Cảnh giác với thủ đoạn quấy rối mới

Thứ Ba, 04/05/2021, 20:31
Những ngày vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin nhiều nữ sinh một trường trung học trên địa bàn TP Hà Nội bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội từ những bức ảnh kỷ yếu lớp học mà một nạn nhân đã chuyển cho kẻ biến thái do bị mắc lừa. 

Tính chất phức tạp của sự việc ở chỗ hành vi quấy rối trên không gian mạng với sức lan tỏa không biên giới, đã tác động sâu sắc đến tâm lý các em trước kỳ thi đại học quan trọng. Đơn trình báo đã được chuyển đến cơ quan chức năng, một số tổ chức bảo vệ trẻ em và bình đẳng giới đã vào cuộc, nhưng tình hình vẫn có thể diễn biến phức tạp nếu đối tượng quấy rối không khẩn trương được làm rõ. Sự việc đặt ra câu hỏi cần hành xử thế nào khi phát hiện hình ảnh của mình đã bị sử dụng vào những mục đích xấu trên internet?

Những tin nhắn quấy rối tình dục nhóm nữ sinh

Lấy ảnh kỷ yếu để quấy rối

"Chào em, chị là H…, ở bên công ty Y... Không biết là em có phiền không nếu cho chị xin lại link kỷ yếu của lớp mình. Tại bên chị làm mất cũng như muốn lấy lại để kiểm soát. Chị cảm ơn" - sự việc phức tạp được bắt đầu từ ngày 13-4, khi một tin nhắn rất "sạch" được gửi vào tài khoản facebook của M.N - một nữ sinh trung học trên địa bàn Hà Nội. Tin tưởng đó là tin nhắn của ê-kíp đã chụp bộ ảnh kỷ yếu cho lớp học cuối cấp của mình, đồng thời tự thấy đó là những hình ảnh nghiêm túc và rất đẹp, lưu giữ lại dấu ấn tuổi học trò, nên M.N đã gửi các thông tin theo yêu cầu.

Vài ngày sau, có một tin nhắn đến facebook của M.N, yêu cầu truy cập một tài khoản khác. Khi xem trang này, em bàng hoàng khi thấy hình ảnh của mình bị nhiều người bình phẩm (comment) với những lời lẽ tục tĩu, biến thái, thậm chí còn có nhiều kẻ biến thái bình luận bằng các video clip quay cận cảnh bộ phận sinh dục… Sợ hãi, bối rối, M.N quyết định lờ đi, coi như không biết. Nào ngờ đối tượng không buông tha, liên tục gửi đến facebook của em những tin nhắn có cùng nội dung. Chịu hết nổi, em yêu cầu chủ nick gỡ bỏ hình ảnh của mình xuống, nếu không sẽ trình báo cơ quan chức năng. Sau đó đối tượng đã chặn facebook để ngăn cản em truy cập.

Từ hôm đó, nữ sinh sống trong trạng thái bất an, lo lắng. Cú sốc tâm lý xảy ra đúng thời điểm em cần tập trung cho kỳ thi cuối cấp và đại học sắp tới. Qua tâm sự với bạn bè trong lớp, nữ sinh này được biết không chỉ có mình, mà nhiều bạn có mặt trong bộ ảnh kỷ yếu cũng bị quấy rối với thủ đoạn tương tự.

Khi nhóm nữ sinh này mang vấn đề trên phản ánh với cơ sở giáo dục của mình, thì một phản ứng bất ngờ xảy ra, có người đã trách các em làm ảnh hưởng đến hình ảnh nhà trường(?) Sau sự việc này, một nữ sinh quyết định vượt qua nỗi sợ hãi để công khai việc bị quấy rối tình dục của cá nhân và các bạn trong lớp lên trên trang cá nhân. Dư luận biết sự việc từ đó, kéo theo sự quan tâm, vào cuộc của một số tổ chức xã hội liên quan và cơ quan báo chí. Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam đã tiếp nhận hỗ trợ các nạn nhân trong vụ việc này; Chương trình Giới, bảo vệ trẻ em và hòa nhập thuộc tổ chức Plan International Việt Nam cũng đã lên tiếng về sự việc. Được biết, hiện nhà trường đã thay đổi cách tiếp cận, có động thái thăm hỏi, động viên các học sinh bị quấy rối và đơn trình báo đã được gửi đến cơ quan chức năng.

