Các cầu thủ Đồng Nai “bán mình”

Chủ Nhật, 03/08/2014, 09:20

Nếu như trước đây, việc dàn xếp tỷ số để mua bán độ diễn ra giữa các đội bóng thì hiện nay, các đối tượng cá độ chỉ cần thỏa thuận, mua chuộc một số cầu thủ giữ vị trí quan trọng trong đội bóng. Mảng tối này trong bóng đá Việt Nam vừa được Cục CSHS - Bộ Công an đưa ra ánh sáng sau trận đấu giữa Than Quảng Ninh - Đồng Nai diễn ra trên sân Cẩm Phả vào tối ngày 20/7 vừa qua…

Từ cá độ World Cup đến bán độ V-League

Chiều 21/7, Cục Cảnh sát hình sự  (C45) Bộ Công an đã họp báo thông tin về kết quả điều tra vụ mua bán độ của một số cầu thủ đội Đồng Nai diễn ra tại Giải Vô địch bóng đá Quốc gia (V-League) - Eximbank 2014.

Trước đó, tối ngày 20/7, sau trận thắng với tỷ số 5-3 của chủ nhà Than Quảng Ninh trước đội khách Đồng Nai trên sân Cẩm Phả - Quảng Ninh, Cục C45 đã đưa 6 cầu thủ của đội Đồng Nai về trụ sở Cơ quan điều tra (CQĐT) để làm rõ hành vi tham gia bán độ của họ ở chính trận đấu này.

6 cầu thủ bị triệu tập gồm Đội trưởng Phạm Hữu Phát (26 tuổi), Đinh Kiên Trung (25 tuổi), Nguyễn Đức Thiện (26 tuổi), Phan Lưu Thế Sơn (23 tuổi), Nguyễn Thành Long Giang (26 tuổi); Hà Niệm Tiến (24 tuổi). Ngoài ra, CQĐT còn triệu tập 1 cầu thủ của Câu lạc bộ (CLB) Đồng Tâm Long An (ĐTLA) là Nguyễn Đình Hiệp (24 tuổi).

Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng C45 cho biết,  hành vi  cá độ của số cầu thủ đội Đồng Nai được phát hiện  thông qua công tác đấu tranh với các  đường dây, ổ nhóm tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá do Cục C45  triển khai từ đầu mùa giải World Cup 2014.

Trong quá trình điều tra, C45  đã phát hiện một đường dây sử dụng trang mạng bóng đá nước ngoài chuyển về trong nước để tổ chức đánh bạc do  Nguyễn Phúc Thuận (32 tuổi) tức Thuận "trâu bò", đối tượng đã có 1 tiền sự về hành vi đánh bạc ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, Đồng Nai là chủ mưu.

Thuận "trâu bò"  lấy các trang mạng về giao cho đồng bọn là Trần Văn Ba tức Hoàng (29 tuổi) ở  phường Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai tổ chức cá độ, giao cho Đỗ Hoàng Hà (27 tuổi) ở Tân Hiệp, Biên Hòa, Đồng Nai  giữ vai trò quản trị mạng và Trần Đình Hải (25 tuổi) ở phường Tam Hòa, Biên Hòa, Đồng Nai làm nhiệm vụ môi giới cho các con bạc tham gia đánh bạc.

Trong thời gian diễn ra World Cup,  một số cầu thủ của đội Đồng Nai và CLB ĐTLA đã tham gia đánh bạc trên trang mạng của Thuận "trâu bò" và Trần Văn Ba. Từ mối quan hệ này, các đối tượng Thuận, Ba, Hà và Hải đã lôi kéo, mua chuộc các cầu thủ để dàn xếp tỷ số, kết quả trận đấu, hiệp đấu một số trận bóng trong giải V-League nhằm mục đích đánh bạc, tổ chức đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá ở các trận đấu đã được mua độ.

Theo Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, hình thức bán độ của nhóm cầu thủ  trên là ra cửa độ tài - xỉu, chủ yếu bán thua. Có trận,  nhóm cầu thủ này đã bán độ với số tiền lên tới 800 triệu đồng. Trước trận Đồng Nai - Than Quảng Ninh, Đội trưởng Phạm Hữu Phát cầm đầu nhóm cầu thủ bán độ đã thỏa thuận với đường dây cá độ của Thuận "trâu bò" bán tỉ số "cách biệt 2 bàn" với giá 400 triệu đồng. Nhà cái đã đưa trước cho Phát 325 triệu đồng để Phát đưa cho các cầu thủ.

Thực hiện "hợp đồng", ngay trong hiệp 1, kết quả đã là 3-1 và chung cuộc 5-3  đúng như "kịch bản" đã được dàn xếp.

19 giờ ngày 20/7, ngay sau khi trận đấu giữa Than Quảng Ninh và Đồng Nai kết thúc, với tài liệu, chứng cứ đã thu thập được, Phòng 5, Phòng 8 C45 phối hợp các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an và Công an TP Biên Hòa, Đồng Nai đồng loạt ra quân, tiến hành bắt, khám xét khẩn cấp 4 đối tượng có hành vi tổ chức đánh bạc gồm Nguyễn Phúc Thuận, Trần Văn Ba, Đỗ Hoàng Hà, Trần Đình Hải; đồng thời triệu tập và khám xét nơi ở của 7 cầu thủ như đã nêu trên.

