Bộ mặt mới của khủng bố: Dâng tuổi trẻ cho qủy

Thứ Ba, 05/09/2017, 22:15
Giáo sư quan hệ quốc tế Fawaz A. Gerges cho rằng cần nắm được chiến lược của IS thì mới có thể đánh bại được chúng. Bóng ma khủng bố ngày càng khó nắm bắt. Nhưng dù khó, thì vẫn phải chiến đấu vì chính sự tồn vong của nhân loại tiến bộ. Cuộc chiến cam go đang diễn ra từng phút, từng giây.


Một thế hệ khủng bố trẻ chưa từng có

Do ở thế yếu nên IS thường kêu gọi các đối tượng "những con sói đơn độc" hay các "chân rết địa phương"... tiến hành các cuộc tấn công tại những địa điểm không ai ngờ tới. Điều này cho phép chúng đạt được mục đích tấn công và hạn chế tổn thất ở mức tối thiểu.

Thông qua những cuộc tấn công như vậy, IS có thể tạo ra ấn tượng rằng tổ chức của chúng đang lớn mạnh, bất chấp việc chúng có thể chịu những thiệt hại lớn ở Syria và Iraq. Điều này không chỉ giúp IS thuận lợi hơn trong việc tuyển mộ, truyền cảm hứng cho nhiều kẻ khủng bố khác mà còn tạo ấn tượng lo sợ trong suy nghĩ của người dân ở các nước trong liên minh chống IS.

Những con sói đơn độc không chỉ có nam giới; hiện nay, tỷ lệ nữ tham gia khủng bố cũng ngày một đông. Điều đặc biệt, thế giới đã được chứng kiến một thế hệ khủng bố trẻ chưa từng có. Theo Alexander Sharavin, giám đốc Học viện Phân tích quân sự và chính trị Moscow: "Gần như tất cả các tay súng ở độ tuổi 40 đều đã bị lấy mạng hoặc thay đổi cách sống. Giờ đây, các vụ tấn công được chuẩn bị và tiến hành bởi thế hệ khủng bố thứ 2 ở độ tuổi 20 hoặc trẻ hơn", ông Sharavin nhận xét.

Những đứa trẻ ở Somali bị lôi kéo vào các tổ chức khủng bố. Ảnh:  Diplomacy Pakistan.

Theo một nghiên cứu, phần lớn thủ phạm các vụ tấn công khủng bố tại châu Âu và Mỹ là các nam thanh niên, có tên trong danh sách theo dõi của cảnh sát. Đây là một trong các kết luận rút ra từ một nghiên cứu được thực hiện qua việc phân tích kỹ lưỡng 51 vụ tấn công khủng bố từng xảy ra tại Phương Tây trong vòng 3 năm qua.

Vì sao giới trẻ trở thành khủng bố và cực đoan? Cuộc khủng bố tại Paris năm ngoái khiến nhiều người đặt câu hỏi tại sao những người trẻ tuổi bị cực đoan hoá trở thành một trong những vấn đề lớn của các cuộc tranh luận. Phải chăng là do nghèo đói? Đây là nguyên nhân được tranh luận nhiều nhất. Ở châu Âu, phần lớn khủng bố đều xuất thân từ gia đình trung lưu.

Tuy nhiên tại các vùng nghèo đói lại khác, nghèo đói luôn là một tác nhân hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp dẫn đến cực đoan. Cuộc sống đói nghèo khiến nhiều trẻ em sinh ra bị thiếu chất dinh dưỡng, tổn thương về mặt thể chất và được gửi đến cho các nhóm thánh chiến để đỡ đần gánh nặng gia đình.

Chính vì thế, việc các mạng lưới khủng bố được thiết lập hầu hết tại các quốc gia nghèo đói như Yemen, Mali, Pakistan, Afghanistan, đảo Mindanao của Philippines... Tại các nước phương Tây, dù nghèo đói không phải là sự đe dọa sát sườn nhưng thất nghiệp là nguyên nhân lớn để một bộ phận thanh niên trở nên mất phương hướng. Thất nghiệp khiến con người phải đối mặt với ý nghĩ bản thân trở thành vô dụng. Và bất kỳ một con đường nào để họ có thể tìm lại giá trị của bản thân đều có thể trở thành một giải pháp.

Sự thiếu hụt về học thức cũng là một nguyên nhân thường thấy trong các nghiên cứu về cực đoan và khủng bố. Tuy nhiên, cũng giống như nghèo đói, nguyên nhân này thay đổi tùy hoàn cảnh và khu vực. Phần lớn những kẻ khủng bố có tên tuổi đều có bằng cấp, thậm chí có bằng đại học.

Người đứng đầu nhà nước Hồi giáo tự phong IS có bằng tiến sĩ. Xã hội mất ổn định, chính quyền hoạt động thiếu hiệu quả và tham nhũng, các tổ chức cực đoan dễ dàng đưa ra thông điệp rằng để có thể thiết lập lại trật tự, giải pháp là tuân theo những nguyên tắc Hồi giáo mà họ đề ra. Bất công xã hội, kỳ thị tôn giáo và phân biệt chủng tộc cũng là nguyên nhân thường thấy. Không chỉ có vậy, lý tưởng sống và mục đích lệch lạc cũng dễ dẫn đến những sai lầm.

