Bắt giữ nhiều vụ cung cấp vũ khí trái phép cho khủng bố ở Somalia

Thứ Sáu, 15/07/2016, 19:15
Các thủy thủ trên tàu Hải quân Hoàng Gia Úc HMAS Darwin mới đây đã chặn đường một chiếc tàu cá ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển Oman khoảng 300 km.


Giữ gìn an ninh toàn cầu

Theo Watoday, khi kiểm tra tàu, họ thu giữ khoảng 2.000 khẩu AK-47 cùng 100 súng phóng lựu, 49 khẩu súng máy và các nòng súng dự phòng được giấu dưới lớp lưới trong thuyền.

Số vũ khí này bị thu giữ theo các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cho phép triển khai chiến dịch ngăn chặn hoạt động vận chuyển vũ khí trái phép trong vùng biển quốc tế tới Somalia. Chiếc tàu cá bị bắt đang trên hải trình tiến về bờ biển Somalia. Phó đô đốc David Johnston cho biết, việc bắt giữ ngay trong chuyến tuần tra đầu tiên của tàu hải quân HMAS Darwin có ý nghĩa rất quan trọng.

Lực lượng khủng bố al-Shabab ở Somalia

Ông David Johnston nói: "Một trong những lý do chính để tàu HMAS Darwin được điều tới khu vực này là góp phần vào công cuộc giữ gìn an ninh toàn cầu và chống lại chủ nghĩa khủng bố quốc tế.

Vụ bắt giữ vừa rồi cho thấy, rất cần cảnh giác với khu vực này". Tàu HMAS Darwin của hải quân Hoàng gia Úc có mặt tại khu vực biển quốc tế trên là một phần trong nỗ lực chung đa quốc gia nhằm chống khủng bố, cướp biển, buôn bán ma túy và bảo đảm an ninh cho môi trường hàng hải tại Trung Đông và bờ biển phía đông bắc châu Phi.

Bắt tàu chở vũ khí có nguồn gốc từ Al-Qaeda

Chính quyền vùng Puntland lo ngại, tình trạng bạo lực liên quan đến đường dây khủng bố Al-Qaeda tại Yemen có thể sẽ tràn sang vùng đông bắc Somalia. Lực lượng an ninh của vùng bán tự trị ở miền Bắc Somalia, Puntland vừa bắt giữ một tàu vận chuyển lậu vũ khí từ phiến quân Al-Qaeda tại Yemen đến các tay súng khủng bố ở Somalia.

Một quan chức Somalia cho biết, chiếc tàu chở thuốc nổ, rocket (tên lửa), súng các loại, đạn dược và súng phóng lựu. Tuy nhiên, ông không cung cấp chi tiết con số thống kê về lượng vũ khí vừa tịch thu được.

“Tổ chức (Al-Qaeda) đang tìm cách bốc dỡ số vũ khí trên lên bờ biển Alula, sau đó tiếp tục chuyển đến lực lượng phiến quân al-Shabab ở miền Nam Somalia bằng đường bộ" - quan chức trên nói. Được biết, chiếc tàu chở vũ khí lậu bị chặn mới đây, tuy nhiên trên tàu chỉ có một người đàn ông Yemen.

Người này đã bị lực lượng an ninh Somalia bắt giữ. Những kẻ buôn người sử dụng vùng bán tự trị Puntland để đưa người tị nạn ở khắp Vịnh Aden sang Yemen, và quan chức Somalia cho rằng, hàng trăm tay súng al-Shabab sẽ trà trộn vào đường dây buôn người này để đi lại giữa Yemen và Somalia. Al-Qaeda và al-Shabab - nhóm phiến quân Hồi giáo nhận là chi nhánh của Al-Qaeda ở Somalia - chính thức liên kết với nhau vào đầu năm 2012.

Tuy nhiên, Al-Shabab đã chịu sức ép quân sự ngày càng tăng ở khắp Somalia từ năm 2015 do lực lượng quân sự liên minh châu Phi (AU) và quân đội Ethiopia tăng cường các chiến dịch truy quét phiến quân. Chính quyền vùng Puntland lo ngại, tình trạng bạo lực liên quan đến Al-Qaeda tại Yemen có thể sẽ tràn sang vùng Đông bắc Somalia.

"Căn cứ kế tiếp của chúng sẽ là những vùng núi hẻo lánh tại Puntland. Tổ chức không có lựa chọn nào khác ngoài việc dựa vào nơi chúng có thể tiến hành các cuộc tấn công. Đó chính là điều đáng ngại" - quan chức trên nói thêm.

Gần đây, lực lượng Al-Shabab đã cấu kết với Mohamed Said Atom, tên trùm buôn lậu vũ khí ở Puntland, và đã từng nhiều lần giao tranh với quân đội chính phủ.

Trung Quốc tuồn nhiều vũ khí vào châu Phi

Theo báo The Washington Post, vũ khí có nguồn gốc từ Trung Quốc đã bị phát hiện trong một loạt điều tra của Liên Hiệp Quốc tại những khu vực đang có chiến sự, từ CHDC Congo tới Bờ Biển Ngà, Somalia và Sudan. Trong khi đó, Bắc Kinh thường từ chối hợp tác với các chuyên gia Liên Hiệp Quốc. Trung Quốc còn bị cho là đã sử dụng sức mạnh ngoại giao để giảm những cuộc điều tra nhằm vào nước này. 

Hiện tại, Liên Hiệp Quốc áp dụng lệnh cấm vận vũ khí đối với 13 nước hoặc tổ chức, trong đó có Taliban (Afghanistan), al-Qaeda và bảy nước châu Phi. Tuy nhiên, việc Bắc Kinh có tuân thủ quy định quốc tế hay không vẫn là một câu hỏi lớn.

Trong vòng một thập niên vừa qua, từ vị trí của một nước nhập khẩu vũ khí nhiều nhất thế giới, Trung Quốc trở thành "lái buôn" vũ khí xếp thứ 6 toàn cầu. Đặc biệt, nước này đang là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho thị trường Hạ Sahara, phía nam châu Phi, với 16 khách hàng trong khu vực.

Kết quả này có được từ chương trình xuất khẩu vũ khí giá rẻ mà Bắc Kinh theo đuổi suốt nhiều năm qua. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockhom (SIPRI) ở Thụy Điển hồi đầu tháng 3, Trung Quốc hiện chiếm 25% thị phần vũ khí tại khu vực Hạ Sahara.

Ông Pieter D.Wezeman, tác giả chính của báo cáo trên, nhận định: "Châu Phi rõ ràng là thị trường quan trọng đối với ngành công nghiệp vũ khí Trung Quốc, vì đây là bước đệm để Trung Quốc trở thành nước bán vũ khí hàng đầu thế giới". Cũng theo ông, vũ khí Trung Quốc vẫn kém cạnh tranh tại thị trường các nước công nghiệp phát triển nên Bắc Kinh phải tập trung vào châu Phi.

Trước đó, Viện Nghiên cứu RAND, được tài trợ bởi Lầu Năm Góc, công bố tài liệu mang tên Chinese arms production and sales to the third world (tạm dịch Trung Quốc sản xuất vũ khí và bán cho thế giới thứ ba). Đây là báo cáo mật do quân đội Mỹ thực hiện năm 1990 nhằm đánh giá, phân tích về chương trình phát triển và xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc. Báo cáo này ghi nhận, các nước châu Phi đang trở thành những bạn hàng quan trọng của các nhà xuất khẩu vũ khí Trung Quốc.

Văn Nguyễn-L.T. (tổng hợp)
.
.