CIA bí mật trả lương cho nhiều quan chức Chính phủ Afghanistan

Thứ Bảy, 11/09/2010, 15:25
Dư luận Mỹ và Afghanistan đang rộ lên tin đồn về việc Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bí mật trả lương cho nhiều quan chức trong bộ máy Chính phủ Afghanistan để thu thập thông tin về nhiều vấn đề khác nhau mà cơ quan này không thể có được bằng con đường chính thống.

Những người trong cuộc ở phía Chính phủ Afghanistan thì không thừa nhận việc lĩnh lương CIA, trong khi chính CIA thì giữ thái độ nước đôi, không chính thức thừa nhận cũng chẳng bác bỏ những tin đồn đó.

Thông tin về vụ việc CIA "trả lương" cho nhiều quan chức Chính phủ Afghanistan được đưa trên các báo lớn của Mỹ sau khi xảy ra vụ Mohammed Zia Salehi, người đứng đầu Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan, bị bắt giam (tháng 7/2010) để điều tra về cáo buộc nhận hối lộ một chiếc xe ôtô trị giá 10.000USD (Salehi đã được thả ra sau khi được Tổng thống Karzai và CIA can thiệp).

Các báo không nói chắc vì chưa nắm được bằng chứng xác đáng (danh sách lương và lời xác nhận của CIA), chỉ nói lấp lửng rằng "dường như ông Salehi có tên trong bản danh sách lương của CIA.

Các báo còn tiết lộ rằng, Salehi không chỉ lĩnh lương CIA, cung cấp những thông tin thuộc dạng "bí mật nội bộ" cho CIA, mà còn giúp Chính phủ Kabul điều hành một "quỹ đen" do CIA và vài cơ quan tình báo nước ngoài khác như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Arập Xêút tài trợ. Mục đích của việc lập ra "quỹ đen" này là để dùng vào việc chi "thưởng" cho những ai ủng hộ ông Karzai và chính quyền của ông. Đây có lẽ là lý do khiến CIA lẫn Tổng thống Karzai đều ra tay can thiệp để Salehi được tha trong vụ nhận hối lộ nêu trên.

Điều khiến dư luận đặc biệt quan tâm hiện nay là việc có quá nhiều quan chức hiện đang làm việc trong nội các chính phủ và các cơ quan trực thuộc chính phủ và chính quyền địa phương các cấp bị cáo buộc lĩnh lương của CIA.

Trong khi các cuộc điều tra chống tham nhũng ở Afghanistan đang diễn ra hết sức khó khăn, dư luận lại đặt câu hỏi liệu CIA chi trả lương cho những quan chức Chính phủ Afghanistan để họ làm gián điệp hay là một hình thức hối lộ "mua" tin tức trá hình? Liệu đã có bao nhiêu người trong chính quyền Karzai thật sự "làm việc" sau khi đã nhận "lương" của CIA hay chỉ là trò lừa bịp, cung cấp những thông tin "thiu thối" nhặt nhạnh được ở vỉa hè, góc chợ?

Trước những thông tin như thế, phát ngôn viên CIA Paul Gimigliano từ chối bình luận trực tiếp vào vấn đề mà chỉ nói tránh đi rằng: "Cơ quan này đóng vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy các mục tiêu của Mỹ tại Afghanistan, bao gồm an ninh và sự ổn định chính trị. Vì vậy việc tung tin đồn thổi về việc ai tiếp tay giúp chúng tôi hoàn thành những mục tiêu đó là hành động vừa nguy hiểm vừa gây phản tác dụng".

Thông tin tiết lộ về việc CIA chi trả lương cho các quan chức Afghanistan, cho dù là hình thức hối lộ hay "lương gián điệp", cũng đã tạo nên những luồng dư luận trái chiều ở Mỹ cũng như Afghanistan. Một số tiếng nói ở Washington chỉ trích CIA khá gay gắt rằng với việc chi tiền và ủng hộ các quan chức tham nhũng ở Afghanistan, cơ quan này đang làm hỏng chính sách chống tham nhũng của chính quyền Obama ở Afghanistan, vốn là một nguyên nhân quan trọng làm cho cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan không đạt được kết quả như mong muốn, thậm chí còn đang có vẻ thất thế so với quân Taliban.

