Biến tướng hoạt động cướp biển ở Đông Nam Á

Thứ Năm, 18/07/2019, 10:37
Trên một chuyến phà chật như nêm đi qua vùng hải phận Indonesia, có 2 người khách không thể ngờ tới (1 điều tra viên, 1 tội phạm) gặp nhau để thực hiện buổi phỏng vấn. Hai người đàn ông chào xã giao, nói chuyện nhỏ nhẹ khi chiếc phà từ từ rời bến.

Một chiếc tivi gắn phía trên đầu hành khách đang lắc lư, và một tập đĩa DVD đủ loại (chủ yếu là đĩa lậu) dùng để giải trí cho khách đi phà. Trong các đĩa lậu đó có kể về bộ phim đầu tay mang tiêu đề "Thuyền trưởng Philips" nói về vụ cướp biển tấn công chiếc tàu chở hàng Maersk Alabama năm 2009 trên biển Ấn Độ Dương.

Khuôn mặt của những tên cướp biển Somali lóe lên màn hình và người đàn ông dõi đôi mắt nhìn lên.

Điều tra viên Karsten von Hoesslin, chuyên gia điều tra tội phạm cướp biển ở Phi Châu và Đông Nam Á (ĐNÁ), phát biểu: "Tôi có mặt ở đây để gặp gỡ "trùm hải tặc" và cứ bị phân tâm như thể mình đang xem “Thuyền trưởng Philips” ngoài đời thực, chủ đề chỉ xoay quanh nạn cướp biển mà thôi". 

Karsten von Hoesslin, một nhà phân tích cao cấp về an ninh hàng hải làm việc cho tổ chức Risk Intelligence nổi tiếng với chương trình truyền hình Đại dương vô pháp (Lawless Oceans) chiếu trên kênh National Geographic, chương trình truyền hình này có liên quan đến phim Thuyền trưởng Philips dù thực tế chưa từng xem bộ phim này. Nhân chứng của Von Hoesslin cũng quen thuộc với tình tiết sống động trong vụ tấn công tàu chở hàng.

Thứ mà các bộ phim về đề tài cướp biển đang thiếu - và cũng là thứ mà Von Hoesslin đang mất nhiều năm trời để điều tra - là mức độ thúc đẩy nạn cướp biển thời hiện đại, cũng như bề rộng của các nghiệp đoàn tội phạm đã tiếp tục hỗ trợ tài chính và hợp tác cho những vụ cướp.

Và khi nói đến những khoản tiền béo bở từ tội phạm hàng hải, thì Đông Nam Á đang được xem là một trong những điểm nóng cho hoạt động phi pháp này.

Hải tặc ở châu Á

Vấn nạn hải tặc là chuyện trầm kha ở khu vực Đông Nam Á. Theo một báo cáo của Cục hàng hải quốc tế (IMB) thì gần 60% sự cố hàng hải giữa năm 1993 và năm 2015 chủ yếu diễn ra ở đây với hơn 20% các sự cố diễn ra chỉ tính riêng tại Indonesia. Ngược lại, cướp biển Somali (nổi tiếng thế giới bởi những vụ cướp chết chóc trong thập niên 2000) chỉ chiếm 17% các hoạt động cướp biển trong cùng kỳ.

Lực lượng Hải quân Indonesia đang canh gác những nghi phạm cướp biển trên tàu phòng thủ bờ Suryawira I tại cảng Jakarta. Ảnh nguồn: Arif Ariadi/AFP.

Cướp biển được xác định không giống nhau bởi các tổ chức khác nhau. Theo Công ước ngăn chặn các hành vi trái pháp luật chống lại an toàn dẫn đường hàng hải (viết tắt SUA) thì định nghĩa rằng "cướp biển" là bao gồm bất kỳ sự cố nào liên quan đến bắt giữ tàu biển bằng vũ lực, hoặc bất kỳ hành vi nào gây nguy hiểm cho tàu bè, thuyền viên hay hàng hóa.

