Bị bạo hành, một phụ nữ ôm con nhỏ chạy trốn

Thứ Hai, 04/11/2013, 14:40

Đòn chồng chưa đủ, chị thường xuyên bị mẹ chồng chửi mắng, đánh đập. Người chồng cũng vào hùa với mẹ đẻ. Mỗi lần mẹ càu nhàu, anh ta lại trút giận lên người vợ gầy gò bằng những đòn đấm đá. Và một tối, bị mẹ chồng đánh đuổi, chị đã phải bồng đứa con trai 2 tuổi chạy trốn.

Bán tóc lấy tiền mua sữa cho con

Trưa ngày 28/10 vừa qua, Tòa soạn Chuyên đề ANTG nhận được điện thoại của một người phụ nữ. Giọng đứt quãng, nghẹn ngào, chị cho biết đang bế con nhỏ lang thang vì bị bạo hành gia đình. Chị không biết đi đâu về đâu, không biết nên làm thế nào để hai mẹ con được bảo vệ. Người phụ nữ cho biết chị đang ở khu vực chợ Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội rồi ngắt máy. Tiếng khóc nấc của người phụ nữ xen lẫn tiếng khóc của trẻ con khiến chúng tôi lập tức lên đường.

Giữa trưa, chợ trung tâm của huyện Quốc Oai đã thưa thớt. Không khó để nhận ra nạn nhân bị bạo hành gia đình vừa điện thoại cầu cứu chúng tôi. Một người phụ nữ gày gò, quần áo nhếch nhác  bồng cậu con trai trên tay thơ thẩn ở cổng chợ. Một bên mắt của chị quầng tím. Bàn tay trái sưng to, cử động khó khăn. Thằng bé trên tay chị mặt mũi lem luốc, quấy khóc, giãy giụa trên tay mẹ. Gương mặt hai mẹ con lộ rõ sự mệt mỏi lo sợ. Chúng tôi tìm một quán ăn gần đó, đưa hai mẹ con vào nghỉ.

Nước mắt giàn giụa, người phụ nữ cho biết chị là Kiều Thị Liệp (29 tuổi), ở thôn Vĩnh Phúc, xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 2008, sau một năm tìm hiểu yêu đương, chị Liệp kết hôn với anh Vương Văn Hiếu (29 tuổi) ở thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Hai vợ chồng sinh được hai con là cháu gái Vương An Yến (14 tuổi) và cháu trai Vương An Hải (12 tuổi), là cháu bé chị mang đi cùng.

Sau khi sinh con gái đầu lòng, những mâu thuẫn nhỏ giữa mẹ chồng - nàng dâu trong sinh hoạt hàng ngày bắt đầu bùng phát. Không đứng ra hòa giải mối quan hệ này mà người chồng lại dạy vợ bằng cách cho ăn đòn, đấm đá thường xuyên. "Tháng 30 ngày thì 10 ngày em bị chồng đánh. Buổi tối, nếu chồng không nói gì thì em được ngủ trong nhà. Chồng đuổi thì em phải đi, ngủ loanh quanh nhờ hàng xóm. Có hôm con ngủ trong nhà nhưng mẹ phải ngủ ngoài cổng. Vì các con, em cố gắng chịu khổ, chịu nhục để được chăm sóc các cháu" - giọng chị nhòe nhoẹt trong nước mắt.

Mức độ bạo hành của người chồng tăng dần. Anh ta dùng dây điện thít cổ vợ, dùng điếu cày đánh vợ. Năm 2010, khi chị có mang đứa con thứ hai được hơn một tháng, mẹ chồng và chồng bắt chị phá thai. Chị không đồng ý. Lập tức mẹ chồng ném quần áo của chị ra đường. Người chồng đánh vợ ngã, còn giẫm lên bụng vợ, đến khi có họ hàng nhà nội tới can ngăn mới thôi. Lần đó chị phải về bên nhà ngoại lánh nạn một thời gian.

