Bắt giữ nhiều băng nhóm người Trung Quốc “tấn công” ngân hàng

Thứ Tư, 08/07/2015, 11:35
Liên tiếp những ổ nhóm tội phạm là người Trung Quốc vào Việt Nam sử dụng thẻ tín dụng giả để rút tiền đã bị lực lượng Cảnh sát công nghệ cao kịp thời phát hiện, bắt giữ.

Ngày 29/6 vừa qua, Đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử (Đội 6) Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (PC50) Công an Hà Nội cho biết, đơn vị vừa khám phá 2 chuyên án, bắt giữ 4 đối tượng là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, sử dụng thẻ tín dụng giả rút hàng trăm triệu đồng để chiếm đoạt.

Thuê máy POS để rút tiền

Tháng 9/2014, thông qua mạng xã hội, Sun Wei Hong (SN 1975) và He Dong Ping (SN 1976) ở Quảng Tây, Trung Quốc quen biết nhau và bàn bạc cùng sang Việt Nam dùng thẻ tín dụng giả để rút tiền. Lo ngại nếu trực tiếp sử dụng thẻ giả tại các điểm giao dịch thẻ sẽ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nên Sun Wei Hong giao trách nhiệm cho He Dong Ping tìm người quen có máy quẹt thẻ POS để quẹt thẻ, chấp nhận tỷ lệ ăn chia. Sun Wei Hong sẽ chịu trách nhiệm cung cấp thẻ giả.

Sẵn mối quan hệ từ trước với Vy Đức Vận (SN 1947), một cán bộ hưu trí trú tại khối 5 phường Hoàng Văn Thụ, Lạng Sơn, He Dong Ping đặt vấn đề nhờ Vận tìm người Việt Nam có sử dụng máy quẹt thẻ POS và đồng ý sẽ chia trên 20% tổng số tiền rút được cho người cung cấp máy POS. Thông qua Hà Thị Kim Dung (SN 1970, ở khối 6 phường Vĩnh Trại, TP Lạng Sơn) và Trần Hậu Lĩnh (SN 1973, ở ngõ 22 Láng Hạ, Hà Nội), các đối tượng đã được chủ một cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở quận Hoàn Kiếm đồng ý cho mượn máy POS. Mỗi lần thực hiện quẹt thẻ thành công, các đối tượng sẽ phải trả phí dịch vụ quẹt thẻ 0,2%  theo quy định cho chủ máy.

Ngày 19/5 vừa qua, He Dong Ping và Sun Wei Hong hẹn nhau sang Việt Nam qua cửa khẩu Lạng Sơn gặp Vận, bắt đầu thực hiện các phi vụ rút tiền  bằng thẻ tín dụng giả. Sáng 20/5, Vận đưa 2 người Trung Quốc xuống Hà Nội, thuê khách sạn ở phố Cầu Gỗ nghỉ ngơi. Vận liên lạc với Dung và Lĩnh, thống nhất tối cùng ngày sẽ đưa 2 người Trung Quốc đến nhà Lĩnh cùng thực hiện giao dịch rút tiền. Khi nhân viên cửa hàng vàng bạc mang máy quẹt thẻ đến, các đối tượng dùng 3 thẻ giả để quẹt nhưng không thành công.

Đến trưa 21/5, được Sun Wei Hong đưa cho 1 thẻ tín dụng, Lĩnh và Dung đến cửa hàng vàng bạc của người quen quẹt thẻ 2 lần được số tiền 50 triệu đồng. Lĩnh báo với chủ cửa hàng khi nào ngân hàng chuyển số tiền trên vào tài khoản thì thông báo cho Lĩnh biết để lấy tiền và trả phí dịch vụ quẹt thẻ. Sáng 22/5, chủ cửa hàng vàng báo đã có tiền, do đang trên đường về Lạng Sơn nên Dung ứng trước tiền đưa cho Sun Wei Hong và He Dong Ping. 2 tên này lấy 30 triệu đồng, "lại quả" 20 triệu đồng.

Thấy việc rút trộm tiền thuận lợi, 2 đối tượng người Trung Quốc bàn với Vận tiếp tục rút tiền. Trần Hậu Lĩnh đã đón 2 đối tượng về nhà mình rồi gọi người của cửa hàng vàng bạc mang máy POS đến. Tại đây, Sun Wei Hong dùng thẻ giả thực hiện thành công 6 lần giao dịch được 393 triệu đồng. Cả nhóm thống nhất đến tối 1-6 sẽ đến nhà Lĩnh lấy tiền chia nhau.

Tuy nhiên, những giao dịch bất thường của nhóm tội phạm trên đã bị Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử kịp thời phát hiện. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, xác định những chủ thẻ tín dụng không hề có mặt tại Việt Nam rút tiền như những giao dịch đã thực hiện, Cơ quan Công an đã tiến hành "giăng lưới" để bắt đối tượng.

Tối 1/6, sau khi chia tiền, Sun Wei Hong và He Dong Ping mang theo 235 triệu đồng từ nhà Lĩnh ra ngoài đã bị các trinh sát Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử bắt giữ. Tại thời điểm kiểm tra, Cơ quan Công an còn phát hiện, thu giữ của Sun Wei Hong 15 thẻ nhựa có logo ngân hàng Trung Quốc, 10 thẻ từ màu trắng, 1 máy tính xách tay, 1 máy ghi thẻ từ.

