Bắt giữ kẻ cầm đầu tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah

Thứ Năm, 18/07/2019, 08:37
Ngày 1-7-2019, cảnh sát Indonesia thông báo đã bắt giữ Para Wijayanto, kẻ cầm đầu tổ chức Hồi giáo cực đoan Jemaah Islamiah ở Indonesia, có liên hệ với mạng lưới al Qaeda. Jemaah Islamiah là thủ phạm của vụ đánh bom hàng loạt nhắm vào khu du lịch đảo Bali hồi năm 2002 khiến hơn 200 người thiệt mạng và nhiều vụ khủng bố khác...


Tiền thân của Jemaah Islamiah

Tiền thân của Jemaah Islamiah (JI) là Darul Islam (DI - Nhà đạo Hồi), ra đời ở Indonesia năm 1940. Đây là một tổ chức Hồi giáo cực đoan, núp bóng danh nghĩa “chống chủ nghĩa thuộc địa”. Thoạt đầu, DI hoạt động khá mơ hồ nhưng đến năm 1969, 3 nhân vật chủ chốt của DI là Abu Bakar Bashir, Abdullah Sungkar và Shahrul Nizam tiến hành một chiến dịch tuyên truyền rầm rộ, thu hút được khá đông thành viên.

Theo ước tính của trang tin Nhân chứng Toàn cầu, đến cuối năm 1970, lực lượng DI có khoảng 2.000 người.

Đầu năm 1971, nằm trong chính sách “trật tự mới” của Tổng thống Suharto, Bashir và Sungkar bị bắt giam vì đã “gây chia rẽ trong cộng đồng người theo đạo Hồi, cổ vũ các phương pháp bạo lực”. Mãi đến cuối năm 1980, Bashir và Sungkar mới được tha nhưng bị cánh sát Indonesia giám sát chặt chẽ.

Abu Bakar Bashir lúc được tha khỏi nhà tù Tulunggagung hôm 10-2-2019.

Năm 1982, Bashir cùng Sungkar dẫn một nhóm chiến hữu trung thành sang Malaysia. Tại đây, cả hai tiếp tục tuyên truyền để tuyển mộ nhân lực. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều phần tử Hồi giáo cực đoan người Malaysia, Indonesia, Singapore và Philippines ngả theo Bashir. Lúc ấy, Bashir đặt tên cho nhóm của mình là Jemaah Islamiah (JI - Hồi giáo đoàn) nhưng phải đến ngày 1-1-1993, JI mới chính thức xuất hiện trên bản đồ các tổ chức Hồi giáo thánh chiến (Islamic Jihad).

Ngày 21-5-1998, Tổng thống Suharto bị lật đổ. Thay thế ông là Tổng thống Bacharuddin Yusuf Habibie, theo đường lối ôn hòa. Chỉ 2 tháng sau đó, Bashir và  Sungkar dẫn quân trở lại Indonesia. Đến cuối năm, trong một chuyến đi bí mật đến vùng biên giới giữa Afghanistan, Pakistan, Bashir đã có cuộc tiếp xúc với thủ lĩnh al-Qaeda là Osama bin Laden. Sau cuộc tiếp xúc ấy, JI trở thành chi nhánh của al-Qaeda ở Indonesia.

Năm 1999, JI bắt đầu được thế giới chú ý qua những cuộc xung đột với người Indonesia theo Thiên Chúa giáo ở quần đảo Maluku và thành phố Poso, Indonesia, kéo dài suốt 18 tháng, làm chết hơn 3.000 thường dân. Ngày 11-9-2001, sau vụ al-Qaeda tấn công khủng bố Trung tâm Thương mại thế giới ở New York, Mỹ, thì tháng 12 cùng năm, JI hưởng ứng bằng cách tổ chức đánh bom phái bộ ngoại giao Mỹ, Australia, Anh, Israel ở Singapore.

