Bùng nổ dịch vụ an ninh tư nhân trước thềm World Cup 2010

Thứ Sáu, 11/06/2010, 17:20
Bất chấp sự bảo đảm của các nhà tổ chức World Cup 2010 về vấn đề an toàn cho vận động viên cũng như các quan chức, một vài quốc gia vẫn cảm thấy lo ngay ngáy và tự thu xếp an ninh cho mình. Ví dụ như 4 quốc gia Australia, Đức, Italia và New Zealand.

Theo những số liệu gần đây nhất, chỉ có khoảng 300.000 cổ động viên nước ngoài có mặt ở Nam Phi, trong khi con số ước tính ban đầu là 450.000 người. Mối lo lắng về an ninh càng tăng cao do Nam Phi là một trong những quốc gia có tỉ lệ tội phạm cao nhất thế giới và càng nguy hiểm hơn trước những xung đột chủng tộc âm ỉ diễn ra cho đến nay. Tuy nhiên sau Iraq, Nam Phi hiện thời là mối lợi to lớn cho các công ty an ninh tư nhân trong nước lẫn nước ngoài.

Pellegrini, cố vấn phân tích nguy cơ của Pháp, nói: "Nhiều người trong số các vệ sĩ là cựu cảnh sát hay lính đánh thuê, thường là người Croatia và Serbia, được sử dụng làm vệ sĩ cho cá nhân". Và một cựu thành viên của bộ phận chống khủng bố của Điện Élysée nói: "Phần đông ký hợp đồng với các công ty an ninh tư nhân nước ngoài, với mức thuê nói chung khoảng 6.000 đến 7.000USD một tháng".

Nhưng càng gần đến  ngày diễn ra World Cup 2010, giá thuê vệ sĩ càng tăng cao ngất ngưởng: đối với dịch vụ vệ sĩ cá nhân, vào đầu tháng 3 năm nay giá thuê một ngày là 500USD và đến cuối tháng 4 giá đã leo lên 1.500USD một ngày. Mặc dù vậy nhu cầu thuê vệ sĩ vẫn không hề thuyên giảm chút nào. Kênh truyền hình TF1 của Pháp ký hợp đồng với công ty xử lý các nguy cơ Géos của Pháp để bảo vệ đội ngũ phóng viên và trang thiết bị của họ.

Phillipe Chapleau, nhà báo Pháp và tác giả nhiều cuốn sách về lính đánh thuê thời hiện đại, nhận xét: "Thị trường an ninh Nam Phi hiện nay đã bão hòa, nhất là khi các chính quyền địa phương có kế hoạch tuyển mộ thêm 41.000 cảnh sát và triển khai các đơn vị đặc biệt của quân đội".

Tuy nhiên, mối nguy hiểm thật sự nằm ở thời điểm sau các trận đấu. Philippe Chapleau nói: "Hoặc là khi di chuyển giữa các sân vận động nằm cách nhau khá xa hoặc giữa sân vận động với nơi tạm trú. Hoặc là khi các cổ động viên muốn ăn mừng chiến thắng đội bóng của họ trong những khu vực ngoại ô tiềm ẩn nhiều nguy cơ, nhất là ở Cap".

Nhưng đã có một công ty kinh doanh nỗi lo sợ này với giá 69,95USD, một công ty Anh quảng cáo trên trang web của họ chiếc áo gilê chống đạn Protektorvest có đủ sắc áo của các đội bóng tham gia World Cup 2010.

Bất chấp sự bảo đảm của các nhà tổ chức World Cup 2010 về vấn đề an toàn cho vận động viên cũng như các quan chức, một vài quốc gia vẫn cảm thấy lo ngay ngáy và tự thu xếp an ninh cho mình. Ví dụ như 4 quốc gia Australia, Đức, Italia và New Zealand.

Nước chủ nhà World Cup 2010 đã chi ra hàng trăm triệu USD cho vấn đề an ninh, trong đó bao gồm những chiếc máy bay trực thăng, vòi rồng, cảnh sát tuần tra đại lộ và thêm hàng chục ngàn cảnh sát đặc biệt tăng cường. Nhưng lựa chọn sử dụng vệ sĩ tư nhân cho thấy một số liên đoàn bóng đá quốc gia chưa cảm thấy an tâm khi giao trách nhiệm bảo vệ cầu thủ của họ cho chính quyền Nam Phi.