Quãng thời gian hạnh phúc nhất đối với chị là khi bố chồng đi làm ăn ở miền Nam trở về, bắt chồng chị phải đi đón vợ về. Lúc đó chị chuẩn bị sinh cháu thứ hai. Nhưng khi bố chồng vào Nam, gia đình lại rơi vào cảnh lục đục. Mỗi khi về nhà, thấy mẹ chồng càu nhàu con dâu, lập tức chị bị chồng cho ăn đòn mà không cần biết đúng sai, cũng không cần nghe chị giãi bày.

Không chỉ bị chồng đánh, mẹ chồng từ chỗ chỉ chửi mắng cũng chuyển sang đánh  đập con dâu. Có thời gian, người chị chồng mang con nhỏ về ở cùng cũng tham gia hành hạ em dâu.

Chúng tôi hỏi vì sao cái đuôi tóc của chị lại cắt cụt lủn và nham nhở như vậy, ứa nước mắt, chị bảo mới tháng trước, chị phải cắt mái tóc dài bán lấy tiền mua sữa cho con. Và những chuyện lục đục trong gia đình chị từ trước đến nay, cũng phần lớn bắt nguồn từ chuyện tiền nong.

Chị bảo hoàn cảnh 2 con nhỏ, phần lớn dành thời gian chăm sóc nên thỉnh thoảng chị mới tranh thủ đi làm thêm kiếm tiền nuôi con. Chồng làm thợ điện tự do, thỉnh thoảng thêm thắt cho vợ tiền chợ búa cơm nước. Chị cũng muốn đi làm nhưng ngặt nỗi không có tiền gửi con. Đánh tiếng nhờ mẹ chồng trông giúp để chị yên tâm đi làm nhưng ghét con dâu nên bà mẹ chồng  nhất định không nhận vì bà đang nuôi cháu gái 17 tháng, con của chị gái chồng đang đi XKLĐ. Chị buộc phải nhà trông con lại bị mẹ chồng chửi mắng tội lười không chịu đi làm.

Phận gái lấy chồng xa, chị bảo cố gắng chịu đựng sự bạo hành cả về thể xác và tinh thần để được yên ấm dưới mái nhà cùng các con. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình nhà ngoại cũng có nhiều éo le. Bố mẹ bỏ nhau, bố đã lấy vợ khác nên nhiều lần muốn ôm con về nhà ngoại lánh nạn, chị lại thôi.

Nhắc đến kinh tế gia đình eo hẹp, chị nhớ nhất trận đòn của chồng vào năm 2012. Chỉ vì cằn nhằn chuyện chồng và mẹ chồng ăn hết nồi xương hầm cháo dành cho con trai, chị đã bị chồng túm tóc lôi xuống bếp, dùng nồi cơm điện đánh tới tấp làm chị chảy máu. Chị chạy ra cổng kêu cứu và được một người hàng xóm tốt bụng chở đi bệnh viện khâu vết thương.

Tối 27/10 vừa qua sau mấy ngày lang thang hàng xóm, chị ôm 2 đứa con về nhà. Chỉ vì chuyện mấy đứa cháu nội, ngoại chành chọe đồ chơi, giữa mẹ chồng - nàng dâu lại xảy ra cãi vã. Bà mẹ chồng xuống bếp lấy thanh củi rượt đuổi con dâu. To tiếng, xô xát xảy ra. Đánh con dâu chưa hả, mẹ chồng đuổi chị ra đường. Đứa con nhỏ khóc chạy theo mẹ, chị lại ôm con đi ngủ nhờ qua đêm. Mẹ chồng và chồng dường như không mấy bận tâm đến hai mẹ con.

Sáng hôm sau, có người mách chồng chị đang đi tìm chị về để trị tội. Hai hôm trước, anh ta vừa đánh chị thâm tím một bên mắt.  Một người bạn gái thương cảm đã đưa hai mẹ con đi sang Quốc Oai lánh nạn.

