Bằng chứng về chất độc da cam ở Okinawa

Thứ Sáu, 06/05/2011, 05:35

Vào cuối thập niên 60 thế kỷ trước, James Spencer là lính bốc xếp của hải quân Mỹ trên cảng quân sự của Okinawa. Spencer: "Trong quãng thời gian này, chúng tôi chịu trách nhiệm bốc dỡ đủ loại hàng hóa trong đó có những thùng phuy đánh dấu sọc vàng. Khi bốc dỡ, chúng thường bị rò rỉ và chất độc da cam chảy xuống cả người chúng tôi như mưa".

Giữa những năm 1965 và 1967, Lamar Threet là y sĩ ở căn cứ Kue trên đảo Okinawa. Threet nói: "Chất độc da cam được trữ trong căn cứ không quân Kadena và được sử dụng ở Okinawa để kiểm soát thực vật. Cá nhân tôi nhìn thấy những cuộc phun hóa chất diệt cỏ quanh khu đất của bệnh viện và có mặt khi người ta đưa một người lính vào phòng cấp cứu trong tình trạng quần áo ướt đẫm thuốc diệt cỏ".

Năm 1970, Joe Sipala đóng quân ở Trung tâm Truyền tin Awase, trung tâm Okinawa. Sipala kể chi tiết hơn: "Các hệ thống ăngten được phân loại là "sứ mạng then chốt", vì vậy  không loại thực vật nào được phép mọc lên xung quanh chúng. Cứ vài tuần là có một chiếc xe tải chạy đến đổ đầy những thùng chất độc da cam. Trách nhiệm của tôi là pha trộn và xịt thuốc diệt cỏ quanh hàng rào vòng ngoài căn cứ".

Ngoài 3 cựu binh Mỹ này, trong các báo cáo của Trung tâm Chăm sác sức khỏe cựu binh Mỹ (VA) còn có hàng trăm trường hợp nhiễm chất độc da cam trên đảo Okinawa trong khoảng thời gian cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 - khi mà quân đội Mỹ đóng trên đảo này để làm bàn đạp can thiệp quân sự vào Việt Nam.

Những chứng cứ cho thấy thuốc diệt cỏ chứa dioxin không chỉ được trữ với khối lượng rất lớn ở đảo Okinawa của Nhật Bản trước khi được chuyển đến vùng chiến sự, mà còn được sử dụng hàng ngày để diệt cỏ quanh những khu căn cứ Mỹ trên đảo và thử nghiệm trong khu rừng miền Bắc Yanbaru.

Việc sử dụng kéo dài và lan rộng chất độc da cam trên đảo Okinawa đã khiến cho nhiều quân nhân thường tiếp xúc với hóa chất mang bệnh. Cả 3 cựu binh Spencer, Threet và Sipala hiện đang bị những bệnh liên quan đến chất độc dioxin như là ung thư, tiểu đường type 2 và bệnh tim thiếu máu cục bộ. Ngoài ra, đứa con đầu của Sipala đã chết trong bụng mẹ, hai đứa con còn sống cũng bị dị tật do nhiễm chất độc da cam.

Nếu 3 cựu binh này bị nhiễm độc tại Việt Nam, họ sẽ nhận được sự chăm sóc y tế miễn phí của VA. Nhưng do bị nhiễm tại Okinawa nên yêu cầu đòi bồi thường của họ bị bác bỏ nhiều lần do Bộ Quốc phòng Mỹ phủ nhận sự tồn tại của chất độc da cam trên đảo Okinawa. Tháng 7/2004, tướng Richard Myers, Chủ tịch Hội đồng tham mưu liên quân Hoa Kỳ (JCS), tuyên bố không có chất độc da cam hay thuốc diệt cỏ nào khác được sử dụng hay dự trữ ở Okinawa!

Đương nhiên, lời phủ nhận trên của vị tướng lĩnh cao cấp khiến VA không thể bồi thường cho các cựu binh bị nhiễm độc, hồ sơ quân nhân của Sipala chứng minh ông từng có mặt ở Okinawa, bệnh án của ông cũng chứng minh sự phơi nhiễm chất độc dioxin. Thậm chí có một bức ảnh chụp Sipala đang lái xe máy chạy ngang qua một thùng phuy chứa chất độc da cam.

