CATP Đà Nẵng: Nỗ lực đảm bảo an toàn cho lễ hội bên sông Hàn

Thứ Tư, 08/05/2013, 23:55

Năm nay, theo quy định của Nhà nước, thời gian nghỉ lễ kỷ niệm 38 năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4) và lễ Quốc tế Lao động (1-5) kéo dài 5 ngày, đây cũng là thời điểm ở TP Đà Nẵng diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, xã hội lớn mà đặc biệt là cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế lần thứ 6. Đây là một cuộc thi trình diễn pháo hoa đặc biệt với sự góp mặt của các đội pháo hoa đến từ các quốc gia hùng mạnh. Nhiều công trình trọng điểm trên địa bàn TP Đà Nẵng được khánh thành để đưa vào sử dụng như cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý, cầu Nguyễn Tri Phương…

Vì lẽ đó, trong những ngày nghỉ lễ, đã có hàng vạn lượt du khách từ khắp mọi miền của Tổ quốc, du khách quốc tế đổ về Đà Nẵng để nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng và thực sự sống trong bầu không khí lễ hội ở thành phố nơi cuối sông đầu biển xinh đẹp này…

CATP Đà Nẵng căng mình đảm bảo cho lễ hội an toàn

Bắt đầu từ sáng ngày 29/4, ở rất nhiều nơi, từ Sân bay quốc tế Đà Nẵng, Ga Đà Nẵng, Bến xe liên tỉnh…đã tấp nập người từ nhiều địa phương khác đổ về. Trên các ngả đường đổ vào trung tâm thành phố, có rất nhiều các loại phương tiện giao thông mang biển đăng ký của nhiều địa phương xuất hiện. Các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn TP Đà Nẵng đón nhiều đoàn khách đến lưu trú, nghỉ ngơi. Các hãng xe du lịch,  taxi hoạt động hết công suất phục vụ du khách.

Đại diện Ga Đà Nẵng cho biết: Từ ngày 28/4, mỗi ngày nhà ga đều đón 6 chuyến tàu với trên 4.000 hành khách đến Đà Nẵng, chủ yếu là hành khách từ hai đầu đất nước. Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng cho biết: để đáp ứng nhu cầu đi lại trong dịp cao điểm nghỉ lễ 30-4, 1-5 và lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Vietnam Airlines tăng thêm 434 chuyến trên 8 đường bay nội địa trong thời gian từ 27/4 đến 2/5, v.v...

Nhiều công ty lữ hành mặc dù đã tính toán trước nhưng vẫn không thể lường được tình hình du khách tăng đột biến trong dịp này. Theo ông Võ Thành Nhân, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP Đà Nẵng, đây là dịp cao điểm phục vụ khách nên hiệp hội đã yêu cầu tất cả các đơn vị trực thuộc đảm bảo 100% lượng xe để đáp ứng yêu cầu.

Chiều 29/4, tất cả những ngả đường dẫn về sông Hàn đều chật cứng người. Các lực lượng thuộc Công an TP Đà Nẵng đều phải tập trung cao độ trong công tác bảo vệ an ninh trật tự. Hai bên bờ sông Hàn, lực lượng Cảnh sát giao thông, Cảnh sát bảo vệ và cơ động, Cảnh sát 113, Công an các quận Hải Châu, Sơn Trà, Công an phường, lực lượng dân quân thường trực, ban bảo vệ dân phố đã đứng chốt. Hàng trăm rào sắt được triển khai để thực hiện phương án cắt đường khi có lệnh.

Trên cầu sông Hàn, hàng trăm cảnh sát đã được phân công đứng hai bên để điều tiết dòng người đông đúc đi lại an toàn. Đúng 18 giờ, lực lượng cắt cầu Sông Hàn, không cho phương tiện ôtô khách qua lại theo quy định.

