Các đường dây buôn lậu vũ khí quốc tế tại Iraq

Thứ Sáu, 29/08/2008, 14:35
Vào ngày 12/5/2008, dưới sự chỉ huy của thẩm phán chống mafia Dario Razzi, Cảnh sát Italia tiến hành bắt giữ Massimo Bettinotti, Gianluca Squarzolo, Ernete Moretti và Serafino Rossi, đều là công dân Italia vì có liên quan đến một đường dây buôn lậu vũ khí lớn từ châu Âu vào Iraq.

Vụ bắt giữ đồng loạt này cũng là phần cuối của một chuyên án kéo dài từ năm 2007 đến 2008 khi cảnh sát phát hiện trong hành lý của Squarzolo một lô hàng mẫu liên quan đến một phi vụ buôn bán vũ khí khi tên này chuẩn bị đáp máy bay từ thành phố Perugia của Italia đến đảo Chypre vào ngày 7/11/2007.

Cho rằng đây có thể là hoạt động buôn lậu vũ khí quốc tế của mafia Italia nên Bộ Nội vụ Italia quyết định mở chuyên án Parabellum do thẩm phán Dario Razzi chỉ huy.

Bằng việc nghe lén các cuộc điện đàm và bí mật kiểm tra thư điện tử, các nhân viên điều tra đã lần ra dấu vết của một nhóm doanh nhân người Italia buôn bán vũ khí bất hợp pháp tại Iraq thông qua các công ty nước ngoài mà họ thiết lập tại đảo quốc Malte và Chypre.

Manh mối đầu tiên là một hợp đồng buôn bán vũ khí trị giá đến 40 triệu USD với số lượng lên đến 100.000 khẩu tiểu liên AK-47 và 10.000 súng máy, giữa Công ty Al-Handal General Trading có văn phòng đặt tại thủ đô Baghdad của Iraq và Công ty MIR có văn phòng đặt tại đảo Chypre và do Bettinotti làm chủ.

Cũng trong chuyên án Parabellum, Cảnh sát Italia còn phát hiện một đường dây buôn lậu thứ hai gồm 50.000 súng tiểu liên AKM, phiên bản mới nhất của súng tiểu liên AK-47 cùng 5.000 súng máy PKM, có tổng giá trị 25 triệu USD, từ Bulgaria đến Iraq cũng thông qua Công ty MIR của Bettinotti.

Trước việc Iraq trở thành tâm điểm của nạn buôn lậu vũ khí quốc tế hiện nay, chính quyền Mỹ mà đại diện là Bộ Chỉ huy An ninh Liên quân tại Iraq (MNSTC-I) thừa nhận là chính quyền Iraq và quân đội Mỹ đã không còn kiểm soát được tình hình sử dụng vũ khí tại Iraq.

Theo đánh giá của tạp chí Global Security, tại Iraq hiện nay đang lưu hành bất hợp pháp 500.000 vũ khí các loại, trong đó chỉ có chừng 190.000 vũ khí của quân đội thuộc chính quyền Saddam Hussein trước đây bị biến mất khỏi các kho vũ khí khi quân Mỹ tấn công Iraq vào năm 2003. Số còn lại chắc chắn là từ các nguồn buôn lậu khác nhau. Việc không kiểm soát được lượng lớn vũ khí lưu hành bất hợp pháp đã biến Iraq thành một trong những địa điểm nguy hiểm nhất thế giới hiện nay.

Tại Iraq, trung bình mỗi ngày xảy ra hàng chục vụ chạm súng khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương, trong đó phần lớn do việc sử dụng vũ khí quân dụng tấn công vào lực lượng cảnh sát, quân đội của chính quyền Iraq và cả quân đội chiếm đóng của các tổ chức kháng chiến và của các tổ chức tội phạm gây ra.

Trong khi chính quyền Mỹ và chính quyền Iraq cho rằng chính các tổ chức kháng chiến, các tổ chức dân binh của các cộng đồng sắc tộc đã mua lậu một số lượng lớn vũ khí từ các quốc gia lân cận như Iran, Syria để tiến hành các vụ tấn công gây bất ổn tình hình an ninh của Iraq thì Bộ Nội vụ Iraq, các nhà thầu nước ngoài cung cấp dịch vụ an ninh tại Iraq và cả binh lính liên quân lại bị tố cáo là có liên quan đến nạn buôn lậu vũ khí tại Iraq hiện nay.

Các cuộc điều tra của chuyên án Parabellum đã tìm thấy chứng cớ có sự hậu thuẫn của Bộ Nội vụ Iraq đối với Công ty Al-Handal trong thương vụ mua bán bất hợp pháp 100.000 khẩu tiểu liên AK-47 và 10.000 súng máy của ông trùm Bettinotti. Trong nội dung một số thư điện tử trao đổi giữa Công ty Al-Handal và Bettinotti, được các nhân viên điều tra của chuyên án Parabellum kiểm tra, Công ty Al-Handal nhấn mạnh việc mua bán này đã được Bộ Nội vụ Iraq và các quan chức MNSTC-I chấp thuận. Thậm chí, một quan chức của Công ty Al-Handal còn nhấn mạnh là số vũ khí buôn lậu này được đặt mua để trang bị cho lực lượng an ninh Iraq.

Tham gia các hoạt động buôn lậu vũ khí tại Iraq còn có Blackwater, nhà thầu cung cấp dịch vụ an ninh lớn nhất của Mỹ tại Iraq, hiện đang bị Bộ Tư pháp Mỹ điều tra vì có liên quan đến việc buôn lậu vũ khí tại quốc gia Vùng Vịnh này.

Vũ khí được binh lính Anh cất giấu bất hợp pháp bị tịch thu.

Sự việc xảy ra từ tháng 7/2007 phát xuất từ việc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Mỹ khi quân đội của quốc gia này thu giữ được vũ khí do Mỹ sản xuất từ quân nổi dậy thuộc đảng Công nhân người Kurd (PKK) tiến hành các cuộc tấn công vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ từ miền Bắc Iraq. Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp số sêri của các vũ khí bị tịch thu cho các nhà điều tra Mỹ.

Từ đó việc Công ty Blackwater buôn lậu vũ khí vào Iraq mới bị phát hiện. Số vũ khí này sau khi nhập vào Iraq đã được tuồn ra chợ đen và cuối cùng rơi vào tay dân quân PKK ở miền Bắc Iraq.

Cho đến tháng 7/2008, Văn phòng chưởng lý của Bộ Tư pháp ở thành phố Raleight, bang Bắc Carolina, Mỹ, nơi đặt trụ sở chính của Công ty Blackwater, cho biết đã có được chứng cứ buộc tội các nhân viên của Công ty Blackwater dính líu đến nhiều vụ buôn lậu vũ khí vào Iraq.

Tham gia vào hoạt động buôn lậu vũ khí tại Iraq còn có binh lính liên quân mà cụ thể là binh lính Anh. Vào tháng 1/2008, dựa theo thông tin đăng tải trên một số phương tiện truyền thông ở Anh về tình trạng buôn lậu vũ khí của binh lính Anh tại Iraq, Bộ Quốc phòng Anh đã triển khai một nhóm điều tra tại Iraq và phát hiện tại một số căn cứ quân sự của Anh ở miền Nam Iraq nhiều loại vũ khí thu giữ của quân kháng chiến, của các băng nhóm dân binh vũ trang được binh lính Anh cất giấu để tuồn bán lậu ra ngoài chợ đen

Văn Hòa (theo Global Security)
.
.