Kết quả đã thu giữ số tang vật gồm 8 điện thoại di động, 3 laptop, 275 triệu đồng tiền mặt (là tiền nhà cái đưa cho Phạm Hữu Phát) và một số tài liệu liên quan đến hành vi cá độ.

Kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi phi thể thao trong bóng đá

Các cầu thủ đội Đồng Nai bị C45 triệu tập để làm rõ hành vi bán độ.

"Quan điểm của C45 là tiếp tục điều tra mở rộng, xử lý triệt để hành vi phạm tội của các cá nhân tham gia cá độ, mua bán, dàn xếp tỷ số bóng đá" - Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến khẳng định và cho biết, ngay sau khi thu thập đầy đủ thông tin, ông đã trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và thống nhất xử lý nghiêm, cho dù kết quả giải V-League có đi đến kết cục không đẹp, vì sự trong sạch của nền bóng đá nước nhà.

Trước mắt, CQĐT sẽ khởi tố vụ án "tổ chức đánh bạc và đánh bạc", khởi tố các bị can về các tội danh trên. Tuy nhiên, tùy theo hành vi của từng đối tượng, cơ quan điều tra sẽ xem xét khởi tố một số cầu thủ về hành vi  đưa hối lộ và nhận hối lộ.

Theo phân tích của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, sở dĩ CQĐT xem xét khởi tố về tội danh này bởi nhóm cầu thủ còn lại tại Đồng Nai bị Phạm Hữu Phát là đội trưởng lôi kéo, tổ chức bán độ, dàn xếp tỉ số. Như vậy  có thể hiểu là Phát đã "đưa hối lộ", còn các cầu thủ đã "nhận hối lộ" để đồng ý bán độ với tỉ số dàn xếp.

Thống kê của Cục C45, trong kỳ World Cup vừa qua, các đơn vị công an của 53 tỉnh, thành trên toàn quốc đã tiến hành bắt giữ, xử lý 658 vụ với 3.777 đối tượng tham gia cá độ, tổng số tiền thu giữ 14 tỉ 244 triệu đồng, 81.821 USD, 10 ôtô, 285 xe máy, 244 máy tính, 919 điện thoại di động, phong tỏa hàng trăm tài khoản ngân hàng. Số  tiền các đối tượng sử dụng rất lớn, thông qua các tài khoản, lên tới hàng nghìn tỉ đồng.

So với World Cup 2010, số vụ cá độ bắt giữ tăng 284 vụ tương đương 37%, số đối tượng bị bắt tăng 1.562 đối tượng bằng 41%.

Tuy nhiên CQĐT cần phải xem xét, điều tra thêm trước khi định tội danh cụ thể với các cầu thủ này và không dừng lại ở các cầu thủ của Đồng Nai. Riêng với trường hợp Nguyễn Đình Hiệp, cầu thủ của CLB ĐTLA, CQĐT đã triệu tập để xem xét về hành vi "đánh bạc". Bước đầu xác định cầu thủ này có tham gia đánh bạc trên mạng Internet thông qua hệ thống trang mạng của nhóm nghi phạm Trần Văn Ba, Nguyễn Phúc Thuận.

"Vòng giải sắp kết thúc, do đó CQĐT sẽ sớm kết luận vụ việc để giúp cho công tác tổng kết giải, làm rõ ngoài trận đấu giữa Đồng Nai và Than Quảng Ninh, liệu còn có trận đấu nào  khác đã bị các đối tượng dàn xếp, mua bán tỉ số hay không" - Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho biết.

Nhận định về những hành vi tiêu cực liên quan đến cá độ, bán độ trong bóng đá, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho rằng, thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã có quá nhiều tai tiếng. Bỏ tiền ra mua vé để ủng hộ, cổ vũ cho bóng đá  nước nhà nhưng các khán giả yêu thể thao đã bị  các đối tượng xấu, cầu thủ xấu lừa dối bằng hành vi mua bán độ, có tính chất phi thể thao.

"Đây là hậu quả của việc một số cầu thủ không được giáo dục đạo đức nghề nghiệp và như vậy rất nguy hiểm vì chỉ cần một cầu thủ trên sân có hành vi tiêu cực tự mình bán tỉ số các trận cũng có thể xảy ra mà chúng ta không kiểm soát được".

Nói về phương thức dàn xếp tỉ số, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến cho hay, từ vụ 9 cầu thủ Ninh Bình tham gia cá độ trận đấu giữa V.Ninh Bình và Kelantan (Malaysia) trong khuôn khổ vòng đấu bảng AFC Cup cho đến vụ việc 6 cầu thủ đội Đồng Nai bán độ lần này cho thấy thủ đoạn mới của các đối tượng tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá.

Nếu như trước đây, việc dàn xếp tỉ số để mua bán độ diễn ra giữa các đội bóng, nghĩa là 2 đội "bắt tay nhau" định đoạt kết quả trận đấu thì hiện nay, số cầu thủ tham gia bán độ chủ động dàn xếp tỉ số mà không cần sự hợp tác của đối phương. Do đó, các đối tượng cá độ thường nhằm vào các vị trí  chủ chốt trong đội bóng để mua chuộc. Mức độ quan trọng của các vị trí này được xếp theo thứ tự: thủ môn, hậu vệ, tiền vệ và tiền đạo. Vì vậy, khả năng có đội bóng không hề biết trận đấu đã bị bên kia bán độ

PV
.
.