Canh bạc phiêu lưu của Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Tư, 02/12/2015, 16:40
Theo dõi diễn biến sự kiện máy bay tiêm kích F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay ném bom Su-24 của Nga hôm 24-11 với nhiều thông tin đầy kịch tính và mâu thuẫn của các bên có liên quan đưa ra, có thể rút ra nhận định rằng trong câu chuyện này ẩn giấu một canh bạc phiêu lưu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Trung Đông.

Vụ này còn làm lộ ra nhiều vấn đề thâm sâu trong cuộc chiến chống IS, trong đó câu hỏi lâu nay chưa ai trả lời được "Ai đã tiêu thụ dầu lậu cho IS?" nay đã dần lộ ra đáp án: Thổ Nhĩ Kỳ và những thế lực chống lại ông Bashar al-Assad đã ngầm tiếp tay cho IS thông qua việc buôn bán, tiêu thụ dầu mỏ lậu do IS khai thác trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Iraq và Syria.

Sự toan tính của ông Erdogan

Cuộc khủng hoảng Syria mà đỉnh điểm là cuộc chiến chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là hậu quả thực hiện Chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ nhằm "vẽ lại bản đồ" một vòng cung địa - chính trị rộng lớn kéo dài từ Châu Phi qua Trung Đông, Trung Nam Á. Theo chiến lược này, Mỹ sẽ xóa sổ nhiều quốc gia ở khu vực này và hình thành các quốc gia mới.

Điều đáng chú ý là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan, là đồng tác giả của phiên bản Chiến lược Đại  Trung Đông được Tổng thống G.W.Bush công bố vào tháng 6-2004 tại Hội nghị thượng đỉnh G-8 được tổ chức ở Mỹ. Sở dĩ Tổng thống Erdogan tích cực tham gia xây dựng Chiến lược Đại Trung Đông của Mỹ là do ông theo đuổi tham vọng tận dụng cơ hội Mỹ "vẽ lại bản đồ Trung Đông" để "vẽ lại bản đồ Thổ Nhĩ Kỳ" nhằm khôi phục "Đế chế Ottoman vĩ đại"?

Tổng thống Erdogan từng tuyên bố rằng, toàn bộ khu vực nằm giữa vùng Balkans, Caucasus và Bắc Phi là thuộc "chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ"(!?). Nắm bắt được tham vọng này của Tổng thống Erdogan, Mỹ đã sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một người lính xung kích trong cuộc "thập tự chinh" ở Trung Đông.

Ảnh lưu truyền trên Twitter chụp Bilal ăn tối cùng những người Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đại diện cho IS gặp nhau bàn bạc làm ăn.

Chính vì thế, Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia tích cực nhất và hăng hái nhất ủng hộ kế hoạch chiến lược của Mỹ sử dụng cái gọi là "các lực lượng đối lập", để lật đổ chính thể của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong hơn 4 năm qua, lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ trở thành trại huấn luyện của đủ loại chiến binh khủng bố để tung vào hoạt động ở Syria.

Nếu với Mỹ, tiêu diệt Tổng thống Syria Bashar al-Assad là vừa xóa sổ Nhà nước Syria, vừa loại bỏ được một đồng minh chiến lược của Nga ở Trung Đông, thì đối với Tổng thống Erdogan đây là cơ hội để mở rộng lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ sang một phần rộng lớn ở Syria và loại bỏ ý định của người Kurd thành lập Nhà nước Kurdistan độc lập.  

Ai tiêu thụ dầu mỏ lậu của IS?

Trong một phát biểu ngay sau khi máy bay Su-24 bị bắn rơi, Thủ tướng Dmitry Medvedev cáo buộc thẳng thừng "hành động của Thổ Nhĩ Kỳ trên thực tế là nhằm bảo vệ IS". Ngoại trưởng Nga, ông Sergei Lavrov nói thêm rằng, "hành động của Thổ Nhĩ Kỳ có vẻ như đã được toan tính trước, có kế hoạch và được tiến hành với một mục tiêu cụ thể". Đặc biệt, ông Lavrov đã chỉ ra vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc duy trì mạng lưới khủng bố IS thông qua việc mua bán dầu.