Mặt khác thì các tổ chức khác như Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống vi phạm cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu bè ở Châu Á (viết tắt ReCAAP), một thỏa thuận hợp tác liên chính phủ nhằm chống lại các sự cố hàng hải thì có quan điểm tách biệt giữa "cướp biển" từ "cướp có vũ trang chống tàu bè".

Điều tra viên Karsten von Hoesslin tếu táo: "Theo một cách hiểu nôm na thì khi tôi nói chuyện với hải tặc, họ không tự xem mình là cướp biển. Chúng tôi biết rằng các cơ quan thi hành pháp luật thích gọi như vậy. Nhưng cướp biển ở Đông Nam Á phản bác rằng họ không cướp biển theo cách mà hải tặc Somalia đã làm".

Hàng năm ở Châu Á, 90% các sự cố hàng hải được báo cáo là những vụ cướp tàu bè có vũ trang - kết quả là ngư dân trang bị vũ khí nhảy lên tàu bè để kiếm laptop và điện thoại di động, hoặc là kết quả của những vụ cướp được đào tạo bởi những tên cướp biển lành nghề để thu về khoản lợi hàng triệu USD. So với các vùng biển khác thì vùng biển Đông Nam Á lại ít xảy ra các vụ bắt cóc, đòi tiền chuộc và giết người.

Ngay cả khi cướp biển ở đây được trang bị vũ khí thì họ cũng hiếm làm ai đó bị thương. Theo ông Von Hoesslin: "phi bạo lực là một chiến dịch được truyền tai giữa các nghiệp đoàn tội phạm nhằm tránh sự truy bắt của cảnh sát biển. Bởi nếu gây ra những vụ cướp có đổ máu thì sẽ bị lọt vào tầm ngắm của quốc tế và cơ hội "tác quái" sẽ rút ngắn lại". 

Điều tra viên Von Hoesslin nhấn mạnh: "Bọn cướp biển đang điều hành một hoạt động quy mô lớn ở Đông Nam Á. Nhưng họ không mạo hiểm bằng việc nổ súng".

Đơn cử như những vụ tấn công cướp biển ở Châu Á hồi thập niên 1990 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với một loạt các vụ bắt cóc và cướp hàng hóa quốc tế khiến Liên Hiệp Quốc phải tuyên bố hải phận Châu Á là nơi nguy hiểm nhất thế giới.

Báo chí đăng bài đã làm thúc đẩy hoạt động liên tuần tra các eo biển nhạy cảm và tình hình sau đó đã được cải thiện, cùng một loạt các thỏa thuận đã đánh sập việc nhập lậu hàng hóa do bị cướp. Và bọn cướp biển dần trở nên thông minh hơn. Thay vì nhắm cướp tàu chở hàng quốc tế, chúng chuyển mục tiêu sang tàu hàng địa phương chuyên chở các sản phẩm thô dọc theo vùng biển Malaysia và Indonesia, nơi hoạt động tuần tra còn lỏng lẻo.

Nhà phân tích Karsten von Hoesslin của tổ chức Risk Intelligence.

Trong báo cáo công bố vào năm 2016 mang tựa đề "Kinh tế hải tặc ở Đông Nam Á", tác giả - điều tra viên Karsten von Hoesslin viết rằng: "Cướp biển trở thành chuyện địa phương. Và khi các tàu hàng phát triển mạnh thì sự tinh vi của các nghiệp đoàn hải tặc sẽ nhắm vào xà lan và tàu chở dầu".

Hôm nay, 3 năm kể từ khi xuất bản báo cáo của mình, điều tra viên Von Hoesslin nhìn nhận rằng vấn đề của cướp sản phẩm hàng loạt ở hải phận này là các cơ quan quốc tế dù tuyên bố đã "nhổ tận gốc", song thực ra nó chỉ mới là bề nổi, bề chìm còn khốc liệt hơn nhiều.

Hậu quả nặng nề từ cướp biển

Khi Von Hoesslin quyết định thâm nhập các mạng lưới cướp biển ở Đông nam Á từ một thập niên trước, ông đã giả trang thành nhiều nhân dạng: nhiếp ảnh gia, nhà nghiên cứu, học giả. Và trong vài năm, ông đã gầy dựng được tình bạn trong thế giới ngầm ở Indonesia và Malaysia, và biết về các hoạt động tội phạm chưa từng được công bố.