Có thể thấy rõ, các nguyên nhân dẫn đến cực đoan và khủng bố là một tổ hợp phức tạp, tuỳ thuộc vào sự kiện, khu vực và thời điểm. Trong báo cáo có tựa đề "Phong trào cực đoan và các cuộc tấn công thánh chiến tại phương Tây" là kết quả của nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả đứng đầu là Lorenzo Vidino, Francesco Marone và Eva Entenmann, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu về chủ nghĩa cực đoan của Trường đại học George Washington (Mỹ), Trung tâm nghiên cứu chính trị quốc tế (Milan/Italy) và Trung tâm quốc tế chống chủ nghĩa khủng bố (La Haye/Hà Lan) cho thấy:

Kể từ khi IS xuất hiện ngày 29-6-2014, độ tuổi trung bình của khủng bố là 27,3 tuổi, trong đó kẻ ít tuổi nhất mới 15 tuổi và nhiều tuổi nhất là 52; 73% trong số các thủ phạm là công dân bản địa tiến hành khủng bố ngay tại quốc gia của mình; 14% là dân nhập cư hợp pháp tiến hành khủng bố tại quốc gia đã từng mở cửa với chúng; 5% là những người di cư hoặc những người đang yêu cầu tị nạn; chỉ có 6% trong số các thủ phạm là những kẻ hiện diện bất hợp pháp; 17% trong số các thủ phạm đã cải đạo sang đạo Hồi.

Cứ 10 kẻ thì có hơn 8 kẻ (82%) từng nằm trong tầm ngắm của nhà chức trách trước thời điểm xảy ra vụ tấn công dù là bằng cách này hay cách khác, 57% có tiền án, tiền sự và 18% đã từng ngồi tù. Chỉ có 18% trong số các thủ phạm đã từng ra nước ngoài tham gia chiến đấu tại một lãnh thổ đang có chiến tranh.

"Biến hình" để tồn tại

Thất bại 2 năm qua trên chiến trường ở Syria và Iraq đã kích động IS nói riêng và khủng bố nói chung thay đổi phương thức tấn công. Mục tiêu bọn khủng bố lựa chọn rất đa dạng, phạm vi được mở rộng hơn trước đây, tập trung vào các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, nơi công cộng tập trung đông người, những nơi được coi là biểu tượng quốc gia. 

Lực lượng an ninh Iraq truy kích IS ở Mosul. Ảnh: VOA.

Đáng chú ý, hiện nay chúng thường lựa chọn các mục tiêu "mềm" chủ yếu là dân thường không có sức phản kháng nhưng làm ảnh hưởng và mức độ tổn thất là rất lớn. Lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, hiện trường các vụ khủng bố nhanh chóng được lan truyền đi khắp thế giới, tạo ra cảnh tượng sợ hãi, kinh hoàng cho người dân, thu hút sự chú ý của những kẻ khủng bố cực đoan, giúp chúng truyền đi thông điệp chính trị của mình tới số đông người dân trên khắp thế giới… Ngoài ra, chúng còn chuyển hướng mục tiêu vào nội địa các quốc gia có phần tử khủng bố cư trú.

Bên cạnh các phương thức, thủ đoạn truyền thống, hiện nay các tổ chức khủng bố đã sử dụng nhiều thủ đoạn mới với mức độ tàn bạo, khó lường hơn. Vụ xả súng ở Đức, Mỹ hay vụ dùng dao tấn công giết hại dân thường ở Pháp, Anh cho thấy phương thức tấn công máu lạnh, cực kỳ tàn bạo mà bọn khủng bố áp dụng trong thời gian gần đây. Phương thức chặt đầu con tin rồi tung lên mạng Internet mà IS áp dụng ít tốn kém nhưng lại tác động mạnh hơn các vụ đánh bom tự sát đẫm máu diễn ra ở Trung Đông, làm cho người dân hoang mang, sợ hãi, lo lắng bất an. Ngoài ra, các tổ chức khủng bố sử dụng trẻ em và gia súc mang bom, vũ khí hóa học, các thiết bị nổ tự tạo...

Công cụ mà bọn khủng bố sử dụng không chỉ là bom, thuốc nổ mà cả những công cụ thông thường như dao, búa, các phương tiện giao thông, cao hơn nữa là các loại vũ khí công nghệ cao như sử dụng tên lửa để thực hiện các vụ tấn công khủng bố xuyên biên giới; tấn công mạng máy tính, sử dụng tin tặc tiến hành các vụ tấn công mạng mà điển hình là vụ tấn công của IS ngày 9/4/2016 nhằm vào Đài truyền hình TV5 Monde của Pháp làm tê liệt hoạt động của 11 kênh truyền hình.

