Bị lừa mất tiền khi sử dụng thẻ ATM

Thứ Ba, 17/09/2013, 22:35

Thời gian gần đây, khi các trò lừa như "đánh rơi vàng", "nhặt được tiền", "xe bị chảy nhớt", "nằm bệnh viện mất cắp", "điện thoại hết tiền"… bị dư luận phanh phui, thì bọn lừa đảo chuyển sang những phương thức mới mà nếu không cảnh giác, sẽ lại có nhiều người mắc bẫy…

Nhờ anh giúp em

Anh Tuấn, nhà ở đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh, kể: "Sáng hôm ấy, tôi ghé vào máy ATM ở khu vực quận 1 để rút tiền. Khi cho thẻ vào máy, bấm mã số và đang bấm số tiền cần rút thì một cô gái khoảng 20 tuổi, ăn mặc rất "mốt", mắt đeo kính trắng như cận thị, đẩy cửa bước vào. Đợi tôi bấm xong, cô đưa chiếc thẻ của cô ra, hỏi tôi: "Anh ơi, thẻ này rút ở đây được không?".

Theo lời anh Tuấn, thì anh hơi ngạc nhiên vì tại địa điểm này có 2 máy ATM, sao cô không rút ở máy bên kia mà lại vào chung với anh. Hình như đoán được thắc mắc của anh, cô gái nhỏ nhẹ: "Nãy giờ em rút ở máy đó mà không được". Nhìn thấy chiếc thẻ cũng do Ngân hàng B phát hành, anh Tuấn gật đầu. Chưa kịp xem máy đã nhả tiền chưa thì cô gái móc tiếp cái điện thoại: "Anh ơi, anh tắt dùm em. Nãy giờ có cả chục cuộc gọi chọc ghẹo em. Điện thoại em mới mua, chưa rành cách sử dụng".

Vừa nói, cô vừa xoay người, ấn chiếc điện thoại vào tay Tuấn. Trong lúc Tuấn đang tìm công tắc nguồn thì bất chợt cô gái nói tiếp: "Thôi, em làm phiền anh quá. Em cảm ơn anh" rồi lấy lại điện thoại và nhanh chóng bước ra ngoài, leo lên chiếc xe gắn máy của một gã thanh niên đã đợi sẵn, phi thẳng.

Quay trở lại với máy ATM, anh Tuấn thấy tiền vẫn chưa nhả ra nhưng trên màn hình, thay vì là dòng chữ "xin vui lòng đợi trong giây lát" như vẫn thường xuất hiện thì bây giờ nó lại trở về quy trình điều khiển ban đầu với các thư mục "kiểm tra tài khoản", "rút tiền", "nạp tiền"…

Anh Tuấn, nói: "Tưởng máy bị trục trặc, tôi thực hiện lại thao tác. Tới chừng máy nhả ra 10 triệu, tôi bấm phím kiểm tra thì mới hay bị trừ 20 triệu. Lúc ấy, tôi mới biết khi xoay lưng che chắn màn hình và đưa chiếc điện thoại nhờ tôi tắt, con bé kia đã nhanh tay lấy 10 triệu mà máy vừa nhả ra, đồng thời ấn luôn vào phím "giao dịch khác" chứ nếu không, tôi sẽ biết ngay là nó lấy tiền của tôi vì máy sẽ hiện dòng thông báo cho biết số tiền tôi vừa rút. Chính cái động tác thay đổi giao diện trên màn hình đã khiến tôi nghĩ máy bị trục trặc".

Trên đây chỉ là một trong những trò lừa đảo mà bọn bất lương đã thực hiện tại các trụ ATM ở TP HCM. Đối tượng mà chúng nhắm đến là những người đi một mình. Thủ đoạn của bọn chúng đều na ná như nhau: Đầu tiên đưa thẻ ATM ra, giả bộ như chưa rành, hỏi xem có thể rút được không. Sau đó nhờ "con mồi" làm hộ một chuyện gì đó để đánh lạc hướng.

