Biến tướng của “bẫy” tín dụng lãi suất cao

Thứ Sáu, 05/05/2017, 10:00
Thời gian qua, trên địa bàn các tỉnh, thành toàn quốc liên tiếp xảy ra tình trạng vỡ “hụi”, đặc biệt tại các vùng nông thôn, nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. “Hụi”, “họ”, “biêu”, “phường”... bản chất là một hoạt động góp vốn làm ăn có tính chất tương trợ lẫn nhau đã được quy định tại NĐ 144/2006 của Chính phủ, nhưng thực tế đã và đang bị một số đối tượng chủ hụi lợi dụng, biến tướng thành việc huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản...

“Bão hụi” ở một vùng quê

Cuối tháng 4 vừa qua, chúng tôi đến huyện Tĩnh Gia (tỉnh Thanh Hóa) khi “cơn bão” vỡ “hụi”, vỡ “ống” (từ địa phương) đã lan đến xã Hải Hà. Tại trụ sở UBND xã Hải Hà, trời mưa và đã quá trưa nhưng mấy chục người phụ nữ vẫn bám trụ tại hội trường với gương mặt rầu rĩ. Khoảng hơn 1 tháng nay, từ khi sự việc “vỡ ống”, ngày nào người dân cũng kéo nhau lên trụ sở xã để nghe ngóng việc thu hồi tài sản của chủ “ống”.

Người bị tố cáo là chị Đào Thị Hằng (41 tuổi, ở thôn Hà Thành). Theo chính quyền địa phương cho biết, từ ngày 10-3-2017, người dân chính thức có đơn tố cáo đến Cơ quan công an. Ngay sau khi nhận đơn, Công an huyện Tĩnh Gia đã khẩn trương cử một tổ công tác xuống xã phối hợp nắm tình hình, thống kê người tố cáo, giải quyết vụ việc.

Lực lượng Công an khá vất vả khi ngày nào cũng phải vừa lấy lời khai trình báo sự việc, vừa trấn an người dân để không xảy ra tình trạng người dân vì bức xúc mà hành hung, cưỡng đoạt tài sản, đập phá nhà chủ “ống” như đã xảy ra đối với một chủ “phường” ở xã Phú Sơn.

Tính đến giữa tháng 4-2017, tổ công tác đã tiến hành lấy lời khai và làm việc với 233 người dân có đơn với số tiền đề nghị trả nợ là gần 7,6 tỷ đồng.

Vỡ “hụi”, “họ” khiến nhiều người dân điêu đứng.

Ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Hải Hà cho biết, từ trước đến nay, thu nhập của người dân trong xã chủ yếu dựa vào khai thác hải sản, sản xuất muối và nông nghiệp. Những năm gần đây, do chủ trương thu hồi đất phát triển khu công nghiệp đã thu hẹp diện tích đất sản xuất nông nghiệp của bà con.

Do đó, trong xã phát triển “phong trào” chơi “ống” từ tiền tiết kiệm đánh bắt hải sản, tiền lương của những người làm việc trong khu công nghiệp và một phần tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Mọi khoản tích cóp đều dồn vào chơi “ống” nên khi đổ vỡ xảy ra, không ít gia đình lâm vào cảnh trắng tay.

Sau khi xảy ra việc người dân tố cáo chủ “ống” Đào Thị Hằng có dấu hiệu lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, không có khả năng thanh toán tiền lãi và tiền góp của người tham gia, rút kinh nghiệm những vụ việc chủ “ống” bỏ trốn sau khi “vỡ ống”, chính quyền xã Hải Hà đã kịp thời họp dân, một mặt động viên bà con ổn định sản xuất, một mặt nắm tình hình xem chủ “ống” đã sử dụng tiền huy động của dân như thế nào, có những tài sản gì?

UBND xã đã mời chủ “ống” Đào Thị Hằng lên làm việc, theo đó chủ “ống” trình bày đã dùng tiền đầu tư mua 4 mảnh đất để kinh doanh, hiện đã bán 1 mảnh đất được 500 triệu đồng. Chị Hằng đã tự nguyện giao số tiền này cho UBND xã để khắc phục hậu quả.

Đối với 3 mảnh đất còn lại, UBND xã yêu cầu chị Hằng khi bán phải thông qua chính quyền, trước khi bán phải thông báo công khai trên loa truyền thanh xã cho bà con biết, giám sát và tổ chức việc bán tại xã nhằm phòng ngừa việc chủ “ống” tẩu tán tài sản. Số tiền thu được sẽ căn cứ vào số tiền còn nợ dân để thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Tuy nhiên, không phải trường hợp chủ “phường” nào đến lúc vỡ nợ vẫn còn tài sản để khắc phục hậu quả như trường hợp trên. Đa phần đến lúc sự việc vỡ lở thì hoặc chủ “phường” đã bỏ trốn, hoặc chẳng còn gì để trả nợ.

