Bộ An ninh nội địa Mỹ : Chiến dịch chống tội phạm bên trong

Chủ Nhật, 02/09/2012, 04:35

Nhân viên lực lượng Tuần tra biên giới buôn lậu cần sa và buôn người. Nhân viên Cơ quan nhập cư làm giấy tờ giả và nhận hối lộ... Đây mới chỉ là vài vụ mà nhân viên Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) phạm phải chỉ riêng trong năm 2011. Từ khi DHS được thành lập cách đây gần một thập niên, Tổng thanh tra của cơ quan này đã phát hiện rất nhiều vụ tham nhũng, lãng phí và tội phạm bên trong hàng ngũ DHS, dẫn đến việc bắt giữ 318 nhân viên vào năm 2011. Báo cáo của Tổng thanh tra DHS Charles Edwards trước Quốc hội Mỹ cho thấy mức độ trầm trọng của vấn đề nhân viên an ninh "bẩn".

DHS là cơ quan lớn với hơn 225.000 nhân viên - trong đó Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới (CBP) thuộc DHS có gần 59.000 nhân viên, tức tăng hơn gấp đôi trong những năm gần đây. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi một tổ chức quy mô của nước Mỹ sinh ra một số “con sâu”. Theo báo cáo của Tổng thanh tra DHS Charles Edwards trước Quốc hội Mỹ vào đầu tháng 8 vừa qua, nhân viên CBP thường phạm các tội như ăn hối lộ để đưa người vượt biên trái phép vào Mỹ, rò rỉ thông tin nhạy cảm và cung cấp giấy tờ giả cho người nhập cư.

Một nhân viên của CBP tên là Yamikar Fierros lãnh 20 tháng tù vì tội cung cấp những "bản đồ khu vực nhạy cảm, bản đồ đường mòn và công nghệ thông tin liên lạc" cho các thành viên cartel ma túy để đổi lấy hơn 5.000 USD tiền hối lộ. Vụ việc khác liên quan đến một cựu nhân viên CBP thông đồng với bọn buôn lậu cocaine để chuyển ma túy qua trạm kiểm soát biên giới. Cựu nhân viên này bị tuyên án 110 tháng tù giam trong nhà tù liên bang. Ngoài ra, còn nhiều vụ án tham nhũng và buôn lậu cần sa, thậm chí sở hữu băng hình khiêu dâm trẻ vị thành niên liên quan đến nhân viên CBP.

Một nhân viên CBP ở bang Arizona tên là Michael Atondo bị bắt giữ ngày 4/4/2011 và bị buộc tội tổ chức phân phối cần sa. Theo báo cáo của Tổng thanh tra Charles Edwards, Atondo đã sử dụng xe tuần tra chở khối lượng lớn cần sa để vượt qua các chốt kiểm soát biên giới và buôn lậu hơn 100kg cần sa. Michael Atondo có thể đối mặt với án tù từ 5 đến 40 năm vì nhiều tội danh. Thậm chí, một nhân viên CBP làm việc tại sân bay quốc tế Logan ở Boston còn đánh cắp mẫu khai hải quan của phi hành gia Neil Armstrong để rao bán trên Internet!

Cựu nhân viên CBP, Raul Villarreal.
Một vụ án được coi là gây tai tiếng nhất cho CBP trong những năm gần đây liên quan đến cựu nhân viên Raul Villarreal và người em Fidel tòng phạm bị buộc tội buôn hàng trăm người Mexico và Brazil qua biên giới. Nếu bị buộc tội, hai người này có thể lĩnh mức án tối đa 50 năm tù và số tiền phạt là 1,25 triệu USD.

Điều tra liên bang với sự giúp sức của FBI bắt đầu vào tháng 5/2005 khi lãnh đạo Lực lượng Hải quân và nhập cư (ICE) nhận được thông tin mật. Ngay sau đó, các nhà điều tra cho kín đáo lắp đặt các camera theo dõi tại nhiều vị trí trong khu vực biên giới, cài gián điệp ngầm, lắp thiết bị theo dõi vào các xe cảnh sát tuần tra biên giới. Một phụ nữ Brazil 24 tuổi khai báo, chị ta hối lộ 12.000 USD để được vượt biên bằng "xe cảnh sát"!

Sau khi đánh hơi được cuộc điều tra vào tháng 6/2006, hai anh em Raul và Fidel Villarread vội vàng chạy trốn sang Mexico. Thế nhưng cả hai đã bị bắt giữ vào tháng 10/2008 và dẫn độ về Mỹ để đối mặt với những tội danh như buôn người, mua chuộc nhân chứng và nhận tiền hối lộ.

Chiến dịch điều tra tham nhũng của DHS cũng dẫn đến việc bắt giữ nhiều nhân viên hợp đồng, trong đó ít nhất một người làm việc cho Cơ quan Điều phối khẩn cấp Liên bang Mỹ (FEMA) bị buộc tội chiếm đoạt hơn 1 triệu USD. Cựu nhân viên CBP tên là Lee Morgan - về hưu năm 2006 sau 31 năm phục vụ cho DHS, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp Mỹ - giải thích tỷ lệ tăng này do DHS mở rộng hàng ngũ quá nhanh dẫn đến sự tuyển mộ nhiều người không có phẩm chất tốt.

Susan Ginsburg, thành viên của Ủy ban 11-9, cho biết hiện nay CBP đã cho thiết lập nhiều hệ thống hiện đại phát hiện tham nhũng và phản ứng nhanh, cải thiện những phương pháp nghiên cứu - phân tích về khoa học hành vi nhằm phát hiện sớm các đối tượng tham nhũng tiềm ẩn.

Nhân viên CBP đang kiểm tra bảng đồng hồ một chiếc xe ở San Luis, bang Arizona.

Theo một dự luật được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2010, bắt đầu từ tháng 1/2013, CBP sẽ phải thực hiện các test phát hiện nói dối đối với mọi cá nhân nộp đơn xin gia nhập cơ quan. Thanh tra Alan Bersin cho biết năm 2012, CBP đã kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối đối với 22% ứng viên gia nhập cơ quan và cuộc tái điều tra lý lịch nhân viên sẽ được thực hiện vào mỗi 5 năm.

Tổng thanh tra Charles Edwards cho biết, những cuộc điều tra tham nhũng trong nội bộ ngày càng trở nên phức tạp hơn và có thể chiếm rất nhiều thời gian. Để giảm bớt gánh nặng, ông và Giám đốc ICE đồng ý từ tháng 4/2012 sẽ chuyển giao 370 vụ án của Văn phòng Tổng thanh tra (OIG) liên quan đến nhân viên CBP và ICE cho ICE giải quyết. Tuy nhiên, ông Edwards cam kết sẽ không có cuộc điều tra nào bị bỏ qua dù công việc có bộn bề đến mấy. Edwards cho biết từ tháng 7/2012, OIG đã tiếp nhận 1.591 cuộc điều tra mở rộng

Duy Minh (tổng hợp)
.
.