Hiền, sinh viên ở làng đại học Thủ Đức, kể: "Em vừa vào buồng ATM và đang thực hiện việc rút tiền thì có một chị, ẵm đứa con nhỏ vào theo, trên tay chị ta cầm chiếc thẻ của Ngân hàng Sacombank. Chị ta hỏi em thẻ này có rút ở đây được không? Em trả lời được, nhưng phải mất phí vì thẻ không cùng một ngân hàng phát hành. Đang nói, chiếc thẻ trên tay chị ta rơi xuống đất. Chị ta nhờ em nhặt hộ vì bận ẵm con. Nhặt lên xong, em đưa chị ta thì chị ta lập tức đẩy cửa bước ra.  Tới hồi coi lại, số tiền em vừa rút, đã mất. Cũng may là em chỉ rút 500 nghìn".

Cảnh giác khi có người vào chung buồng ATM với mình. Ảnh minh họa.

Chuộc điện thoại

"Lúc ấy là khoảng 9 giờ sáng…", chị Bích, bán quán tạp hóa trên đường Bà Hom, quận 6, kể: "Tôi đang kéo chiếc dù ra che nắng thì một phụ nữ tuổi khoảng 40, ăn mặc như kiểu người nhà quê, mời tôi mua vé số. Mặc dù tôi đã từ chối nhưng chị ta vẫn cứ ấn tập vé số vào tay tôi".

Đang trong lúc đẩy đưa như thế, thì bất ngờ chuông điện thoại di động trong túi áo chị bán vé số reo lên liên tục. Chị Bích kể tiếp: "Tôi thấy chị ta lộ vẻ lúng túng. Chị ta cho tay vào túi, mò mẫm, có vẻ như muốn tắt mà không tắt được. Chút xíu sau, chị ta lấy điện thoại ra, nhờ tôi… tắt dùm!". Tuy nhiên, do đã quá thời gian chờ trả lời nên tín hiệu chuông tự tắt.

Thấy điện thoại là một chiếc iPhone, còn rất mới, chị Bích sinh nghi. Bán vé số mà có iPhone? Có mà không biết xài, hay là trộm cắp ở đâu đây? Như đoán được sự nghi ngờ của chị Bích, người phụ nữ vừa lắp bắp, vừa đưa tay chỉ về hướng trước mặt: "Dạ, dạ…, em mới lượm được ở quán hủ tiếu".

Đúng lúc đó, chuông điện thoại lại reo. Ngần ngừ vài giây, chị Bích bấm phím nghe. Đầu bên kia, giọng một người đàn ông hốt hoảng: "Điện thoại của tui. Nó là cái iPhone 5 tui mới mua gần 15 triệu. Tui ăn sáng rồi bỏ quên. Trong máy tui có rất nhiều số liên lạc làm ăn, bây giờ mất khổ lắm. Làm ơn cho tui chuộc lại, tui xin hậu tạ 3 triệu đồng".

Chị Bích kể tiếp: "Nghe thấy thế, tôi trả lời rằng không phải tôi lượm được, mà là một bà bán vé số". Giọng người gọi lại càng hốt hoảng: "Vậy cô làm ơn giữ bà đó lại giùm tui. Tui đang đi Cần Giờ thăm mấy cái ao nuôi tôm nhưng tui sẽ quay lại liền. Địa chỉ nhà chị ở số mấy, đường nào vậy?". Chị Bích trả lời: "Để tôi nói bả thử coi. Bả lượm chứ tôi đâu lượm được".

Rồi chị quay sang người phụ nữ bán vé số, thuật lại câu chuyện và thuyết phục chị ta ráng ở lại để trả điện thoại cho người đàn ông kia. Tuy nhiên, người bán vé số cứ nằng nặc đòi đi, vì "còn cả trăm tờ chưa bán hết, với lại lát nữa ổng quay lại, lỡ ổng không đưa tiền chuộc máy mà ổng hô em ăn cắp của ổng thì chết em".

Chuông báo gọi từ chiếc iPhone lại reo, và vẫn là người đàn ông kia: "Sao rồi chị? Chị giữ bà vé số giùm tui chưa? Khoảng 20 phút nữa là tui về tới". Chị Bích, đáp: "Tôi nói rồi, mà họ cứ đòi đi vì vé số họ bán chưa hết". Giọng người đàn ông khẩn thiết: "Hay là…, chị làm ơn, chị cho tui mượn 3 triệu, đưa cho bả. Lát tui tới tui gởi lại chị liền. Tui hậu tạ cho chị nữa".