Chúng tôi đề nghị chị đi cùng về Thạch Thất. Người chị run lập cập, gương mặt hoảng hốt. Chị bảo để tìm nhà người quen ở nhờ ít hôm rồi tính tiếp. Hôm bị mẹ chồng đánh, chị cũng định lên xã kêu cứu nhưng sợ bị gia đình chồng trả thù nên chị lại thôi. Làm dâu đất khách, thân cô thế cô, lại còn 2 đứa con. Chị đã mệt mỏi với cảnh ôm con chạy khắp xóm lánh nạn. Chị có thể chịu đựng được nhưng tội nghiệp các con. Chúng cần có một mái nhà.--PageBreak--

Mẹ chồng ghê gớm tố ngược nàng dâu

Ngay sau khi gặp chị Kiều Thị Liệp, chúng tôi đã tìm đến gia đình chồng chị tại thôn Lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất.  Theo những người hàng xóm nhận xét thì bà Vương Thị Đông, mẹ chồng chị Liệp là người đàn bà ghê gớm, chanh chua. Chuyện chị Liệp bị bạo hành, nhiều người biết nhưng sự chao chát của bà mẹ chồng khiến mọi người đều ngại dây dưa.

Vương Văn Hiếu, chồng chị Liệp đi vắng. Chỉ có bà mẹ chồng ở nhà. Biết chúng tôi đã gặp gỡ mẹ con chị Liệp nhưng bà Đông không hề tỏ ra hối hận về hành vi bạo lực của mình đối với con dâu. Không một lời thăm hỏi xem tình hình con và cháu nội hiện ra sao, đang ở đâu. Bà gọi chị Liệp là "con mẹ Liệp" và ngồi kể tội con dâu không dứt.

Bà cho rằng, chị Liệp là người lười lao động, 4 năm trời chỉ ở nhà ôm con, để một mình con trai bà đi làm nuôi cả nhà. Rồi bà thao thao rằng việc bà đánh con dâu là để dạy dỗ, bởi chị Liệp hay hỗn láo với bà. Rồi bà tố ngược bị con dâu đánh nhiều  lần, một lần dùng dao đâm vào đùi bà, một lần cắn chảy máu ngón tay bà, một lần du bà ngã rồi đạp vào mạn sườn bà…

Khi chúng tôi hỏi bà có bằng chứng nào để chứng minh, bà Đông bảo lâu rồi nên vết thương đã lành, không còn dấu vết gì (?). Lại hỏi bà bị con dâu đánh như vậy sao bà không trình báo chính quyền, công an để xử lý? Bà Đông lý luận rằng, bà thương 2 đứa cháu nội, không muốn chuyện ầm ĩ nên ngậm ngùi chịu đựng (?).

Trái ngược với thái độ leo lẻo tố con dâu của bà Đông, những người hàng xóm xung quanh lại cho rằng chưa bao giờ thấy chị Liệp hỗn láo với mẹ chồng, cũng chưa bao giờ thấy bà Đông than phiền chị Liệp hư hỗn.

Nhà chồng chị Liệp tại xã Lại Thượng, Thạch Thất, nơi chị Liệp thường xuyên bị bạo hành.

Cán bộ cơ sở chưa làm hết trách nhiệm

Bà Cấn Thị Minh, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Lại Thượng thừa nhận tình trạng chị Kiều Thị Liệp bị bạo hành gia đình nhiều năm nay. Mặc dù chị Liệp không có đơn trình báo, song qua công tác nắm tình hình của các chi hội phụ nữ thôn, Hội Phụ nữ xã đã 2 lần xuống gia đình làm công tác hòa giải.

Mọi việc chỉ được một thời gian, sau đó lại thấy chị Liệp bế con đi lang thang và cho biết bị chồng và mẹ chồng đánh. Có lần, chị Liệp còn cho biết bà Đông dọa nếu kể cho bà Minh biết chuyện thì "tao sẽ giết mày". Tuy nhiên, mỗi lần hòa giải, chị Liệp lại "xin" để tự gia đình giải quyết nên mọi việc chỉ dừng ở đó.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, Trưởng Công an xã Lại Thượng cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin chị Kiều Thị Liệp bị bạo hành gia đình phải bỏ  nhà đi lánh nạn từ phóng viên Chuyên đề ANTG, ông đã trực tiếp xuống gia đình bà Đông.