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm qua, Tĩnh Gia đã trở thành điểm nóng về tình trạng  vỡ “hụi”, vỡ “phường”, vỡ “ống” của tỉnh Thanh Hóa. “Bão hụi” giống như hiệu ứng domino, vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo thống kê của cơ quan CSĐT Công an huyện Tĩnh Gia thì tình trạng vỡ “hụi” trước đó xảy ra ở một loạt xã như Phú Sơn, Phú Lâm, Tân Trường, Tùng Lâm, Trúc Lâm...

Đây là các xã ở phía tây nam huyện Tĩnh Gia, nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nông nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng, buôn bán nhỏ lẻ. Từ trước đến nay, trong nhân dân đã hình thành việc tương trợ lẫn nhau thông qua việc góp vốn của nhiều hộ gia đình và dần trở thành các hình thức nhóm “phường”, nhóm “hụi” với số lượng hộ gia đình tham gia ngày càng nhiều.

Chủ “ống” Đào Thị Hằng làm việc tại trụ sở UBND xã Hải Hà.

Qua hình thức này, nhiều người đã đứng ra tổ chức, nhóm các hội “phường” để duy trì những người có nhu cầu góp vốn tương trợ lẫn nhau. Những người này được gọi là chủ “phường”. Việc tổ chức một hội “phường” khi người trong hội được lấy “phường” thì chủ “phường” sẽ được hưởng tiền công của mình.

Nếu chỉ dừng lại ở việc góp vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh hay tích lũy một khoản để sử dụng vào các công việc quan trọng của gia đình thì chơi “hụi”, chơi “phường” như trên là hoàn toàn tích cực, giúp người chơi không phải đi vay lãi suất cao, lại mang tính chất tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt khó.

Thế nhưng vấn đề ở đây là sau một thời gian, các chủ “phường” đã biến tướng thành hình thức “mua phường” với lãi suất cao (ai muốn lấy tiền “phường” trước phải bỏ tiền ra mua, ai bỏ tiền cao nhất thì được lấy tiền “phường” trong tháng đó). Với hình thức “mua phường” như thế này, nhiều chủ “phường” đã lợi dụng lòng tin, tham lãi của người chơi để chiếm đoạt.

Vẫn là “bẫy” lãi suất cao

Theo Công an huyện Tĩnh Gia, mức lãi suất cao do các chủ “phường” đưa ra chính là miếng mồi hấp dẫn khiến nhiều người dân thay vì gửi tiền ngân hàng đã rút ra cho chủ “phường” vay. Nhiều chủ “phường” tham lãi suất cao cũng đi vay ngân hàng, vay người thân để cho vay lại.

Chiêu thức chung của các chủ “phường” là thời gian đầu trả tiền và lãi sòng phẳng nhằm tạo dựng uy tín, lôi kéo số đông người chơi dây “phường” của mình. Đến lúc người chơi mất cảnh giác, chủ “phường” chuyển sang hình thức vay mượn tiền “phường” của họ với lãi suất cao hơn nhiều lần so với lãi suất ngân hàng (từ 2-3%/tháng), vay tiền cá nhân (lãi suất từ 2-5%/tháng) sau đó chiếm đoạt. Thiệt hại càng lớn khi một chủ “phường” tổ chức nhiều dây “phường” và dùng tiền của người chơi để tham gia chơi các dây “phường” do người khác làm chủ.

Điển hình như chỉ riêng ở 2 xã Phú Sơn và Phú Lâm có tới 14 chủ “phường” bị người dân tố cáo không trả tiền “phường”, tiền vay; trong đó trớ trêu là 12 chủ “phường” thuộc xã Phú Sơn - một vùng quê nghèo thuộc diện 135 của Chính phủ (diện các xã đặc biệt khó khăn). Chủ “phường” “khủng” nhất được xác định là Trần Thị Hà (36 tuổi) ở thôn Trung Sơn, xã Phú Sơn, làm chủ 225 dây “phường” với 281 người tham gia và chơi 1.000 dây “phường” khác do người khác làm chủ “phường”.

Đến tháng 2-2016 khi vỡ nợ, Hà nợ tổng số 33,4 tỷ đồng, trong đó nợ tiền “phường” của người dân là trên 14,4 tỷ đồng, nợ tiền “phường” của các chủ “phường” khác là trên 10,2 tỷ đồng, nợ tiền vay của người dân và các chủ “phường” là trên 8,7 tỷ đồng.

Hậu quả những vụ vỡ “phường”, vỡ “hụi” không chỉ khiến những người tham gia tiền mất tật mang, mà ngay một số chủ “phường” cũng rơi vào cảnh tán gia bại sản. Điển hình như chị Lê Thị Thư (45 tuổi, ở xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương), vì tham gia “phường hụi” dẫn đến nợ 30 tỷ đồng không có khả năng thanh toán đã uống thuốc diệt cỏ tự tử vào ngày 26-7-2016. Chị Lê Thị Hằng (42 tuổi, ở xã Thiệu Dương), từ năm 2011 chơi “phường” để lấy vốn làm ăn, đến năm 2015 đứng ra làm chủ “phường” và bỏ tiền ra mua “phường” với lãi suất cao để lấy tiền chơi một “phường” khác lớn hơn.

