Kỳ họp thứ 4 - Quốc hội khóa XIII:

Ban hành Luật Phòng, chống khủng bố để nâng cao hơn nữa năng lực đấu tranh

Thứ Ba, 06/11/2012, 15:30

Đấu tranh phòng, chống khủng bố hiện là một trong những mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia. Xây dựng Luật Phòng, chống khủng bố nhằm góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và đáp ứng tình hình thực tế trong nước và quốc tế. Đầu tuần này, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Thượng tướng Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trình bày trước Quốc hội tờ trình dự án Luật Phòng, chống khủng bố.

Thế giới xảy ra hơn 5.700 vụ khủng bố trong 11 năm qua

Theo Bộ trưởng Trần Đại Quang, trong những năm qua, đặc biệt là sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 tại Mỹ, tình hình khủng bố quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, lan rộng ra khắp các châu lục, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, ổn định và gây hậu quả nặng nề cho nhiều quốc gia trên thế giới. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính từ năm 2001 đến nay, trên thế giới đã xảy ra 5.774 vụ khủng bố, làm 48.173 người thiệt mạng, 86.045 người bị thương và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác.

Ở Việt Nam, mặc dù chưa xảy ra vụ khủng bố nào do các tổ chức khủng bố quốc tế gây ra, tuy nhiên, từ năm 2000 đến nay đã có 4 vụ khủng bố do đối tượng phản động lưu vong người Việt câu kết với các đối tượng phản động, đối tượng hình sự khác trong nước thực hiện được phát hiện, điều tra, xử lý.

Bên cạnh đó, Cơ quan An ninh đã phát hiện nhiều đối tượng khủng bố quốc tế xâm nhập vào Việt Nam với các mục đích ngụy trang khác nhau, đồng thời cũng đã phát hiện một số đối tượng phản động trong nước có liên lạc, quan hệ với một số tổ chức khủng bố, Hồi giáo cực đoan trên thế giới và khu vực Đông Nam Á để thực hiện các hoạt động có dấu hiệu liên quan tới khủng bố. Cơ quan An ninh cũng phát hiện hàng trăm đối tượng phản động lưu vong người Việt xâm nhập nội địa, mang theo hàng tấn thuốc nổ, vũ khí và phương tiện kỹ thuật nhằm sử dụng thực hiện khủng bố, phá hoại.

Cần có luật để nâng cao năng lực đấu tranh phòng, chống khủng bố

Thời gian qua,  Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng, chống khủng bố như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2009; Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012. Việt Nam đã tham gia 8 trong 16 điều ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về chống khủng bố, là thành viên của Công ước ASEAN về chống khủng bố và đang tích cực xem xét việc trở thành thành viên của các điều ước quốc tế về chống khủng bố còn lại. Nhà nước Việt Nam cũng đã tăng cường ký thỏa thuận hợp tác song phương với nhiều nước về tương trợ tư pháp về hình sự, về dẫn độ và hợp tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, trong đó có khủng bố quốc tế.

Cảnh sát đặc nhiệm tham gia diễn tập chống khủng bố.

Việt Nam tiếp tục mở rộng và quan hệ đầy đủ, toàn diện hơn với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước lớn, khi đó các hoạt động khủng bố nhằm vào lợi ích của các nước lớn, các nước có thù địch với các đối tượng khủng bố tại Việt Nam có thể xảy ra và đe dọa nghiêm trọng, trực tiếp đến an ninh, trật tự của Việt Nam. Các đối tượng phản động người Việt trong và ngoài nước, các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng những vấn đề nhạy cảm, phức tạp của xã hội như tôn giáo, dân tộc, các mâu thuẫn nảy sinh từ mặt trái của quá trình đổi mới, phát triển để gia tăng hoạt động chống phá, trong đó có thể sẽ sử dụng các hành động khủng bố như một phương thức thực hiện...

Vì vậy  việc ban hành Luật phòng, chống khủng bố là yêu cầu khách quan, cấp bách, xuất phát từ yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới.

Những điểm chính trong dự thảo Luật phòng, chống khủng bố

Dự thảo Luật phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 57 điều, với nội dung cơ bản sau:

Hoạt động phòng, chống khủng bố đặt dưới dự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, sự tham gia của toàn xã hội trong đó Lực lượng Công an nhân dân  (CAND) chủ trì phối hợp với Quân đội nhân dân (QĐND) là nòng cốt.

Lấy phòng ngừa là chính; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời cá nhân, tổ chức khủng bố, tài trợ khủng bố.

Trong trường hợp cần thiết, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố quốc gia; chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố bộ, ngành; Ban Chỉ đạo phòng, chống khủng bố tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thành phần, chế độ hoạt động và mối quan hệ phối hợp của các ban chỉ đạo này.

