiếc Ferrari màu vàng chạy quá tốc độ, vượt cả các biển báo dừng, lan truyền trên mạng. Người dân đã gọi cho cảnh sát và Al Thani, một người có tiếng tăm trong giới đua xe quốc tế, được xác định là chủ sở hữu của siêu xe trên.

Anh này phủ nhận việc đã cầm lái và tuyên bố có quyền miễn trừ ngoại giao trước khi rời Mỹ về nước. Năm 2013, một hoàng tử Arab Saudi khác cũng bị cho là nô dịch một người giúp việc Kenya ở Los Angeles, nhưng sau đó cáo buộc được xóa bỏ.

Thoát tội nhờ quyền miễn trừ ngoại giao?

Miễn trừ ngoại giao được thực hiện đối với một số cá nhân thuộc hoàng gia nước ngoài, phụ thuộc vào cấp của họ trong chính phủ nước ngoài và mức độ nghiêm trọng của tội danh. Miễn trừ đã được áp dụng cho các nhà ngoại giao và thành viên hoàng gia trong hơn 50 năm qua và được thống nhất bởi hầu hết các quốc gia trên thế giới.

Nhà riêng của hoàng tử ở khu dân cư hạng sang Beverly Hills, nơi xảy ra vụ cưỡng bức.

Chế độ này đã được ký kết thành luật định trong Công ước Vienna 1961 về Quan hệ Ngoại giao nhằm đảm bảo rằng các nhà ngoại giao có thể đại diện cho quốc gia của họ mà không bị quốc gia khác tiếp đón ngược đãi.

Điều này rất quan trọng đối với các nước có sự khác biệt trong việc kết luận tội danh, và với những nước truy tố người vì lý do chính trị. Miễn trừ ngoại giao cũng thường được áp dụng với các thành viên hoàng tộc. Đã có những trường hợp lạm dụng chế độ này, chẳng hạn như việc các nhà ngoại giao không cần phải trả phí đỗ xe, song việc từ bỏ miễn trừ là rất hiếm gặp, và điều này chỉ có thể xảy ra với sự đồng ý từ quê hương của nhà ngoại giao. Một số quốc gia tuyệt đối từ chối, song hầu hết đều chỉ sử dụng biện pháp này trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng.

Vào năm ngoái, một vị tướng người Venezuela bị truy nã ở Mỹ vì tội danh liên quan tới chất kích thích và bị bắt ở Aruba đã được thả tự do sau khi Chính phủ Venezuela kháng nghị miễn trừ ngoại giao của vị tướng này và đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt nếu Aruba không thả vị tướng này.

Văn Nguyễn-L.T. (tổng hợp)
.
.