Buôn thực phẩm chức năng giả: Lãi hơn buôn ma túy

Thứ Hai, 02/02/2015, 14:35

Một hộp thực phẩm chức năng (TPCN) giả đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc chỉ có giá vài chục ngàn đồng nhưng khi tới tay người tiêu dùng đã lên tới hàng trăm ngàn đồng, thậm chí tiền triệu. Kinh doanh TPCN giả có lãi khủng hơn cả buôn “hàng trắng”. Siêu lợi nhuận cộng thêm sự lỏng lẻo trong công tác quản lý mặt hàng này khiến thị trường TPCN đang trở nên hỗn loạn như ma trận giăng bẫy người tiêu dùng…

Em đi tù, chị tiếp tục sản xuất TPCN giả

Chiều 26/1 vừa qua, Cơ quan CSĐT (PC46) Công an Hà Nội đã ra lệnh bắt khẩn cấp, tạm giữ hình sự  3 đối tượng trong vụ sản xuất, buôn bán 10 tấn TPCN giả được đánh giá là lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn Hà Nội. Các đối tượng bị bắt gồm: Hoàng Thị Hồng L. (33 tuổi); Nguyễn Tuấn L (31 tuổi) và Nguyễn Công V (29 tuổi).

Trước đó, 11 giờ ngày 24/1, tại phố Trần Khát Chân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tổ công tác Đội Chống hàng giả Phòng PC46 Công an Hà Nội phối hợp Đội 4 Phòng PC49 kiểm tra xe ôtô BKS 29A-768.38  do Nguyễn Tuấn L điều khiển, phát hiện trên xe chở 6 thùng các tông TPCN gồm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar, Collagen do nước ngoài sản xuất cùng hàng trăm đề can tiếng Việt ghi thành phần, công dụng, liều dùng…

Toàn bộ số hàng trên xe không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Hạnh Phúc, đơn vị nhập khẩu độc quyền và phân phối sản phẩm sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1.450mg khẳng định, 170 hộp sữa ong chúa nhãn hiệu Royal Jelly Costar 1.450mg do L vận chuyển là hàng giả.

Mở rộng điều tra, cùng ngày, Cơ quan CSĐT đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 6 kho chứa hàng của Hoàng Thị Hồng L ở Trung tâm giao thương quốc tế và chợ Lim, Bắc Ninh; phát hiện, thu giữ khoảng 10 tấn TPCN giả các loại gồm sữa ong chúa Royal Jelly Costar 1.450mg, nhau thai cừu Placentra Essence, Glucosamin, Collagen + A, E, C cùng máy móc, nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng giả… Trong số hàng thu giữ, có tới gần 10.000 hộp TPCN giả thành phẩm được đóng gói giống y chang hàng thật để chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Chủ nhân kho TPCN giả Hoàng Thị Hồng L và Nguyễn Công V (nhân viên làm thuê của Liên) đã được đưa về trụ sở Cơ quan Công an để phục vụ công tác điều tra.

Đáng chú ý,  Hoàng Thị Hồng L  là chị gái của Hoàng Nghĩa D (30 tuổi), đối tượng  bị Công an Hà Nội bắt giữ  hồi tháng 8/2013 cũng về hành vi sản xuất, buôn bán TPCN giả. Đặt mua nguyên liệu, nhãn mác từ Trung Quốc, D thuê 2 ngôi nhà tại ngõ 364 Thái Hà làm nơi tập kết và sản xuất TPCN giả các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, bán ra thị trường Hà Nội và các tỉnh.

Thời điểm bị bắt giữ,  D đang trực tiếp đóng hộp, dán nhãn mác cho các sản phẩm TPCN  giả như  sữa ong chúa, Collagen làm đẹp da, tảo biển, sụn vi cá mập gắn mác xuất xứ Pháp, Mỹ, Úc… Cơ quan Công an đã thu giữ 263 thùng TPCN giả gồm thành phẩm và nguyên liệu. Tháng 7/2014,  D đã bị Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử 3 năm tù về tội sản xuất, buôn bán hàng giả.

Việc em trai rơi vào vòng lao lý vì sản xuất TPCN giả dường như không làm Hoàng Thị Hồng L chùn tay. Để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, từ đầu năm 2014, L thuê một loạt ki ốt ở Tiên Du, Bắc Ninh làm kho chứa nguyên liệu, cùng với Nguyễn Tuấn L sản xuất hàng giả. Thủ đoạn là đặt mua TPCN từ Trung Quốc dạng sản phẩm rời viên nén, hộp, tem, nhãn… đưa về tập kết tại kho, khi có khách đặt mua hàng mới đóng gói thành phẩm mang đi tiêu thụ.

