Các băng đảng tội phạm vùng Trung Mỹ

Thứ Ba, 15/07/2008, 08:45
Ngày nay ở vùng Trung Mỹ các pandillas (băng nhóm tuổi trẻ) phát triển rất mạnh. Bọn chúng phạm các tội từ ăn cắp vặt đến cướp có vũ trang và từ cưỡng dâm đến buôn ma túy. Một số pandillas còn liên kết hoạt động với các nhóm đối đầu có vũ trang hay các nhóm khủng bố quốc tế.

Theo số liệu chính thức, pandillas quy tụ gần 70.000 thanh niên ở Trung Mỹ, nhưng thực tế có lẽ nhiều hơn nữa: đến khoảng 200.000 người. Người ta cũng phân biệt pandillas (mang tính quốc gia và địa phương) với bọn maras, tức là những băng nhóm tội phạm xuất xứ từ bên ngoài biên giới quốc gia.

Pandillas tồn tại từ lâu và bắt đầu phát triển mạnh vào thập niên 90 của thế kỷ trước, khi mà quân nhân - bao gồm binh lính và quân du kích - xuất ngũ trở về quê quán sau khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Trước tình hình chính trị và kinh tế bấp bênh số cựu binh này bắt đầu tự tổ chức thành các nhóm tự vệ ở địa phương, với mục đích là bảo vệ người dân trong cộng đồng của họ. Về sau, pandillas ngày càng được tổ chức theo thứ bậc và có nghi thức riêng ở địa phương và mang tính tự trị để đối phó với tình trạng mất an ninh sau chiến tranh. Còn maras là các tổ chức thuần nhất liên quan đến những hiện tượng di trú đặc biệt.

Báo chí kết hợp pandillas và maras Trung Mỹ với hoạt động buôn người, bắt cóc, buôn ma túy và tội phạm có tổ chức quốc tế. Thời gian sau này các maras chặn bắt xe buýt và taxi chạy ngang những khu vực do chúng kiểm soát để đòi “thuế”. Ngoài ra, bọn chúng cũng cưỡng đoạt tiền bạc của doanh nhân địa phương, một hình thức đòi “tiền bảo kê”. Từ 10 năm nay, pandillas và maras hướng nhiều sang hoạt động buôn ma túy và vùng Trung Mỹ trở thành trung tâm của loại tội phạm này: hơn 80% lượng cocaine lưu thông giữa các quốc gia sản xuất ở vùng núi Andes và người tiêu thụ ở Bắc Mỹ được trung chuyển qua vùng này.

Cuộc chiến chống maras do chính quyền các nước Trung Mỹ tiến hành từ vài năm nay thật sự đã làm căng thẳng thêm sự đối đầu giữa các băng nhóm. Giai đoạn đầu tiên của xung đột mới trong khu vực bắt đầu ở Salvador vào tháng 7/2003, với chiến dịch “mano dura” (“bàn tay sắt”) nhằm tống giam ngay lập tức những người được cho là marero (thành viên của maras) căn cứ theo hình xăm trên người hay hành vi giữa nơi công cộng có tính chất băng nhóm. Tất cả marero từ 12 tuổi trở lên sẽ phải ngồi tù từ 2 đến 5 năm.

Giữa tháng 7/2003 đến tháng 8/2004, 20.000 marero Salvador bị bắt giam, nhưng 95% số tù nhân sau đó được trả tự do khi Tòa án tối cao tuyên bố luật “mano dura” vi phạm công ước Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Sau đó chính sách “mano super dura” (“bàn tay thép”), thay thế cho “mano dura”, ra đời để bắt giam các marero từ 18 tuổi trở lên với mức án có thể đến 5 năm tù và đến 9 năm dành cho thủ lĩnh băng nhóm. Từ năm 2004 đến 2007, tù nhân trong các nhà tù của Salvador đã tăng gấp đôi, từ 6.000 đến 12.000 người, trong đó 40% tù nhân có liên quan đến maras.

Cùng lúc đó, tháng 8/2003, Honduras đề ra chính sách tương tự gọi là “không khoan nhượng”, đặc biệt dựa theo sáng kiến của cựu Thị trưởng New York Rudy Giuliani. Biện pháp này kéo theo sự cải cách Bộ luật Hình sự và sự thông qua luật kết án thành viên maras đến 12 năm tù (sau đó bản án tăng đến 30 năm tù giam).

Thêm vào đó, Honduras cho thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa sự hợp tác giữa cảnh sát và quân đội trong cuộc chiến chống maras, với những cuộc tuần tra hỗn hợp thường xuyên thậm chí có cả xe bọc thép. Về phần mình, Guatemala cũng cho ra đời chính sách “kế hoạch nhát chổi” vào tháng 1/2004.

Nếu như các quốc gia Trung Mỹ áp dụng mọi biện pháp cứng rắn nhất để đối đầu với maras và pandillas, thì bên cạnh đó những tổ chức bảo vệ quyền con người lên tiếng chống lại các biện pháp này vì họ cho rằng nó dễ bị lợi dụng.

Ngày 15-1/2004, các nước Salvador, Guatemala, Honduras và Nicaragua đồng ý dỡ bỏ mọi rào cản pháp lý để vây bắt mọi thành viên maras và pandillas trong vùng Trung Mỹ. Ngày 8-3/2005, Tổng thống Salvador, Tony Saca, và người đồng nhiệm Guatemala là Oscar Berger ký kết thành lập một lực lượng an ninh chung có nhiệm vụ tuần tra vùng biên giới chung của hai nước để chống lại hoạt động của maras.

Các chính phủ Trung Mỹ cũng cố gắng lôi kéo Mỹ vào cuộc chiến chống tội phạm băng nhóm này. Tháng 12/2004, FBI đã thành lập một tiểu ban phụ trách vấn đề maras. Tháng 2/2005, CIA thông báo mở một văn phòng đặc biệt ở San Salvador để phối hợp chống lại maras và pandillas trong khu vực. Giới lãnh đạo quân sự Trung Mỹ cũng chính thức đề nghị quân đội Mỹ giúp sức tổ chức một lực lượng đa quốc gia nhằm ngăn chặn sự bành trướng của maras và pandillas.

Trong thời gian đầu, các sáng kiến này dường như làm giảm bớt được tình trạng phạm tội của các băng nhóm, song thành công là hết sức ngắn ngủi. Nhiều nghiên cứu cho thấy maras và pandillas sau đó lui vào hoạt động bí mật hơn. Thêm vào đó maras và pandillas chọn những biểu tượng băng nhóm ít phô trương hơn, ví dụ như xóa bỏ hình xăm để tránh bị cảnh sát và quân đội phát hiện bắt giữ.

Rõ ràng chính sách trấn áp tội phạm của các chính phủ Trung Mỹ đã thất bại. Không những thế vấn đề tội phạm càng trầm trọng thêm với vòng xoáy những cuộc thanh toán báo thù đẫm máu. Chính sách trấn áp còn làm sinh ra loại hình băng nhóm mới có mục tiêu “thách thức” nhà nước. Điều đó cho thấy mọi sự trấn áp tội phạm có tổ chức đều thất bại khi sự bất bình đẳng vẫn tồn tại trong xã hội

Thục Miên (theo Courrier)
.
.