Cảnh báo ma túy dạng mới núp bóng tem giấy, chocolate

Thứ Năm, 22/09/2016, 22:15
Sau "cỏ Mỹ", thì chocolate - cần sa, "tem giấy", "nấm thần"... đang là những dạng ma túy mới có nguồn gốc từ nước ngoài có dấu hiệu "du nhập" vào Việt Nam, là nguy cơ đối với thế hệ trẻ.

Những ngày qua, thông tin về một loại ma túy mới có tên "tem giấy" xâm nhập học đường đã gây hoang mang cho các bậc phụ huynh.

Lực lượng kỹ thuật hình sự giám định, phát hiện các loại ma túy dạng mới.

Qua tìm hiểu, được biết "tem giấy" còn gọi là "bùa lưỡi", là một miếng giấy nhỏ kích thước khoảng 0,5x0,5cm, có tẩm chất LSD  (Lysergic acid diethylamide) là chất gây ảo giác mạnh đối với người sử dụng. "Tem giấy" có nguồn gốc từ châu Âu, xuất hiện từ thập niên 70 của thế kỷ trước, được số thanh niên theo phong trào "hippy" sử dụng.

Do tính chất sử dụng không theo kiểu bầy đàn như các loại ma túy tổng hợp khác (như ma túy dạng đá, kẹo) mà sử dụng một mình có tính chất trải nghiệm, dân chơi "tem giấy" còn gọi là "trip" (một cuộc dạo chơi, sự nếm trải do ảo giác).

Trước khi sử dụng LSD, người chơi có kinh nghiệm thường phải cất hết những đồ vật nguy hiểm như dao, kéo, bật lửa... vì LSD gây ảo giác cực mạnh, gây rối loạn thị giác khiến những hình ảnh thật trở nên méo mó, nhầm lẫn về kích thước, màu sắc, khoảng cách...

Người chơi có kinh nghiệm thường nằm trên giường để thưởng thức ảo giác mang lại, quá khứ chắp nối trở về thành một câu chuyện, từ đó tạo cảm giác vui hay buồn. Tuy nhiên, khi không kiểm soát được thì LSD khiến người dùng vượt qua nỗi sợ hãi, có thể nhảy từ độ cao hàng chục mét hoặc thực hiện các hành vi phạm tội.

Loại ma túy cần sa được đóng gói dưới hình thức thanh chocolate.

Theo Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC47) Công an Hà Nội, hiện chưa phát hiện được vụ việc học sinh, sinh viên trên địa bàn Hà Nội mua bán, sử dụng loại ma túy này. Tuy nhiên, qua công tác nghiệp vụ, Công an Hà Nội cũng đã phát hiện, thu giữ loại ma túy "tem giấy" này.

Ngày 22-8,  Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra 1 đối tượng, thu 10 ô vuông bằng giấy kích thước 0,5x0,5cm được các đối tượng gọi là "tem giấy". Qua giám định tại Phòng Kỹ thuật hình sự cho thấy loại "tem giấy" này được tẩm Ketamin.

"Tem giấy" được cấu tạo như một con tem lớn, chia thành các miếng nhỏ, dễ xé, dễ sử dụng, mặt trước in nhiều hình thù, mặt sau có tẩm ma túy tổng hợp gây kích thích thần kinh trung ương. Người sử dụng chỉ việc xé "tem giấy" theo các ô nhỏ đã chia sẵn, đặt lên đầu lưỡi. Ma túy ngấm vào lưỡi nên có tác dụng gây ảo giác rất nhanh. Với cách sử dụng này nên "tem giấy" còn được dân chơi gọi là "bùa lưỡi".

Một điều tra viên Phòng PC47 cho biết, do "tem giấy" có nguồn gốc từ châu Âu nên loại ma túy này được các đối tượng rao bán chủ yếu trên mạng, thông qua các hội nhóm sử dụng ma túy trên các diễn đàn, mạng xã hội, do một số du học sinh lén lút mang về. Việc phát hiện các đối tượng sử dụng "tem giấy" cũng khó khăn hơn các loại ma túy khác do người dùng không tụ tập đông mà "chơi" kín đáo, thường dùng tại nhà riêng.