Luật sư Lê Hồng Hiển

Theo một vị đại diện Tổ chức thúc đẩy bình đẳng giới Việt Nam thì đa số các nạn nhân đang rất lo lắng, bất an và bối rối trong việc tự bảo vệ chính mình. Đồng thời tạm thời họ chưa muốn công khai thông tin về trường học của mình, cũng như từ chối lên tiếng trước báo chí về sự việc vì nhiều lý do khác nhau. 

Một chuyên gia an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đánh giá việc giả mạo nhân viên trong ê-kíp chụp ảnh kỷ yếu để có được thông tin, hình ảnh của các nạn nhân, sau đó đưa lên mạng xã hội với những bình phẩm khiếm nhã, là thủ đoạn mới xuất hiện tại Việt Nam, mặc dù việc quấy rối tình dục trên không gian mạng trước đây đã từng xảy ra. Theo nhận định, kẻ biến thái rất có thể là người cùng trong cơ sở giáo dục với các nạn nhân, không loại trừ là bạn cùng trang lứa. Do những lý do nào đó như ghen tuông, thù tức, ganh ghét… mà có những hành động mang tính chất làm nhục, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của bạn bè. Hậu quả của việc làm trên với các nạn nhân là những tổn thương tâm lý sâu sắc.

Hiểu đúng về quấy rối

Giải thích về hành vi quấy rối tình dục, Luật sư Lê Hồng Hiển (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng vấn đề quấy rối tình dục đã có trong đời sống cộng đồng tại Việt Nam, nhưng thời gian qua xã hội chưa có những nhận thức đầy đủ và có một định nghĩa thống nhất về hành vi này. Mới đây Bộ luật lao động năm 2019 (có hiệu lực từ 1-1-2021) đã đưa ra định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Theo tinh thần của định nghĩa này, có thể hiểu quấy rối tình dục (nói chung) là hành vi có tính chất tình dục, bao gồm cử chỉ, hành động hoặc lời nói của bất kỳ người nào đối với người khác (gồm cả nam giới và nữ giới), mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, nhằm gây tổn thương danh dự và nhân phẩm đối với họ.

Theo luật sư Hiển, hiện tại nhiều người vẫn còn hiểu chưa đầy đủ về hành vi quấy rối tình dục. Họ cho rằng chỉ những cử chỉ như ôm, hôn, sờ mó, đụng chạm cơ thể, tiếp xúc nghiêm trọng… mới là dấu hiệu của hành vi này. Trên thực tế, quấy rối tình dục còn bao gồm cả những lời nói dung tục, khiếm nhã, hay sự cợt nhả tục tĩu, thậm chí là các câu chuyện gợi dục, nhạy cảm về giới, hoặc nhận xét không hay về cơ thể, giới tính hoặc trang phục của một người nào đó. Đôi khi kẻ quấy rối không trực tiếp nói ra, mà có thể sử dụng công nghệ để gửi tin nhắn, email với những lời lẽ quấy rối.

Tin nhắn mạo danh ê-kíp chụp ảnh kỷ yếu lừa nữ sinh

Bên cạnh đó, có những hành vi quấy rối bằng phi ngôn ngữ. Đó là loại quấy rối gồm các hành động không đứng đắn và khiêu khích khiến người bị hại cảm thấy bị xúc phạm và khó chịu. Biểu hiện của hành vi này cụ thể như phát tán và phô bày hình ảnh nhạy cảm, khiêu dâm; gửi thư, những món quà hoặc những vật mang tính chất khêu gợi; có cử chỉ, hành vi cơ thể nhạy cảm và ám chỉ tình dục với đối tượng bị quấy rối. Dạng hành vi này thường có ảnh hưởng tâm lý nặng nề hơn là lời nói.

"Trong sự việc nói trên, đối tượng đã có hành vi sử dụng hình ảnh kỷ yếu của các nữ sinh, đưa lên mạng với những lời dẫn, bình luận khiếm nhã, dung tục liên quan tình dục… Việc làm đó là hành vi quấy rối tình dục. Vì vậy, chủ thể thực hiện hành vi này sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả gây ra đối với các nạn nhân" - Luật sư Hiển bình luận.