Sau 11 tháng cân nhắc, cuối cùng VA đã bác bỏ yêu cầu bồi thường đối với trường hợp của Sipala với 2 lý do. Thứ nhất, không có bằng chứng cho thấy Sipala mắc bệnh do nhiễm độc dioxin. Sipala đã phản bác lại: "Hồ sơ bệnh án của tôi đã cho thấy rõ tôi mắc bệnh tiểu đường ngay sau khi trở về Mỹ từ Okinawa. Tại sao các bác sĩ không nêu rõ bệnh tình do nhiễm chất độc da cam vào lúc đó? Bởi đó là năm 1970 và không ai thật sự biết về những mối nguy hiểm của sự nhiễm dioxin".

Thứ hai, VA tuyên bố: "Chúng tôi không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào về những người trong đơn vị của Sipala liên quan đến việc phun thuốc, thử nghiệm, dự trữ (hay) sử dụng chất độc da cam ở Okinawa, Nhật Bản".

Thông thường, bằng chứng mà VA yêu cầu bao gồm những văn bản cụ thể gắn liền với quá trình sử dụng chất độc da cam của cựu binh. Sipala nói: "Không có những lệnh văn bản cho công việc như thế. Chúng tôi nhận lệnh làm gì là phải làm. Điều đó rất dễ cho Bộ Quốc phòng lãng quên những gì đã xảy ra".

Khó khăn lớn nhất trong việc thu thập thông tin về Okinawa của các cựu binh là tính bí mật trong hoạt động quân sự của Mỹ vào thời đó. Ví dụ, trong thập niên 60, người dân ở Okinawa nghi ngờ Mỹ dự trữ vũ khí sinh hóa trên đảo. Trong khi sự thật là vào năm 1962, không quân Mỹ đã tiến hành thử nghiệm vũ khí sinh học trên cây lúa ở đảo Okinawa và năm 1963, những chuyến tàu của Mỹ đã chở xấp xỉ 12.000 tấn vũ khí sinh hóa đến đảo này.

Nhưng chính quyền Mỹ đã phủ nhận những chuyện này cho đến năm 1969 khi xảy ra sự cố rò rỉ khí độc thần kinh gây bệnh cho 23 lính Mỹ. Trước phản ứng dữ dội của thế giới đối với tai nạn, năm 1971 quân đội Mỹ buộc phải tiến hành chiến dịch Red Hat kéo dài 8 tháng để di chuyển 12.000 tấn hóa chất độc từ Okinawa đến đảo Johnston ở giữa Thái Bình Dương.

Trước năm 2000, chính quyền Mỹ thừa nhận hóa chất độc da cam của quân đội Mỹ chỉ được sử dụng ở Việt Nam. Nhưng khi xuất hiện bằng chứng cho thấy sự sử dụng chất độc da cam ở khu phi quân sự trên bán đảo Triều Tiên vào giữa những năm 1968 và 1971, những cựu binh từng đóng quân ở đó mới được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe liên quan đến dioxin.

Tương tự, sau quyết định của VA cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế cho những cựu binh bị nhiễm chất độc da cam ở đảo Guam, Tổng thống Barack Obama chịu sức ép dữ dội buộc phải đưa lãnh thổ Micronesia ở phía tây Thái Bình Dương vào danh sách những nơi mà hóa chất diệt cỏ của quân đội được triển khai.

Còn về khả năng đưa Okinawa vào danh sách này, luật sư Jeff Davis của Hội Cựu lính thủy trong chiến tranh Việt Nam cho biết, các cựu binh cần phải thu thập những bằng chứng khó thể có được, như là bằng chứng khoa học cho thấy nước uống và mẫu đất ở Okinawa có sự hiện diện của dioxin!

Sipala thẳng thừng nói: "Phương châm của VA là chối bỏ cho đến khi những cựu binh chết đi. Cách duy nhất để chúng ta có thể buộc được chính quyền Mỹ thừa nhận những gì mà họ đã gây ra cho phần đông trong chúng ta là can đảm kể những câu chuyện của chúng ta với thế giới"

Thục Miên (tổng hợp)
.
.