Ở chốt bảo vệ nằm sát với khán đài A, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với Trung tá Đặng Bảo Lào - Phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng. Trung tá Lào cho biết, hai ngày đã trôi qua anh cùng đồng đội đã phải túc trực để làm công tác bảo vệ và hướng dẫn cho du khách đến tham dự lễ hội pháo hoa.

Ở một chốt khác nằm cuối đường Trần Hưng Đạo, Trung tá Lê Văn Lực - Đội trưởng Đội dẫn đoàn và chống đua xe của Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng bảo rằng: Vì nhiệm vụ nên ngay cả trong khi cuộc thi pháo hoa diễn ra, anh và đồng đội của mình cũng phải bám chốt. Những hình dung về pháo hoa đối với anh chủ yếu là thông qua lời kể của những người có điều kiện vào xem phía bên trong khán đài… Chưa bao giờ, công tác đảm bảo an toàn về mọi mặt cho lễ hội trình diễn pháo hoa được triển khai cẩn thận và chi tiết như năm nay.

CATP Đà Nẵng ra quân đảm bảo an toàn lễ hội.

Trao đổi với báo giới, Đại tá Nguyễn Viết Lợi, Phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng cho biết, ngoài việc huy động tổng lực của lực lượng Công an Đà Nẵng còn có sự chi viện của 300 cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Cảnh sát cơ động (CSCĐ) thuộc Bộ tư lệnh CSCĐ duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.

"Với phương châm bảo vệ an toàn tài sản, tính mạng cho ban tổ chức, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng với du khách, chúng tôi đã quán triệt tinh thần trách nhiệm đến từng đơn vị, từng CBCS". Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng CSGT - Công an TP Đà Nẵng cho biết thêm: Chúng tôi động viên tinh thần CBCS phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, bằng nỗ lực, bảo đảm tốt từng chốt điểm, không để xảy ra tình trạng lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông.

Ngoài việc triển khai lực lượng ở khu vực trung tâm, CSGT các quận cũng đã đứng chốt tại các ngã ba, ngã tư, các nút cầu để hướng dẫn và điều hòa giao thông, phục vụ người dân đến với lễ hội. Bên cạnh đó, lực lượng Cảnh sát đặc nhiệm, cơ động, chống tội phạm cướp giật, Cảnh sát bảo vệ mục tiêu cũng đã triển khai lực lượng để bảo vệ cho lễ hội.

Đại tá Lê Hồng Trung, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động cho biết: gần 300 CBCS được huy động để làm nhiệm vụ theo kế hoạch của Công an thành phố. Mặt khác, sẽ tổ chức lực lượng tuần tra phòng chống tội phạm cướp giật, không để xảy ra tình trạng trộm cắp, móc túi, cướp giật tài sản của người dân và du khách.

Cuộc thi Trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng lần thứ 6 với chủ đề "Tình yêu sông Hàn" vào hai ngày 29 và 30/4/2013 với sự tham gia của các đội: Ý, Nhật Bản, Nga, Mỹ và đội Đà Nẵng - Việt Nam. Kinh phí tổ chức lễ hội pháo hoa 2013 được huy động hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa với số tiền tài trợ đến hàng chục tỉ đồng. Tại bờ đông sông Hàn, các đội đã có hơn 20 phút trình diễn những màn pháo hoa tinh tế, những bản nhạc mê đắm và phô diễn nét đặc trưng văn hóa của từng quốc gia.

Bên cạnh chương trình chính, Đà Nẵng cũng tổ chức các hoạt động phụ trợ như diễu hành thuyền hoa, hoa đăng trên sông Hàn, các trò chơi dân gian, biểu diễn âm nhạc đường phố, vũ hội. Để đảm bảo quyền lợi cho du khách, từ trước khi sự kiện văn hóa lớn này diễn ra, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch bình ổn giá trên 4 loại hình dịch vụ: lưu trú, vận chuyển khách, ăn uống và trông giữ xe. Các dịch vụ du lịch không được phép tăng quá 25 - 30% so với ngày thường. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ đều phải thực hiện niêm yết giá công khai và thành phố sẽ rút giấy phép đăng ký  kinh doanh của cơ sở vi phạm. Công tác tổ chức cũng đã được TP Đà Nẵng quan tâm đầu tư kỹ lưỡng, chuyên nghiệp.                  