Vì nhiều lý do, các công ty sợ phí bảo hiểm tăng lên, hay giới chức e ngại chuyện bị bêu tên nước họ trên bản đồ hải tặc quốc tế, hoặc những người trong cuộc chọn cách giữ yên lặng để cắt giảm lợi nhuận từ những vụ cướp tàu hàng trong khu vực như dầu cọ thô, cũng như không muốn cho công luận biết. 

Một vụ cướp tàu chở dầu cọ thô với trữ lượng 4.000 tấn có thể khiến bọn cướp biển kiếm tới 1 triệu USD nếu rút dầu thành công. Để cướp thành công 1 tàu chở dầu cọ thô hay dầu diesel, cướp biển cần phải có chuyên môn hút dầu. Bọn này cần một chiếc xuồng cao tốc để đuổi kịp sà lan, và xài một con tàu khác kiểu "tàu ma" để chở dầu mới được hút ra.

Một sĩ quan Hải quân Indonesia chĩa súng vào đám cướp biển trên một tàu chở dầu cọ thô ở eo biển Singapore vào ngày 25-9-2007. Hải quân Indonesia đã tóm 14 tên hải tặc trang bị súng và lựu đạn khi chúng tấn công tàu chở dầu Kraton. Ảnh nguồn: Crack Palinggi/Reuters.

Và lại cần thời gian - đôi khi khoảng 3 ngày - để bơm sạch dầu trong bể chứa và lẩn mất tăm hơi. Năm 2007, giá dầu cọ thô và dầu diesel bắt đầu tăng và các sà lan chở dầu mang theo khoản doanh thu 2 triệu USD bỗng trở thành miếng mỡ béo cho đám cướp biển nhòm ngó. 

Bọn cướp cũng bắt đầu tìm kiếm các nhà đầu tư chịu chi để thực hiện vụ cướp như cung cấp tàu chở dầu và xuồng cao tốc; lực lượng chuyên nhắm vào các sà lan; người mua hàng tiềm năng cho sản phẩm ăn cắp; lực lượng trực điện thoại để tạo ra các cuộc giao dịch giả mạo; thuê hẳn thuyền trưởng và thủy thủ đoàn để đi cướp.

Điều tra viên Von Hoesslin quả quyết: "Hải tặc Đông Nam Á là những tập đoàn rất lớn và tinh vi. Lúc cao điểm, đã xác định được 18 tổ chức cướp biển".

Vào cuối thập niên 2000 và đầu thập niên 2010, khi giá dầu cọ thô khoảng 1000 USD/tấn, các nghiệp đoàn cướp biển kiếm kha khá tiền tươi, trung bình mỗi thành viên kiếm được 500 USD/giờ (và họ làm việc 72 tiếng / vụ cướp dầu). Nhưng nếu vụ cướp thất bại, đồng nghĩa tổ chức cướp biển cũng đi tong luôn số tiền 500.000 USD chi phí dàn dựng kịch bản. Khi giá dầu cọ thô giảm vào năm 2012, bọn cướp biển xoay sang thứ khác ngon ăn hơn: dầu diesel.

Các tổ chức tội phạm tự điều chỉnh theo các biến động thị trường, và cướp trộm chưa bao giờ dứt. Nhưng ngay cả khi giá dầu diesel cũng lao dốc thì kinh tế cướp biển cũng èo uột theo. Theo điều tra viên Von Hoesslin, vụ cướp tàu chở dầu Orkim Harmony nổi tiếng đã bị đánh sập khi lực lượng cảnh sát bắt giữ toàn bộ bọn cướp biển trên boong tàu.

Hơn 3 năm qua, những vụ cướp tàu hàng ở hải phận ĐNÁ đã không còn nhiều thành công nữa. Nhưng thực tế này cũng nói lên rằng các nghiệp đoàn cướp biển đang tự điều chỉnh chiến thuật, vẫn có lãi trong khi hạn chế tối đa rủi ro.

