Bồ Đào Nha: Từ chối dẫn độ về Mỹ tên tội phạm khét tiếng

Thứ Hai, 12/12/2011, 14:40

Phát biểu “nặng lời” của người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra trước động thái của Tòa án thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha) đã chính thức cự tuyệt yêu cầu của giới chức Hoa Kỳ, nhằm dẫn độ can phạm cộm cán 68 tuổi, George Wright, kẻ đang bị truy nã về tội vượt ngục hơn 4 thập niên trước khi đang thụ án về tội giết người.

"Hoa Kỳ tin tưởng vào hệ thống tư pháp độc lập của Bồ Đào Nha, nhưng chúng tôi lại hết sức thất vọng trước quyết định từ Tòa phúc thẩm Lisbon - bà Laura Sweeney, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Mỹ cho biết trong cuộc họp báo hôm 29/11 vừa qua - G.Wright ngoài các tội danh nghiêm trọng còn cố tình lẩn trốn pháp luật. Chúng tôi chờ đợi phía Bồ Đào Nha có những động thái thích hợp, chứng tỏ sự tôn trọng hiệp định đã ký cũng như trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc dẫn độ tội phạm quốc tế".

Phát biểu “nặng lời” trên của người phát ngôn Bộ Tư pháp Mỹ được đưa ra trước động thái của Tòa án thành phố Lisbon (Bồ Đào Nha) đã chính thức cự tuyệt yêu cầu của giới chức Hoa Kỳ, nhằm dẫn độ can phạm cộm cán 68 tuổi, George Wright, kẻ đang bị truy nã về tội vượt ngục hơn 4 thập niên trước khi đang thụ án về tội giết người. Ngoài ra, đương sự còn tham gia trực tiếp vào vụ không tặc bắt con tin đòi tiền chuộc vào cuối thập niên 70, thế kỷ XX.

G. Wright bị phát hiện hết sức tình cờ hơn 2 tháng trước tại Almocageme, một ngôi làng ven biển không xa thủ đô Lisbon mấy, cũng chính là nơi hắn đã ẩn náu yên ổn suốt 20 năm qua. Cuộc đời tên tội phạm khét tiếng này giống như một kịch bản phim Hollywood. Cuối năm 1962, G. Wright bị bắt sau khi bắn chết người chủ cây xăng trong một vụ trấn cướp, rồi bị kết án 30 năm tù. Tới giữa tháng 8/1970, G.Wright đã đào thoát khỏi nhà tù Leesburg, tiểu bang New Jersey và trốn đến Detroit, tiểu bang Michigan sau đó thay tên đổi họ thành Daenell Larry Burgess.

Tuy nhiên do ảnh hưởng của đảng Những con báo đen (BPP), một tổ chức bảo vệ quyền của người da màu theo khuynh hướng cực đoan, thủ lĩnh BPP là Eldridge Cleaver khi ấy đang sống lưu vong tại Algeria khiến G. Wright nung nấu ý định chạy trốn sang đó. Nhằm chứng tỏ sự trung thành với BPP, hắn nghĩ cần phải tiến hành một vụ "nổi đình nổi đám" gây sự chú ý của công luận. Do vậy, kế hoạch bắt cóc máy bay đòi tiền chuộc được G. Wright rắp tâm tiến hành.

Ngày 19/8/1972, dưới lốt thầy tu D. L. Burgess, hắn cùng 4 tên đồng bọn đáp chuyến bay của Hãng Delta Airlines, khởi hành từ Detroit đến Miami (tiểu bang Florida). Bọn tội phạm đã bắt giữ 86 hành khách trên chiếc máy bay DC-8 và đòi 1 triệu USD tiền thế mạng, số tiền chuộc con tin vào hàng kỷ lục thời ấy. Chúng ra điều kiện lượng tiền mặt phải có trong vòng 2 giờ, nếu chậm cứ sau mỗi phút sẽ hạ sát 1 con tin rồi ném xác xuống đường băng.

Vào đầu thập niên 70 thế kỷ trước, các vụ cướp máy bay là dạng tội phạm mới manh nha trên thế giới. Chính quyền Mỹ khi ấy lo ngại trước hết cho tính mạng của con tin, nên dễ bề chấp thuận mọi đòi hỏi từ bọn không tặc. Rốt cục chúng thả con tin nhưng vẫn giữ lại phi hành đoàn, buộc họ bay tới Boston (tiểu bang Massachusetts) tiếp nhiên liệu trước khi băng qua Đại Tây Dương đến thủ đô Algiers xin tị nạn chính trị.

Cuối năm 1972, cả bọn rủ nhau sang Pháp, 4 năm sau lần lượt 4 tên đồng bọn bị bắt giữ theo lệnh truy nã quốc tế, chỉ duy nhất G. Wright may mắn "lọt lưới". Hắn tức tốc trốn qua Guinea-Bissau, một cựu thuộc địa của Bồ Đào Nha ở Tây Phi, rồi lại đổi tên thành José Luis Jorge dos Santos, một cái tên người Bồ cho phù hợp với vùng đất mới.

Năm 1991 G. Wright lấy cô Maria Doo Rosario Valente, một nữ phiên dịch người Bồ Đào Nha làm việc tại Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Guinea-Bissau. Sau đám cưới, G.Wright nghiễm nhiên có quốc tịch Bồ Đào Nha, để 2 năm sau trở về quê vợ sống ung dung với các nghề: bán đồ lưu niệm cho du khách, gác cửa khách sạn, quản lý nhà hàng, họa sĩ trang trí…

Thực ra lệnh truy nã G.Wright đã được tái lập tức khắc, khi FBI nắm được tin hắn còn sống qua việc liên lạc với người thân ở Mỹ. Hồ sơ phạm nhân của G. Wright đã được gửi sang Lisbon giúp phát hiện và bắt giữ tên tội phạm khét tiếng. Đồng thời Washington cũng đòi dẫn độ hắn về Mỹ thụ án tù tiếp; chưa kể 3 tội tày đình khác là vượt ngục, cướp máy bay và bắt cóc con tin.

Theo luật Bồ Đào Nha thì trường hợp của G. Wright thuộc dạng hình sự có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền xét xử phải ở cấp phúc thẩm. Cuối cùng, cả 3 vị thẩm phán thuộc tòa phúc thẩm đều phản bác việc dẫn độ, thậm chí còn buộc cảnh sát phải trả tự do ngay cho G. Wright. Lý do căn bản theo luật Bồ Đào Nha thì thời hạn câu lưu là 15 năm kể từ thời điểm xảy ra án mạng…

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.