Theo Sputnik News, dầu lậu của IS thường được vận chuyển sang Thổ Nhĩ Kỳ trên tuyến đường đi qua khu vực gần nơi máy bay Su-24 của Nga bị bắn rơi, hoặc được chuyển qua khu vực người Kurd quản lý để từ đó chuyển qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Từ Thổ Nhĩ Kỳ, dầu lậu sẽ biến thành dầu chính thức, được tiêu thụ tại Thổ Nhĩ Kỳ hoặc tiếp tục được vận chuyển sang châu Âu để bán lại với giá thị trường.

Sputnik News dẫn lời ông Eldar Kasayev, thành viên Hội đồng chuyên gia của Liên đoàn Công nghiệp Dầu Nga cho biết, IS bán dầu cho Thổ Nhĩ Kỳ với giá rẻ bèo, khoảng 15 - 25 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao dịch trên thị trường vào khoảng 45 - 50 USD/thùng. Đây rõ ràng là mối làm ăn hai bên cùng có lợi: IS thu được nguồn tài chính phục vụ hoạt động khủng bố, còn những kẻ môi giới ở Thổ Nhĩ Kỳ kiếm ăn còn nhiều hơn thế. Một khi miếng ăn ấy bị ảnh hưởng do chiến dịch không kích IS của Nga, chuyện gì đến đã đến.

Chính vì vậy, Ngoại trưởng Nga Lavrov cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi Su-24 để trả đũa cho việc Nga ném bom các đoàn xe bồn chở dầu của IS làm ảnh hưởng đến mối làm ăn lớn của giới chức cấp cao ở Ankara. Đồng quan điểm với Ngoại trưởng Nga Lavrov, tướng Dominique Trinquand của Pháp cũng cho rằng, "Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ không đánh IS chút nào hết, và cũng không ngăn cản các hoạt động buôn lậu qua lại biên giới, trong đó bao gồm nhiều thứ như dầu mỏ, phosphate, bông vải, người di cư…".

Đi tìm lời đáp về những kẻ trung gian buôn bán dầu và các mặt hàng lậu khác của IS sang châu Âu và các thị trường khác trên thế giới, người ta phát hiện có nhiều thành phần trung gian khác nhau ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó chủ yếu là giới doanh nhân, và một thành phần khá quan trọng là giới chức chính quyền cấp cao ở Ankara, nhưng trên tất cả là một cái tên rất đáng chú ý: Necmettin Bilal Erdogan, con trai của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Sinh năm 1980 (hoặc 1981), Bilal là con trai thứ ba của ông Erdogan. Sau khi tốt nghiệp Trường trung học Kartal Imam Hatip năm 1999, Bilal đến Mỹ học đại học và đã lấy bằng thạc sĩ tại Trường Hành chính John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard vào năm 2004. Sau đó anh ta làm việc trong Ngân hàng Thế giới trong một thời gian ngắn rồi trở về Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2006 để khởi nghiệp kinh doanh.

Bilal tham gia góp cổ phần trong Tập đoàn vận tải hàng hải MBZ Group Deniscilik. Vài năm sau này, ngoài Tập đoàn BMZ Group, Bilal còn mở rộng thêm nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, nắm quyền sở hữu hai hải cảng quan trọng ở Beirut (Liban) và Ceyhan (Thổ Nhĩ Kỳ).

Bilal thường ký kết hợp đồng với các công ty châu Âu để vận chuyển dầu lậu từ Iraq và Syria đến các quốc gia châu Á. Dầu lậu mua từ IS được chuyển xuống các tàu chở dầu hợp pháp neo đậu tại các hải cảng Beirut và Ceyhan để từ đó vận chuyển sang thị trường tiêu thụ ở châu Á. Mối làm ăn ngày càng béo bở khi IS gia tăng hoạt động đánh chiếm lãnh thổ ở Iraq và Syria, chiếm các khu mỏ dầu và thành phố cổ.

Nguồn dầu mỏ lậu cứ chảy ào ạt qua biên giới giúp cho Bilal và nhóm các quan chức chính phủ làm môi giới "tiền vô như nước". Đôi khi Bilal cũng "lại quả" cho IS những lô xe bán tải để sử dụng cho việc vận chuyển các chiến binh hoặc dùng làm chiến xa linh hoạt.