Thực trạng dai dẳng

Cho đến năm 2019 này, hải phận Đông Nam Á vẫn là khu vực dễ bị cướp nhất thế giới, nhưng tỷ lệ các vụ cướp đang suy giảm. Giữa 2 năm 2017 và 2018, tổng số lượng các sự cố được báo cáo đã giảm từ 102 vụ xuống còn 76 vụ, và đến năm 2019 cho thấy cướp biển có vẻ án binh bất động. Ở hải phận Indonesia, chỉ có 3 vụ tấn công trong 3 tháng đầu năm 2019, ít nhất trong một thập kỷ.

Ông Von Hoesslin cảnh báo: "Số lượng các sự cố giảm không có nghĩa là ngừng hoạt động tội phạm". Khi được hỏi liệu các nghiệp đoàn cướp biển có còn hoạt động ở ĐNÁ, thì một nhân chứng quả quyết rằng có, nhưng giờ đây giới tội phạm đối phó tinh vi hơn với các cơ quan thực thi pháp luật, hay họ đã "hợp tác" với các cơ quan pháp luật để cùng làm ăn phi pháp.

Vào thời hoàng kim của hoạt động cướp biển cách đây vài năm, các doanh nghiệp thường bí mật thuê cướp biển với mục đích triệt hạ đối thủ thông qua phá hoại các tàu chở hàng. Hoạt động xảo quyệt này được che đậy tinh vi bất chấp giá trị thị trường của bản thân hàng hóa.

Điều tra viên Von Hoesslin viết: "Nhiều chủ doanh nghiệp nghĩ rằng nếu họ không thể đấu lại đối thủ, thì họ sẽ nhờ "giang hồ" ra tay. Ngay cả trong thời kỳ các ngành công nghiệp suy thoái thì chủ các doanh nghiệp vẫn mượn "xã hội đen" để hạ bệ đối thủ nhằm thúc đẩy lợi nhuận cho chính họ.

Các tàu kéo sẽ bí mật liên hệ với cướp biển để rình cơ hội hút dầu từ tàu đối phương; thuyền trưởng sẽ tắt hệ thống định vị tàu nhằm cho phép vài tấn nhiên liệu bị chuyển sang tàu khác, rồi bật định vị tàu xem như không có chuyện gì xảy ra. Cả thuyền trưởng và hải tặc cùng có lợi trong các phi vụ này.

Nếu cơ quan chức năng có phát hiện ra, tay thuyền trưởng làm bộ mặt ngây thơ: "Chà, xin lỗi. Tôi vô tình tắt thiết bị chứ không có cố ý". Cướp bóc diễn ra quy mô lớn, còn các công ty lãnh đủ".

Tay trùm cướp biển khẳng định với điều tra viên Von Hoesslin rằng trong khi lợi nhuận cướp bóc đã mỏng hơn so với thời gian trước đây, nhưng cướp tàu hàng là một thứ nghệ thuật đỉnh cao.

Thông thường bọn cướp biển tránh tấn công vào các khu vực nhạy cảm như Biển Đông và eo biển Malacca, mà chúng chỉ tập trung vào các tàu hàng ở hải phận Indonesia để dễ kiếm tiền tươi và dễ móc ngoặc với các quan chức cảnh sát và hải quân biến chất.

Nhiên liệu cướp được tiếp tục đem bán dù giá chỉ còn một nửa so với giá thị trường khiến cho biên độ lợi nhuận ít hơn so với trước đây, nhưng xem ra cũng khá ổn để hoạt động cướp biển tồn tại.

Để chống sụt giảm lợi nhuận, các nghiệp đoàn cướp biển bắt đầu đa dạng hóa kinh tế của họ: ngoài cướp tàu thuần túy, bọn này bắt đầu tăng cường các hoạt động buôn lậu, vận chuyển thuốc lá và ma túy từ Indonesia sang Australia, Malaysia và Thái Lan.

Nguyễn Thanh Hải (tổng hợp)
.
.