Các băng tội phạm Mexico sử dụng mạng xã hội để hoạt động

Thứ Ba, 11/05/2010, 15:45
Sau Iran, Trung Quốc, nay đến lượt Mexico xem xét việc chặn 2 mạng xã hội Facebook và Twitter vì tác động tiêu cực của hai mạng này. Nếu như những người biểu tình chống Chính phủ Iran dùng Twitter để kêu gọi đi biểu tình thì tại Mexico, các băng nhóm tội phạm dùng nó để thông báo với nhau các hoạt động tội ác.

Các tập đoàn ma túy tại Mexico đã có một phương cách mới để tránh các cuộc bố ráp của cảnh sát và quân đội bằng cách dùng mạng xã hội Facebook và Twitter. Cảnh sát Mexico cho biết, chính bọn tội phạm này đã dùng Facebook để thông tin cho nhau về việc bắt giữ những thân nhân của các doanh nhân giàu có cũng như các quan chức chính trị.

Chúng cũng dùng Twitter để thông báo cho nhau về các chốt kiểm soát cũng như các chiến dịch trấn áp của quân đội và cảnh sát. Theo ông Ghaleb Krame, chuyên gia an ninh tại Trường đại học quốc tế Alliant của Mexico: “Twitter là vấn đề nghiêm trọng không chỉ đối với các cơ quan tăng cường luật pháp tại Mexico mà đối với mọi cơ quan an ninh và luật pháp trên thế giới bởi vì các tội phạm, các băng nhóm ma túy và các tổ chức khủng bố ngày càng tinh thông trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông”.

Theo ông, bọn tội phạm thường sử dụng Twitter và các mạng xã hội khác với các thuật ngữ riêng để thông tin cho nhau mà người bên ngoài khó có thể hiểu được. Ví dụ, bọn chúng đưa lên Youtube một đoạn video là bản nhạc mang tên “corridos” nói về một kẻ buôn bán ma túy, điều đó có nghĩa là trong lời bài hát có ẩn chứa sự "phân cấp" trong các nhóm tội phạm.

Các tập đoàn buôn lậu ma túy Mexico dùng Twitter và Facebook không những để liên lạc với nhau mà còn để gieo rắc nỗi sợ hãi cho cộng đồng. Gần đây, tại thị trấn Reynosa gần biên giới Mexico-Mỹ, người dân tại đây đã dùng một bản tin nhắn đe dọa tấn công giết người để gây lo ngại cho cư dân thị trấn này.

Một trong những tin nhắn ghi: "Một vụ bắn giết lớn chưa từng thấy trong lịch sử sẽ xảy ra tại thị trấn Reynosa vào ngày mai hay Chủ nhật, ngày mai sẽ có một đoàn xe tải gồm 60 chiếc chở những tay giết người từ gia đình Michoacan (một nhóm buôn lậu ma túy) cùng với các thành viên của Nhóm Vùng Vịnh tới đây để mang mọi người đi khỏi đây dù chết hay sống, hãy gửi tin nhắn này tới những người khác".

Đa số thành viên của đảng Dân chủ Cách mạng Tự do Mexico đã ra một dự luật đề nghị giám sát chặt chẽ cũng như quy định chi tiết việc sử dụng Twitter và Facebook ở Mexico. Dự luật này nhằm giúp chia sẻ thông tin cũng như giúp phát hiện và ngăn chặn những hành động tội ác hay vi phạm pháp luật.

Bảo trợ dự luật này là Nghị sĩ Norberto Nazario, cho biết ông muốn thành lập một lực lượng cảnh sát trực tuyến để theo dõi thông tin của các băng nhóm tội phạm liên lạc trên Internet. Ông này thêm rằng, chia sẻ các thông tin về hoạt động của cảnh sát sẽ bị xem là phạm luật, đặc biệt tại một đất nước đang bị buôn lậu ma túy hoành hành như Mexico. Dự luật này tương tự như một dự luật tại Tây Ban Nha theo đó cho phép chính phủ đóng cửa các trang web vi phạm quyền sở hữu cũng như vi phạm các luật khác.

Dĩ nhiên là nhiều người sử dụng các mạng xã hội tại Mexico không vui với dự luật này khi cho rằng dự luật cho thấy Chính phủ Mexico có đặc quyền như một ông chủ lớn. Nhiều nhà phân tích cho rằng thay vì đưa ra các quy định hạn chế các mạng xã hội, các cơ quan chức năng nên có công nghệ mới cho phép xâm nhập các trang web này để theo dõi dấu vết của tội phạm.

Theo ông Krame, việc thông qua dự luật này sẽ là hành động bất đắc dĩ của chính phủ trong việc chống tội phạm sử dụng Twitter và Facebook. Ở mặt nào đó, Twitter và Facebook đã giúp người sử dụng trở thành các nhà báo không chuyên trong khi nhiều thông tin trên báo không được đăng tải do lo ngại bị các băng nhóm ma túy trả thù. Đã có 4 nhà báo Mexico bị các băng nhóm ma túy giết chết từ đầu năm tới nay.

Theo thống kê của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), tội phạm Internet nói chung, trong đó có tội phạm thông qua các mạng xã hội, trong năm 2009 gây thiệt hại cho nước Mỹ 559 triệu USD, tăng 110% so với năm 2008. FBI kêu gọi người sử dụng Internet chia sẻ những thông tin liên quan đến tội phạm mà người sử dụng Internet nhận được.

Ngoài ra, bọn tội phạm cũng sử dụng các mạng xã hội để tấn công những người sử dụng. Theo Tập đoàn bảo vệ an ninh và dữ liệu công nghệ thông tin toàn cầu Sophos, các tên tội phạm đã gia tăng tấn công vào những người sử dụng các mạng xã hội với các thủ đoạn như thư rác và virus cũng như những lời đe dọa nặc danh.

Các vụ tấn công này trong năm 2009 đã ảnh hưởng đến 57% người sử dụng các mạng xã hội trên toàn cầu, tăng 70,6% so với năm 2008. Theo ông Graham Cluley, tư vấn cấp cao của Sophos, nguyên nhân của vấn đề ở chỗ, những người sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều và chia sẻ các thông tin cá nhân, nhạy cảm ngày càng lớn khiến cho các mạng xã hội thành mục tiêu để bọn tội phạm lợi dụng.

Cũng theo điều tra của Sophos đối với 500 công ty với kết quả rằng 70% trường hợp các nhân viên tiết lộ công việc của họ dẫn tới các mức rủi ro cho cả công ty. Khi được hỏi rằng mạng xã hội nào đặt ra nguy cơ lớn nhất về an ninh, 60% câu trả lời cho là Facebook tiếp sau đó là MySpace (18%) và Twitter (17%)

Trường Minh (tổng hợp)
.
.