Ngoài Bilal, các con của ông Erdogan còn có một người anh của Bilal là Burak và chị gái Bilal tên là Sumeyye. Tháng 7-2014, tạp chí International Shipping News đã thông tin cho biết Burak là chủ một doanh nghiệp vận tải hàng hải, sở hữu một đội tàu thủy gồm 10 chiếc chuyên vận tải nhiều loại hàng hóa khác nhau trong khu vực Trung Đông, trong đó một chiếc tàu chở dầu đồng sở hữu với em trai Bilal trong Tập đoàn BMZ Group mua lại của Công ty Palmali Denizcilik (Thổ Nhĩ Kỳ) và đặt tên là Mecid Aslanov.

Chiếc tàu chở dầu này bị nghi là phục vụ cho việc chuyên chở dầu lậu mua từ IS đem đi bán ở các thị trường châu Âu. Trong khi đó, người chị gái Sumeyye cũng tham gia điều hành một bệnh viện bí mật bên phần lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ giáp biên giới Syria. Nhiệm vụ của bệnh viện bí mật này là tiếp nhận những xe tải chở đầy chiến binh IS bị thương trong các trận không kích của Nga và đụng độ với quân Chính phủ Syria. Sau khi chữa trị vết thương, các chiến binh này lại được xe bán tải chở ngược trở lại các mặt trận ở Syria để tiếp tục chiến đấu.

Dư luận lại đặt câu hỏi: Liệu Tổng thống Erdogan có biết quan hệ làm ăn của các con mình với IS hay không? Không ai khẳng định, nhưng những thông tin, dữ liệu mà báo chí Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực Trung Đông nắm được đều gợi ý rằng ông Erdogan "có biết" những chuyện đó.

Bilal Erdogan và chiếc tàu chở dầu mang tên Mecid Aslanov.

Tờ International Shipping News cho biết có những đoạn ghi âm bí mật rò rỉ vào đầu năm 2014 về một cuộc trò chuyện giữa Bilal và ông Erdogan, trong đó ông Erdogan đã chỉ thị con trai "tẩu tán" hàng triệu USD tiền mặt, giao cho nhiều người thân nắm giữ. Mục đích là nhằm xóa đi bằng chứng có thể minh chứng cho hoạt động làm ăn phi pháp của các con ông.

Ông Erdogan có lý do để không tham gia đánh IS hoặc "giả vờ" đánh IS nhưng thực tế là đánh người Kurd ở vùng biên giới Đông Bắc Syria. Trong một lần phát biểu trên CNN sau khi xảy ra vụ bắn máy bay Su-24 của Nga, ông Erdogan còn không ngần ngại tuyên bố Ankara sẵn sàng tiếp viện cho những người "đồng bào" gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang chiến đấu chống Tổng thống Syria Assad và chống IS trên đất Syria. Và ông nhấn mạnh, "đó là mong muốn của tôi".

Việc ông Erdogan không đánh IS và chỉ lo lật đổ Tổng thống Assad bắt nguồn từ một sự phối hợp bí mật bất thành giữa Ngoại trưởng Pháp Alain Juppe và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi đó là Ahmet Davutoglu (nay là Thủ tướng) vào năm 2011 triển khai một "ý tưởng" tấn công Tổng thống Assad, khi đó còn thân thiện với ông Erdogan khiến Erdogan không mấy mặn mà. Sau đó, Pháp hủy bỏ kế hoạch, còn Erdogan thì tiếp tục dấn sâu vào cuộc chiến, quay sang ủng hộ IS nhằm lợi dụng lực lượng này lật đổ ông Assad.

Không chỉ mua dầu mỏ, cung cấp nguồn tài chính cho IS nuôi chiến tranh, Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp cho IS nguồn chiến binh không kém phần quan trọng. Ramazan Bagol, một chiến binh IS người Thổ Nhĩ Kỳ bị lực lượng Kurd bắt tháng 11-2015 cho biết, y được giáo phái Hồi giáo Ismailia do ông Erdogan lãnh đạo tuyển chọn, tổ chức huấn luyện ở khu vực giáp biên giới và đưa sang Syria tham gia chiến đấu hoặc hỗ trợ hậu cần cho IS.

Giới chuyên gia cho rằng, với việc lợi dụng IS để lật đổ Tổng thống Assad, ông Erdogan đang chơi trò chơi mạo hiểm, có thể gây hậu quả khó lường.

Lê Thế Mẫu - Nguyên Khang (tổng hợp)
.
.