Cái chết bí ẩn của một nhân viên mật vụ Anh

Thứ Bảy, 11/09/2010, 07:15
Cơ quan Cảnh sát Scotland-Yard của Anh đang ráo riết điều tra một vụ án mạng, được đánh giá có nhiều khả năng trở thành một trong những vụ án gián điệp ầm ĩ nhất trong vài năm gần đây.

Mọi chuyện bắt đầu từ khi thi thể của một nhân viên tình báo Anh được phát hiện tại một căn hộ ở trung tâm London. Những tình tiết về cái chết của nạn nhân chưa được làm rõ, nhưng Scotland dường như đang cố gắng chứng minh rằng, vụ sát hại anh ta không liên quan gì tới "chuyên môn" của điệp viên này…

Ngày 23/8/2010, cảnh sát tới căn hộ tại London của nạn nhân, sau khi được đồng nghiệp thông báo: Gareth Williams, 31 tuổi đã không có mặt tại nơi làm việc trong một thời gian dài đáng ngờ. Tại đây, các nhân viên cảnh sát phát hiện xác của Williams trong phòng tắm, được nhét vào trong một chiếc túi xách thể thao lớn. Các kết quả giám định ban đầu cho thấy, vụ án mạng đã xảy ra từ hai tuần trước khi cảnh sát đặt chân tới đây.

Những giả thuyết về công việc của nạn nhân Williams - được đăng trên hai tờ The Guardian và The Daily Mail - đã được xác nhận: công việc của anh ta có liên quan đến Cơ quan Mật vụ Anh (MI-6) và Cơ quan Thông tin chính phủ (GCHQ)  của Anh.

Đến ngày 25/8, các nhà chức trách mới chính thức thừa nhận, Gareth Williams là nhân viên của GCHQ - một cơ quan mật vụ của Anh chuyên hoạt động trong lĩnh vực tình báo điện tử - trên cương vị một chuyên gia về mật mã.

Tại London, công việc của Williams cũng liên quan nhiều đến hoạt động của MI-6, do cơ quan này thường xuyên nhờ tới sự giúp đỡ của các nhân viên trong GCHQ.

Chuyên gia mật mã này có nhiệm vụ giám sát mạng Echelon, bao gồm một hệ thống các vệ tinh và siêu máy tính tại Anh và Mỹ được sử dụng để thu thập các thông tin tình báo điện tử trên toàn cầu. Chính vì vậy, Williams từng được mời tới làm việc tại cơ sở nghe trộm thông tin của MI-6 tại Afghanistan để giúp bẻ khóa các thông điệp liên lạc của Taliban, cũng như từng tác nghiệp tại  Fort Meade, trụ sở của Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA).

Theo một số nguồn tin, Williams là thành viên một nhóm các chuyên gia mật mã hàng đầu, được giao trọng trách cải tiến hệ thống Echelon đã 40 năm tuổi để có thể thích ứng với các dạng giao tiếp điện tử hiện đại ngày nay. Anh ta còn có nhiệm vụ nghiên cứu phương pháp mới giúp các cơ quan mật vụ có thể giám sát những cuộc gọi điện thoại qua Internet theo thể thức VOIP, hiện đang được những tên khủng bố hay các gián điệp nước ngoài thường xuyên sử dụng. 

Những điều tra ban đầu của báo chí cho biết, Williams bắt đầu làm việc tại GCHQ từ năm 2001. Bà chủ căn hộ của Williams tại Cheltenham (là nơi có trụ sở của GCHQ) cho biết, anh ta đã thuê căn hộ của bà ta trong 10 năm, trước khi chuyển tới London.  Ngay cả họ hàng của Williams cũng không biết gì về công việc thật của Williams, chính xác hơn theo như lời một người thân là "họ đã biết là tốt nhất không nên hỏi". Những hàng xóm tại London cũng nhận xét về sự kín tiếng của nạn nhân.

Theo họ, căn hộ của Williams (nằm cách trụ sở MI-6 có vài khu phố) luôn được đóng kín cửa sổ. Hơn nữa, phần lớn những người hàng xóm đều cho rằng, người đàn ông trên đang làm việc tại thành phố khác, và chỉ quay về đây vào những ngày nghỉ. Đó cũng là lý do khiến cảnh sát nhận được thông báo về sự vắng mặt đáng ngờ của Williams từ phía các đồng nghiệp, chứ không phải từ hàng xóm.

