Cảnh giác với “khủng bố mạng”

Thứ Năm, 17/03/2011, 07:25
Cùng với sự phát triển của các ngành khoa học công nghệ và đặc biệt là sự bùng nổ của mạng Internet, chưa bao giờ thế giới lại gần gũi với chúng ta như ngày nay. Chưa kể những thông tin trên mạng đôi lúc đóng vai trò quyết định sống còn trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính, thương mại, an ninh quốc phòng…

Vì thế, sử dụng mạng Internet để tiến hành những âm mưu khủng bố của các tổ chức khủng bố, phản động, cực đoan cũng là điều đã và đang xảy ra, không chỉ trên thế giới mà ngay cả ở trong nước…

Có thể nói, mạng Internet hiện đang giữ một vai trò rất lớn  trong cuộc sống. Mức độ quan trọng của những thông tin được đưa lên trên mạng, khả năng truy cập, khả năng trao đổi dữ liệu và những quyết định dựa vào những thông tin ấy đã khiến người ta ngày càng gia tăng sự lệ thuộc vào mạng Internet. Chính sự lệ thuộc đó đã tạo ra cơ hội để các loại tội phạm tin học nói chung - và tội phạm khủng bố nói riêng - lợi dụng tối đa để hoạt động.

Tại Việt Nam, tính đến cuối năm 2010, đã có gần 23 triệu người sử dụng Internet (một nguồn khác đưa ra con số 27 triệu). Theo thống kê, trong năm 2009, có hơn 1.000 website trong nước bị các nhóm tin tặc (hacker) nước ngoài tấn công, tăng gấp đôi năm 2008. Bước sang năm 2010, hơn 1.200 trang web cá nhân, tổ chức có tên miền VN bị tin tặc xâm nhập, tấn công, cài mã độc, làm thay đổi nội dung - trong đó nhiều trang là của cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước. Ngay đầu năm nay, lại có thêm những trang web bị tin tặc làm tê liệt hoạt động nhiều giờ - thậm chí nhiều ngày.

Còn nếu kể thêm thì trong năm 2010, cả nước đã xảy ra một số vụ nghi ngờ có liên quan đến khủng bố - trong đó có những vụ nổ, đặt thiết bị nổ nghiêm trọng, một số vụ gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email đe dọa, mang tính chất khủng bố mà mục tiêu nhắm vào một số cơ quan nước ngoài đặt trụ sở ở Việt Nam, hoặc đe dọa đánh bom cầu cống, đe dọa đánh bom máy bay. Bên cạnh đó, các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài đưa người, vũ khí về nước, phối hợp với những phần tử cơ hội, bất mãn, phản động trong nước để tiến hành khủng bố, phá hoại mà cụ thể là các tổ chức Việt Tân, đảng Vì dân.

Một số đối tượng phản động lưu vong ở Mỹ dùng mạng Internet tán phát tài liệu hướng dẫn cách chế tạo, cách đánh bom xăng vào các mục tiêu ở Việt Nam, mở "chiến dịch vượt tường lửa" nhằm giúp đám tay chân trong nước truy cập các trang web, hướng dẫn cách chế tạo bom, mìn, cách rải truyền đơn, cách gọi điện thoại, nhắn tin, gửi email khủng bố tinh thần người dân trong nước.

Tuy nhiên, nếu tin tặc coi mạng máy tính là phương tiện để tiến hành các hoạt động như lừa đảo, lấy cắp thông tin, tuyên truyền xuyên tạc, loan tin thất thiệt thì khủng bố mạng lại coi mạng máy tính là mục tiêu tấn công để gây ra các thảm họa. Hãy tưởng tượng một lúc nào đó, khủng bố mạng thâm nhập mạng máy tính của một hãng hàng không, rồi lập trình lại đường bay, hướng bay, cao độ…, hoặc thâm nhập trung tâm điều hành hoạt động của một nhà máy điện hạt nhân, rồi thay đổi các thông số vận hành thì hậu quả thương vong cho hàng nghìn - thậm chí hàng trăm nghìn người là điều khó tránh khỏi.

Vì thế, đấu tranh phòng ngừa, làm thất bại những âm mưu, kế hoạch của các nhóm tin tặc nói chung và khủng bố mạng nói riêng là việc làm rất cần thiết và cấp bách - không chỉ riêng các cơ quan chức năng, mà còn có sự hợp tác chặt chẽ của các ngành, các giới và nhất là tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân. Năm 2004, một nhóm đối tượng ở 11 tỉnh, thành trong cả nước đã soạn thảo email rồi gửi đến một cơ quan nhà nước tại TP HCM với nội dung đe dọa khủng bố, quấy nhiễu.

