Buôn lậu hàng hóa qua biên giới Venezuela

Thứ Tư, 14/05/2014, 12:30

Khoảng 30 con đường buôn lậu kết nối thành phố biên giới Cucuta của Colombia với Venezuela, trong khi lực lượng cảnh sát không đủ để kiểm soát hết những con đường. Kết quả là hàng tấn thực phẩm từ Venezuela - thịt gà, bò, phó mát, gạo, sữa bột... - được bọn buôn lậu vận chuyển đến Cucuta mỗi ngày.

Từ lâu, thành phố Cucuta của Colombia là thiên đường cho bọn buôn lậu xăng dầu. Bọn chúng mua xăng dầu được nhà nước trợ giá (với giá chỉ vài xu cho 1 gallon - khoảng 3,7 lít) ở Venezuela và sau đó đóng vào những chiếc bình nhựa để bán lẻ trên đường phố Cucuta. Do đó, không có gì lạ khi chẳng có nhiều người đến mua xăng tại 12 trạm xăng hợp pháp ở Cucuta với giá khoảng 4 USD/gallon.

Do sự chênh lệch giá cả rất lớn giữa hai bên biên giới nên làn sóng buôn lậu thực phẩm và nhiên liệu từ Venezuela vào Colombia hiện đang tăng mạnh. Chủ một cửa hàng thực phẩm, nằm cách cây cầu nối liền Colombia và Venezuela chỉ vài khối nhà, thú thật: "Mọi thứ được bán ở đây đều là hàng buôn lậu từ Venezuela".

Nạn buôn lậu tràn lan như thế đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela - một trong nhiều vấn đề làm bùng nổ những cuộc biểu tình bạo lực chống chính phủ kéo dài 2 tháng qua khiến hơn 40 người thiệt mạng. Trong khi đó, chủ các chuỗi siêu thị bên biên giới phía Colombia than phiền họ kinh doanh ế ẩm do thực phẩm buôn lậu tràn lan từ Venezuela.

Rodolfo Mora, lãnh đạo Văn phòng Liên đoàn Thương nhân quốc gia Colombia ở thành phố Cucuta, nhận xét: "Làn sóng buôn lậu ồ ạt từ Venezuela là điều kinh khủng cho các chủ siêu thị. Nó dẫn đến tình trạng kinh tế địa phương bị suy giảm trầm trọng".

Chiếc ôtô chở sườn bò lậu bị cảnh sát Colombia chặn lại tại biên giới.

Giới chức Venezuela và Colombia đều thừa nhận nạn tham nhũng trong lực lượng bảo vệ biên giới đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọn buôn lậu ngày càng hoành hành. Theo nhận định của đại tá Rodolfo Carrero, hệ quả này có một phần do luật định. Bọn buôn lậu phải bị bắt quả tang buôn lậu thực phẩm có giá trị ít nhất 14.000 USD mới bị bắt giữ! Dân buôn lậu Venezuela sử dụng mọi phương tiện từ xe tải đến môtô để vận chuyển hàng hóa qua biên giới và bọn chúng thực hiện khoảng 20 chuyến/ngày.

Theo Carrero, thực phẩm buôn lậu tịch thu sau đó sẽ được kiểm tra về vệ sinh an toàn, nếu đạt chuẩn sẽ chuyển giao cho các tổ chức từ thiện và cơ quan chính quyền. Carrero cũng thừa nhận nguồn thực phẩm Venzuela hàng ngày tuồn qua Colombia với mức độ không thể kiểm soát được. Nhiều người dân ở vùng biên giới cũng sống nhờ vào thực phẩm buôn lậu và cũng vì đồng tiền mà họ sẵn sàng chống lại người thi hành công vụ.

Ở Venezuela, buôn lậu là một phần trong cuộc tranh cãi căng thẳng về những vấn đề gây nên tình trạng thiếu thực phẩm ở đất nước này. Giới chức chính quyền cho rằng, giới doanh nhân vô trách nhiệm đã ra sức tích trữ hàng hóa và buôn lậu dẫn đến tình trạng thiếu thực phẩm ở Venezuela.

Một người dân đứng xếp hàng chờ mua thực phẩm giá thấp ở vùng biên giới phía Venezuela nhận định: "Mọi thứ đều được buôn lậu và cuối cùng thì người dân chịu đau khổ". Tình trạng thiếu thực phẩm kết hợp với tỷ lệ tội phạm tăng cao và lạm phát ở Venezuela đã mở đường cho những cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở thành phố San Cristobal miền Tây Venezuela vào tháng 2/2014.

Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thuộc hàng cao nhất thế giới và sự kiểm soát giá các mặt hàng thực phẩm cơ bản của chính quyền - vốn được thiết kế nhằm giúp đỡ dân lao động nghèo - đã làm nản chí các nhà sản xuất thực phẩm vì họ khó tạo ra lợi nhuận do giá cả các mặt hàng quá thấp. Ngoài ra, chính sách tiền tệ gắt gao và sự hạn chế sử dụng USD càng khiến cho việc nhập khẩu các sản phẩm thiết yếu như sữa, bột, giấy vệ sinh và dầu ăn trở nên khó khăn rất nhiều.

Chính quyền của Tổng thống Nicolas Maduro bắt đầu cho triển khai hình thức mua hàng bằng tem phiếu từ  ngày 1/4 tại hơn 100 siêu thị của nhà nước trong nỗ lực chặn đứng hành vi đầu cơ hàng hóa nhưng biện pháp này cũng gây nhiều khó khăn cho người dân và bị chỉ trích

Diên San (tổng hợp)
.
.