Bất cứ loại TPCN nào có  sức tiêu thụ mạnh trên thị trường đều bị các đối tượng làm giả. "Rút kinh nghiệm" từ em trai, L không bao giờ ra mặt mà đứng phía sau chỉ đạo Linh trực tiếp giao dịch với khách hàng và vận chuyển, thuê Nguyễn Công V đóng gói, sản xuất hàng giả. Đặc biệt, L không bao giờ cho khách biết địa điểm kho hàng. TPCN giả được L tiêu thụ chủ yếu ở thị trường Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong đó có cả "chợ thuốc" Hapulico.

Hiện Phòng PC46, PC49 Công an Hà Nội đang tiếp tục phối hợp điều tra, mở rộng vụ án, bóc gỡ triệt để đường dây sản xuất, buôn bán TPCN giả trên; đồng thời có biện pháp thu hồi các sản phẩm giả đã được tiêu thụ trên thị trường nhằm hạn chế thiệt hại cho người tiêu dùng.

Cơ quan Công an thu giữ 10 tấn TPCN giả.

Thật - giả khó lường

Đời sống người dân ngày một nâng cao kéo theo nhu cầu sử dụng các loại TPCN để tăng cường sức khỏe, làm đẹp cũng ngày càng gia tăng.  Thế nhưng nhu cầu này cũng  đang mở ra  cơ hội cho việc làm hàng giả, hàng nhái… trà trộn vào thị  trường TPCN đầy tiềm năng này, nhất là khi việc quảng bá công dụng của các sản phẩm bị một số doanh nghiệp đẩy lên quá đà  thành thuốc chữa bệnh hoặc làm đẹp tức thì khiến người tiêu dùng lầm tưởng TPCN như một loại "thần dược".

Theo Cơ quan điều tra, thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh TPCN giả là thu mua các loại viên nén rời, giá rẻ từ Trung Quốc về đóng gói, giả nhãn mác các thương hiệu TPCN nổi tiếng, đặt làm giả cả tem chống hàng giả, tem nhãn phụ, tem phân phối độc quyền... rồi dán dày đặc trên các sản phẩm. Ngoài ra, để người mua không nghi ngờ thì TPCN giả được bán với  giá thấp hơn không đáng kể so với hàng thật dưới hình thức quảng cáo "hàng xách tay".

"Một hộp sản phẩm sữa ong chúa giả đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc có giá khoảng 50.000 - 60.000 đồng nhưng khi đến tay người tiêu dùng được bán với giá trên 1 triệu đồng. Buôn bán TPCN giả còn lãi hơn cả buôn ma túy" - Trung tá Vũ Công Chí, Đội phó Đội Chống hàng giả Phòng PC46 Công an Hà Nội phân tích. Điều này lý giải vì sao em ruột bị xử tù nhưng Hoàng Thị Hồng L vẫn tiếp tục sản xuất, buôn bán các loại TPCN giả.

Lợi nhuận "khủng" từ kinh doanh TPCN giả, kém chất lượng là nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều đối tượng, đường dây tham gia buôn bán TPCN giả. Tháng 8/2013, ổ sản xuất TPCN giả của Hoàng Nghĩa Dũng bị  triệt phá thì  tháng 10/2013, Công an Hà Nội tiếp tục phát hiện, bắt giữ Đỗ Thị Tuyết Mai - bà chủ 2 kho hàng TPCN giả số lượng lớn chuyên tuồn  viên nở ngực Đào Hồng Đơn giả vào "chợ thuốc" Hapulico.

"90% các sản phẩm tại "chợ thuốc" Hapulico xuất ra thị trường không có hóa đơn. Đây là nguyên nhân vì sao các sản phẩm TPCN giả dễ dàng lọt vào những trung tâm phân phối tân dược như Hapulico" - Trung tá Vũ Công Chí phân tích. Qua các vụ việc đã điều tra cho thấy mặc dù là trung tâm bán buôn, phân phối tân dược nhưng việc mua bán tại "chợ thuốc" này hầu như chỉ bằng giấy viết tay và giao dịch qua điện thoại. Do đó, nếu cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra trên khâu lưu thông cũng khó phân biệt thật - giả do không có hóa đơn. 

Trung tá Vũ Công Chí khuyến cáo, để tránh mua phải TPCN giả, kém chất lượng, người tiêu dùng nên mua tại các cơ sở, đại lý chính hãng. Khi mua cần yêu cầu người bán hàng xuất hóa đơn bán hàng (theo quy định, khi bán hàng hóa có tổng giá trị thanh toán trên 200.000 đồng phải xuất hóa đơn GTGT). Hóa đơn bán hàng  chính là cơ sở pháp lý bảo vệ người tiêu dùng nếu mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.

H.Vũ
.
.