Bắt giữ buôn lậu tê tê ở Indonesia

Thứ Năm, 06/10/2011, 10:45

Vào tháng 7/2011, khi 20 chiếc hộp bìa cứng chuẩn bị vận chuyển bằng đường hàng không sang Trung Quốc, nhân viên hải quan sân bay Jakarta của Indonesia nghi ngờ hàng hóa chứa bên trong chúng không đúng như khai báo nên quyết định kiểm tra. Kết quả cho thấy bên trong là thịt và vảy của loài động vật hữu nhũ bị buôn lậu nhiều nhất trong vùng châu Á - đó là tê tê.

Tê tê rất được ưa chuộng ở Trung Quốc vì nhiều người cho rằng nó chữa được bệnh tật đồng thời "tăng cường sinh lực" cho nam giới! Nơi sinh sống của 4 loài tê tê châu Á hiện nay đã thu hẹp lại ở Sumatra và Kalimantan (hai đảo của Indonesia), Palawan (miền Nam Philippines) và một số vùng ở Malaysia và Ấn Độ.

Chris Shepard, người săn lùng bọn buôn lậu động vật hoang dã quý hiếm ở châu Á trong suốt hai thập niên qua cho biết, nhu cầu đối với tê tê không bao giờ được thỏa mãn. Ông kêu gọi các chính quyền cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để cứu loài tê tê đang bị tận diệt. Tất cả 8 tấn thịt và vảy tê tê - trị giá đến 269.000USD - được phát hiện trong 20 chiếc hộp ở sân bay Jakarta và tại một nhà kho vào ngày hôm sau. Bốn người bị cảnh sát bắt giữ trong vụ này.

Tê tê được tìm thấy ở châu Á và châu Phi. Chúng là loài ăn kiến và mối. Giới bảo tồn thiên nhiên lần đầu tiên quan tâm đặc biệt đến tê tê trong thập niên 90 thế kỷ trước, khi chúng bị bắt hàng loạt ở Trung Quốc và vùng biên giới nước này do giá tiêu thụ tăng cao. Tê tê cũng bị giết chết rất nhiều ở Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Lào.

Từ đầu năm 2000, nguồn cung trở nên cạn kiệt ở Thái Lan dẫn đến sự bùng nổ một hình thức mua bán trao đổi bất thường: bọn buôn lậu người Thái Lan trao đổi với quân phiến loạn ở tỉnh Aceh của Indonesia 5 khẩu súng AK-47 để lấy 1 con tê tê - theo ghi nhận của International Crisis Group, tổ chức giám sát những cuộc xung đột toàn cầu.

Một con tê tê buôn lậu ra khỏi Malaysia bị hải quan nước này bắt giữ.

Hệ thống kinh doanh tê tê - bị CITES, công ước cấm khai thác và buôn bán động thực vật quý hiếm, cấm năm 2002 - giống như kim tự tháp. Phần chân kim tự tháp là những kẻ săn lậu nghèo khó vùng thôn quê, bao gồm những công nhân làm việc trên các đồn điền dầu cọ rộng lớn ở Indonesia. Họ sử dụng chó hay khói để xua tê tê ra khỏi nơi trú ẩn, hay rung lắc cây cối trong những khu rừng được bảo vệ để loài thú đêm cô độc rơi xuống đất.

Chris Shepherd cho biết, tê tê rất nhút nhát, không có răng, thường hay cuộn tròn mình lại khi sợ hãi rất tiện cho bọn săn lậu bỏ vào bao. Khi sợ hãi quá độ, tê tê có thể bị loét dạ dày mà chết. Bọn trung gian tìm mua tê tê tại nhiều vùng thôn quê rồi giao hàng qua nhiều mạng lưới bí mật. Cảnh sát cho biết có cả một đường dây buôn lậu tê tê tầm quốc tế.

Trong những lò giết mổ bí mật ở Sumatra, tê tê bị cắt cổ họng, lột lớp da vảy có giá trị để phơi khô. Sau khi xay nghiền thành bột, vảy tê tê được tin là chữa được bệnh thấp khớp và bệnh về da, giảm sưng tấy và được quảng cáo là giúp tạo sữa cho bà mẹ cho con bú cũng như hiệu quả trong một số bệnh khác.

Những con đường buôn lậu thịt và da vảy tê tê cuối cùng đều kết thúc ở Trung Quốc. Những hướng đến khác là Việt Nam và Hàn Quốc. Tê tê từ Indonesia được vận chuyển bằng xe tải đến bán đảo Thái Lan - Malaysia rồi qua ngõ Thái Lan và Lào đến miền Nam Trung Quốc. Bọn buôn lậu ở bang Sabah miền Đông Malaysia vận chuyển tê tê vào đất liền để gia nhập vào những con đường xe tải. Tê tê từ Ấn Độ sẽ đi bằng đường bộ qua NepalMyanmar.

Các nỗ lực ngăn chặn kinh doanh tê tê tập trung vào việc củng cố hệ thống luật pháp còn yếu kém trong khu vực. Shepherd nói điều quan trọng là phải giải quyết nạn tham nhũng, nếu không thì nạn buôn lậu động vật hoang dã vẫn còn có đất sống. Hiện nay mức án dành cho tội buôn lậu này vẫn còn thấp.

Cách đây không lâu, một con tê tê có thể dễ dàng mua được ở Indonesia với giá 5USD hay ít hơn. Còn với vảy của con tê tê cỡ trung bình hiện có giá khoảng 275USD ở Indonesia. Tại Trung Quốc, vảy tê tê có giá 750USD/kg.

Chuẩn tướng Panjaitan hy vọng trong thời gian tới chính quyền Indonesia sẽ tăng án đối với tội xâm phạm rừng - trực tiếp liên quan đến săn bắt lậu tê tê hay động vật hoang dã khác - lên mức tối đa là 20 năm tù. Mặc dù những vụ bắt giữ bọn buôn lậu có tăng lên trong thời gian sau này, song hầu như không một tên trùm nào bị tống vào tù.

Mặc dù vậy, Steven Galster - Giám đốc điều hành FREELAND, Tổ chức chống buôn người và động vật hoang dã  - vẫn tin tưởng có một số tiến bộ trong cuộc chiến chống loại tội phạm buôn lậu này.

Khi nguồn tê tê ở châu Âu bắt đầu cạn kiệt dần, bọn buôn lậu chuyển sang 3 loài tê tê ở Ấn Độ để thay thế, cũng giống như xương sư tử hiện nay được dùng thay thế xương hổ đang hiếm dần.

Cũng trong tháng 7 vừa qua, do nghi ngờ một sở thú tư nhân buôn lậu động vật hoang dã, Cảnh sát Thái Lan đã tiến hành đột kích và bắt giữ ông chủ Daoruang Kongpitakin vì tội sở hữu trái phép 2 con báo. Chị em của người này cũng từng bị bắt vài lần vì tội buôn lậu tê tê. Giới điều tra đời sống hoang dã hiện đang theo dõi một công ty bình phong ở Đông Nam Á được cho là một trong những đơn vị buôn lậu lớn nhất trong khu vực.

ASEAN-WEN - Tổ chức thực thi luật pháp bảo vệ đời sống hoang dã bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á - đã có được nhiều thành công từ khi bước vào hoạt động từ năm 2005. Nhưng, như Steven Galster của FREELAND nói: "Liệu họ có hành động đủ nhanh để các loài có cơ may sống sót?"

Duy Minh (tổng hợp)
.
.