Người phát ngôn của Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Đức (GFA) nói, có lẽ họ sẽ sử dụng 6 đến 8 vệ sĩ tư nhân cùng đi với đội đến Nam Phi. LĐBĐ Italia nói, họ quyết định sử dụng dịch vụ an ninh tư nhân, "nhưng chúng tôi chưa biết sẽ cần bao nhiêu người".

Người phát ngôn của LĐBĐ Australia cho biết họ có kế hoạch "sử dụng các nguồn lực địa phương". LĐBĐ Anh (FA) từ chối bình luận về các biện pháp an ninh cho đội bóng của nước Anh, nhưng người ta cho rằng FA sẽ hợp đồng với Công ty An ninh tư nhân BGP Global Services bảo vệ an toàn cho đội của họ trong những cuộc di chuyển ở Nam Phi.

Diego Maradona (giữa) quan sát các biện pháp an ninh của Nam Phi trong chuyến viếng thăm đến thành phố Soweto miền đông bắc nước này trước sự kiện World Cup 2010.

Lee Niblett, lãnh đạo Cơ quan Tư vấn An ninh và Tình báo Red24 nói, sự thuê mướn các công ty an ninh tư nhân là lựa chọn không thể tránh khỏi của các liên đoàn bóng đá quốc gia và điều này khiến cho thị trường vệ sĩ nóng lên một cách bất thường. Lee nói: "Người Nam Phi chịu trách nhiệm về đón tiếp khách đến với sự kiện, những địa điểm tập dượt, hệ thống khách sạn v.v... Nhưng đối với cầu thủ bóng đá thì các liên đoàn quốc gia có lẽ rất muốn sử dụng người của riêng họ. Trong khi đó, người phát ngôn của LĐBĐ Nam Phi khẳng định: "Nam Phi từng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn và các cơ quan an ninh của chúng tôi luôn đề cao cảnh giác và có nhiều kinh nghiệm. Hoàn toàn không có sự hoảng loạn".

Các lãnh đạo Cảnh sát quốc gia Nam Phi cam kết Nam Phi đã chuẩn bị cho những cấp độ an ninh chưa từng có dành cho cầu thủ, các quan chức và cổ động viên World Cup 2010, sau những bài học về vụ tấn công các cầu thủ Togo ở Angola. Cầu thủ Anh sẽ được cảnh sát vũ trang và một nhóm vệ sĩ hộ tống từ sân bay đến điểm tập dượt dành cho họ ở Rustenburg và sau đó đến Cape Town và Cảng Elizabeth thi đấu. Về phần mình, Interpol cũng nỗ lực thu thập thông tin tình báo để "nhận dạng những kẻ có thể gây rối những sự kiện quốc tế tầm cỡ như thế này". Christophe Eaton, lãnh đạo các chiến dịch của Interpol, cho biết: Interpol sẽ triển khai một đội ngũ chuyên gia lớn nhất chưa từng có từ trước đến nay.

Sepp Blatter, Chủ tịch FIFA, thì lạc quan tuyên bố: Hy vọng World Cup 2010 sẽ thay đổi nhận thức của mọi người về Nam Phi. Cảnh sát Anh cũng cho biết họ sẽ hợp tác chặt chẽ với đồng nghiệp Nam Phi để nhanh chóng xử lý tính khí của các fan bóng đá người Anh. Người ta dự kiến sẽ có hơn 20.000 fan bóng đá Anh lên đường đến Nam Phi và FIFA tiết lộ đã có khoảng 100.000 vé tham dự World Cup 2010 được bán đến các địa chỉ ở Anh.

Về phía Nam Phi, khoảng 44.000 cảnh sát sẽ được triển khai cho World Cup 2010 trong tổng số 188.000 cảnh sát của lực lượng, và thêm 10.000 nhân viên an ninh tư nhân được thuê cho sự kiện. Ngoài ra, Nam Phi còn cho thiết lập những đồn cảnh sát nằm gần mỗi sân vận động, và cảnh sát lẫn nhân viên an ninh luôn có mặt tại những con đường chính, sân vận động, nhà hàng, khách sạn v.v... Các tòa án đặc biệt sẽ điều tra và xử lý mọi việc kịp thời. Đường dây điện thoại nóng 24 giờ cũng được thành lập để giúp du khách về an ninh và y tế

T.T.P. (tổng hợp)
.
.