Tuy nhiên, do mạng lưới tình báo hoạt động hiệu quả nên ngày 9-12-2001, cơ quan an ninh Singapore tiến hành đột kích vào một căn cứ bí mật của JI, bắt giữ 37 thành viên, 40 tấn thuốc nổ cùng một số xe tải và nhiều tang vật khác.

Para Wijayanto và tổ chức khủng bố Jemaah Islamiah

Là kỹ sư, Wijayanto gia nhập JI hồi cuối năm 1997, khi đang làm việc cho một công ty dầu khí ở miền Nam Philippines. Đến năm 2000, Wijayanto theo học một lớp huấn luyện quân sự tại một “trại thánh chiến” do nhóm khủng bố Abu Sayaf,  Philippines tổ chức.

Cảnh sát Indonesia họp báo về việc bắt giữ Wijayanto.

Kết thúc khóa học, Wijayanto trở lại Indonesia rồi tham gia vào cuộc xung đột giữa người Indonesia theo Hồi giáo và người Indonesia theo Thiên Chúa giáo, diễn ra ở thành phố cảng Poso. Trong cuộc xung đột ấy, vai trò của Wijayanto được xác định là: “Kích động tín đồ Hồi giáo, cung cấp tiền bạc, vũ khí cho các thành viên JI giết hại người Thiên Chúa giáo Indonesia dưới sự tài trợ của Abu Bakar Bashir”.

Ngày 19-10-2002, lãnh tụ của JI là Abu Bakar Bashir bị bắt khi đang điều trị bệnh viêm phổi tại một bệnh viện ở thành phố Soho, đảo Java, Indonesia, với cáo buộc có dính líu đến vụ đánh bom vào một nhà thờ Thiên Chúa giáo trên đảo Sulawesi khiến 18 người thiệt mạng.

Ngay hôm sau, ngày 20-10-2002, JI tổ chức một loạt những vụ đánh bom nhắm vào một số vũ trường, quán bar trong khu du lịch Kuta trên đảo Bali, Indonesia, giết chết 202 người, trong đó có 88 du khách Australia, 23 du khách Anh Quốc, 88 người Indonesia, số còn lại thuộc nhiều quốc gia khác, chưa kể 206 người bị thương.

Trong vụ khủng bố này, cơ quan an ninh Indonesia nghi ngờ Bashir là người trực tiếp ra lệnh thực hiện, và việc nằm bệnh viện chỉ nhằm tạo ra chứng cứ ngoại phạm nhưng do không đủ bằng cớ nên Bashir chỉ bị kết án 18 tháng tù vì đã vi phạm các quy định về di trú, xảy ra hồi năm 1982 khi ông ta cùng Sungkar dẫn một nhóm thành viên JI trốn sang Malaysia.

Bên cạnh đó, cơ quan an ninh Indonesia còn nghi ngờ vụ khủng bố có bàn tay của Wijayanto nhưng không bắt được nhân vật này.

Tháng 6-2006, khi đã được tự do, Abu Bakar Bashir cho ra đời Hội đồng Mujahedeen Indonesia (Chiến binh Hồi giáo Indonesia) với mục đích thống nhất các nhóm khủng bố cực đoan có chân rết hoạt động ở Indonesia như al-Qaeda, Abu Sayaf, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF)…

Bên cạnh đó, Bashir còn cung cấp 18 triệu USD tiền quyên góp để JI tổ chức một “trại thánh chiến”, huấn luyện những chiến binh Hồi giáo ở tỉnh Aceh, Indonesia. Chính nhóm Aceh đã lên kế hoạch ám sát Tổng thống Indonesia, thời điểm ấy là ông Susilo Bambang Yudhoyono.

Ngày 9-8-2010, Bashir bị bắt trở lại và bị kết án 15 năm, còn Para Wijayanto nổi lên như một nhân vật sáng giá trong hàng ngũ JI với những vụ tấn công khủng bố ở Indonesia, Philippines, Yemen, Australia.

