Cảnh giác kẹo mút cần sa thâm nhập học đường

Thứ Năm, 29/03/2018, 11:14
Nhìn bề ngoài, chúng là những cây kẹo mút, thanh chocolate trông có vẻ vô hại. Ít ai biết rằng bên trong nó lại chứa ma túy. Những loại ma túy kiểu mới này đã và đang thâm nhập vào học đường, biến nhiều học sinh, sinh viên trở thành con nghiện.

Nguy hiểm hơn “cỏ Mỹ”, loại ma túy này chứa tinh chất cần sa sẽ thâm nhập nhanh hơn, sâu hơn vào hệ thần kinh khiến người sử dụng nó không làm chủ được hành vi...

1. Thời gian gần đây, trong giới dân chơi ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành chuyền tay nhau rất nhiều những loại bánh, kẹo mà được quảng cáo là “chất hơn nước cất”. Đó là những thanh chocolate trông rất ngon lành, những cây kẹo mút có mùi thơm hấp dẫn. Và theo như lời của một đầu nậu thì hơn cả những bánh kẹo bán trên thị trường, bánh này có mùi thơm của chocolate, vị ngọt của nho khô... thực sự là một thứ bánh dành cho những teen “sành điệu”...

M. Tùng, đang học lớp 12 trường THPT T.H. - cũng là thành viên của một nhóm nhảy nổi tiếng của Hà Nội kể với chúng tôi một cách hết sức... hào hứng: “Em và nhóm của mình xài kẹo mút, chocolate cả năm nay rồi. Lần đầu tiên là trong buổi tiệc sinh nhật của một thành viên trong nhóm. Dần dà, mỗi lần “học nhóm” hay tụ tập vỡ bài là mọi người lại góp tiền mua. Ít tiền thì ăn kẹo mút, còn nhiều thì mua cả phong chocolate. Chỉ cần ăn khoảng nửa thanh chocolate, đầu óc tự nhiên hưng phấn, tay chân linh hoạt hơn. Đặc biệt khi có nhạc vào thì nhảy “sung” hơn”.

Cũng theo Tùng, trước kia muốn “fly so high” (“bay” thật cao), các dân chơi thường phải hút cỏ một cách dấm dúi, thông qua việc quấn vào giấy OCB hút như thuốc lá. Việc này nhiều khi khiến cho bố mẹ tưởng là nghiện thuốc lá, sẽ ngăn cấm. Song khi chuyển sang kẹo mút, chocolate có chứa tinh chất thì có thể dễ dàng qua mặt được thầy cô và phụ huynh. Cũng vì thế mà nhu cầu về món này luôn rất nhiều.

Cán bộ kỹ thuật hình sự giám định, phát hiện các loại ma túy dạng mới.

Thông qua Tùng, chúng tôi có được số điện thoại của một đầu nậu cung cấp cần cho khách khu vực Hà Nội. Cô gái tên H.Linh - được mệnh danh là “thánh cần” miền Bắc. Nhắn tin hỏi mua hàng, Linh bảo tôi add Zalo để có gì dễ giao dịch hơn. Nghe chúng tôi đặt vấn đề muốn mua một ít kẹo mút cần để “xõa” trong tiệc sinh nhật sắp tới, Linh “bắt sóng” ngay: “Gì chứ kẹo mút em luôn rất sẵn hàng. Anh mua trên 10 cây em ship nội thành trong vòng 30 phút”.

Thấy chúng tôi bảo sẽ đặt vài chục cây, H.Linh hào hứng hẳn lên. Cô ta khoe hàng của mình nhập từ châu Âu nên chất lượng cực kỳ đảm bảo. Có hai loại kẹo dẹt và kẹo tròn, giá lần lượt là 50 và 70 ngàn/cây. Nếu mua nhiều sẽ được sale 10% cho mỗi đơn hàng.

“Kẹo được làm bằng tinh dầu cần sa, hương vị thì khỏi chê vì chỉ mới ngửi thôi là đã thấy kích thích rồi. Sản phẩm của em được làm 100% từ thiên nhiên, không có hóa chất”. H.Linh cũng trấn an: “Anh yên tâm, sản phẩm của em là hàng xách tay từ Séc, không phải là hàng Trung Quốc như một số thương gia khác. Cần thiết anh lên mạng check mã vạch là ra hết!”.

