Các nước khối EU: Tuyên chiến với người nhập cư lậu

Thứ Ba, 17/08/2010, 06:30
Hàng ngàn người Afghanistan và Pakistan nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu có thể sẽ bị ảnh hưởng bởi bước đi mới của EU, trong nỗ lực muốn thắt chặt việc hợp tác với các quốc gia mà người nhập cư lậu thường chọn làm địa điểm trung chuyển chính. Ủy ban châu Âu đã đàm phán một thỏa thuận với Pakistan về chuẩn hóa trình tự trục xuất người nhập cư lậu từ Pakistan vào 27 quốc gia trong khối EU.

Đối tượng điều chỉnh cũng gồm cả người nhập cư Afghanistan đi qua ngả Pakistan.

Nước Anh là một trong những quốc gia có cộng đồng người Pakistan lớn nhất bên ngoài lãnh thổ Pakistan, đã đồng tình tham gia thỏa thuận này dù London trước đó đã có thỏa thuận nhập cư song phương với Islamabad. Tuy nhiên, thỏa thuận của EU hiện vẫn đang được nghiên cứu tại Quốc hội châu Âu và sẽ được cơ quan này đem ra biểu quyết trong tháng 9 tới đây.

Một số nghị sĩ EU và những nhà vận động về nhân quyền muốn có điều khoản rõ ràng trong thỏa thuận nhằm đảm bảo việc đối xử công bằng, thỏa đáng cho những người nhập cư bị trục xuất một khi họ trở về Pakistan.

Tôn trọng quyền con người

Thỏa thuận mới đã gây tranh cãi, bởi Pakistan gặp khó khăn trong việc thu xếp ổn thỏa cho hàng trăm ngàn người tị nạn Afghanistan và người Pakistan bị ly tán do cuộc giao tranh với Taliban. Một số nghị sĩ EU cũng nêu vấn đề là Pakistan chưa phê chuẩn Công ước 1951 của Liên Hiệp Quốc về quy chế người tị nạn, là thỏa thuận quốc tế quan trọng xác định các quyền của người tị nạn.

Mối lo sợ về các cuộc tấn công của Al-Qaeda và Taliban lan ra toàn  châu Âu - giống như các vụ đánh bom tự sát tại London hồi năm 2005 - đã khiến EU đẩy mạnh việc xác định người nhập cư bất hợp pháp trong khu vực. Ủy ban châu Âu nói rằng, các thỏa thuận nhận lại người là "hoàn toàn tôn trọng quyền con người và các quyền tự do cơ bản", bất kể các mối quan ngại về an ninh là gì.

Nước Anh đã tham gia vào toàn bộ 11 thỏa thuận nhận lại người của EU hiện đang có hiệu lực. Các thỏa thuận này áp dụng với Nga, Sri Lanka, Hongkong, Macau, Ukraina, Albania, Macedonia, Serbia, Montenegro, Bosnia-Hercegovina và Moldova. Mục đích ban đầu là nhằm ngăn chặn dòng người nhập cư bất hợp pháp từ vùng Balkan đổ vào. “Cây gậy” của EU được cân bằng với “củ cà rốt” từ phía chính phủ các nước ở vùng Balkan: hướng tới việc được hưởng quyền thành viên EU và được dỡ bỏ các hạn chế về visa.

Dòng người từ châu Á

Hiện EU đang đàm phán về các thỏa thuận tương tự với một số nước như Trung Quốc, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ - toàn bộ các khu vực gây đau đầu về việc có dòng người nhập cư bất hợp pháp đổ vào châu Âu. Thỏa thuận với Pakistan được đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trung hữu ủng hộ - đây là đảng phái lớn nhất trong Quốc hội châu Âu. Nghị sĩ châu Âu của Hà Lan, Wim van de Camp thuộc EPP nói những thỏa thuận bao trùm EU như vậy có tác dụng như một "tín hiệu" với các nước ngoài khối EU, buộc các nước đó phải chịu trách nhiệm về các công dân của mình.

