Black Mambas, đơn vị toàn nữ bảo vệ đời sống hoang dã

Thứ Tư, 21/10/2015, 10:05
Đơn vị chống săn bắn trộm Black Mambas là đơn vị toàn nữ từ các cộng đồng địa phương thường xuyên tuần tra công viên quốc gia Greater Kruger mà không mang theo vũ khí. Đây là đơn vị toàn nữ bảo vệ đời sống hoang dã đầu tiên trên thế giới thách thức bọn tội phạm săn bắn trộm.

Đội Mambas là sáng kiến của Craig Spencer, nhà sinh thái học và người quản lý khu bảo tồn thiên nhiên Balule do tư nhân thành lập.

Từ khi Đơn vị chống săn bắn trộm Black Mambas - bao gồm 26 thành viên - được thành lập năm 2003, các thành viên không vũ trang đã thực hiện nhiều cuộc tuần tra giám sát cũng như mở các chiến dịch giáo dục cộng đồng và đã gặt hái được những thành công lớn.

Cho đến nay, Black Mambas đã bắt giữ được 6 tên săn trộm, phá hủy hơn 1.000 bẫy thú, xóa sổ 5 trại của bọn tội phạm. Thành viên Collet Ngobeni cho biết: "Trong cộng đồng của tôi, nhiều người sát hại động vật hoang dã. Nhiệm vụ của tôi là giáo dục mọi người về tầm quan trọng của tự nhiên".

Felicia Mogakane (trái) và Collet Ngobeni.

Với những nỗ lực đáng nể phục của mình, Black Mambas được Liên Hiệp Quốc trao tặng giải thưởng Champions of the Earth Award để ghi nhận lòng can đảm của những phụ nữ trong cuộc chiến chống kinh doanh bất hợp pháp động vật hoang dã. Ngobeni nhận định nhiều người trong cộng đồng của cô kiếm sống bằng động vật hoang dã và họ không hề có ý thức về giá trị của sự bảo tồn tự nhiên cho các thế hệ về sau.

Balule Private Game Reserve - khu bảo tồn nằm trong Công viên Quốc gia Greater Kruger mà Black Mambas bảo vệ - là nơi sinh sống của nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng như là tê giác, báo, sư tử, voi, báo cheetah và hà mã. Thành viên Felicia Mogakane gia nhập Black Mambas sau khi nghe thông tin giới thiệu về nhóm đặc nhiệm.

Cũng giống như các đồng nghiệp nữ khác, Mogakane tuần tra khu bảo tồn, kiểm tra những rào chắn bảo vệ, tìm kiếm dấu vết của bọn săn trộm và thường đi bộ gần 20km một ngày. Trong thời gian không thực hiện nhiệm vụ, các thành viên Black Mambas trò chuyện với người dân địa phương để thu thập thông tin về bọn tội phạm.

Felicia Mogakane tâm sự: "Lúc đầu, tôi cũng thấy lo sợ, căng thẳng và nghĩ mình đang làm công việc mạo hiểm tính mạng. Sau khi được huấn luyện, tôi bắt đầu cảm thấy yêu công việc của mình".

Black Mambas cũng nỗ lực nghiên cứu sự kết nối giữa đồng tiền, các băng nhóm tội phạm và hành vi săn trộm cũng như sự nghèo khó ở những khu vực xung quan công viên quốc gia đã giúp cho hoạt động săn trộm có cơ hội phát triển như thế nào.

Craig Spencer (phải) đang huấn luyện thành viên Black Mambas.

Ibrahim Thiaw, Phó giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (UNEP), phát biểu: "Đây là hiện tượng toàn cầu, đòi hỏi phải hành động ở cấp độ quốc tế. Điều quan trọng là phải thu hút mạnh sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Có những phụ nữ can đảm sẵn sàng hy sinh mạng sống để bảo vệ môi trường và tự nhiên vì chính bản thân và con cháu họ".

Khi cuộc khủng hoảng săn trộm bắt đầu bùng phát - năm 2007 chỉ có 13 con tê giác bị giết chết ở Nam Phi - Craig Spencer nhìn thấy sự cần thiết phải sử dụng những công cụ mới hơn và tốt hơn để chống loại tội phạm này. Những vụ bắt giữ tại công viên Greater Kruger cho thấy bọn tội phạm không chỉ là người nước ngoài mà gồm cả người Nam Phi sống trong những cộng đồng nghèo khổ.

Theo Spencer, sừng tê giác có giá cao hơn cả cocaine và bọn tội phạm dùng tiền thu lợi bất chính để mua chuộc dân địa phương chống lại công viên quốc gia Greater Kruger. Spencer bình luận: "Vấn đề thật sự là người dân trong các cộng đồng xung quanh công viên quốc gia coi viên chức mặc đồng phục là cảnh sát, còn bọn tội phạm săn trộm là ân nhân. Cuộc chiến này sẽ chẳng bao giờ có được chiến thắng nếu không sử dụng những viên đạn".

Đó là lý do cho sự ra đời của Black Mambas. Các thành viên được cấp quân phục, nhận lương từ tiền quyên góp và thực hiện nhiệm vụ tuần tra khu đất rộng 40.000 hecta trong khi không được trang bị vũ khí. Nhờ vào Black Mambas mà trong 10 tháng qua, khu bảo tồn do Spencer quản lý không mất một con tê giác nào trong khi khu bảo tồn lân cận bị mất 23 con.

Một con tê giác bị bắn chết trong công viên Greater Kruger.

Leitah Michabela, thành viên Black Mambas, cho biết: "Nhiều người đặt câu hỏi tại sao tôi có thể làm việc khi là phụ nữ? Nhưng, tôi có thể làm bất cứ gì mà tôi muốn. Nhiều phụ nữ trẻ tuổi như tôi cũng muốn gia nhập đơn vị. Tôi là phụ nữ và sẽ có con. Tôi muốn con tôi nhìn thấy được một con tê giác. Đó là lý do tại sao tôi bảo vệ loài này".

Michabela cũng từng giúp bắt giữ một nhóm săn trộm trước khi chúng kịp sát hại một con tê giác. Khu bảo tồn Balule của Craig Spencer sử dụng một đội bảo vệ vũ trang gồm 29 người, 26 thành viên Black Mambas không vũ trang và một đội tình báo tìm kiếm thông tin về bọn săn trộm. Black Mambas cũng thành lập những trạm gác để lắng  nghe tiếng ôtô, những giọng nói và tiếng súng nổ mà gọi lực lượng ứng cứu khi cần thiết.

Di An (tổng hợp)
.
.