Từ tháng 12-2000 đến tháng 1-2015, Wijayanto được cho là đã liên quan trực tiếp đến 12 vụ đánh bom, trong đó đáng kể nhất là ngày 30-12-2000, một loạt các vụ nổ đã xảy ra xung quanh Metro Manila, Philippines khiến 22 người chết, hơn 100 người bị thương.

Ngày 2-10-2002, dưới sự chỉ đạo của Wijyanto, JI tổ chức đánh bom đinh tại một quán bar ở thành phố Zamboanga, miền Nam Philippines khiến 1 lính Mỹ và 2 thường dân Philippines thiệt mạng. 8 ngày sau đó, một quả bom do JI cài đặt tại một bến xe bus ở thành phố Kidapawan, miền Nam Philippines làm 6 người chết và 24 người bị thương. Đến ngày 12-10-2002, nhân kỷ niệm lần thứ hai vụ đánh bom chiến hạm USS Cole ở Yemen, lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Denpasar, Indonesia bị JI đặt chất nổ.

Vụ nổ không gây thương vong về người nhưng nó đã chứng minh cho sự bành trướng của JI.

Bước sang năm 2003, JI chủ mưu vụ đánh bom khách sạn Marriott, Jakarta. Ngày 28-5-2004, một người Australia gốc Anh quốc là Jack Roche khi bị bắt đã thú nhận mình là thành viên của JI, thực hiện đánh bom khủng bố Đại sứ quán Israel ở Canberra, Australia. Roche cho biết ông ta đã từng gặp Wijayanto và Osama bin Laden ở Afghanistan. 

Ngày 9-9-2004, JI tiến hành đánh bom Đại sứ quán Australia ở Jakarta, Indonesia, làm chết 11 người và hơn 160 người bị thương. Đến ngày 1-10-2005, một lần nữa JI lại tổ chức đánh bom khu du lịch đảo Bali.

Tuy nhiên, thông tin gây nhiều lo ngại nhất với một số quốc gia Đông Nam Á là ngày 5-8-2006, Al Zawahiri, lãnh đạo tối cao của tổ chức al-Qaeda bất ngờ xuất hiện trong một đoạn video với lời tuyên bố JI và al-Qaeda đã hợp lực để tạo thành “một con đường đối mặt với kẻ thù".

Với những “thành tích” ấy, năm 2007 Wijayanto chính thức trở thành người cầm đầu JI, thay thế cho Zarkasih, kẻ đã bị bắt và bị kết án 15 năm tù. Theo hồ sơ của cơ quan an ninh Indonesia, từ năm 2013 đến nay, Wijayanto đã tổ chức nhiều đợt chiêu mộ và huấn luyện tân binh cho JI. 

Ít nhất đã có 6 nhóm chiến binh thánh chiến được Wijayanto cử đến Syria để gia nhập hàng ngũ tổ chức khủng bố Jabhat al-Nusra, chống lại Chính phủ Syria, chưa kể ông ta còn hậu thuẫn cho các nhóm phiến quân không thuộc JI, lâu nay vẫn hoạt động tại thành phố Poso, một điểm nóng về khủng bố trên đảo Sulawesi. 

Vẫn theo hồ sơ của cơ quan an ninh Indonesia, Wijayanto và JI nhận trách nhiệm vụ đánh bom Đài tưởng niệm Rizal đặt trước Tòa Thị chính thành phố General Santos, Philippines, xảy ra vào ngày 16-9-2014 khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

Sa lưới

Năm 2003, Indonesia chính thức phát lệnh truy nã Wijayanto trên phạm vi toàn cầu. Trong suốt 16 năm lẩn trốn, một số nguồn tin cho biết những lúc bị săn đuổi gắt gao, Wijayanto chạy sang Philippines rồi được nhóm Abu Sayaf che giấu trong những vùng do họ kiểm soát ở đảo Mindanao.

Một vũ trường ở khu du lịch đảo Bali sau vụ đánh bom ngày 20-10-2002.

