Biệt đội nữ rà phá bom mìn ở Sudan

Thứ Sáu, 14/08/2009, 19:45
Khi quê cha đất tổ của Jamba Besta ở miền Nam Sudan vừa thoát ra khỏi cuộc nội chiến kéo dài 22 năm, chị mơ ước làm thư ký, hy vọng tìm việc làm trong một văn phòng nào đó. Thế nhưng cuối cùng chị lại quyết định làm trưởng nhóm rà phá mìn gồm 6 người toàn phụ nữ. Nhóm này giúp loại bỏ những trái mìn nguy hiểm khỏi những bãi chiến trường xưa.

Jamba Besta cho biết: "Tôi không bao giờ tưởng tượng nổi mình dám làm công việc này. Nhưng chúng tôi muốn chứng minh cho mọi người thấy phụ nữ cũng có thể làm được những việc như vậy".

Các thành viên trong nhóm rà phá mìn cho biết nhóm của họ đồng lòng chống lại định kiến qua những lời chỉ trích rằng rà phá mìn là việc của đàn ông. Cuộc nội chiến giữa hai miền Nam - Bắc của Sudan (vì những lý do lý tưởng, tôn giáo, chủng tộc và dầu lửa) đã kết thúc cách nay 4 năm.

Khoảng 2 triệu người đã chết trong cuộc nội chiến đó, và thực tế chưa hết nỗi lo khi những bãi mìn và đạn cối chưa nổ vẫn còn nằm lại trong lòng đất, nó sẽ tiếp tục cướp đi sinh mạng và sức khỏe của bao người nữa. Nhận thấy trách nhiệm bảo vệ cuộc sống cho đồng bào không là việc của riêng ai, và họ tự nguyện lao vào công việc.

Ở Bungu, nơi biệt đội rà phá bom mìn hợp tác với Tổ chức People's Aid của Nigeria (NPA), người ta muốn xây dựng lại một trường học bị bỏ hoang trong chiến tranh. Kjell Ivar Breili thuộc Tổ chức NPA tin rằng phụ nữ làm rất tốt công việc rà phá mìn vì 2 lý do: Không uống rượu say như đàn ông, và không bất mãn như cánh đàn ông vừa trở về từ cuộc nội chiến.

Trước kia, Bungu là một tiền đồn của chính phủ miền Bắc, tuyến cung ứng quân chủ lực đến từ nước láng giềng Uganda. Binh sĩ chính phủ rải mìn khắp khu vực để chống lại lực lượng phiến quân miền Nam, trong khi còn rất nhiều quả đạn pháo chưa nổ nằm lại cả hai bên chiến tuyến. Chị Tabu Monica Festo nói rằng phải rất lâu mới dọn sạch mìn và đạn pháo trong khu vực này.

Cho đến nay, đội chỉ dọn sạch được một lối đi hẹp tới đống đổ nát của ngôi trường cũ. Lối đi sạch mìn được cắm cọc tiêu cảnh báo có sơn đỏ trên đầu, ngoài vùng trên là không an toàn. Với một máy rà mìn, họ cố hết sức để không sơ suất trong việc dọn mìn của mình. Tiếng máy kêu chói tai và nặng chỉ ra rằng có khả năng có kim loại dưới mặt đất, một quả mìn hay bom chưa nổ chẳng hạn. Dọn mìn đối với nhóm này là công việc quan trọng và đáng tự hào, vì giúp giảm bớt thiệt hại về sinh mạng hay tật nguyền cho nhiều người.

Biệt đội nữ rà phá bom mìn ở Sudan.

Một số nhóm dọn mìn toàn phụ nữ tương tự cũng có tại một số quốc gia trên thế giới như Kosovo hay Campuchia. Tuy nhiên, theo nhà điều phối chương trình NPA, đây là nhóm nữ rà phá mìn đầu tiên có kỹ năng chuyên nghiệp tại Sudan.

Trong cái nắng nung người, đây quả là công việc gian khổ, đeo mặt nạ che mặt bằng plastic bên trong bãi mìn có nghĩa là họ không thể uống nước suốt ca làm việc. Tuy nhiên, họ phải đổ nước xuống mặt đất khô cằn để làm dịu đất, cho phép dò tìm nhẹ nhàng những vật liệu gây nổ tiềm ẩn dưới đất.

Một lối đi vừa được dọn sạch mìn cách cây xoài cao không xa, nơi bóng mát của nó như mời gọi đến nghỉ ngơi. Thế nhưng nhóm dọn mìn bảo ngồi dưới bóng cây xoài rất nguy hiểm, đơn giản chỉ vì đó là nơi ngồi nghỉ lý tưởng nên người ta thường chôn mìn dưới gốc cây. Cả nhóm quay về lều trại cách đó một quãng đi bộ để ăn trưa.

Lúc này con cái họ có thể đến gần mẹ để vui đùa. Trưởng nhóm Jamba Besta sắp sửa rời các đồng nghiệp để sinh con. Chị nói: "Một số người cứ bảo tụi tôi cứ thích tham gia vào việc nguy hiểm của đàn ông. Thật ra, bom mìn còn nằm lại trong lòng đất ngày nào là còn nguy hiểm cho mọi người ngày ấy!"

Lệ Đào (theo BBC News)
.
.