Buôn lậu thuốc là: Nguồn thu mới của các tổ chức khủng bố

Thứ Sáu, 11/12/2009, 18:15
Quốc lộ A6 là tuyến giao thông huyết mạch nối liền thành phố cảng Mers-el-Kébir nằm trên biển Địa Trung Hải của Algérie với thành phố cảng Melilla của Morocco. Kể từ năm 2007 đến nay, hàng đêm có nhiều đoàn xe tải chở hàng kiện thuốc lá phủ bạt kín mít, trên có gắn chảo thu phát tín hiệu vệ tinh, nối đuôi nhau chạy từ thành phố Mers-el-Kébir đến thành phố Siddi-Abbas của Algérie rồi đến thành phố Melilla và ngược lại.

Đây là cung đường mà giới buôn lậu thuốc lá quốc tế gọi là “Cung đường Marlboro” do hầu hết thuốc lá buôn lậu đều là thuốc Marlboro sản xuất tại Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, ngoài thuốc lá Marlboro còn có thuốc Gauloise của Pháp, Legend của Mỹ và Rym, một loại thuốc lá do Algérie sản xuất.

Chạy chen giữa các xe tải hiệu Renault vận chuyển thuốc lá lậu là các xe bảo vệ với súng ống chĩa sang hai bên đường. Đây là những chiếc xe bảo vệ của tổ chức khủng bố có tên gọi Al-Qaeda tại Bắc Phi (AQMI). Xuất thân từ  tổ chức Hồi giáo quá khích Những người anh em salafiste thuyết giáo và chiến đấu (GSPC) có quan hệ với trùm khủng bố Osama bin Laden.

Đến năm 2003, GSPC đổi tên thành Al-Qaeda Bắc Phi tập trung gần 1.000 thành viên chuyên tổ chức các vụ khủng bố đẫm máu, giết người, bắt cóc tại các quốc gia Bắc Phi và cả châu Âu. AQMI bị cáo buộc có liên quan trực tiếp đến vụ bắt cóc 32 du khách châu Âu vào năm 2004 và giết hại 13 nhân viên của Hải quan Algérie vào năm 2007, bị Liên Hiệp Quốc xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế bị kiểm tra, thu giữ các nguồn tài trợ bất hợp pháp.

Từ năm 2007, AQMI chuyển sang buôn lậu thuốc lá và mở ra cung đường buôn lậu thuốc lá Marlboro vào năm 2008. Mokhtar Belmokhtar, người đứng đầu AQMI còn được giới an ninh, chống khủng bố và chống buôn lậu quốc tế "phong tặng" hàng tá tên gọi như  "Lãnh chúa của Sahel", "Ông trùm Marlboro", "Ông chủ cung đường Marlboro"...

Sau vụ Al-Qaeda tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, cộng đồng quốc tế phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu kèm theo các biện pháp điều tra, ngăn chặn các nguồn tài trợ đã khiến những tổ chức khủng bố quốc tế chuyển sang tìm nguồn thu nhập mới, đó là buôn lậu thuốc lá. Đây là một nguồn thu ít rủi ro.

Tháng 10/2009, các chuyên gia chống buôn lậu, quan chức hải quan, chuyên gia chống khủng bố và các nhà ngoại giao đến từ 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã có một cuộc họp quan trọng tại thành phố Genève của Thụy Sĩ để bàn về chuyên đề: làm sao phá vỡ và triệt tiêu nạn buôn lậu thuốc lá đang phát triển mạnh trong các tổ chức khủng bố quốc tế.

Theo một báo cáo tại cuộc họp này, hàng năm có đến 12% số thuốc lá sản xuất ra (tương đương 687 tỉ điếu) được buôn lậu. Số thuốc lá lậu khổng lồ này làm thất thu đến 40 tỉ USD tiền thuế cho ngân sách các quốc gia và một phần trong tổng số tiền thu được trở thành nguồn thu nhập quan trọng của các tổ chức khủng bố quốc tế.