Và mặc dù phải sống ẩn náu nhưng Wijayanto vẫn trực tiếp điều hành mọi hoạt động của JI. Để ngụy trang, mỗi lúc cần phải ra đường, Wijayanto thường xuyên che kín mặt bằng một chiếc khăn (burka) theo kiểu Arab.

Năm 2008, khi cảnh sát Malaysia bắt được Abu Husna, một trong những lãnh đạo của JI rồi trục xuất ông này về Indonesia thì cơ quan an ninh Indonesia có thêm nhiều chứng cứ về Wijayanto. Ông Dedi Prasetyo, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia cho biết cũng trong năm 2008, JI chính thức bị đặt ra ngoài vòng pháp luật.

Với sự hỗ trợ của các cơ quan chống khủng bố Mỹ, Australia, khả năng hoạt động của JI đã suy yếu đáng kể nhưng nó vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn bởi tháng 5-2018, JI còn tiến hành một vụ đánh bom tự sát tại 3 nhà thờ ở thành phố cảng Surabaya, Indonesia, giết chết 28 người.

Đến tháng 11 cùng năm, Imam Samudera, thành viên JI đã cướp một cửa hàng vàng bạc và đồ trang sức ở tỉnh Banten, Indonesia để kiếm tiền cho các cuộc đánh bom. Chiến lược hiện nay của JI là tích cực tuyển mộ thành viên, gửi ra nước ngoài rồi nhờ các tổ chức khủng bố ở Philippines, Afghanistan, Syria đào tạo, sau đó quay lại Indonesia. Một trong những nguồn tài chính của JI là mở các đồn điền trồng cọ ở Kalimantan và Sumatra.

Bên cạnh đó, JI còn được sự tài trợ của al-Qaeda, cũng như chiếm quyền điều khiển (hack) các trang web của một số công ty lớn để đòi tiền chuộc. Tin tình báo cho biết các thành viên JI tùy theo chức vụ, mỗi tháng được trả lương từ 10 đến 15 triệu Rupiah (đơn vị tiền tệ Indonesia), tương đương 707 đến 1.061USD.

6 giờ sáng ngày 1-7-2019, sau một thời gian dài theo dõi, cơ quan an ninh Indonesia bất ngờ ập vào một căn phòng tại một khách sạn ở thành phố Bekasi, cách thủ đô Jakarta 25km về phía đông nam. Tại đó, họ đã bắt được Wijayanto và vợ ông ta, thành viên tích cực của JI cùng một trợ lý, người được coi là “cánh tay mặt” của Wijayanto.

Sau khi khai thác nhanh, các sĩ quan an ninh áp giải Wijayanto đến một căn nhà do ông ta thuê trong khu dân cư ở Cibinong, tỉnh Tây Java, nơi ông ta cất giấu 10 khẩu súng, một số tài liệu, máy quay video và 5 điện thoại di động.

Đến hôm chủ nhật (7-7-2019), lại có thêm 2 thành viên chủ chốt của JI sa lưới. Theo ông Dedi Prasetyo, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia Indonesia thì Wijayanto đang mưu tính thành lập caliphate (Nhà nước Hồi giáo) ở Indonesia khi năng lực quân sự và kinh tế của JI đã trở nên vững mạnh.

Ông Mohamad Adhe Bhakti, chuyên gia chống khủng bố của Indonesia cho biết JI đang cố gắng để trở thành một lực lượng thay thế cho al Qaeda ở Đông Nam Á. Việc bắt giữ Wijayanto đã phần nào phá vỡ kế hoạch này…

Về phía Abu Bakar Bashir, người sáng lập JI, ông ta được tha hôm 10-2-2019. Đến ngày 20-2, Bashir vào cấp cứu tại bệnh viện Kustati, thành phố Solo. Ngày 23-2, Bashir chết vì bệnh tim ở tuổi 81. 

Vũ Cao (theo Nhân chứng Toàn cầu)
.
.