Vũ điệu HaWaii được trình diễn trước phần thi pháo hoa.

Kết thúc cuộc thi, Ban Tổ chức đã trao giải Nhất cuộc thi Trình diễn pháo hoa Quốc tế Đà nẵng - 2013 cho đội Mỹ - Melrose Pyrotechnics với màn trình diễn "Dáng em đêm nay", hai đội đồng hạng nhì là Tamaya - Nhật Bản và Parente - Ý. Hai đội đồng hạng ba là Đà Nẵng - Việt Nam và Trung tâm pháo hoa Khan đến từ nước Nga.

Màn trình diễn của đội Mỹ.

Phát biểu trong đêm bế mạc, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến khẳng định: "Đây là lần thứ 6 Đà Nẵng vinh dự được tổ chức cuộc thi này. Mỗi năm, chất lượng cuộc thi đã được nâng lên rõ rệt và đến nay nó đã trở thành thương hiệu mang tầm quốc tế của Đà Nẵng. Cuộc thi năm nay, đội vô địch đã rất xứng đáng. Và điều quan trọng là tất cả đội thi đã cống hiến hết mình vì tình yêu Đà Nẵng".

Xa hơn, ngôn ngữ pháo hoa còn là đại sứ quảng bá, giới thiệu hình ảnh, thương hiệu Đà Nẵng đến bạn bè quốc tế và là bức thông điệp sâu lắng nhất, ý nghĩa nhất kết nối giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, các nền văn hóa, thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa các quốc gia trên thế giới.   

Màn trình diễn của đội Nhật Bản.
Màn trình diễn của đội Ý.

Những điều còn lại…

Những ngày lễ hội ở Đà Nẵng đã qua đi, du khách từ mọi miền của Tổ quốc và du khách quốc tế đã có những ngày nghỉ ngơi, thưởng thức thật tuyệt vời, có ấn tượng tốt. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực hết sức mình của lãnh đạo chính quyền thành phố, lãnh đạo các ngành hữu trách như công an, quân đội, thương mại và du lịch… đâu đó, vẫn còn những "hạt sạn" dù là rất nhỏ làm cho bữa tiệc thịnh soạn đã được chuẩn bị rất tươm tất này mất đi chút thi vị. Nhiều du khách vẫn than phiền về dịch vụ gửi xe khi họ từ phương xa đến đã bị ép giá một cách oan uổng; nhiều đoàn du khách cá nhân than phiền rằng họ bị chặt chém không thương tiếc khi đến ăn uống tại một vài nhà hàng ở ven biển hay ở khu du lịch bãi Bụt ở bán đảo Sơn Trà.

Anh Hoàng Ngọc Thuận - một du khách đến từ TP Huế bức xúc kể lại rằng: Gia đình anh đến với lễ hội pháo hoa bằng ôtô riêng, gần giờ khai cuộc, anh đã bị chủ của một điểm giữ xe tự phát "hét giá" 120.000 đồng tiền gửi xe. Hay chuyện một đôi nam nữ đến từ TP HCM, mặc dù có vé vào xem pháo hoa ở khán đài B1, nhưng khi đến đã bị bộ phận bảo vệ kiên quyết từ chối cho vào vì lý do "bên trong khán đài này đã quá đông khách"…

Hy vọng rằng, ở những mùa lễ hội sau, người Đà Nẵng sẽ có những hành động tích cực hơn trong việc tạo dựng thương hiệu cho thành phố mình đang sống… để Đà Nẵng thực sự trở thành điểm đến lý tưởng của du khách muôn phương…

Phan Bùi Bảo Thy (baothydn@gmail.com)
.
.