Nhưng nghị sĩ EU của Anh thuộc đảng Lao động Claude Moraes lại bác bỏ thỏa thuận nhận người của Pakistan với các nội dung hiện thời, có cùng quan điểm như các nghị sĩ khác thuộc đảng Xã hội và Dân chủ (S&D) trung tả và đảng Xanh. Với Hiệp ước Lisbon, lần đầu tiên Quốc hội EU sẽ có quyền phủ quyết thỏa thuận này và các thỏa thuận nhận người khác.

"Thiên đường nước Anh"

Từ hàng chục năm nay, nước Anh luôn coi chuyện nhập cư là chuyện của từng quốc gia, không phải việc của cả khối EU. Anh đến nay vẫn đứng ngoài EU trong vấn đề tư pháp và nội vụ. Nhưng Anh lại như thỏi nam châm đối với dân nhập cư từ các nước nói tiếng Anh, gồm cả các nước vùng Nam Á, và giới chức Anh muốn đẩy lui dòng người nhập cư bất hợp pháp di chuyển trong châu Âu.

Các khu lều trại tạm dơ bẩn, hôi thối mọc lên dọc khu vực eo biển Manche giữa Anh và Pháp sau khi giới chức Pháp đóng cửa trung tâm Chữ thập Đỏ tại Sangatte năm 2002. Nguyên tắc cơ bản của công pháp quốc tế là người tị nạn không thể bị gửi trả về những nơi mà tính mạng hoặc quyền tự do của họ có thể bị đe dọa (tiếng Anh là non-refoulement). Cao ủy Người tị nạn của Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tỏ ý quan ngại rằng, thỏa thuận hiện thời giữa EU và Pakistan không đủ đảm bảo tôn trọng nguyên tắc "non-refoulement".

Các số liệu chính thức của Eurostat cho thấy có 15.575 người Pakistan hiện diện bất hợp pháp tại EU trong năm 2009, trong đó có 4.605 người bị gửi về sau khi có lệnh trục xuất.

Con số về người Afghanistan là 50.720 đối tượng sống bất hợp pháp và 6.715 bị trả về trong năm 2009. Các số liệu trên đều cao hơn so với năm 2008, tuy người ta vẫn chưa tính đến số người nhập cư lậu chưa bị phát hiện.

Nhiều người nhập cư từ châu Phi, Trung Quốc và các nước thuộc Liên Xô cũ cũng vào EU bất hợp pháp. Chỉ riêng tại Anh, số người Afghanistan bị trục xuất trong năm 2009 là 1.180 và số người Pakistan là 2.640. Phát ngôn viên của Bộ Nội vụ Anh nói: "Ưu thế của việc EU áp dụng cách tiếp cận chung là toàn bộ các quốc gia thành viên sẽ phải tuân thủ các tiêu chuẩn chung ở mức đòi hỏi cao, thay vì theo đuổi 27 thỏa thuận song phương riêng rẽ (với các mức tiêu chuẩn và chi tiết khác nhau).

Tổ chức nhân quyền Amnesty International đặc biệt quan ngại về các thỏa thuận song phương giữa Italia với Hy Lạp và Libya, theo đó Italia "nhanh chóng trao trả mà không xét tới các nhu cầu của người nhập cư", Anneliese Baldacchini của Amnesty International nói. Nhưng bà Baldaccini, một chuyên gia về nhập cư, cũng chỉ trích thỏa thuận EU - Pakistan. Bà nói Pakistan vốn đã bị gánh nặng về người nhập cư rồi và việc trao trả này thế nào cũng không duy trì được dài lâu. Bà nói rằng những người bị trả về có nguy cơ "sẽ lại rơi vào vòng xoáy nhập cư mới, họ sẽ tìm cách đi vào một quốc gia khác"

Lệ Đào (Tổng hợp)
.
.