Chị Bích động lòng. Chị biết mất điện thoại là mất luôn các số, trong đó ngoài số máy bạn bè, gia đình, bà con, thì còn cả những số làm ăn, giao dịch. Giúp người ta làm phước. Hơn nữa, cái iPhone này 15 triệu, chị đang giữ trong tay, có gì mà sợ.

Và thế là chị vào nhà, mở tủ lấy 3 triệu đồng đưa cho người phụ nữ bán vé số. Cầm tiền xong, người phụ nữ ấy lủi nhanh như lươn. Còn chị Bích, chị đợi, đợi mãi. 20 phút rồi 2 tiếng, vẫn không thấy "ông mất máy" đâu. Gọi lại số mà ông ta đã gọi thì chỉ có tiếng tò te tí. Đến hơn 12 giờ, khi chồng chị đi làm về rồi sau khi nghe chị kể lại câu chuyện, chồng chị tháo nắp máy, lấy pin ra: "Em bị lừa rồi. iPhone dỏm Trung Quốc, thứ này mấy tiệm điện thoại ở đường Hùng Vương bán có 850 nghìn".

Để lại làm tin

Bà Thanh, 58 tuổi, ở đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, TP HCM thỉnh thoảng vẫn ngồi trông coi cửa hàng điện thoại di động cho đứa con trai mỗi khi nó đi vắng. Nghe lời con dặn, nếu có khách tới sửa chữa hoặc hỏi mua điện thoại, bà đều hẹn đợi con bà về. Công việc của bà là chỉ bán thẻ cào thôi.

Trưa hôm ấy, con trai bà có việc phải đi. Như thường lệ, bà kéo chiếc ghế ra ngồi ngay cửa. Chừng vài phút sau, một cô gái ăn mặc sang trọng vào hỏi mua thẻ cào Mobifone loại 100 nghìn. Lúc vừa lấy chiếc thẻ đưa cho cô gái thì lại có một người đàn ông, tay xách chiếc túi khá lớn, bước vào tiệm. Anh ta chìa ngay trước mặt cô gái một chiếc đồng hồ mới tinh, sáng bóng: "Cô mua không? Casio "xì bo" của Nhật. Tôi vừa đi tàu viễn dương, mang từ Nhật về ". Cô gái hỏi: "Anh bán bao nhiêu?". Người đàn ông đáp: "Tôi lấy rẻ cô 500 nghìn thôi chứ loại này ở Vincom, Hùng Vương, Diamond Plaza, giá cả triệu".

Cô gái cầm chiếc đồng hồ lên săm soi rồi móc bóp lấy tờ 500 nghìn đưa cho người đàn ông. Ngay lập tức, anh ta mở túi, lôi ra thêm một nắm đồng hồ nữa, tổng cộng 19 cái: "Cô lấy luôn đi. Thấy cô mua bán mau mắn, tôi để cho cô làm quen. Nửa tháng nữa tôi đi chuyến sau, cô cần gì tôi mua giúp". Cô gái cười: "Tôi không có đủ tiền chứ nếu có, anh bán 100 cái tôi cũng mua. Hay là anh theo tôi về nhà, lấy tiền". Người đàn ông lắc đầu: "Tôi đang trực buồng máy dưới tàu, đâu bỏ đi được. Tôi lén lên bờ bán cho lẹ chứ để hải quan kiểm tra, phát hiện thì coi như tiêu".

Hai bên đưa đẩy qua lại một hồi, bất ngờ cô gái quay lại phía bà Thanh: "Con chỉ còn 500 nghìn. Hay là bác cho con mượn đỡ 9 triệu. Con sẽ để tất cả đồng hồ này cho bác giữ làm tin. Con chạy về nhà con bên Lê Văn Sỹ, quận 3 lấy tiền rồi quay lại ngay. Con sẽ gởi biếu bác 500 nghìn ăn bánh".

Bà Thanh ngần ngừ một lát rồi vào mở tủ, lấy 9 triệu đồng đưa cho cô gái. Bà kể: "Con nhỏ đó nhìn mặt mũi sáng sủa, hiền lành lắm. Ai dè! Thấy nó coi cái đồng hồ rất kỹ rồi mới mua nên tui tin. Khi nó hỏi mượn tiền, nó đưa tận tay tui  20 cái, nhờ tôi cất dùm, lại còn dặn tui cất cẩn thận nữa. Tụi nó diễn kịch hay quá nên tui mắc lừa".