Kết quả điều tra của cơ quan chức năng sau đó phát hiện những đối tượng này đã sử dụng kiến thức tin học để lấy cắp tài khoản (account) của một số dịch vụ Internet công cộng, rồi đến một số dịch vụ Internet công cộng khác, sử dụng IP mà chúng đã ăn cắp được để truy cập mạng Internet, gửi email nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Năm 2005, trong lúc dư luận thế giới đang hoang mang, lo sợ về phương thức khủng bố bằng cách tán phát bệnh than hoặc chất nổ, các chất độc hại khác thông qua thư từ, bưu phẩm bằng đường bưu điện thì tại Việt Nam, qua triển khai các biện pháp an ninh, các ngành chức năng đã phát hiện một số bưu kiện có dấu hiệu nghi vấn mà theo nhận định ban đầu, có liên quan đến hoạt động khủng bố. Hay như một nhóm đối tượng, sử dụng kiến thức tin học để vào mạng Internet lấy cắp tài khoản của một số người nước ngoài, rồi dùng tài khoản này để mua hàng hóa từ nước ngoài gửi về Việt Nam - chúng lấy tên người mua là những người đang ở trong nước.

Mặc dù cơ quan chức năng kết luận tính chất vụ việc không liên quan đến khủng bố, nhưng với phương thức hành động đó, thì bọn khủng bố mạng hoàn toàn có thể lợi dụng để tiến hành các âm mưu phá hoại nếu ta không phát hiện và ngăn chặn kịp thời.

Năm 2007, lại có đối tượng sử dụng dịch vụ nhắn tin qua mạng của một mạng điện thoại trong nước, đe dọa khủng bố cán bộ cơ quan nhà nước. Đối tượng lấy thông số từ  simcard trả trước của nhà mạng này, rồi thiết lập một tài khoản  trên mạng Internet và dùng tài khoản này để  nhắn tin, chưa kể vài đối tượng khác, gọi điện thoại quấy rối một số cơ quan ngoại giao tại TP HCM.

Gần đây, cơ quan chức năng còn phát hiện một thủ đoạn hoạt động mới của bọn khủng bố mạng. Sử dụng điện thoại di động với simcard trả trước - thường là loại simcard khuyến mãi, không khai báo thông tin cá nhân, chúng nhắn tin đến trung tâm dịch vụ của mạng điện thoại mà chúng đang dùng với nội dung yêu cầu trung tâm gửi email đến một trang web ở nước ngoài (email này đề nghị trang web ấy soạn một tin nhắn theo yêu cầu), sau đó gửi trở lại cho trung tâm dịch vụ mạng điện thoại, rồi trung tâm mạng điện thoại sẽ tiếp tục gửi tin nhắn ấy đến những máy di động của các cá nhân  mà đối tượng đã lên danh sách.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là cả nước vẫn còn rất nhiều những thuê bao di động trả trước (TBTT) chưa đăng ký, thậm chí có người cùng một lúc, sử dụng 3 hoặc 4 simcard của một mạng, dẫn đến nạn quấy rối, khủng bố qua điện thoại ngày càng tăng. Theo một thống kê chưa đầy đủ, có đến 99% số điện thoại dùng để quấy rối, khủng bố người khác là TBTT. Việc truy tìm thủ phạm khủng bố qua điện thoại không phải là việc đơn giản bởi lẽ sự quản lý cơ sở dữ liệu về TBTT của các nhà mạng hiện nay bị buông lỏng. Quy định khách hàng khi mua sim phải xuất trình chứng minh nhân dân đã không được các đại lý bán sim, thẻ thực hiện nghiêm túc, triệt để.

Mặt khác, phần mềm quản lý thông tin TBTT của các nhà cung cấp dịch vụ xem ra vẫn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến việc thông tin khách hàng đăng ký thiếu chính xác, chẳng hạn như  sai số chứng minh nhân dân, sai cả họ tên mà vẫn được chấp nhận.

Như vậy, khả năng suất hiện khủng bố mạng tại Việt Nam là điều có thể, nhất là vừa qua, khi biến động xảy ra ở một số quốc gia, thì các tổ chức khủng bố, phản động lưu vong người Việt ở nước ngoài đã đẩy mạnh việc tán phát tài liệu tuyên truyền, kích động đến những hộp thư điện tử của cá nhân, cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam mà chúng biết. Có thể kể ra đây những "cương lĩnh", "tâm thư" của nhóm khủng bố "đảng Dân tộc" của Nguyễn Hữu Chánh, "lời kêu gọi", “bản hiệu triệu" của tổ chức khủng bố Việt Tân, "tuyên ngôn" của "đảng Vì dân"..., mà mục đích không ngoài việc tạo ra sự bất ổn trong xã hội để chúng nương theo đó, tiến hành bạo loạn, cướp chính quyền.

Vì thế, xây dựng những trung tâm an ninh mạng đủ mạnh để phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời trước các âm mưu khủng bố mạng, kết hợp với sự hợp tác quốc tế để xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý về chống khủng bố mạng, đồng thời nâng cao nhận thức và tinh thần cảnh giác của quần chúng nhân dân, không để các thế lực thù địch, phản động lợi dụng những vấn đề chưa hoàn thiện trong xã hội để tiến hành các hoạt động phá hoại, khủng bố, là những việc làm luôn luôn cần thiết

V.C.
.
.