Ngoài "tem giấy" thì lực lượng phòng chống ma túy Công an Hà Nội đã phát hiện, thu giữ được một số loại ma túy dạng mới khác được ngụy trang dưới nhiều hình thức, vỏ bọc hết sức tinh vi.  Điển hình như ngày 1-8-2016, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Nam Từ Liêm kiểm tra 2 đối tượng, thu 23,132 gam ma túy (cần sa) dưới dạng các thanh chocolate.

Ma túy dạng "nấm thần" được các đối tượng rao bán trên mạng xã hội.

Ngày 29-8, Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an huyện Sóc Sơn thu giữ 30 viên ma túy dạng viên nén màu vàng hình hộp chữ  nhật, trên có in hình mũi tên và chữ "one way", 10 viên nén màu vàng hình mặt người, được xác định là ma túy tổng hợp dạng MDMA. Sau khi giám định phát hiện các loại ma túy mẫu mới trên, Phòng PC54 đã phối hợp PC47 ra thông báo  tới các đơn vị nghiệp vụ trên toàn thành phố để chủ động trong phát hiện, đấu tranh, bắt giữ xử lý tội phạm ma túy trên địa bàn.

 Thiếu tá Nguyễn Hồng Quân, Đội trưởng Đội giám định hóa học - Phòng PC54 Công an Hà Nội phân tích, các loại ma túy mẫu mới trên đều có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò đối với thanh thiếu niên nên có nguy cơ trở thành các loại ma túy học đường.

Như loại ma túy dạng thanh chocolate có tên gọi "Cannabis chocolate", về hình thức không khác gì thanh chocolate bán trên thị trường nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.

Trên vỏ hộp các thanh chocolate này còn hướng dẫn cách sử dụng như sau: Đối với người chưa quen, nên dùng ½ thanh chocolate, khoảng 1 giờ sau thì dùng tiếp phần còn lại. Lần theo tên hãng sản xuất in trên vỏ hộp chocolate - cần sa thu giữ, chúng tôi thấy loại ma túy này có nguồn gốc từ Mỹ. Ngoài sản phẩm chocolate với nhiều hương vị khác nhau thì cần sa còn được hãng này sản xuất dưới hình thức chai xịt miệng, kẹo cao su... Nếu không phải là "dân chơi" thì khó nhận biết đây là ma túy.

Ngoài ra, trên thị trường cũng đã manh nha xuất hiện một loại ma túy mới có tên "nấm thần", một loại nấm thức thần có tác dụng như LSD, dưới dạng tươi và khô. Loại nấm này có nguồn gốc từ châu Mỹ, được bán với giá khá đắt, từ 500.000 đồng đến 800.000 đồng/1 cây nấm. Mặc dù trong thành phần của "nấm thần" có hoạt chất ma túy (psilocybin) nhưng hiện nay nấm thức thần lại chưa được đưa vào danh mục quản lý, chưa có quy định xử lý trong luật hình sự nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng.

Điều nguy hiểm là trên một số diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội, nhiều đối tượng đã mở topic (chủ đề) chia sẻ các trải nghiệm khi sử dụng các chất thức thần để cổ vũ, lôi kéo người sử dụng các loại ma túy dạng mới như "cỏ Mỹ" (thảo mộc tẩm ướp hóa chất có tác dụng gây ảo giác như cần sa), "tem giấy" và "nấm thần". Những câu chuyện "trải nghiệm" được kể khá hấp dẫn như một chuyến du lịch khám phá.

Kèm theo đó là những comment  giới thiệu địa chỉ mua bán những loại ma túy này. Thậm chí, các đối tượng còn truyền bá tài liệu chi tiết hướng dẫn quy trình tự trồng cấy cần sa, nấm thần, cách điều chế, chiết xuất thành phẩm ma túy... và cách sử dụng. Chính điều này đã gây tò mò cho các bạn trẻ  lên mạng đặt mua ma túy để thử "trải nghiệm", hoặc vi phạm pháp luật khi trở thành người phân phối, gieo trồng các loại ma túy này.

Bên cạnh công tác điều tra, xử lý của cơ quan pháp luật thì đây cũng là cảnh báo đối với các bậc phụ huynh trong quản lý  con em mình để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi trên.

Hương Vũ
.
.