Kỷ niệm 82 năm Ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2012):

Bản lĩnh và dũng khí Cộng sản thời bình

Thứ Sáu, 03/02/2012, 15:00

Mùa Xuân này, mùa Xuân thứ 82 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các thế hệ những người cộng sản Việt Nam đều có quyền tự hào về lịch sử 82 năm máu lửa và vinh quang, dẫu có lúc không tránh được những khúc quanh sai lầm, khuyết điểm của Đảng.

Không ai có thể phủ nhận vai trò lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự dấn thân hy sinh của những người cộng sản và các anh hùng, liệt sĩ khác trong các cuộc đấu tranh cách mạng vì độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc của nhân dân sẽ mãi mãi được tôn vinh.

Tự hào với quá khứ vàng son của Đảng, những người cộng sản Việt Nam ngày nay càng phải phấn đấu hết mình để không làm mất thanh danh của Đảng và nhất là không làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng.

Để làm được điều đó, trước hết phải tập trung ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Đó là một việc khó, có thể nói là rất khó, nhưng khó cũng phải làm và phải làm bằng được như tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi nói về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác xây dựng Đảng tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) vừa qua.

Cũng có thể nói đó là một thách thức không dễ vượt qua, nếu mỗi đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền và có tiền,  không vượt qua được chính mình.

Có những điều tưởng như nghịch lý, nhưng lại là sự thật, một sự thật đau lòng. Trong các cuộc đấu tranh máu lửa với kẻ thù, hầu hết những người cộng sản đều không ngại gian khổ, hy sinh, đến chết vẫn giữ vững khí tiết của mình. “Ngọc  nát còn hơn ngói lành” (Hoàng Văn Thụ). "Ngọc nát" vẫn là ngọc! Vậy mà trong thời bình, trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước,  nhiều người lại  không vượt qua được chính mình, mắc sai lầm, khuyết điểm mà dễ thấy nhất là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống, dẫn đến phạm tội tham ô, lãng phí…, làm mất thanh danh của Đảng.

Đảng ta đã không chỉ một lần phát động các cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, luôn coi xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, chính là vì một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên không giữ được thanh danh, bản lĩnh và khí tiết của người cộng sản, tự buông thả nhưng giấu mình, ngầm chạy theo lối sống vinh hoa, phú quý và thế là suy thoái, thậm chí phạm tội.

Không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XI) mới đây đã bàn và thông qua Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay" mà đại đa số đảng viên và dân chúng hết sức hoan nghênh, kỳ vọng Đảng sẽ đạt được những kết quả cụ thể trong việc triển khai thực hiện nghị quyết quan trọng này.

Trả lời phỏng vấn của Thông tấn xã Việt Nam nhân dịp Xuân mới Nhâm Thìn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ nghị quyết nói trên là "bước cụ thể hóa tư tưởng rất quan trọng của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng là tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng". Đồng chí Tổng Bí thư còn nhấn mạnh: "Xây dựng Đảng vẫn là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta, dân tộc ta".

Công tác xây dựng Đảng quả thật là có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta. Nếu không làm tốt 3 khâu mang tính đột phá trong công tác xây dựng Đảng (ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; xây dựng một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm cá nhân người đứng đầu mỗi tổ chức) theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thì nguy cơ về sự tồn vong của Đảng và của cả chế độ là nhãn tiền.

Kết quả của việc thực hiện 3 khâu đột phá nói trên chủ yếu phụ thuộc vào các tổ chức Đảng và đặc biệt là vào bản thân các cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Trong Đảng đã (và vẫn thường xuyên) tiến hành các hoạt động phê bình và tự phê bình, nhưng gần như không có kết quả, chủ yếu do cách làm. Nếu mỗi cán bộ, đảng viên không dám nói thật (với tổ chức Đảng, với đồng chí và với chính mình) thì phê bình và tự phê bình chỉ là hình thức.

Đối với mỗi đảng viên, tự nói thật về khuyết điểm của mình trước tổ chức Đảng, trước đồng chí và đồng nghiệp không phải là việc dễ. Nó đòi hỏi bản lĩnh và dũng khí của mỗi người.

Với bản lĩnh và dũng khí cộng sản thời bình, người cán bộ, đảng viên  có thể tự bảo vệ mình (và cũng là bảo vệ Đảng) trước nguy cơ thoái hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống.

Đảng đang đòi hỏi, nhân dân đang đòi hỏi mỗi đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền,  hãy thể hiện bản lĩnh và dũng khí cộng sản thời bình

N.Q.U.
.
.