Trụ sở của GCHQ.

Cảnh sát hiện vẫn chưa thể tái tạo lại chính xác những tình tiết của án mạng. Ban đầu, có thông báo rằng Williams bị chết do dao đâm, nhưng thông tin trên về sau không được xác nhận. Có giả thuyết khác cho rằng, điệp viên trên đã bị siết cổ đến chết. 

Việc điều tra vụ án mạng trên đang do các nhân viên từ Ban án mạng và những tội ác đặc biệt nghiêm trọng của Scotland-Yard đảm nhiệm. Đó cũng là lý do khiến giới báo chí cho rằng, vụ án được nhìn nhận trên cơ sở không dính dáng tới đặc trưng nghề nghiệp của Williams, vì nếu không, công việc trên có thể đã được giao cho phía cơ quan mật vụ.  Nhưng thực tế cũng có một vài yếu tố khiến cho vụ án mạng mang nhiều tình tiết bí ẩn.

Vấn đề được tranh luận nhiều nhất là liệu những kẻ sát hại Williams có thể tiếp cận được với những thông tin mật không. Theo một số nguồn tin, điệp viên bị sát hại này thường mang tài liệu về nhà để làm, nên không loại trừ khả năng máy tính hay điện thoại của anh ta có chứa những thông tin mật. Các điều tra viên hiện đang cố gắng xây dựng một danh sách những đồ vật có thể bị lấy đi khỏi nhà của nạn nhân.

Ngoài ra cũng theo báo chí Anh, hiện trường vụ án cũng có một tình tiết khá lạ lùng - bên cạnh thi thể của Williams có chiếc điện thoại di động của anh ta, cùng với một loạt những chiếc SIM card. Những chiếc SIM này được sắp xếp theo một trình tự nhất định, khiến các điều tra viên không khỏi phỏng đoán về một vụ sát nhân mang tính chất nghi lễ nào đó.

Đã có giả thuyết cho rằng, Williams có thể bị sát hại bởi các thành viên của một tổ chức tội phạm chuyên cung cấp các dịch vụ tình dục trái phép. Nghiên cứu thông tin trong các SIM card, cảnh sát đã phát hiện số điện thoại của nhiều dịch vụ chuyên cung cấp gái gọi.

Thi thể của Gareth Williams được đưa ra khỏi hiện trường.

Tờ The Daily Telegraph lại đưa ra một giả thuyết khác về việc điệp viên Williams bị người tình của mình sát hại sau một trận cãi vã nào đó. Nhưng hàng xóm lại cho biết, họ hầu như không bao giờ thấy Williams có người quen hay bạn bè ghé thăm. Còn một chi tiết đáng chú ý nữa là MI-6 đang sở hữu một số lượng đáng kể những căn hộ nằm gần với trụ sở của mình, mà căn hộ của Williams rất có thể là một "phòng làm việc trá hình" của cơ quan mật vụ trên.

Các bước điều tra còn phát hiện thêm một tình tiết bí ẩn nữa, khi có tới 18 ngàn bảng trong một tài khoản ngân hàng của Williams đã biến mất từ 2 tháng trước đó, mà chưa thể lần ra dấu vết. Bước ngoặt này lại là cơ sở của một giả thuyết cho rằng, Williams đã bán thông tin mật cho một kẻ nào đó, nên đã tìm cách che giấu tiền bạc của mình, rất có thể là đã chuyển ra nước ngoài.

Dù có rất nhiều giả thuyết được đưa ra, nhưng cho tới thời điểm hiện tại, tất cả chủ yếu được xây dựng trên cơ sở phỏng đoán. Nhiều khả năng, vụ sát hại điệp viên Gareth Williams có thể được xếp vào danh sách những vụ bê bối về gián điệp lớn nhất nước Anh, tương tự như vụ của Anna Chapman mới đây, hay vụ đầu độc cựu nhân viên KGB Alexender Litvinenko hồi năm 2006

Thái Quân (tổng hợp)
.
.