Cái chết bí ẩn của điệp viên Selmer Nilsen

Thứ Sáu, 27/06/2008, 16:00
Sáng sớm ngày 17/6/1991, một ngư dân phát hiện tại vịnh Bahfjord gần thành phố Finnmark ở Đông Bắc Na Uy xác một người đàn ông, liền báo tin cho cảnh sát. Kiểm tra của cảnh sát xác định nạn nhân tên Selmer Nilsen, 60 tuổi, vừa mãn hạn tù chỉ cách đó 3 ngày sau 15 năm bị giam giữ về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô.

Kết luận điều tra của cảnh sát cho biết nạn nhân chết đuối, có thể gặp nạn khi bơi lội tại vùng biển Bahfjord, nhưng không loại trừ khả năng nạn nhân tự tử.

Tuy nhiên, những người thân và cả phần lớn cư dân thành phố nhỏ Finnmark đều không cho là nạn nhân đã chết đuối vì Nilsen là một người bơi lội rất giỏi. Nilsen cũng không thể tự tử vì sau 15 năm ngồi tù về tội làm điệp viên nội gián, ông ta rất tha thiết được trả tự do để sum họp với gia đình.

Người thân và bạn bè cho biết Nilsen không có bất cứ dấu hiệu trầm cảm, chán đời hay lo sợ sau khi được trả tự do. Vậy đâu là sự thật về cái chết bí ẩn của điệp viên nội gián Selmer Nilsen?

Selmer Nilsen sinh ngày 24/2/1931 tại thành phố cực Bắc Na Uy Finnmark trong một gia đình ngư dân có ông, cha và nhiều người thân là đảng viên đảng Cộng sản Na Uy. Vài người trong số họ là cộng tác viên và làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô.Là một người hiếu động, Nilsen theo cha hành nghề đánh cá khi còn rất trẻ, vì vậy Nilsen bơi lội rất giỏi, từng đoạt nhiều giải thi đấu bơi lội cấp  tỉnh và thành phố.

Năm 1949, một năm sau khi tốt nghiệp trung học, Nilsen được tình báo Liên Xô tuyển dụng và được bí mật đưa đến thành phố Sverdlosk của Liên Xô để huấn luyện nghiệp vụ điệp báo.

Đầu thập niên 50 của thế kỷ XX, vào giai đoạn đầu của Chiến tranh lạnh, Mỹ và Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã giúp Na Uy xây dựng tại thành phố Bodo ở Cực Bắc Na Uy một căn cứ không quân chiến lược có mã hiệu CAOC3. Đây là nơi xuất phát các chuyến bay do thám bằng máy bay phản lực RB-47 và sau đó là Lockheed U-2 của tình báo Mỹ để theo dõi các hoạt động quân sự, chụp hình các căn cứ bí mật của Liên Xô.

Và Nilsen được huấn luyện nghiệp vụ ghi nhận, theo dõi các chuyến bay do thám Liên Xô xuất phát từ căn cứ Bodo để chuyển giao cho tình báo Liên Xô bằng các điện văn được mã hóa.

Tháng 6/1950, Nilsen mang mật danh "Lena" bí mật từ Liên Xô quay về lại Na Uy để thi hành nhiệm vụ của một điệp viên nội gián. Để tạo điều kiện cho Nilsen hoạt động, tình báo Liên Xô đã sắm cho điệp viên nội gián này một chiếc tàu đánh cá nhỏ trên đó có lắp đặt các thiết bị điện đài hiện đại được ngụy trang ở nhiều bộ phận khác nhau của tàu.

Do Bodo là căn cứ không quân nằm sát bờ biển nên phần lớn thời gian hoạt động nội gián của Nilsen đều diễn ra trên chiếc tàu đánh cá của mình. Trong trường hợp không ra biển được, Nilsen tiến hành theo dõi các chuyến bay do thám xuất phát từ căn cứ Bodo tại các mỏm núi sát biển.