Tờ Washington Post (ngày 27/8) viết: "Mối quan hệ điển hình giữa CIA với Salehi đã bộc lộ những mâu thuẫn sâu sắc ở tận bên trong chính sách của chính quyền Obama đối với Afghanistan".

Cùng một lúc, Mỹ thúc ép Tổng thống Karzai phải mạnh tay hơn nữa với các quan chức tham nhũng, nhưng lại ra tay "giải cứu" một đồng minh dính tội tham nhũng. Rõ ràng, chính sách hai mặt như thế hoàn toàn không có lợi cho những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm tìm kiếm một giải pháp tăng cường sức mạnh cho chính quyền Karzai ngõ hầu tạo thế vững chắc cho cuộc chiến chống Taliban. Việc làm của CIA sẽ tạo tiền lệ nguy hiểm, tạo nên thói quen vòi vĩnh cho các quan chức Afghanistan, từ đó họ sẽ đòi được "hối lộ" mới chịu làm một việc gì đó.

Tuy nhiên, những người ủng hộ CIA lập luận ngược lại rằng, việc CIA trả tiền cho các quan chức Afghanistan để có được những sự trợ giúp nào đó là rất cần thiết trong bối cảnh "khủng hoảng niềm tin" giữa Tổng thống nước này với "đồng minh" Mỹ.

Trong khi nạn tham nhũng đang diễn ra tràn lan, chưa chắc các biện pháp chống tham nhũng hiện đang áp dụng có mang lại hiệu quả gì không, thì việc chỉ dựa vào nguồn thông tin chính thống, không biết moi tin tức bằng con đường "cửa sau" - như CIA đang làm - là một sự phiêu lưu, khó có thể giúp CIA hoàn thành sứ mạng được giao ở Afghanistan (không chỉ bảo đảm an ninh mà còn giúp ổn định chính trị, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc chiến chống Taliban và việc rút quân Mỹ đúng thời hạn đặt ra).

Chuyện CIA "trả lương" cho một số điệp viên ngầm của mình ở Afghanistan không phải là mới. Có thể nói là việc làm đó đã bắt nguồn từ khi CIA bung tiền ra ủng hộ các thánh chiến quân chống lại quân đội Xôviết hồi thập niên 80 thế kỷ XX. Sang thập niên 90, việc đó bị siết hầu bao cho đến khi xảy ra vụ khủng bố 11/9/2001 mới được thực hiện trở lại. Lần này, CIA trả lương "nuôi" các thủ lĩnh chiến tranh nhằm mục đích mua đứt chỗ dựa của Osama bin Laden và mạng lưới Al-Qaeda của y.

Cách đây không lâu, dư luận báo chí quốc tế từng làm ầm ĩ việc em trai (cùng cha khác mẹ) của Tổng thống Karzai là Ahmed Wali Karzai bí mật lĩnh lương và làm gián điệp cho CIA suốt gần 10 năm qua. Mặc dù Wali Karzai không thừa nhận, song ai cũng ngầm hiểu rằng ông ta đích thực là một "tài sản" của CIA.

Ngay cả bản thân Tổng thống Karzai, dù chưa ai biết ông có "lĩnh lương" của CIA hay không, cũng đã là một đối tác lâu năm của CIA. Chỉ có điều, trong mối quan hệ với Tổng thống Karzai, CIA luôn ở thế khó khăn khi muốn tiếp cận những vấn đề quan tâm. Chính vì vậy mà cơ quan này mới chọn phương án trả tiền cho các thuộc cấp ông Karzai để moi tin

Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.