Gần 3 giờ chiều, con trai bà về mở tủ lấy tiền trả tiền hàng. Thấy thiếu 9 triệu, nó hỏi bà. Sau khi nghe bà kể lại câu chuyện, con bà cầm 2 cái đồng hồ, phóng xe đi. Một lát, nó trở lại, nói như gắt: "Má bị lừa rồi. Đồng hồ đểu, mỗi cái trong chợ An Đông bán có 80 nghìn!".

Bắt giam một kẻ giả danh cán bộ điện lực để lừa đảo.

Nộp thuế thu nhập

Anh Mậu, nhà ở Tây Ninh, có đứa con trai bị dị tật bẩm sinh. 22 tuổi mà nó vẫn không đi đứng được, không nói được. Mắt nó lồi ra, đầu trọc lóc, cả ngày chỉ nằm dặt dẹo trên giường. Nguồn sống chính của gia đình dựa vào việc anh làm thuê cho các vườn cao su tư nhân, bữa đực bữa cái, cộng với tiền trợ cấp của Nhà nước. Còn vợ anh vừa buôn bán lặt vặt trước cửa nhà, vừa trông con

Một bữa, có nhà báo biết được hoàn cảnh đáng thương của gia đình anh nên đã viết một bài ngắn, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm xa gần, chung tay giúp đỡ. Anh Mậu kể: "Báo đăng có hình con tui, có địa chỉ, có cả số điện thoại của người hàng xóm là anh Dân để nếu ai gọi tới hỏi thăm, anh Dân sẽ kêu tui nói chuyện".

Một bữa, có cuộc điện thoại hỏi gặp anh Mậu. Lúc nói chuyện, người ở đầu bên kia - là một cô gái, cho biết sau khi thông tin về hoàn cảnh gia đình anh được lên báo, thì đã có một số nhà hảo tâm gửi tặng gia đình anh tổng cộng 170 triệu đồng. Cô gái giải thích: "Theo luật, đây là thu nhập không thường xuyên nên phải đóng  thuế - giống như trúng số vậy". Để nhận được 170 triệu, anh Mậu phải nộp "thuế thu nhập" là 17 triệu đồng.

Tiếp theo, cô gái cho anh số tài khoản của một ngân hàng, rồi hỏi họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ nhà anh để chuyển tiền cho anh. Anh Mậu kể tiếp: "Tui nói nhà tui cực lắm, lấy đâu ra 17 triệu mà nộp. Tui đề nghị cổ là cứ trích 17 triệu trong số 170 triệu, nộp giùm tui thì cổ nói rằng, 170 triệu là do các Mạnh Thường Quân gửi vào ngân hàng, cổ chỉ có trách nhiệm chuyển cho tui sau khi tui đã đóng thuế thu nhập chứ không ai được rút ra hay trừ đi đồng nào hết".

Bàn đi tính lại, anh Mậu gõ cửa mấy nhà hàng xóm, hỏi mượn tiền. Anh Dân cho biết: "Thấy hoàn cảnh ảnh tội quá, tôi cho ảnh mượn 5 triệu, chị Năm bán phân bón cho ảnh mượn 3 triệu…". Khi đã có đủ, anh Dân chạy xe đưa anh Mậu ra trung tâm huyện, vào ngân hàng, gửi 17 triệu cho số tài khoản kia.

Và thế là mất hút. Kết quả xác minh của Cơ quan Công an cho thấy sau khi đọc được thông tin trên báo, bọn lừa đảo đã dùng chứng minh nhân dân lượm được của người khác, thay ảnh rồi mở tài khoản. Lúc anh Mậu gọi báo tin là đã chuyển tiền, chúng rút ngay, đồng thời hủy sim điện thoại. Riêng phía tờ báo đã đăng tin về đứa con anh Mậu, bộ phận công tác bạn đọc cho biết số tiền do các nhà hảo tâm ủng hộ những hoàn cảnh khó khăn đều được công khai trên báo, và báo chưa cử người liên lạc với anh Mậu cũng như không có số tiền 170 triệu đồng…

Vũ Cao
.
.