Những năm gần đây, lực lượng CAND luôn chủ động tổ chức nhiều cuộc diễn tập chống khủng bố.

Về lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố, hiện nay trong CAND, QĐND đã có sẵn lực lượng này (như các lực lượng an ninh, tình báo, tác chiến, cảnh sát cơ động, đặc nhiệm, đặc công, phòng cháy chữa cháy, phòng hóa…), vì vậy dự thảo luật giao thẩm quyền tổ chức lực lượng chuyên trách thực hiện chống khủng bố cho Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bố trí, sắp xếp lực lượng phù hợp với yêu cầu phòng, chống khủng bố.

Có 9 nhóm biện pháp cơ bản trong phòng ngừa khủng bố, đó là: thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống khủng bố; quản lý về an ninh, trật tự; kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh; kiểm soát hoạt động giao thông vận tải; kiểm soát giao dịch tiền, tài sản; kiểm soát hàng hóa, phương tiện nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh; kiểm soát hoạt động xuất bản, báo chí, bưu chính, viễn thông, Internet và các hình thức thông tin khác; kiểm soát các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm và các hành vi làm lây lan dịch bệnh gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người; xây dựng và tổ chức thực hiện phương án chống khủng bố.

Chống khủng bố được thực hiện bằng các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia, Luật CAND, dự thảo Luật còn quy định 12 nhóm biện pháp khẩn cấp chống khủng bố để chặn đứng, bắt giữ, bao vây, phong tỏa, tiêu diệt đối tượng khủng bố.

Cụ thể là: bao vây, phong tỏa khu vực xảy ra khủng bố; giải cứu con tin, cấp cứu nạn nhân, cách ly người, di chuyển phương tiện, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm của khủng bố; đàm phán, thương thuyết với đối tượng khủng bố và có thể tạm thời chấp nhận yêu sách của đối tượng khủng bố vì sự an toàn của con tin, của nhân dân, vì lợi ích của Nhà nước; ngăn chặn, bao vây, truy tìm, khống chế, bắt giữ ngay đối tượng khủng bố; vô hiệu hóa vũ khí, công cụ, phương tiện sử dụng để thực hiện khủng bố; tấn công tiêu diệt đối tượng, phương tiện sử dụng để khủng bố; tạm dừng phương tiện giao thông, liên lạc lợi dụng để hoạt động khủng bố, ngăn chặn thông tin, liên lạc của đối tượng khủng bố; phá dỡ nhà, công trình xây dựng, di dời chướng ngại vật gây cản trở hoạt động chống khủng bố; tuần tra, bảo vệ, di chuyển, che giấu công trình, mục tiêu là đối tượng tấn công của khủng bố; trưng dụng, huy động lực lượng, phương tiện, phối hợp chống khủng bố; kiểm tra, phong tỏa tài khoản, nguồn tài chính; ngừng các giao dịch tài sản; tạm giữ, tịch thu tiền, tài sản liên quan đến khủng bố; bóc mở, kiểm tra, thu giữ thư, điện tín, bưu phẩm, bưu kiện, gói, kiện hàng hóa liên quan đến khủng bố và thu thập ngay tài liệu, chứng cứ liên quan đến khủng bố.

Phòng, chống tài trợ khủng bố, quy định về biện pháp phòng ngừa tài trợ khủng bố; phát hiện, tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố; tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tài trợ khủng bố; nhận biết, cập nhật thông tin khách hàng và áp dụng biện pháp tạm thời; vận chuyển tiền mặt và các công cụ không ghi danh có thể chuyển nhượng được qua biên giới; xử lý tài sản liên quan đến tài trợ khủng bố; điều tra, xử lý tài trợ khủng bố.

Một trong những nguyên tắc cơ bản trong hợp tác quốc tế về phòng, chống tội phạm nói chung, phòng, chống khủng bố nói riêng là phải bảo đảm lợi ích quốc gia, tuân thủ pháp luật quốc gia, tôn trọng các điều ước quốc tế mà Nhà nước là thành viên và các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Do vậy, dự thảo Luật quy định hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố được thực hiện trên các nguyên tắc chung, đồng thời cũng quy định trong trường hợp việc hợp tác không phù hợp với các nguyên tắc ấy hoặc sẽ gây tổn hại đến chủ quyền, an ninh quốc gia, quan hệ đối ngoại và các lợi ích quan trọng khác của Việt Nam thì Việt Nam sẽ từ chối đối với các đề nghị hợp tác.

Phòng, chống khủng bố là phòng, chống một loại tội phạm cụ thể, vì vậy dự thảo Luật quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố; Bộ Công an chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố; Bộ Quốc phòng, các bộ, ngành, cơ quan ngang bộ, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công an thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố; UBND các cấp có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố tại địa phương

PV
.
.