Chiến thuật gieo rắc nỗi sợ hãi và chết chóc được các phần tử khủng bố triệt để sử dụng với mức độ ngày càng tàn bạo hơn; chúng tính toán, lựa chọn thời điểm thích hợp để làm tăng tính hiệu quả của các hành động khủng bố, như vụ khủng bố bằng xe tải ở thành phố Nice đúng ngày Quốc khánh Cộng hòa Pháp hay các vụ tấn công khủng bố ở Iraq, Arabia Saudi được IS thực hiện đúng vào dịp tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bởi vì người Hồi giáo quan niệm hy sinh trong tháng lễ này là cái chết có giá trị hơn bất cứ thời điểm nào trong năm, điều đó đã được IS triệt để lợi dụng, kêu gọi "tử vì đạo", lôi cuốn thêm nhiều phần tử thánh chiến tham gia.

Về quy mô, cơ cấu tổ chức và phát triển lực lượng, hiện nay nhiều tổ chức khủng bố lớn đang dần tách thành các chi nhánh nhỏ nhưng mức độ hoạt động tinh vi hơn, mang dấu ấn cá nhân nhiều hơn. Để chỉ đạo và phối hợp hành động, chúng đã sử dụng công nghệ thông tin có các phần mềm liên lạc ẩn trên mạng để che giấu tung tích.

Hoạt động khủng bố hiện nay không nhất thiết phải lên kế hoạch một cách tỉ mỉ, có sự chỉ đạo từ trên xuống, mà chỉ cần các phần tử khủng bố được "tẩy não", có tư tưởng cực đoan, có điều kiện và thời cơ là chúng tiến hành khủng bố. Bên cạnh đó, một số tổ chức khủng bố phát triển quy mô lớn, có tổ chức chặt chẽ như IS; đây là tổ chức khủng bố được tổ chức theo mô hình Nhà nước với những thiết chế hoàn chỉnh như tòa án, cảnh sát, nhà tù, trường học…

Một điểm đáng chú ý là hiện nay, các tổ chức khủng bố triệt để khai thác các mạng xã hội để truyền bá tư tưởng cực đoan, tuyển chọn và huấn luyện các chiến binh thánh chiến, nhất là thế hệ trẻ. Những hình ảnh về hành quyết những người từ chối cải đạo theo IS được phát tán trên mạng một mặt gây hoang mang trong dư luận, mặt khác kích động các đối tượng cực đoan thực hiện theo chúng. Đây là cách thức chúng truyền cảm hứng cho các phần tử đã bị tiêm nhiễm tư tưởng thánh chiến và là cách tuyển mộ lực lượng cho IS.

"Góa phụ đen" 17 tuổi ở Caucasus đánh bom liều chết tàu điện ngầm Moscow. Ảnh: AP.

Toàn cầu hóa một mặt mang lại lợi ích to lớn cho các nước phát triển, nhưng cũng tạo ra không ít khó khăn, thách thức cho các nước nghèo và đang phát triển; toàn cầu hóa dễ làm xóa mờ bản sắc văn hóa dân tộc, tôn giáo; mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo bị một số cường quốc lợi dụng để tranh giành ảnh hưởng. Nạn thất nghiệp tràn lan, chênh lệch giàu nghèo gia tăng dẫn tới bất bình đẳng xã hội; toàn cầu hóa cũng đã gạt một bộ phận dân chúng ra ngoài tiến trình phát triển.

Tình trạng đói nghèo, trình độ dân trí thấp, sự suy thoái về đạo đức, mất niềm tin làm cho thế hệ trẻ dễ ngả theo sự lôi kéo, kích động của các tổ chức khủng bố; chủ nghĩa khủng bố lợi dụng tâm lý tuyệt vọng, mất niềm tin vào tương lai, để gieo rắc tư tưởng hận thù, phản kháng. Không ít thành viên hoạt động trong những mạng lưới khủng bố toàn cầu là những thanh niên trong độ tuổi 20 đến từ châu Phi, Đông Nam Á, khu vực Viễn Đông, Trung Đông…

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, cũng là một nguyên nhân quan trọng làm gia tăng khủng bố trong thời gian gần đây và được coi là một trong những nguồn gốc dai dẳng nhất, mạnh mẽ nhất và nguy hiểm nhất khiến phát sinh chủ nghĩa khủng bố.

Cao ủy phụ trách an ninh EU Julian King đã cảnh báo về sự trở lại của các tay súng cực đoan nước ngoài từ các vùng chiến sự khi IS bị mất các vùng lãnh thổ, đồng thời cho rằng đây là một mối đe dọa vô cùng nghiêm trọng đối với các nước châu Âu.

Báo cáo cho biết thêm rằng những kẻ chủ mưu các vụ tấn công khủng bố ở châu Âu có thể là người nước ngoài, rất nhiều trong số đó có thể đã sinh sống tại EU trong một thời gian dài, và cũng có thể là những người dân trưởng thành ở ngay chính những nước chúng tấn công. Tìm ra "bộ mặt" kẻ khủng bố trong hàng nghìn kẻ bị tình nghi là một "nhiệm vụ bất khả thi".

Hòa Nguyễn
.
.