Khi chủ “phường” lớn này vỡ nợ, một mình chị Hằng không thể gánh nổi số tiền gần 10 tỷ đồng vay mượn từ anh em, họ hàng, cuối cùng đã chọn giải pháp tự tử. Gần nhất, ngày 27-7-2016, anh Lê Dụng Hoàn (45 tuổi, ở thôn Trường Sơn, xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia) do nợ tiền “phường” và tiền vay của người dân, của chủ “phường” khác lên tới 9 tỷ đồng cũng đã treo cổ tự tử.

Đơn tố cáo của người dân.

Theo Văn phòng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa, qua các vụ việc vỡ “hụi”, vỡ “phường”, vỡ “ống” trên địa bàn tỉnh cho thấy, các chủ “phường” đã không thực hiện đúng các quy định của Nghị định 144/2006 ở một số điểm sau: Thứ nhất, việc tổ chức “hụi”, “phường” không đúng với mục đích tương trợ trong nhân dân theo tinh thần chính sách của Nhà nước (quy định tại Điều 2, Nghị định 144).

Vi phạm lãi suất đối với phần “họ” được thực hiện theo quy định tại Điều 476, Bộ luật Dân sự - không quá 150%/năm (Điều 10). Vi phạm về trách nhiệm với tư cách là thành viên và với tư cách là chủ “họ”, như: góp phần họ; trả lãi cho các thành viên khác khi được lĩnh họ; bồi thường thiệt hại cho những người tham gia họ nếu vi phạm nghĩa vụ mà gây thiệt hại (Điều 20).

Mặc dù chủ “hụi” có vi phạm nhưng cơ quan điều tra đang gặp vướng mắc khi xử lý bởi theo quy định của Nghị định 144, trường hợp xảy ra tranh chấp về “hụi”, “họ” hoặc phát sinh từ “hụi”, “họ” thì tranh chấp đó được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc theo yêu cầu của một hay nhiều người tham gia “họ”, tranh chấp đó được giải quyết tại tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự (Điều 31, NĐ 144/2006).

Vì vậy hành vi vi phạm của các chủ “phường” cũng như người tham gia chơi là quan hệ dân sự. Căn cứ các vụ việc cụ thể, cơ quan CSĐT đã kết luận và thông báo cho các bên liên quan để khởi kiện ra tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự khi có yêu cầu.

Mặt khác, các chủ “hụi”, “họ” cũng tìm nhiều cách đối phó với các cơ quan pháp luật. Thường trước khi tuyên bố vỡ nợ, các chủ “hụi” đã âm thầm chuyển quyền sở hữu tài sản cho người thân. Sau đó, họ sẵn sàng ghi giấy nhận nợ, cam kết trả nợ chứ không bỏ trốn khỏi địa phương nên rất khó để cho rằng chủ “hụi” lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, thời gian qua, không chỉ riêng trên địa bàn Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương khác trên toàn quốc cũng xảy ra nhiều vụ việc vỡ “hụi”, “họ”, “phường”... khiến người dân lao đao. Đặc biệt, vỡ “hụi” tập trung nhiều ở các vùng nông thôn, nơi đời sống người dân còn nhiều khó khăn.

Theo ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) thì thực tế cho thấy, chính quyền và các cơ quan chức năng còn khá bị động trong việc nắm bắt tình hình hoạt động “hụi”, “họ” ở địa phương. Chỉ đến khi vỡ “hụi” xảy ra thì sự đã rồi. Đã đến lúc các cơ quan quản lý, các cơ quan thực thi pháp luật cần nghiên cứu, tổng kết, xem xét và đối chiếu các nội dung trong Nghị định 144/2006 của Chính phủ với thực tế hoạt động “hụi”, “họ”, “biêu”, “phường” hiện nay.

Để hạn chế rủi ro có thể xảy ra, cần có những quy định cụ thể đối với những người hoạt động tín dụng kiểu này và phải được đặt dưới sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương để khi xảy ra sự cố sẽ được giải quyết theo trình tự của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của người dân khi tham gia.

Về phía người dân, chỉ nên chơi “hụi”, “họ” khi thấy rõ sự an toàn như: biết rõ các thành viên tham gia chơi “hụi”, hoàn cảnh của chủ “hụi”, chơi “hụi” không có lãi suất hoặc lãi suất thấp. Việc chơi “hụi” phải được ghi chép sổ sách rõ ràng, chi tiết, có văn bản thỏa thuận về việc chơi “hụi”, có điều khoản quy định rõ về thời gian, chu kỳ đóng tiền, hình thức thanh toán, trách nhiệm của chủ “hụi” và các thành viên, vấn đề giải quyết tranh chấp...

Thông thường, các hình thức tích lũy, huy động tiền với lãi suất cao luôn tiềm ẩn những rủi ro. Do đó đứng trước đường dây “hụi”, “họ” lãi suất cao, người dân cần cảnh giác, không vì cái lợi trước mắt để rồi nhận “quả đắng” trong tương lai.

Duy Trần
.
.