Làm gì khi bị hại?

Trong thực tế đời sống, hành vi quấy rối tình dục có thể xảy ra dưới nhiều hình thức, tính chất, mức độ khác nhau. Sự tác động đến tâm lý đối tượng bị quấy rối cũng thật khó đo lường. Có thể cùng một hành vi, cử chỉ khiếm nhã, nhạy cảm liên quan đến tính dục, đối với người này là bình thường, thậm chí được coi là trêu đùa vui vẻ, thì với người khác lại gây ra những tổn thương tâm lý nhất định. Cũng chính vì thế, hành vi quấy rối thường bị bỏ qua do nhận thức khác nhau trong xã hội, đồng thời việc xử lý gặp khó khăn trong việc lượng hóa hậu quả, thiệt hại của hành vi. Bản thân người bị quấy rối đa phần không biết ứng xử thế nào khi bản thân nhận thấy bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm bởi hành vi của người khác.

Tư vấn về cách xử lý tình huống này, chuyên gia an ninh mạng cho rằng trước tiên nạn nhân cần yêu cầu đối tượng quấy rối chấm dứt hành vi xúc phạm mình, vì điều đó làm bản thân cảm thấy bị tổn thương. Nếu đối tượng không dừng lại mà tiếp tục quấy rối với tính chất, mức độ ngày càng tăng, rõ ràng là để xúc phạm danh dự, nhân phẩm mình, thì cần có biện pháp kiên quyết. Trong các cơ quan, tổ chức thì cần phản ánh sự việc với người có trách nhiệm để có biện pháp xử lý. Nếu tình hình không được cải thiện, thì hãy sử dụng công cụ pháp luật. Bằng việc trình báo đến cơ quan chức năng, sự việc sẽ được giải quyết triệt để với chế tài xử phạt thích đáng dành cho kẻ quấy rối.

Trở lại với sự việc các nữ sinh bị quấy rối tình dục bằng bộ ảnh kỷ yếu, có thể thấy các em đã có phản ứng đúng đắn và kịp thời. Trao đổi với chúng tôi, vị đại diện cho tổ chức đang bảo vệ quyền lợi của các em cho biết, ban đầu các nạn nhân thực sự lo lắng, không dám lên tiếng vì nghĩ rằng làm lớn chuyện này sẽ ảnh hưởng tới danh dự của mình. Tuy nhiên, sau khi M.N vượt qua nỗi sợ hãi, quyết định đăng bài viết phản ánh sự việc trên trang cá nhân của mình, đã nhận được cộng đồng quan tâm. Nhiều ý kiến bức xúc, yêu cầu đưa kẻ giấu mặt ra ánh sáng. M.N cùng các bạn đã lập ra một group riêng để bàn luận, thống nhất cách giải quyết sự việc. Trước những động thái mạnh mẽ của nhóm như có đơn gửi cơ quan chức năng, cùng sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và báo chí, sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng, đối tượng đã ngưng việc quấy rối và khoá Facebook.

Mặc dù đến nay chưa tìm ra kẻ quấy rối, nhưng thông điệp M.N chuyển đến cộng đồng được em viết trên trang của mình, cũng chính là điều chúng tôi muốn nói về cách ứng phó khi bị quấy rối trên không gian mạng.

M.N viết: "Quấy rối tình dục luôn đem lại những câu chuyện buồn cho tất cả chúng ta, dù trong hoàn cảnh nào hay cách phản ứng của mỗi cá nhân là khác nhau, các bạn cứ tin rằng những kẻ quấy rối tình dục qua mạng sẽ không thể mãi lẩn trốn dưới nick ảo, chúng sẽ bị trừng trị và nhận những hình phạt thích đáng. M.N hy vọng nếu các bạn không may gặp phải chuyện này, thì cần dũng cảm đứng lên đấu tranh cho bản thân mình, sẽ luôn có những người sẵn sàng ở bên cạnh và giúp đỡ các bạn".

Đào Trung Hiếu
.
.