Cuộc họp này còn xác định hầu hết các tổ chức khủng bố quốc tế,  tổ chức vũ trang quá khích, tổ chức dân binh vũ trang, trong đó có cả Al-Qaeda, Taliban, Lashkar-e-Toiba ở  Nam Á, AQMI ở Bắc Phi, Hezbollah ở Trung Đông, IRA và PKK ở châu Âu, FARC ở Nam Mỹ... đều tham gia hoạt động buôn lậu thuốc lá.

Tại Nam Á, lực lượng Taliban ở Pakistan còn mở riêng một khu vực dọc theo biên giới PakistanAfghanistan có tên gọi “Chợ trời Khybar” để buôn bán thuốc lá lậu. Chợ trời thuốc lá Khybar hình thành từ các cung đường vận chuyển và cung ứng thuốc lá lậu như cung đường Camel từ bang Peshawar của Pakistan đến Trung Quốc, cung đường Marlboro từ Pakistan, Afghanistan đến một số quốc gia Trung Á như Turkmenistan, Uzbekistan và Tadjikistan, cung đường Benson & Hedges từ bang Waziristan của Pakistan đến các khu vực Trung Á của Nga.

Xe vận chuyển thuốc lá lậu của Taliban tại Chợ Trời Khybar.

Ngoài ra còn có cung đường 555 và Benson & Hedges đến Nam Phi. Al-Qaeda và tổ chức khủng bố Hồi giáo khét tiếng Lashkar-e-Toiba cũng góp phần quan trọng vào hoạt động buôn lậu thuốc lá rầm rộ này.

Tại châu Âu, hai tổ chức khủng bố tham gia buôn lậu thuốc lá với số lượng lớn là Quân đội Cộng hòa Ailen (IRA) và Quân đội Cộng hòa Ailen thật (Real IRA). Mặc dầu IRA tuyên bố từ bỏ đấu tranh vũ trang bạo lực từ năm 2005 nhưng vẫn âm thầm buôn lậu thuốc lá để tạo nguồn kinh phí hoạt động. Còn Real IRA buôn lậu thuốc lá là để trang trải cho các hoạt động bạo lực như đánh bom, ám sát.

Theo nhận định của Rogerio Alonso Pascual, chuyên viên về chống buôn lậu của Văn phòng Quản lý rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ của Mỹ (USBATF), chỉ trong vòng 5 năm từ 2003 đến 2008, buôn lậu thuốc lá đã tạo thu nhập đến 750 triệu USD cho IRA và Real IRA.

Tại Nam Mỹ, tổ chức dân binh vũ trang FARC ở Colombia cũng nằm trong danh sách những tổ chức khủng bố không chỉ buôn lậu ma túy mà còn buôn lậu cả thuốc lá để gây dựng nguồn kinh phí hoạt động. Trong khi FARC buôn lậu ma túy từ Nam Mỹ đến Bắc Mỹ thì thuốc lá sản xuất tại Mỹ và Canada lại được các đường dây của FARC buôn lậu về các quốc gia Mỹ Latinh qua hai đầu mối quan trọng là đảo quốc Aruba và Panama. Vào tháng 4/2009, Hải quan Panama đã bắt giữ một vụ buôn lậu thuốc lá quy mô với số lượng lên đến 21,3 triệu gói mà chủ nhân không ai khác hơn là FARC. 

Theo điều tra của Interpol, song song với hoạt động buôn lậu thuốc lá, những tổ chức khủng bố này còn tiến hành các hoạt động tẩy tiền bẩn thông qua việc đổi tiền bẩn lấy tiền địa phương rồi sau đó gửi tiền địa phương vào các ngân hàng để hoán đổi thành đồng USD sạch.

Interpol còn lên án các tập đoàn sản xuất thuốc lá lớn của Mỹ như Marlboro, Kent, Lucky Strike... đã tiếp tay với các tổ chức khủng bố quốc tế để buôn lậu thuốc lá với quy mô lớn

V.H.(theo La Revue)
.
.