Hoạt động nội gián của Nilsen được giữ bí mật hoàn toàn đến nỗi người thân và cư dân thành phố Finnmark cùng cảnh sát đều không nghi ngờ. Đầu năm 1960, khi Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) bắt đầu cho triển khai các chuyến bay do thám trên vùng trời tây bắc Liên Xô để phát hiện các căn cứ quân sự bí mật bằng máy bay do thám U-2 chuyển từ căn cứ không quân Badaber ở Tây Đức đến căn cứ không quân Bodo ở Na Uy, Nilsen được lệnh theo dõi đến chi tiết hoạt động của loại máy bay này như ngày, giờ, phút xuất phát và quay về lại căn cứ Bodo, số lượng máy bay U-2 thi hành nhiệm vụ... tất cả những thông tin này đều được Nilsen mã hóa rồi chuyển ngay đến trạm của tình báo Liên Xô tại thành phố Sverdlosk.

Vào ngày 1/5/1960, qua thông tin được cấp báo của Nilsen cho tình báo Liên Xô, phòng không Liên Xô đã sử dụng tên lửa SA-2 bắn hạ 1 chiếc máy bay U-2 hoạt động do thám trên vùng trời thành phố Degtyark ở vùng Ural của Liên Xô. Gary Powers, viên phi công lái chiếc U-2 kịp thời nhảy dù thoát thân nhưng đã bị bắt sống. Sự kiện này đã gây thêm căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã căng thẳng quá mức giữa Mỹ và Liên Xô.

Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, với việc Mỹ đưa vào sử dụng các vệ tinh do thám và các dàn radar có thể ghi nhận hàng chục ngàn cuộc điện đàm, chuyển giao thông tin bằng thiết bị truyền tin vô tuyến, công việc thu thập và chuyển giao thông tin của Nilsen cũng gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm hơn. Tuy đã được tình báo Liên Xô cảnh báo nhưng Nilsen vẫn để sai sót xảy ra và điệp viên nội gián này phải trả giá.

Vào tháng 3/1976, một tàu tuần tra của Hải quân NATO đã bất ngờ chặn kiểm tra chiếc tàu đánh cá của Nilsen tại vùng biển chỉ cách căn cứ Bodo chừng 6km. Cuộc lục soát không chỉ phát hiện điện đài mà còn thu giữ cả bảng mật mã mà Nilsen sử dụng để cài mã trước khi gửi thông tin bằng thiết bị truyền tin vô tuyến cho tình báo Liên Xô. Không khó để các chuyên viên phản gián của NATO giải mã các mã khóa.

Bị bắt giữ, đến ngày 21/6/1976, Nilsen bị tuyên phạt 15 năm tù giam mà không được xét giảm án về tội làm điệp viên nội gián cho tình báo Liên Xô. Vào ngày 14/6/1991, Nilsen mãn hạn tù và được trả tự do, nhưng chỉ 3 ngày sau đó người ta phát hiện xác của Nilsen trôi tại vùng vịnh Bahfjord.

Cái chết của Nilsen không chỉ gây xôn xao trong cư dân thành phố Finnmark mà còn khiến dư luận Na Uy quan tâm với nhiều giả thuyết nghi vấn, mà đỉnh điểm là vào năm 1994, khi kênh truyền hình NRK của Na Uy cho công bố một phóng sự điều tra công phu và lôgíc trong đó quy trách nhiệm cho CIA đã tổ chức giết hại Nilsen rồi ngụy tạo thành một vụ tử nạn.

NRO tiết lộ CIA đã buộc tội Nilsen có liên quan đến vụ chiếc máy bay U-2 bị bắn rơi tại Liên Xô vào ngày 1/5/1960 khi chuyển giao thông tin về thời điểm cất cánh và hướng bay của chiếc máy bay này cho tình báo Liên Xô. Một cái bẫy phòng không đã được giăng sẵn tại thành phố Degtyark và kết quả là chiếc U-2 đã bị bắn hạ bằng một tên lửa SA-2. Vì vậy, CIA đã tổ chức theo dõi Nilsen sau khi được trả tự do rồi ra tay giết hại, bí mật đưa xác đến vùng vịnh Bahfjord để phi tang.

Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, phóng sự điều tra này của NRO không được phát sóng. Và phải đợi đến năm 2007 thì phóng sự điều tra này mới được phát sóng và liền gây phản ứng trong dư luận.

Do không có thông tin cải chính từ chính quyền Na Uy và nhất là từ phía Mỹ nên người dân Na Uy tin rằng cái chết của điệp viên nội gián Selmer Nilsen là do tình báo Mỹ gây ra

Văn Hòa (Theo Spy Eyes)
.
.