Linh cho biết hiện nay trên thị trường có rất nhiều sản phẩm được pha trộn cần sa. Hiện đang “hot” các sản phẩm kẹo mút, chocolate, “bánh lười” hoặc rượu cần... Đây đều là hàng xách tay từ nước ngoài về. Do là hàng nhập khẩu nên đảm bảo chất lượng và độ “phê”. Linh cũng cho biết, khách hàng chủ yếu của cô là học sinh THPT. Cũng có những học sinh lớp 8, lớp 9 hỏi mua, nhưng Linh không bán vì... các em còn nhỏ quá!?

Kẹo mút, chocolate có chứa tinh chất cần sa.

Một đầu nậu khác, H.B từng là du học sinh tại Đức thì chuyên về bánh chocolate, “bánh lười”. “Kẹo mút chỉ “phê” được vài giờ. Đang “bay” dở mà “gãy cánh” thì chán chết. Chỉ cần xơi một thỏi chocolate đảm bảo bay cả đêm” - B. khẳng định chắc nịch.

“Hiện em đang có sẵn hai loại chocolate Cannabis caramel mocha và Cannabis dark blueberry. Đây đều là hàng hot nên rất hiếm, nhập về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Mặc dù giá hơi “chát” nhưng anh yên tâm là tiền nào của nấy, đây là loại hàng “phê” nhất. Mỗi người chỉ 1 miếng thôi là phê 6-7 tiếng rồi. Đây là hàng Mỹ, hàm lượng tinh dầu ở trong chocolate này rất nhiều”, B. quả quyết.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường “ngầm” hiện nay kẹo mút cần sa có giá 45-50 ngàn đồng/chiếc; chocolate trộn cần sa giá từ 1,3-1,5 triệu đồng/hộp 180g, kẹo cao su có chứa cần sa có giá 120 ngàn đồng/thỏi 5 chiếc, rượu cần sa (chai 220ml) giá 950 ngàn đến 1,2 triệu đồng.

Để đặt mua, thường thì khách phải có sự giới thiệu từ một người quen của đầu nậu. Tuy nhiên, khi thấy chúng tôi bảo sẽ mua 100 cây kẹo mút với giá 50 ngàn/cây, ship về tỉnh thì H.Linh vẫn ok: “Anh cho xin địa chỉ và số điện thoại, em sẽ gửi xe khách về cho”.

Cũng theo H.B., ngoài việc mút kẹo, xơi bánh chocolate để “bay”, thì nhiều con nghiện của cần sa còn thường sử dụng theo kiểu “gấp đôi”. Đó là vừa mút kẹo vừa hút một điếu cần sa, tạo sự cộng hưởng cho cảm giác phiêu hơn. “Mỗi tháng em tiêu thụ cả trăm cây kẹo cùng vài chục hộp chocolate, ship đi toàn quốc. Chủ yếu giới học sinh sinh viên là chuộng món này. Nhiều lúc còn không có hàng mà bán” - B. khoe.

Cơ quan chức năng kiểm tra một kiện hàng có chứa cần sa được nhập lậu qua đường hàng không.

2. Còn nhớ vài năm trước Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy Công an TP Hà Nội đã lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng và đã bắt được một ổ nhóm chuyên chế ma túy dạng “bánh lười” tại khu vực quận Hà Đông (Hà Nội). “Bánh lười” du nhập về Việt Nam bởi một số sinh viên du học ở nước ngoài, mang công thức về làm bánh tại Việt Nam và bán công khai trên mạng xã hội. Thực chất “bánh lười” là một loại ma túy được chế dưới dạng bánh ngọt.

Nguyên liệu để làm bánh là bột mì, trái cây khô, chocolate... trộn với tinh chất cần sa rồi làm thành bánh ngọt. Theo như lời quảng cáo, “bánh lười” là chiếc bánh ngọt có tẩm cần sa. Bánh này có mùi thơm của chocolate, vị ngọt của nho khô... Giá bán khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bánh. Do có tinh chất cần sa nên khi ăn, chất ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác “phê”, hưng phấn, ảo giác. Người sử dụng sẽ dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ cười. Vì vậy bánh còn gọi là “bánh lười”.