"Trước hết, ở góc độ tình cảm "lũy tre làng", tôi đã phân tích cho hai mẹ con bà Đông hiểu việc bạo hành chị Liệp như vậy là vi phạm pháp luật. Trước mắt, tôi yêu cầu anh Hiếu phải đi tìm đón hai mẹ con chị Liệp về và nghiêm cấm không được tiếp tục bạo hành đối với chị Liệp nữa. Tôi cũng đã làm việc với Hội Phụ nữ xã, đề nghị tập hợp lại những lần đã hòa giải trước đây và có văn bản báo cáo chính thức về sự việc để làm căn cứ triệu tập hai mẹ con bà Đông lên xã làm việc, thiết lập hồ sơ ban đầu để làm căn cứ xử lý" - ông Hạnh cho biết.

Quá trình tác nghiệp, những thông tin về việc chị Kiều Thị Liệp bị bạo hành cũng đã được chúng tôi chuyển đến Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) để có sự phối hợp giúp đỡ, bảo vệ quyền lợi cho chị. Theo chị Nguyễn Thị Thúy - cán bộ CSAGA, bởi quá trình chị Liệp bị bạo hành gia đình đã xảy ra nhiều năm, đại diện Hội Phụ nữ xã đã biết tình hình và nhiều lần đến gia đình làm nhiệm vụ hòa giải. Tuy nhiên, trong trường hợp tình trạng bạo hành gia đình không chấm dứt thì cần có biện pháp giải quyết, xử lý mạnh mẽ hơn.

Tâm lý người phụ nữ ở các vùng nông thôn vốn rất lo sợ tai tiếng với bà con chòm xóm, cuộc sống cộng đồng khiến họ không mấy khi dám đứng ra tố cáo hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp nạn nhân bị bạo hành nhiều lần nhưng không dám tố cáo thì  khi nắm bắt tình hình, chứng kiến sự việc, đại diện phụ nữ thôn, xã cần đứng ra làm đơn tố cáo hành vi bạo lực tới cơ quan chức năng để xử lý bằng pháp luật.

Bà Vương Thị Đông nói chuyện, xưng "em" với chúng tôi. Mặc dù đã cố gắng phân tích để bà Đông nhận ra khuyết điểm, sai lầm của mình, nhưng dường như bà Đông vẫn cho rằng việc bà đánh con dâu là đúng.

- Bác thấy việc anh Hiếu thường xuyên đánh vợ là thế nào?

- Đánh vợ là hư, em cho nó là đứa hư.

- Chỉ là hư thôi à?

- Nó hư, mất dạy quá, thế thôi.

- Vậy có sai không?

- Vâng, thì có sai.

- Vậy mẹ chồng đánh con dâu như bác thì có sai không?

- Là thế này. Em đánh nhưng đánh chỉ là cảnh cáo thôi, chứ em không đánh đòn thù. Em đánh mang tính chất em dạy, như đứa con gái em thôi.

- Bác nghĩ thế nào khi người dân ở xã lại nói bác là mẹ chồng ghê gớm?

- Em ghê gớm là ghê gớm rất biết đều, em không ghê gớm lăng nhăng. Em bảo nó (chị Liệp) đi làm đi, để con tao trông. Nhưng nó không đi làm, cứ ở nhà chơi 4 năm nay. Chồng đi làm được đồng nào thì ăn đồng ấy. Thế là em ở riêng, mặc vợ chồng nó, ăn thế nào thì ăn, em ăn của em, không động đến chúng nó. Em ghê gớm, là ghê gớm như thế.

Hương Vũ - Minh Tiến
.
.