Theo khai nhận của các đối tượng, Sun Wei Hong lên mạng mua thông tin thẻ tín dụng trộm cắp của các hacker, lưu giữ vào máy tính. Sau đó các đối tượng mang "đồ nghề" sản xuất thẻ tín dụng giả sang Việt Nam để rút tiền. Thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được chúng khai thác dần, ghi lên phôi thẻ trắng và quẹt trên máy POS.

Các đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ tín dụng giả rút tiền bị bắt giữ.

Dùng tiền trộm cắp  góp vốn đầu tư

Cùng thời gian này, Đội 6 Phòng PC50 Công an Hà Nội đã bắt giữ  2 đối tượng người Trung Quốc khác là Liu Dong Jin (SN 1981) ở tỉnh Sơn Đông và Lin Feng Hui (SN 1984) ở tỉnh Phúc Kiến cùng về hành vi "Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.

Khác với các đối tượng Sun Wei Hong và He Dong Ping, khi có thông tin thẻ tín dụng trộm cắp được, Liu và Lin sang Việt Nam, tìm các đối tượng người Trung Quốc mở công ty kinh doanh tại Việt Nam để liên kết rút tiền và dùng chính tiền trộm cắp được để góp vốn làm ăn nhằm mục đích "rửa tiền".

Ngày 8/6/2015, Liu Dong Jin cùng Li Peng Fei (SN 1964) ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc mang máy ghi thẻ từ và một số thẻ ngân hàng nhập cảnh vào Việt Nam qua cửa khẩu Hà Khẩu, Lào Cai. Hai đối tượng đến Công ty Quốc Dương, một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng do Li Qing Guo làm giám đốc, trụ sở tại khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội để thực hiện việc rút tiền thông qua máy POS đặt tại Công ty Quốc Dương. Li Qing Guo dùng thử thẻ do Liu Dong Jin đưa và biết máy POS đặt tại công ty có thể quẹt thẻ thanh toán ngoại tệ qua mạng xã hội "QQ".

Ngày 9/6, Liu Dong Jin đã dùng máy ghi thẻ in dữ liệu trộm cắp được lên một số thẻ từ mang theo để thực hiện 19 giao dịch thành công, rút được 102 triệu đồng. Thấy việc rút tiền suôn sẻ, ngày 10/6, Liu Dong Jin hướng dẫn đồng bọn là  Lin Feng Hui mang máy tính lưu thông tin thẻ tín dụng trộm cắp cùng 5 thẻ từ nhập cảnh Việt Nam, đến Công ty Quốc Dương. Tuy nhiên, Lin Feng Hui nhiều lần dùng thẻ tín dụng giả quẹt trên máy POS của Công ty Quốc Dương nhưng không thành công.

Đến trưa 11/6, Liu Dong Jin nhờ Giám đốc Công ty Quốc Dương Li Qing Guo ra Ngân hàng Vietcombank Chi nhánh Hà Tây rút số tiền trộm cắp được thì bị Đội 6 Phòng PC50 bắt giữ.

Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối với Liu Dong Jin và Lin Feng Hui, thu hồi gần 100 triệu đồng tiền tang vật. Theo khai nhận của các đối tượng, nếu việc rút tiền trót lọt sẽ lên kế hoạch "rửa tiền" bằng các hợp đồng góp vốn làm ăn với Công ty Quốc Dương.

Đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ tín dụng giả rút tiền bị bắt giữ cùng tang vật.

Theo Đại úy Nguyễn Minh Hoàn, tội phạm làm giả thẻ tín dụng có xu hướng ngày càng gia tăng và phức tạp. Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều ổ nhóm tội phạm là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mang theo máy móc, thiết bị làm giả thẻ, móc nối với các đối tượng trong nước để thực hiện hành vi phạm tội. Các đối tượng thông qua các diễn đàn hacker trên mạng mua CC chùa (thông tin thẻ tín dụng trộm cắp) với giá rẻ, sau đó dùng phần mềm sản xuất thẻ và máy ghi thẻ, chuyển dữ liệu trộm cắp được vào phôi thẻ (thẻ trắng) để rút tiền, chiếm đoạt.

Để đối phó với việc phát hiện của cơ quan chức năng Việt Nam, sau khi thực hiện việc quẹt thẻ rút tiền, các đối tượng người Trung Quốc này thường về nước ngay, giao việc rút tiền cho các đối tượng người Việt Nam thực hiện, sau đó chuyển tiền ăn chia vào tài khoản ngân hàng liên kết quốc tế cho các đối tượng rút từ các ngân hàng ở Trung Quốc.

Ngoài ra, để đối phó với các cơ quan pháp luật Việt Nam, các ổ nhóm tội phạm người Trung Quốc còn dùng thủ đoạn lập các công ty "ma" tại Việt Nam với mục đích ký hợp đồng với các ngân hàng để thuê máy POS (máy thanh toán thẻ), sau đó dùng thẻ tín dụng giả quẹt để quẹt trên máy POS này rồi chuyển tiền trộm cắp được vào tài khoản công ty mà chúng đã đăng ký. Khi tiền chuyển vào tài khoản, các đối tượng ra ngân hàng hoặc ra trạm ATM rút tiền.

Do đó, các ngân hàng cần hết sức cảnh giác trước thủ đoạn này. Trước khi ký hợp đồng cho thuê máy POS cần thẩm định, kiểm tra kỹ về hoạt động kinh doanh, thanh toán của những công ty này để phòng ngừa việc tội phạm lợi dụng hoạt động.

H.Vũ
.
.