Năm 2016 Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Nam Từ Liêm cũng từng bắt được hai đối tượng buôn bán, tàng trữ cần sa dưới dạng các thanh chocolate. Theo đó về hình thức không khác gì thanh chocolate bán trên thị trường nhưng thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao, trong đó thành phần chính là THC, CBN, CBD là những chất được chiết xuất từ cây cần sa, gây ảo giác cho người sử dụng.

Theo một lãnh đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, cần sa là một loại ma túy thảo mộc nằm trong danh mục bị cấm mua bán, sử dụng. Thời gian vừa qua sau khi lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tăng cường ra quân, triệt phá những đường dây mua bán, vận chuyển cần sa thì tình hình sử dụng cần sa trong nước có dấu hiệu giảm nhiệt. Tuy nhiên, để đối phó với cơ quan chức năng hiện, cần sa lại được mua bán trá hình dưới nhiều tên gọi khác nhau hoặc được trộn lẫn trong các loại thực phẩm như chocolate, kẹo, bánh ngọt, kẹo cao su, rượu... sau đó được rao bán trên mạng Internet.

Khi sử dụng thực phẩm trộn cần sa cảm nhận đầu tiên là nhịp tim nhanh, mất cảm giác thăng bằng và có dấu hiệu mơ màng, bay bổng. Sau đó là cảm giác mệt mỏi lan tỏa khắp cơ thể. Cảm giác này có thể kéo dài trong vòng 2-3 giờ đồng hồ hoặc lâu hơn tùy thuộc vào liều lượng cần sa hoặc hàm lượng của THC trong cần sa hoặc phụ thuộc vào các loại ma túy khác mà người đó dùng kèm. Người sử dụng cần sa lâu ngày sẽ xuất hiện những tổn thương đối với các tế bào não, khiến hệ thần kinh bị suy nhược, rối loạn nhận thức, mất khả năng tập trung, rối loạn trí nhớ, không kiểm soát được hành vi của bản thân, thậm chí sẽ xuất hiện những ảo giác.

Trước đây, cần sa thường xuất hiện tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM thì nay đã mở rộng ra nhiều địa phương trên cả nước. Số người mua bán và sử dụng cần sa cũng tăng lên.

Kẹo mút cần sa được rao bán trên mạng Internet.

Còn theo Thượng tá Bùi Đức Thiêm, Phó trưởng phòng Phòng chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp, Cục Cảnh sát ĐTTP về ma túy, trong cần sa có chứa THC - chất này có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác, hoang tưởng. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp 3-4 lần nhựa cần sa. Mỗi một độ THC tăng lên là làm tăng mức độ lệ thuộc vào cần sa với người sử dụng, chưa kể THC gây biến chứng cho hệ hô hấp gấp 4 lần so với thuốc lá, tạo cho triệu chứng ung thư cũng tiến triển nhanh hơn.

Cũng theo quy định của pháp luật, cần sa luôn nằm trong nhóm một, tức là loại ma túy nguy hiểm nhất, không được chấp nhận trong y khoa và có khả năng gây nghiện cao. Việc mua bán, tàng trữ, sử dụng cần sa là hành vi phạm pháp, nếu bị lực lượng công an bắt quả tang sẽ phải đối mặt với bản án như tội buôn bán ma túy.

Theo đó, người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép cần sa bị phạt tù từ 1-10 năm. Người sử dụng trái phép cần sa dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Nhận biết người nghiện cần sa:

Theo một bác sỹ thuộc Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia, một người nghiện cần sa thường có những biểu hiện như sau: Nếu dùng một lượng nhỏ, con nghiện thường sẽ cười nói nhiều hơn, ăn uống nhiều hơn (do cảm giác đói chi phối). Đồng thời, nhịp tim nhanh hơn, mắt ngầu đỏ...

Còn khi sử dụng liều cao, người nghiện thường có các biểu hiện không ngồi yên được một chỗ mà thấy bồn chồn, cảm giác phấn chấn khác thường. Nghe hoặc nhìn thấy những việc không có thực. Người nghiện cũng thấy lo lắng, sợ hãi; cảm thấy xa rời hoặc tách biệt khỏi thực tại...

Người nghiện cần sa một thời gian thường có xu hướng chuyển sang các loại ma túy “nặng đô” hơn như ketamin, ma túy đá... Điều này hết sức nguy hiểm bởi nó sẽ khiến họ nảy sinh ảo giác, không kiềm chế được hành vi, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.

Yên Chi
.
.